Thư trai - một tâm thái văn nhân

Thứ Năm, 17/01/2019, 17:39
Thư trai - phòng đọc sách, vốn cũng chỉ là nơi để đọc hay lưu giữ sách. Ai nghĩ ra chuyện đặt tên cho những phòng đọc sách ấy, và nó xuất hiện tự thủa nào, tôi cũng không rõ.


Nhưng tôi biết rõ: phần lớn văn nhân sau này chỉ cần có chỗ dung thân, dẫu chỉ là căn phòng bé tầm một trượng cũng có thú vui đặt một tên gọi nào đó cho cái phòng sáng tạo này. Vì thế trai hiệu không nhất thiết phải là nơi đình đài lầu các trang hoàng, có khi chỉ để đánh dấu một địa điểm nho nhỏ, mà có khi cũng chỉ là nơi để lòng mình trông ngóng, hướng về.

Những trai hiệu lớn trong lịch sử

Trai hiệu trở thành một phần của đời sống văn nhân trong quá khứ. Thư trai - trai với nghĩa nơi trai giới, nơi đọc sách để thanh tâm quả dục hay đúng hơn là để gạn lọc mình trước những huyên náo của đời sống. 

Chữ "trai" này được sử dụng khá nhiều và có thể coi là phổ thông nhất như Úy Trai Phạm Sư Mạnh, Ức Trai Nguyễn Trãi, Lập Trai Phạm Quý Thích, Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, Dưỡng Trai Phan Thúc Trực, Y Thanh Trai Miên Trinh, Tồn Trai Bùi Dương Lịch v.v...

Ngoài ra người ta còn sử dụng các từ thay thế khác như đường, quán, các, lâu, hiên, cư, đình, tạ, sào hay có thể sử dụng bằng hai chữ như sơn trang, thảo đường, sơn phòng, tinh xá v.v... số lượng ước chừng 30 chữ khác nhau.

Phòng Vân trai (Phòng mây ) - biển hiệu nhà của Trần Quang Đức.

Đường phần lớn chỉ nơi cao, rộng, còn có hàm ý chỉ phòng học, như Quế Đường Lê Quý Đôn, Cúc Đường Cao Bá Quát (Thiên hạ cứ mang câu “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” gắn vào Cao Bá Quát, tưởng rằng Cao Bá Quát yêu mai nhưng thực tế đấy là câu thơ của người khác. Cao Bá Quát tự đặt tên hiệu cho mình là Cúc đường, Ái Cúc đường).

Hiên cũng được sử dụng tương tự, chỉ hành lang hoặc căn nhà nhỏ, như Giới Hiên Nguyễn Trung Ngạn, Đông Hiên Nguyễn Năng Tĩnh, Cúc Hiên Lê Đình Diên v.v... Tên đình cũng được sử dụng như Hà Đình (Đình Sen) Nguyễn Thuật, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.

Những từ như am, sào, cư cũng được dùng phổ biến làm tên hiệu như Bạch Vân Am (Am mây trắng) Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chuyết Am (Am vụng về) Lý Tử Tấn, Mai Am (Am hoa mai) Nguyễn Phúc Trinh Thận, Lỗ Am Vũ Tông Phan v.v... Chọn sào (cái tổ) làm hiệu thì có Quan Lan sào (cái tổ ngắm sóng) Ngô Thì Sỹ, Lục Vân sào (Tổ mây xanh) Bùi Tự, Ngoạ Du sào (Tổ nằm chơi) Nguyễn Thông v.v...

Nghệ thuật đặt trai hiệu

Tên hiệu khác nhau được đặt tuỳ ý hướng, tư tưởng, sở thích của chủ nhân. Trai hiệu bấy giờ không chỉ là tên gọi vô tri của thư phòng mà là một phần của đời sống tinh thần. Tuy Lý Vương Miên Trinh trong bài tựa Tĩnh Phố thi tập từng viết  rằng vì mong muốn có cái sở đắc vào sự tĩnh lặng của người xưa, để học theo cái tĩnh của người xưa. Miên Trinh tự thấy mình thô thiển, động một chút là mắc sai lầm, chi bằng theo tĩnh, bởi vụng về cho nên sẽ ít lỗi. 

“Do vậy mà lấy chữ Tĩnh đặt tên cho vườn, lại lấy Tĩnh Phố (Vườn tĩnh) đặt tên cho tập thơ”. Vậy cũng đủ để thấy việc đặt tên trai hiệu cũng không hề đơn giản. Một người tài hoa như Tuy Lý Vương cũng phải cân nhắc rất kỹ càng việc đặt tên đó. 

Biển hiệu và câu đối trong nhà Nguyễn Triệu Cơ.

Trai hiệu của các danh sĩ Việt Nam thường không quá cầu kỳ mà thường đơn giản dễ hiểu. Một tên trai hiệu có thể làm ý chí phấn đấu cả đời của người chủ, có khi là niềm yêu thích giản đơn, có khi là những cảm khái của thế cuộc. Văn nhân tuỳ theo ý nguyện của mình mà đặt tên. 

Nhưng những khi có sự đổi thay trong tình cảm, sự nghiệp gia đình hay điều kiện kinh tế biến chuyển cũng có thể thay đổi tên trai hiệu của mình. Chính bởi vì thế trai hiệu còn là tấm gương phản chiếu, đánh dấu tâm thái từng giai đoạn trong đời sống tinh thần của con người.

Trai hiệu có thể biểu thị một đạo lý, hứng thú, hay sở thích riêng của chủ nhân. Cũng có khi là miêu tả cảnh sắc đơn thuần. 

