Thoát bẫy công nghệ để tìm mình

Thứ Hai, 24/05/2021, 22:35
Một người bạn nhắn tin: “Khả năng tập trung vào một việc trong nhiều giờ là một thói quen ngày càng hiếm trong thời đại di động và trực tuyến của chúng ta. Nhưng chính kỹ năng này là cần thiết cho bất kỳ sự đột phá nào về trí tuệ, sáng tạo hoặc tinh thần. Tương lai thuộc về những người có khả năng miễn nhiễm với các loại bẫy công nghệ được giăng ra để bắt sự chú ý, và giữ được khả năng tập trung trong một thời gian dài”. Đọc xong thấy hay quá. Bạn mình viết hay quá.


Rồi bạn nhắn thêm tin thứ hai: “Phát biểu của tỉ phú đấy!”. Người bình thường nói những điều trên đây đã rất có giá trị, nhưng tỷ phú nói thì giá trị tăng gấp bội. Lên mạng tìm hiểu mới biết, đấy là tỷ phú người Nga Pavel Durov, người được ví như “Mark Zuckerberg của Nga”, hiện đang điều hành Telegram, một ứng dụng tin nhắn bảo mật có tới hơn 500 triệu người dùng mỗi tháng. Cũng giống như Mark Zuckerberg, Pavel Durov chắc chắn là một ông trùm công nghệ. Là một ông trùm công nghệ, thế mà lại bảo “Tương lai thuộc về những người có khả năng miễn nhiễm với các loại bẫy công nghệ” - đáng phải suy nghĩ lắm thay!

Đầu tiên là suy nghĩ về chính hành vi của mình.

Xem nào mở mắt, việc đầu tiên mình làm là quờ tay tìm điện thoại. Việc đầu tiên khi cầm điện thoại là vào facebook, gmail xem có tin tức, thư từ nào mới liên quan đến mình không. Bây giờ, nghiệm lại lời tỷ phú mới biết, hoá ra nó là một cái bẫy.

Việc thứ hai khi cầm điện thoại là vào ngay các trang web, xem tin tức thế giới, trong nước có gì mới mẻ không. Nếu có một tin gì mới, hay, hấp dẫn thì sẽ không ngừng truy cứu các đường link liên quan. Cứ như thế đến 15-10 phút, và phải đợi tới khi một thành viên trong gia đình nhắc nhở mới biết: Thôi chết, mình chưa đi đánh răng! Nghiệm lại toàn bộ quá trình này mới thấy nó cũng chính là một cái bẫy.

Nhưng giá mà chỉ dừng lại ở đấy thì cũng chưa đến nỗi nào, đằng này trên đường đi làm, gặp đèn đỏ, dừng xe, việc đầu tiên cũng là cho tay vào túi, lôi ra cái điện thoại, và lại mở faecbook, gmail xem có thông báo mới nào không.

Đến trưa, đi ăn cùng đồng nghiệp, việc đầu tiên khi đối diện với thức ăn cũng là rút điện thoại ra chụp ảnh check-in.

Thế đấy! Và bây giờ ngẫm lại mới thấy toàn bộ những việc tưởng là tất, lẽ, dĩ, ngẫu ấy hoá ra cũng chính là một cái bẫy. Và mình, một người trưởng thành, một người có nhận thức xã hội, một trụ cột trong gia đình đã sập bẫy như một con mồi non nớt.

Tỷ phú bảo, đấy là “bẫy công nghệ”. Đến đây phải nghiêm túc suy xét: vậy thì bẫy công nghệ đã lấy của ta những gì? Tiền bạc ư? Không hẳn, vì vài chục phút dùng mạng, vài chục phút truy cập Internet cũng chẳng tốn tiền là bao. Cái tốn nhiều người hình dung nhất trong những trường hợp này chính là tốn pin điện thoại. Nhưng hết pin thì lại sạc pin. Thời đại này, người ta còn phát minh ra những cục sạc đa năng, nhiều người có thói quen cầm cục sạc theo điện thoại 24/24, nên sự tốn kém này dễ bề khắc phục.

Vậy rốt cuộc, bẫy công nghệ đã lấy của ta điều gì lớn nhất? Nếu hỏi những chuyên gia kinh tế, câu trả lời sẽ là: sự chú ý! Đúng thế, bẫy công nghệ đã “đánh cắp” không thương tiếc, “đánh cắp” vô tội vạ, “đánh cắp” mọi nơi, mọi kiểu, mọi cách sự chú ý của chúng ta. Nên nhớ, với các nhà kinh tế học, sự chú ý của mỗi người cũng chính là một dạng tài nguyên. Ai khai khác tốt nguồn tài nguyên đó sẽ thành công, ai bị khai thác nguồn tài nguyên đó sẽ thất bại. Và trong trường hợp này, chúng ta – những người bị khác thác đã thất bại. Nhưng sự khai thác tinh vi đến mức nhiều người chúng ta cũng không nghĩ đó là thất bại.

