Thư tình không gửi

Thứ Hai, 28/11/2011, 15:40
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày…
Em thân yêu! Anh tìm em đã chồn chân, gấu quần đã bạc, vai áo đã sờn, bụi đường lấm lem mày mặt nhưng vẫn không quên được những xa xăm. Mẹ dạy anh, hay quên chân dài đ,i yêu chân ngắn cũng được. Anh nghe lời mẹ dạy, cưới một cô vợ ngắn chân. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần xem truyền hình, mỗi lần xem báo mạng, nhìn thấy em cười mãn nguyện, anh lại bật khóc vì nhớ thương…

1. Em vừa ra khỏi biên giới, tham gia vào một cuộc thi nhan sắc trở về. Anh dối vợ, cầm cái đồng hồ cũ, bán luôn cả cái điện thoại cùi bắp, mượn thằng bạn thân cái xe tay ga hiệu Nouvo đời đầu… hăm hở ra phi trường đón em. Biết phận mình, anh chỉ đứng ngoài xa nhìn với.

Em xinh tươi hơn ngày xưa, em cười hơn cả mùa thu tỏa nắng, em không phải là cô hàng xén răng đen. Răng em trắng đều tăm tắp như hạt ngô non. Nhớ có lần mình ngồi ăn phá lẩu trước cổng trường đại học cũ, em bảo: “Sau này có tiền, em sẽ có được nhiều thứ”. Anh học đòi thi sĩ nửa mùa, ngâm “Đành lòng bán cái vàng đi/ Để tay cầm cái nhiều khi không vàng”. Thoáng chốc ngày ấy  đã trôi xa.

Gã đàn ông được gọi là đại gia đón em trên chiếc xe bóng loáng, anh nghe tay bảo vệ sân bay bảo rằng có giá trên 5 tỷ đồng. Anh bần thần ngồi ở băng ghế đợi người thân nơi phi trường, thời gian lướt qua lúc nào chẳng biết, vẫn lẩm nhẩm mãi câu vô nghĩa “Lương mình mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, đưa cho vợ tháng nào bị cằn nhằn tháng đó. Giờ xe 5 tỷ, tính là tính làm sao?”. Thở dài một tiếng, len lén bỏ đi.

Em lên báo, em nói cuộc thi em tham dự rất hay, rất thân thiện. Anh nuốt từng câu, từng chữ của em. Anh ao ước mình đủ thông minh hay lì lợm để có thể trở thành nhà báo. Có làm gì đâu, chẳng qua chỉ muốn nhìn lại em bằng xương bằng thịt một lần cuối với khoảng cách vừa đủ gần để thấy cái nốt ruồi duyên ơi là duyên trên má phải của em. Nốt ruồi mà ngày đó, ngồi ở quán cóc vỉa hè, anh mải ngắm nhìn quên cả lá vàng rơi.

Anh chưa kịp mừng nỗi mừng của em, anh chưa kịp vui nỗi vui của em, anh chưa kịp bật dậy vỗ tay trong phòng chờ phỏng vấn xin việc làm mới vì nghe tin em lọt vào top 15 những người có nhan sắc, thì có tin bất an từ phương xa báo về. Người ta nói đó là cuộc thi vớ vẩn.

Minh hoạ: Lê Phương

Mấy ông nằm trong ban giám khảo hiện nguyên hình là dê núi, loại dê núi đúng nghĩa. Thí sinh không chấm nhan sắc, chỉ chấm mức độ phục vụ đêm về. Rồi cả chuyện em ăn không đủ no, ngủ không đủ ấm… Nhiều người đẹp hợp chủng quốc đã bỏ về để phản đối. Duy chỉ còn lại mình em. Em vẫn tươi cười nói về cuộc thi ấy, một cách viên mãn.

Em thương yêu!

Anh phận mỏng, không dám nghĩ đến chuyện phong hoa tuyêtë nguyệt, gió dập mưa vùi. Lại càng không dám hình dung đến cảnh, người đẹp nước khác không chịu nổi lời nói sàm sỡ, hành vi trụy lạc đã bỏ về.  Còn em, vẫn kiên trung ở lại đến ngày cuối cùng.

Là sao hả em?

Là người ta đòi thì em chịu, người ta muốn thì em cho, người ta xin thì em ban phát, hả em?

Ôi, xa vắng của anh! Ngày bạn bè gọi mình là tình nhân. Tay em, anh không dám cầm; má em, anh không dám chạm; tóc em, anh không dám vuốt... Thậm chí, ngay trong suy nghĩ của một gã thanh niên thiếu thốn, anh cũng để dành.

