Tản mạn lúc ru con

Thứ Năm, 27/09/2018, 15:57
Thời còn trẻ, đọc sách nghĩ một đằng; lớn lên một chút, đọc lần nữa, lại nghĩ qua kiểu khác.


Trước kia, đọc truyện ngắn Thạch Lam, không thích lắm. Hầu như chẳng có tình tiết xung đột gì ghê gớm, gay cấn, hồi hộp. Phải là Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… thì mới đã, mới sướng. 

Bởi vì rằng, tình huống ấy dữ dội khiến đôi lúc phải phì cười cay đắng, phải ngậm ngùi dào dạt. Thế rồi, vừa đọc lại Thạch Lam, bỗng dưng xao xuyến không nguôi. Tại sao trước đó, lại không cảm nhận? Câu chuyện này thật, rất thật, y mới vừa trải qua nên thấm thía quá đi mất.

Có một điều vừa nghĩ lại

Rằng, vợ chồng Tân vừa có đứa con đầu lòng. “Tân cúi xuống giường vợ chàng đương ngồi, và hai tay giữ chân đứa bé đặt nằm trước mặt. Hai bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé đang cọ quậy, giơ lên giơ xuống, hai con mắt bé lờ đờ, như hơi ngạc nhiên nhìn. 

Vợ chàng sung sướng hỏi: “Có phải nó nhớn hơn hôm nọ nhiều không?”. Nàng giơ ngón tay cho đứa bé nắm rồi tiếp: “Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!”. Ơ hay, Thạch Lam viết cho chính y đấy chăng? Một cảm giác, một nhận xét mà y vừa trải qua. 

Rõ ràng, lúc ở Từ Dũ, có lúc đang khóc, con bé đỏ hỏn đầu lòng cũng nắm chặt tay y, chẳng khác gì. Ở Thạch Lam là sự tinh tế. Nếu không, sức mấy ông có thể viết những trang bàng bạc cảm xúc, tình cảm dịu vợi qua Hà Nội 36 phố phường.

Thêm chi tiết này nữa: “Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ: “Em đâu?”. “Nó ngủ, cái gì thế?”. “Tôi có cái này hay lắm”. 

Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ. Vợ chàng vội nói: “Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong”. 

Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười. Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy. Ai đã làm chồng, làm cha lại không trải qua giây phút ấy?

Có một điều, nghĩ lại, buồn cười thật. Đại khái, lúc còn trẻ, chưa lập gia đình, nhiều người tự nhử: “Sau này, con mình do vợ mình đẻ ra, phải thế này, phải thế kia”. 

Tức phải cỡ ông này, bà nọ mới xứng với danh phận, ước mơ to tát của đời mình. Nhưng rồi, lúc ngồi trước phòng đợi, chờ vợ vào sinh, trăm người như một đều quên béng đi cái khát vọng ngông nghênh và đáng yêu đó. 

Vậy, lúc đó họ nghĩ gì? Y đồ rằng, họ chỉ nghĩ đến bốn chữ “Mẹ tròn con vuông”. Chỉ cần được như vậy, đã là hạnh phúc, là món quà vô giá.

Với mỗi giai đoạn cuộc đời, món quà vô giá ấy cũng khác nhau. Trước kia, với y, chỉ có sách. Tìm mua, được tặng một quyển sách hay là nâng niu trum trủm, khẽ lật từng trang, suốt ngày ngắm nhìn mãi không chán. Vâng, đúng là thế. 

Cái thời chưa có internet, thử hỏi, với những người chơi sách cũ chẳng hạn, nếu vớ được quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, bản in năm 1909 của nhà nho Nguyễn Liên Phong thì sao? Thì sướng đến độ ngất trên cành quất, chứ còn gì nữa?

Thêm niềm vui sống

“Đây là bộ sách ít ai giữ được và trở nên một tập phẩm hiếm có của những người chơi sách”. Cụ Vương Hồng Sển đã viết như thế trong Sài Gòn năm xưa. Do đó, từ lâu, y cố gắng phải tìm mua cho bằng được. Tất nhiên, bao của cũng tìm đến người, nếu thật sự có duyên với nhau. 

Trưa nay, ngồi nhìn bé đang ngủ, nghe văng vẳng bên tay lời của của vợ, tưởng chừng như nàng đang nhắc lại câu văn của Thạch Lam: “Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!”. Ừ, thì chặt. Ngủ ngon. Không nhè, khóc quấy. Nhờ thế, y có giây phút yên tĩnh đọc lại quyển sách đã mua, đã gìn gìn từ thời sinh viên mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn.

Quyển sách này in theo khổ 16x27cm, 50 trang do “Phát Toán-Libraire Imprimeur, 55-57 rue dOrmay” ấn hành năm 1909. Đường dOrmay, nay là đường Mạc Thị Bưởi. 

Trong phần tựa, tác giả viết: “Năm Nhâm dần, tháng giêng, ngày vọng/ Nhơn lúc nhàn vó lộng bút nghiêng/ Dạo Nam Kỳ sáu tỉnh sơn xuyên/ Xem nhơn vật, đủ miền mọi chỗ/ Ơn tứ hải, đệ huynh điều độ/ Giúp hành trình, phi lộ kim ngân/ Hơn năm dư, chép thảo lần lần/ Thành một cuốn xa dần cát hạt/ Cách đặt dùng quấc âm lục bát” v.v… 

Qua bài tựa này, y hiểu rằng, tác giả đã ngao du đây đó, những điều mắt thấy, tai nghe đã được chắt lọc để đưa vào thơ. Chính nhờ “thâm nhập thực tế” nên trong tập sách này ngồn ngộn tư liệu, những sự việc. Ở đây không có chỗ cho trí tưởng tượng, hư cấu. Nhờ vậy, tập sách rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về Nam Kỳ thuở đó.