“Trong một thế giới giàu thông tin, thông tin dư thừa hàm nghĩa thiếu vắng một vài nhân tố: khan hiếm thông tin tiêu dùng. Hiển nhiên thông tin nào được người tiêu dùng chấp nhận sẽ chiếm sự chú ý của người tiếp nhận nó. Do đó việc dư thừa thông tin sẽ tạo ra trạng thái nghèo nàn sự chú ý, cần thiết phải phân bổ hiệu quả sự chú ý giữa những nguồn thông tin dư thừa mà người tiêu dùng cần”. Nhà kinh tế học Herbert Simon đã viết những dòng này từ những năm 70 của thế kỷ trước. Thời ấy đương nhiên máy tính chưa phổ cập, Internet chưa phổ cập.

Cho nên sự chú ý ở đây thường gói gọn trong những tương tác giữa con người với những kĩ thuật và những sologan quảng cáo. Chẳng hạn nhãn hàng nào muốn thành công phải thiết kế được những kĩ thuật quảng cáo chất lượng, những chiến dịch quảng cáo “ăn tiền” và những Sologan quảng cáo khiến khách hàng không thể bỏ qua. Nhưng trong thời đại “số hoá” hiện nay, kỹ thuật “lấy cắp” sự chú ý của khách hàng tinh vi hơn nhiều. Một Sologan hấp dẫn ư? Thường thôi, vì bạn đã quá quen với những Sologan “thử kêu đốt xịt”, và có thể đã trở nên chai lỳ với nó. Bây giờ người ta có thể đánh cắp sự chú ý của bạn bằng cách cá thể hoá những thông tin quảng cáo.

Ví dụ một ngày đẹp trời, đột nhiên bạn thấy trên facebook cá nhân xuất hiện những dòng quảng cáo về một chiếc vòng đặc biệt phù hợp với những người tuổi Mùi. Bạn sinh năm 1991 – tuổi Mùi, vậy bạn có ít nhiều chú ý tới những thông tin về chiếc vòng rất phù hợp với mình hay không? Bạn sẽ hỏi tiếp: Mà tại sao chiếc vòng “dành riêng cho người tuổi Mùi” lại rơi trúng vào facebook của một người tuổi Mùi như mình?

Chẳng phải khi thiết lập facebook bạn đã khai báo đầy đủ những thông tin cá nhân của mình đó sao? Và nữa, cách bạn viết facebook mỗi ngày sẽ giúp những thuật toán siêu thông minh đánh giá bạn một cách tương đối chính xác, từ đó tung vào bạn những dạng quảng cáo được cá thể hoá, phù hợp tương đối chính xác với con người bạn. Hãy nhớ các công ty cung cấp dịch vụ mạng mà chủ yếu là thông tin như Facebook, Google, Amazon, Alibaba, Tencent, Baidu, Zalo… là bậc thầy trong việc “đánh cắp” sự chú ý của chúng ta.

Mà nói là “đánh cắp” vậy thôi, chứ thực tình bạn đang tự nguyện cống nạp sự chú ý của mình cho công nghệ đấy chứ! Quy trình ở đây chính xác là: công nghệ tạo ra những cám dỗ, và bạn không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ, nên tự nguyện cống nạp hoặc tất cả, hoặc một phần nào đó sự chú ý của mình. Hậu quả là gì? Khi vừa lái xe vừa thi thoảng liếc mắt vào điện thoại, liệu bạn có lái xe an toàn được không? Khi vừa làm bài tập vừa hồi hộp với những cái like mới hoặc những dòng comment mới cho một bức ảnh mình vừa “cúng phây”, bạn có thể tập trung tối đa vào bài tập được không? Khi cứ 5 phút rút điện thoại, 10 phút check không tin, chất lượng cuộc sống của bạn liệu có ổn định không? Ai đó bảo: công nghệ khiến những người ở xa được gần nhau và đẩy những người ở gần ra xa nhau, vậy thì phải làm gì để có thể dành sự chú ý tối thiểu cho những người ở gần mình, trong gia đình bé nhỏ, thân yêu của mình?

Câu chuyện không chỉ là sự phân tán, mà còn nằm ở chỗ, khi bạn chìm đắm vào những hệ sinh thái do người khác tạo ra, say sưa với những điều người khác viết ra, thậm chí bị dẫn dụ bởi những điều mà những KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) định hướng thì bạn có còn là chính bạn nữa không? Có thể tư duy, nghiền ngẫm một vấn đề nào đó cho đủ sâu sắc, theo đúng cách của mình không?

“Tương lai thuộc về những người có khả năng miễn nhiễm với các loại bẫy công nghệ được giăng ra để bắt sự chú ý, và giữ được khả năng tập trung trong một thời gian dài” – nhận định của tỷ phú Pavel Durov đúng một cách sâu sắc. Điều chúng ta đúc rút từ đây là phải tìm cách thoát bẫy, thay vì cứ triền miên sập bẫy. Điều chúng ta có thể hành động là ngay từ lúc này phải thiết kế một kế hoạch thoát bẫy, có thể bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất như kiên quyết không mang điện thoại vào phòng ngủ, rồi tiến đến những điều khó hơn như hãy dành ít nhất một ngày trong tuần không dùng điện thoại. Thử xem, và sau vài tuần hãy tự trả lời: Cuộc đời mình có dễ chịu và sâu sắc hơn không?

Cái bẫy nào cũng nguy hiểm, nhưng cái bẫy nào cũng có thể bị phá bỏ. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ bản lĩnh không thôi.

Phan Mỹ Chí
.
.