Có những lần đến ngày hẹn hò, túi rỗng không, anh thập thò như thằng đói cơm trước cửa phòng trọ. Gặp em chỉ để nói mỗi một câu, hôm nay anh bận đi làm thêm, ngày mai sẽ đưa em đi chơi bù, nhé. Những khi đó, về lại phòng trọ, thằng bạn thân lại cho anh nghe đoạn nhạc chế bi thương: «Cuộc đời anh sinh viên, hết tiền nhà lại nghèo, người yêu cứ đòi hỏi nhiều. Không có cho em, nên anh đành bốc phét, rằng dăm ba năm nữa, là anh sẽ có nhiều tiền...».

Rồi gã đến mà không hẹn trước. Gã bốc em ra khỏi cuộc đời anh không khoan nhượng. Nước mắt anh đã ướt giảng đường vì nhớ em, cổ họng anh đã khô cháy vì gọi tên em, tay anh đã rã rời vì níu giữ em... nhưng em đã rời khỏi vòng tay anh không điềm dự báo, không hẹn ngày về.

Từ một kẻ hăm hở bước vào đời. Anh đâm ra hoài nghi tất cả. Nhưng anh không cam chịu, cố gắng hết sức mình, anh gọi điện thoại cho em, chỉ để hỏi tại sao? Tiếc là em không trả lời vào trọng tâm, mà lại nói bảng lảng như khói như sương. Ở đời có nhiều nỗi nhục. Không có tiền cũng là một nỗi nhục.

Ôi, làm sao anh có thể nói gì thêm.

2. Gã đóng vai là ông chủ trẻ. Gã bảo với em, anh không kinh doanh gì cả, anh chỉ kinh doanh danh hiệu, ý em là làm sao? Mắt môi lúng liếng, em về với người.

Gã không dài người bằng anh. Gã không nam tính như anh. Gã không là cử nhân như anh. Gã không có gì bằng anh cả, ngoại trừ, gã nhiều tiền hơn anh. Gã yêu cầu em không được hỏi nhiều, gã muốn em cho người ta ngắm những gì em cần phải gìn giữ. Gã đưa em từ cô sinh viên năm nào thành nữ hoàng phòng the.

Gã cho em học lái xe bốn bánh. Gã sắm cho em, hay gã bắt em tự kiếm tiền mua lấy chiếc xe hơi hai cửa, rồi gã ấn em ngồi trước vô-lăng làm tài xế cho gã. Hôm anh ngồi uống rượu ké nhân dịp thằng bạn vừa trúng số giải khuyến khích ở quán nọ, thấy em quần ngắn áo bó, lái xe hơi chở gã đến quán. Tim anh thắt lại như có ai đang dùng thòng lọng siết cổ mình. Anh không thở được, ly rượu đắng nghét. Anh khóc mà em đâu có hay.

Vợ anh biết chuyện, bảo với anh là, may mà anh lấy được cô ấy, chứ giả như anh lấy em, thì đời anh sẽ ra bã. Ra bã hay ra xác mía, anh không quan tâm, anh chỉ biết trên con đường anh đi không có dấu chân em. Trên con đường em đi không có khuôn mặt mốc của anh.

Gã bắt tay với những người bạn, mà anh nghĩ là cũng không đàng hoàng như gã. Tiền nhân dạy anh, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là vì vậy. Họ tổ chức cuộc thi nhan sắc tận bên xứ cao bồi bắn nhau. Họ mang em như mang hành lý xách tay. Họ cầm em như tiểu thư đeo trang sức. Họ bắt em mặc áo dài, họ muốn em vận đồ tắm. Họ bắt em xoay bên này, họ nói em ngửa bên kia. Nghiêng ngửa đủ kiểu, họ cho em làm hoa hậu.

Em đăng quang trở về, chưa kịp hoa tung người đón, người ta đã chào đón em bằng màn chữ nghĩa hội đồng. Người ta điều tra ra cuộc thi đưa em lên ngôi hoa hậu chỉ là cuộc thi hội chợ, kiểu như ngày xưa hai đứa mình từng đi xem. Hội chợ được dựng dã chiến ngay cạnh bãi đất trống, có màn bọ chạy số, phóng phi tiêu, ném banh... Và cả một vũ đoàn giới tính khó phân biệt, hát nghêu ngao: «Cờ ra con mấy, con mấy gì đây, con số gì đây... Tề Thiên Đại Thánh đánh với Hồng Hài Nhi, Bát Giới ở ngoài vừa ăn vừa ngốn, con hai mươi bốn... Con hai mươi bốn, rồi cờ ra con mấy, con mấy gì đây, con số gì đây...».

