Thuận dòng

Thứ Tư, 03/08/2016, 16:56
Trên đời thật không gì dễ chịu bằng để cho mọi sự được thuận dòng, "trôi theo tự nhiên".

Có lần ngồi với bạn, vui chuyện, mình kể lại một kỷ niệm hồi mình mới 5 tuổi. Nghe xong, bạn ngạc nhiên: Chịu bác, sao bác nhớ tài thế, 5 tuổi mà nhớ chi li từng chi tiết nhỏ. Mình hơi ớ ra: Không tin à? Tớ còn nhớ cả những chuyện năm tớ mới 3 tuổi cơ!

3 tuổi, ở nhà quê hồi đó, nhất là ở một vùng quê nghèo như quê mình, chả có đứa trẻ con nào mặc quần. Mình không phải ngoại lệ. Suốt ngày cứ nồng nỗng dung dăng dung dẻ ngoài đường. Bắt chuồn chuồn, đổ dế, chơi bắn bi, thả diều lông gà, nặn tượng đất, rồng rắn lên mây… Lê la đất cát bẩn thỉu, nhiều khi bị chim tôm (đầu con chim sưng đỏ), chỉ việc xuống bếp lấy đũa gắp vờ vào chim mấy gắp bỏ bếp than hồng. Vài lần như thế là khỏi tiệt. Kể rông dài một tí để chứng tỏ mình nhớ rất rõ, không bịa. 

Lại còn chuyện này nữa: mình chơi với mấy đứa trẻ ngoài sân, thỉnh thoảng chạy vào nhà, đến bên chiếc chõng tre lật tấm chiếu lên và gọi: "Ông ơi". Ông già nằm dưới tấm chiếu từ từ mở mắt, rên khe khẽ: "Ơi… ơi... Cháu đấy à?". Chỉ thế thôi, rồi mình lại chạy ra sân vô tư chơi tiếp.

Ông già nằm đắp chiếu là ông mình. Ông đang ốm nặng. Chỉ ít ngày sau ông qua đời.    

Murakami, nhà văn Nhật lừng danh, trong cuốn tiểu thuyết 1Q84 hơn nghìn trang cực kỳ hấp dẫn, có chi tiết: nhân vật chính, khi đã trưởng thành, luôn bị ám bởi cái hình ảnh đã in hằn vào óc từ lúc còn ẵm ngửa - hình ảnh bà mẹ đang nghiêng người trong luồng ánh sáng xiên chéo, trật áo cho một gã đàn ông… bú tí. Thấy chưa? Còn đang ẵm ngửa nhé! Nhớ thế mới gọi là nhớ chứ. 3 tuổi là cái đinh.       

Người ta vẫn hay ví đầu óc trẻ con như tờ giấy trắng. Cái gì đã in vào, đã hằn sâu vào là khó xóa lắm. Cái máy tính bây giờ cũng có óc: óc máy, hay ta vẫn gọi là bộ nhớ. Óc người giống óc máy ở điểm này: dung lượng có hạn. Đến một lúc nào đó, dữ liệu nhập vào đầy ứ, muốn nhồi nhét thêm chỉ có nước là xóa bớt cái cũ đi, nếu không thì đành bó tay.

Với óc máy, xóa cái cũ thoải mái, xóa xong nhập cái mới tha hồ. Với óc người, không hẳn vậy. Cái cũ, nhất là những cái đã chiếm chỗ trong óc từ lúc óc còn tinh khôi rất khó xóa, nếu không muốn nói là xóa không được. Cái mới nhập vào cũng vậy, cứ mỗi tuổi lại thêm chậm chạp, khó khăn. 

Cho nên mới có một số người (nhiều hay ít nhỉ?), khi đã "nhập" đầy dữ liệu rồi thì vĩnh viễn dừng lại, không muốn, không thể nhập thêm, cứ thế mà xài cho đến hết đời. 

Theo tuổi tác, những dữ liệu có sẵn trong bộ nhớ của họ mai một dần. Rồi đến một lúc nào đó, sương mù mờ ảo bắt đầu chập chờn dâng lên từ những khoảng trống trong cái "kho" của cải ý thức đã hao hụt đi vì thời gian, làm cho mọi thứ trong đó cũng nhòe mờ theo…

Lúc ấy, điều gì sẽ xảy ra?

                                                                ***

Tháng nào mình cũng phải đến cái phòng khám sức khỏe ở bệnh viện thành phố để lấy thuốc định kỳ. Bệnh nhân ở đây gặp nhau thường xuyên nên khá quen mặt, người nào chưa quen cũng dễ bắt chuyện. Một lần chờ lấy thuốc, mình ngồi cạnh một ông già mặt mũi tươi tỉnh, miệng luôn luôn mỉm cười.

Mình đến sau, ngồi chờ cạnh ông. Chưa nóng chỗ, ông đã nắm lấy cổ tay mình, hỏi thăm rất thân tình:

- Tên gì?