Văn Huệ Vương Trần Quang Triều thời Trần chọn được chỗ ẩn ở am Bích Động, đất Quỳnh Long, mời các văn sĩ đến ngâm vịnh, gọi nơi đó là Cúc Đường… Căn phòng hoa Cúc đó là tên gọi được đặt theo sở thích của chủ nhân.

Có những trai hiệu chỉ mang tính miêu tả cảnh sắc, chỉ đơn giản lấy cảnh núi, sông, cầu đình ở gần nơi mình ở để đặt tên, hoặc hoa lá cỏ cây ở trong vườn, đó là của đất trời sẵn mà thành tên của mình không cầu kỳ vừa đánh dấu địa điểm, lại vừa mang tính tự nhiên. 

Cổ Nguyệt Đường là tên hiệu của Hồ Xuân Hương, đồng thời là tên đặt cho nhà bà ở, chọn Cổ Nguyệt (vầng trăng xưa) là bởi hai chữ cổ và nguyệt, ghép lại thành chữ Hồ.

Trai hiệu miêu tả trí hướng, như Ninh Tốn sử dụng chữ Mẫn (gắng gỏi) Hiên để đặt tên hiệu cho mình. Tự Đức cũng đặt tên trai hiệu cho mình, ví như những công trình tại Khiêm lăng của ông đều chọn chữ Khiêm – chỉ việc tự nhún nhường không khoe khoang - làm chủ đạo như Chí Khiêm Đường hay Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ nơi mà nhà vua đến để ngắm hoa, đọc sách… 

Chuyết Am Lý Tử Tấn - Am vụng về. Vụng về vừa là lời nói tự nhún mình kém cỏi, nhưng cũng hàm ý “Đại xảo nhược chuyết” trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử tức cái thực sự khéo léo thì tựa như vụng về. Nguyễn Phúc Miên Nghi con thứ 4 của Hoàng đế Minh Mệnh cũng là người giỏi làm thơ văn lấy hiệu là Chuyết Viên hàm ý cũng là như vậy.

Trang điểm thư phòng

Tên phòng đã được đặt xong người chủ sẽ nghĩ tới việc viết tên trai hiệu của mình bằng giấy hoặc đục biển gỗ để treo lên. Có khi tên trai hiệu do chủ nhân tự viết, tự treo, nhưng đại đa số đều không tự mình đề hay viết mà nhờ danh nhân hoặc người giỏi chữ, hoặc là người bạn thân thiết của mình viết lên. 

Việc lựa chọn người viết hay lối viết cũng đánh giá được gu thẩm mĩ của chủ nhân là người phóng khoáng hay chặt chẽ, là người cẩn trọng hay xuề xoà. Những tác phẩm thư pháp ở Việt Nam phần lớn vẫn lấy lối chữ Khải (vuông vắn chuẩn mực) hay lối chữ có hơi hướng chữ Hành (chữ viết nhanh chóng), rất ít các chữ viết theo lối chữ khác.

Có được một bức chữ đẹp, chế tác tốt để treo ở trong nhà, nơi chính giữa phòng mình, hay nơi nào bắt mắt nhất là một điểm nhấn quan trọng của không gian kiến trúc cổ. Một biển nhỏ ở trong nhà vừa tăng sự cổ kính cho căn phòng. Trai hiệu như một lời nhắc nhở người chủ cũng như làm cho người khách hiểu chủ hơn, cũng là phương tiện để kết nối giữa người với người.

Phòng Vân trai.

Biến thiên tên gọi

Cùng với sự thay đổi của lịch sử, trai hiệu không còn là sản phẩm đặc thù chỉ có riêng văn nhân, trai hiệu cũng không chỉ là thư phòng nữa. 

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhiều người vì kinh tế mà chuyển sang đi buôn bán, nhưng tâm thái cũ vẫn không đổi thay, bèn mang cả những tên trai hiệu của mình đặt tên cho cửa hàng, cửa hiệu, biến trai hiệu thành Biển hiệu. 

Các tiệm in sách nổi tiếng có thể kể đến như Liễu Văn Đường (1833-1923), Phúc Văn Đường (1811-1842), Quảng Thịnh Đường (1833-1914) Tụ Văn Đường (1879-1881), Thịnh Văn Đường (1842-1928) Đồng Văn Đường (1826-1898) đều là xuất phát từ tên trai hiệu mà có. 

Tâm lý dẫu có buôn bán vẫn phải giữ được cốt cách của văn nhân, hoặc nếu không thì cũng coi đó là phương tiện để truyền đạt tâm thức của công việc mình đang làm.

Buổi tân thời vẫn có nhiều khách bút nghiên nặng nợ, theo lệ cũ, phỏng cổ nhân đặt trai hiệu như Vân Trai (Phòng mây) Trần Quang Đức, Huyền Phương các chủ nhân (Gác treo hương) - Châu Hải Đường Lê Tiến Đạt, Mai Đình Đinh Thanh Hiếu, Cúc Hiên Lê Phương Duy, Tháo Quan cư Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Thập Niệm tinh xá Nguyễn Tử Nam…

Trai hiệu của văn nhân là một phần của lịch sử, là ô cửa nhỏ để nhìn về tâm thái của văn nhân Việt Nam trong quá khứ chứ không chỉ đơn thuần là cái tên không. 

Trai hiệu có khi chỉ đơn thuần là để ghi cảnh, ghi địa điểm nơi tác giả cư trú, nhưng hơn hết nó là những mong muốn, sở thích của tác giả. Lịch sử có khi là dòng suối, có lúc là cơn lũ, sự kế thừa bao giờ cũng phải được xây dựng trên nền tảng của sự thấu hiểu để sẻ chia.

Nguyễn Sử
.
.