Em tủi phận mình, em khóc. Anh thương đời anh, anh rơi nước mắt. Chỉ có cái gã ấy vẫn cười nói hớn hở như tướng quân thắng trận. Gã khuyên em, lau nước mắt đi, khóc lóc gì như nhà có tang ấy. Em cứ xem như là mất hạt vừng, được quả dưa hấu, mất con cừu được con ngựa, mất vàng nhặt được kim cương...

Rồi gã có cho em được nghỉ ngơi đâu. Gã bắt em tạo dáng trong phòng ngủ, gã dùng máy chụp ảnh bấm bên này, ghi hình bên kia. Xong ai đó hoặc cũng có thể gã quẳng lên mạng, người ta nhào vào truy ra khả năng rất cao kẻ không mặc áo uốn éo trước ống kính chính là em.

Em lại khóc, anh lại đau lòng. Chỉ có gã dửng dưng bảo em, lau nước mắt đi. Em mất nhân phẩm nhưng đổi lại được danh vọng, em có lỗ gì đâu(?!). Nhân phẩm có cho em show diễn không, nhân phẩm có cho em nổi tiếng không, nhân phẩm có cho em lên máy bay xuống xe không, nhân phẩm có cho em nay áo hiệu này, mai túi xách hiệu nọ không...

Ôi, làm sao anh có thể nói gì thêm.

3. “Đại gia là cái chi chi/ Mà sao ai cũng nhiều khi... muốn làm”. Anh không biết đại gia là ai, anh cũng chẳng hiểu định nghĩa về đại gia như thế nào, mọi thứ với anh mơ hồ quá. Anh đọc nghìn quyển sách, anh lướt nét hàng vạn vạn giờ, mới lờ mờ hiểu được đại gia đại khái là kẻ lắm tiền.

Không ai quan tâm đến học vấn của đại gia. Không ai quan tâm đến nhân cách của đại gia. Không ai để ý đại gia có phải là người văn hay chữ tốt. Không ai lại quan tâm đại gia có phải tử tế đàng hoàng. Người ta muốn đại gia chỉ cần biết cách xài tiền sao cho mang phong cách của đại gia.

Mà tiền đâu đại gia lại lắm thế, hả em? Cảm giác đại gia sinh ra đã mang theo tiền từ kiếp trước. Ít ai biết đại gia kiếm tiền bằng cách nào, người ta chỉ phỏng đoán xem đại gia có được bao nhiêu tiền.

Cái bọn lắm chuyện ở nước ngoài rảnh rỗi rủ nhau tụ tập đông người đòi đánh chiếm con phố ngoại tệ. Họ không đồng ý hàng triệu người thu nhập không bằng một người. Anh đọc báo, thấy vậy chỉ cười bâng quơ. Bọn ngoại quốc không biết gì, cứ sang nước mình, sẽ hiểu cảnh một tỷ người kiếm tiền không bằng một người. Vậy mà có ai ganh ghét để tụ tập phản đối đâu.

Em yêu thương !

Anh không hận đại gia, anh cũng không trách đại gia. Dẫu có nhiều lúc, nghĩ về tình cảnh bèo bọt của mình, anh đã có ý nghĩ sẽ bịt mặt bằng áo ngủ để xử lý tay đại gia ấy.

Anh cũng không hận em, anh không trách em. Anh biết em cần có một vị trí tương xứng với nhan sắc của em. Cuộc đời là của em, em có quyền chọn cho mình một lối đi. Người ta có thể đá thúng đụng nia với em, nhưng em đẹp, em có quyền. Em đừng quan tâm làm gì đến lời của bọn họ, em nhé.

Anh chỉ mong em luôn nhớ rằng, trên con đường em đi, luôn có ánh mắt của anh dõi theo. Và bất kỳ khi nào, ở đâu, làm gì, đói nghèo hay no đủ, sung sướng hay hàn vi, quan chức hay thường dân, có vợ hay cô đơn, mạnh khỏe hay bất lực, buồn bực hay đang cười... anh đều cầu chúc cho em hạnh phúc.

Anh luôn tin rằng vào một ngày nào đó, anh sẽ được gặp em để đọc cho em một đoạn thơ buồn: «Dẫu biết rằng tình mình dang dở/ Nhưng vẫn mong được ăn phở cùng em».

Gửi đến em vạn lời yêu thương.

Đồng gửi đến đại gia của em nhiều điều chúc may mắn.

Anh của em một thời nông nổi

Ngô Nguyệt Hữu
.
.