- Dạ, em tên Tiến - Mình xưng hô "anh, em" với ông, kiểu như trong cơ quan, vì biết chắc những người lui tới đây đều đã từng làm việc ở các cơ quan nhà nước.

- Nhà ở đâu?

- Nhà em ở Đoàn Thị Điểm.

- Đoàn Thị Điểm nào?

- Dạ, đường Đoàn Thị Điểm, phường 4, gần chợ Cô Giang ạ. Thế anh ở đường nào?

Ông già không trả lời, chỉ cười cười, mắt nhìn đi đâu.

- Mấy con rồi? - Ông hỏi tiếp.

- Cảm ơn anh. Em được hai cháu.

- Gái hay trai?

- Dạ, một trai một gái.

- Mấy vợ rồi?

Câu hỏi bất ngờ khiến mình suýt bật cười. Bố già này rõ thật vui tính. Mình cũng cười, giơ một ngón tay lên:

- Mới có một thôi anh!

- Nhà ở đâu?

- Dạ… Em ở Đoàn Thị Điểm, phường 4...

Ông già vẫn cười cười, mắt nhìn vô định, đầu khẽ lắc lắc. Mình còn chưa kịp hiểu ý tứ của cái lắc đầu ấy thì lại thấy ông giật giật cổ tay:

- Mấy vợ rồi?

Đúng lúc ấy, một mợ sồn sồn từ cửa quầy phát thuốc đi nhanh lại, một tay cầm bọc thuốc vừa được phát, tay kia nắm lấy tay ông già dìu ông đứng lên:

- Thuốc của ông đây. Xong rồi, về thôi ông.

Nhìn thấy ông già còn nắm tay mình, mợ ấy ghé tai ông nói to:

- Bác ấy ba vợ lận.

 Rồi nhìn mình, cười toét:

- Ông già em đấy. Ngót tám mươi. Lúc lẫn lúc tỉnh. Ông hỏi bao nhiêu vợ mà anh trả lời có ba, bốn bà là ông phấn khởi lắm…

Mình nhìn hai bố con ông già dìu nhau ra cửa. Ông cụ bước những bước ngắn, nét mặt giữ nguyên vẻ "phấn khởi". Được một đoạn bất đồ ông ngoái lại nhìn mình, nháy mắt, phóng ra một câu thật tròn vành rõ chữ:

- Au revoir!  (Tạm biệt -  tiếng Pháp).

*** 

Người có tuổi thích ôn lại những kỷ niệm. S, bạn mình, cũng không phải ngoại lệ. Thỉnh thoảng rỗi rãi ngồi cà phê với nhau, S rất ưa kể chuyện "ngày xửa ngày xưa". Thời mình và hắn còn là hai thằng nhãi ranh sống ở làng, chuyện đánh dậm, kéo vó tôm, câu trộm, chơi khăng, đánh đáo... 

Hắn nhớ cả cái cách dùng mũi dao khoét "lò" khăng thế nào, bày "thượng hạ" trong ván đáo ra sao, mùa lụt trước khi lội xuống đồng úp cá thả rọ cua phải nhẩm đọc câu thần chú nào cho đỉa hẹ không rúc vào bẹn… Lớn lên, cả hai cùng vào đại học, chiến tranh, sơ tán, nhịn ăn "phe" tem gạo lấy tiền đi chơi với tình… 

Tóm lại, bọn mình có với nhau vô số kỷ niệm. Kỷ niệm nào hắn cũng nhớ rành rẽ, tỉ mẩn từng tí một, kể có đầu có cuối, vô cùng sống động. Mình thầm phục hắn. U70 mà trí nhớ tuyệt vời! Nhưng chưa hết. 

Thỉnh thoảng hắn còn khiến cho mình chưng hửng. Ấy là những khi hắn nhắc lại một chuyện lạ hoắc lạ huơ, lạ như mới nghe lần đầu. Chuyện ấy, cứ như lời hắn kể thì mình đã từng trải qua cùng với hắn, sao bây giờ lại quên khuấy đi nhỉ? Quên sạch sẽ. Xóa trắng. Chẳng còn tí ti dấu vết nào trong óc, thế mới tệ. Những lúc ấy mình chỉ còn biết ngồi im, ừ hữ không ra gật không ra  lắc.

Nhưng sau dăm bảy lần hắn làm mình kinh ngạc như vậy, mình sinh nghi: một số không ít những gì hắn còn "nhớ" được, hình như là dữ liệu ảo. Hắn nghe người nào kể lại. Đọc thấy đâu đó trong sách. Hoặc nằm mơ… Bạn đã bao giờ chiêm bao thấy những điều mà khi thức dậy, hoang mang không biết là mơ hay thực chưa? Rõ ràng nơi ấy mình đã đặt chân tới. Rõ ràng chuyện ấy mình đã trải qua. 

Nhưng khi tỉnh hẳn, bạn sẽ thấy những chuyện đã trải qua, những vùng đất quen thuộc ấy không hề tồn tại trong đời sống này - cái đời sống mà trong khoảnh khắc hiện tại, bạn đang nằm trên giường, trong đêm, mở to mắt và suy ngẫm về giấc mơ vừa kết thúc. Chúng chỉ có thể có trong tưởng tượng, hay trong một đời sống khác, một kiếp khác. Với đời sống hiện hữu, chúng là ảo. Bạn mình, tay S kia, cũng rơi vào trường hợp này chăng? 

Một cơ chế nào đó hình thành theo tuổi tác, lơi lỏng cho phép những thứ ảo nhập cư vào bộ nhớ của hắn - bộ nhớ già nua đã bắt đầu hoác ra những khoảng trống. Vậy là ảo biến thành thật. Nửa thật nửa ảo. Thật ảo lẫn lộn. Mèo trắng mèo đen sống chung, mèo nào cũng bắt chuột! Đời bắt đầu vui.

Mình nhớ mỗi lần kể xong một kỷ niệm ảo như thế, hắn lại đắc chí hỏi dồn: "Quên à, quên à? Quên nhanh thế?".

Rồi mỉm cười. Nụ cười ngây ngây, nhưng thật dễ thương.

                                                                   ***

Dễ thương?

Chứ không ư? Làm sao cưỡng lại được tự nhiên, mà việc gì phải cưỡng lại. Trái tự nhiên mới trở thành lố bịch, kệch cỡm.

Mình cũng không thích luôn cái cách "rút lui vào bí mật" của các mỹ nhân và danh tướng, ngẫm kĩ thấy có chút ngậm ngùi, lại ngầm vẻ kiêu kiêu, như ý thức về mình quá trầm trọng (Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu: từ xưa người đẹp cũng như danh tướng, không muốn người đời thấy mình lúc đầu bạc). Ừ thì nhan sắc phai tàn, mặt mũi nhăn nheo, da dẻ khô héo đấy. Đã sao nào? 

Ừ thì hết thời, rửa tay gác kiếm, về nhà đuổi gà cho vợ đấy. Đã sao nào? Sông có khúc, người có lúc. Già chấp nhận già. Hết thời chấp nhận hết thời. Mình vẫn là mình, mình không biến thành kẻ khác thì việc gì phải che giấu, phải đi ở ẩn? Trên đời thật không gì dễ chịu bằng để cho mọi sự được thuận dòng, "trôi theo tự nhiên".

"Trôi theo tự nhiên" - đấy là chữ của nhà văn Nguyễn Khải. Nói đến Nguyễn Khải, lại nhớ lúc ông tuổi đã cao, có lần mình may mắn được ngồi cạnh ông dự lễ khai trương một cơ sở văn hóa văn nghệ. 

Viên quan chức đại diện cho ngành đang biểu dương thành tích của những người tham gia xây dựng cái cơ sở này. Một cán bộ cấp dưới có mặt trong hội trường được "quan trên" điểm mặt. Nghe sếp gọi tên mình, tay cán bộ nọ "dạ" một tiếng rõ to, cuống quýt đứng bật dậy, xô cái ghế đổ kềnh. 

Nguyễn Khải liếc xéo hắn, đá vào chân mình: "Này Tiến! Thằng này còn lên chức to hơn đấy". Mấy năm sau, quan sát bước đường thăng tiến của tay cán bộ kia, nhớ cú đá của bố già Nguyễn Khải, phải chịu bố tinh đời.

Nguyễn Khải sắc sảo, minh mẫn và vô cùng tỉnh táo. Một lần khác, trong hội nghị cộng tác viên báo V, ông đang vui vẻ chuyện trò với mấy người bên cạnh thì được giới thiệu thay mặt anh em phát biểu. Nguyễn Khải ngẩng phắt lên, nói to:

- Thôi để người khác. Tớ lẫn rồi!

Mọi người phì cười vì cái phản ứng tức thì của ông. Ừ nhỉ. Bao nhiêu khách khứa ngồi đây, già có, trẻ có. Toàn những bạn bè đồng nghiệp của ông cả. Trong số họ còn có những cây bút được ông đánh giá cao về văn tài, và đã từng nửa đùa nửa thật: "Thằng này rồi sau sẽ đào hố chôn bọn mình đấy các ông ạ"… 

Sao cứ phải Nguyễn Khải thay mặt nhỉ? Mình lẳng lặng ngắm ông: đôi mắt sáng, nụ cười xởi lởi. Còn lâu ông mới lẫn. Ông không những trôi theo tự nhiên, mà còn lường trước tự nhiên, chủ động ứng xử cho hợp thời.

Ước gì nhiều người trên đời này "lẫn" được như Nguyễn Khải.

28-5-2016

Trần Đức Tiến
.
.