Sau phần tựa, tác giả dành 220 câu lục bát miêu tả địa thế, địa lý Nam Kỳ, đi sâu miêu tả từng vùng đất: Vũng Tàu, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Tây Ninh, Gia Định. Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An… 

Chẳng hạn về Sài Gòn, tác giả ghi nhận: “Thứ nhứt đường Ca-ti-na/ Hai bên lầu cát, phố nhà phân minh/ Bực thềm lót gạch sạch tinh/ Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều”. 

Hàng hóa thời đó khá phong phú: “Những đồ Đại Pháp, Huê Kỳ/ Ăng-lê, Nhựt Bổn món gì cũng sang”. 

Từ đó, nẩy sinh một tầng lớp lao động mới: “Chực đường có trẻ cu-li/ Kêu đâu sẵn đó đem đi lẹ làng/ Lớp thời xuống bến Nam Vang/ Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng/ Lớp xe về lối ngoài trong/ Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà”.

Khung cảnh Sài Gòn những năm đó đã được miêu tả hết sức sống động: “Phong lưu cách điệu ai bằng/ Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa”. 

Nhà hát lớn được xây dựng “lối năm 1898, đến ngày 1 tháng giêng năm 1900 ăn lễ lạc thành lớn lắm” (Vương Hồng Sển) thì 9 năm sau, nó được ông Nguyễn Liên Phong đưa vào thơ như thế này: “Thứ năm, thứ bảy, thứ ba/ Với đêm chủ nhựt hát Nhà hát Tây/ Nước nào tục nấy cũng hay/ Tiếng đàn nghe hát, nghe say tính tình/ Nhà hát cất giữa châu thành/ Họa đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri”. 

Kế đến, tác giả miêu tả Nhà thờ Đức Bà - đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7-10-1877, đến ngày 11-4-1880 làm lễ khánh thành: “Đá xây bốn phía vách thềm/ Mặc nền hoa thạch trơn êm làu làu/ Lầu chuông chót vót vọi sâu/ Hai cây thành giá hai đầu trên cao/ Đồng hồ chỉ đúng khắc sao/ Người qua kẻ lại nhắm vào phân minh”

Hiện nay, nhà thờ đang trùng tu với các vật liệu y chang thuở ban đầu, vì thế những người thực hiện đã đến làng Bray-et-Lu là nơi duy nhất ở Pháp chuyên sản xuất tôn kẽm ngày xưa; rồi đến Roumazières-Loubert, cách đó 500km để tìm đúng ngói mũi tên (ngói Marseille) v.v… Dự kiến 2, 3 năm nữa sẽ hoàn thành.

Bên cạnh nhà thờ, còn “Có tòa dây thép coi phần điển thơ”, với các phương tiện vận chuyển bưu chính: “Biên Hòa còn dạng xe tờ/ Mới bây bảy giờ xe máy Tây Ninh”

Xe tờ, y tìm hiểu là một thứ xe bốn bánh gỗ bọc sắt, cao lêu đêu, trước có băng ngang hẹp dành cho người cầm cương, sau đó hai băng dọc đối diện dành cho hành khách, do hai con ngựa kéo. Vì xe chở công văn, tờ trát của nhà đương cuộc nên gọi tắt “xe tờ”. 

Tác giả cũng nhắc đến Trường Chasseloup Laubat (nay  là Trường Lê Quý Đôn), Trường Taberd (nay Trường Cao đẳng Sư phạm): “Nam Kỳ sĩ tử tinh chuyên/ Nhiều người thành đạt liền liền trước sau/ Taberd trường lập đã lâu/ Dekerland trước làm đầu khơi ra”. 

Qua những câu thơ này, ta biết Trường Taberd, còn gọi là Trường Thầy Dòng do cha Henri De Kerlan thuộc Hội Truyền giáo lập ra năm 1874.

Một trong những nơi quen thuộc với Sài Gòn xưa là “Bồn Kèn” - góc nhà hàng Continental và nhà hàng Pancrazi. 

Tác giả kể lại chi tiết thú vị: “Gặp Tường thời Trị mắng ngay/ Bởi vì tà tửu ít hay kiêng dè”. Phan Văn Trị mất năm 1910, rõ ràng cuộc bút chiến giữa ông với Tôn Thọ Tường  đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng chính trị thời bấy giờ. Thế thì, vì sao gọi “Bồn Kèn”? Tác giả giải thích: “Mu-dích nơi các bồn kèn/ Vui lòng hứng chí nghe bèn giải khuây”. 

Cụ Vương Hồng Sển cho biết cụ thể: “Mỗi chiều thứ bảy tại bệ này, có mấy chú lính săn-đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức”. Mu-dích là phiên âm từ musique, tiếng Pháp. Không những thế, đôi lúc còn đọc thành “mủ-di”. 

Bằng chứng, Sài Gòn xưa có câu vè: “Thượng Thơ bán giấy/ Thủ Ngữ treo cờ/ Nào ai núp bụi núp bờ/ Mủ-di đánh dạo, bây giờ bỏ em”.

Thời đó, đã có lệ báo giờ vào buổi trưa: “Có chỗ cân giờ nhựt trung/ Trên tàu Ông Thượng đặt vòng địa la/ Có năm ba phút vậy mà/ Đem đồ hiệu lịnh kéo qua cột cờ/ Đợi đến đúng mười hai giờ/ Đồ kia rớt xuống, súng hờ giựt dây/ Nổ lên một tiếng vang vầy/ Châu thành bốn phía sum vầy giấc trưa”. 

Về lĩnh vực báo chí, tác giả cho thấy hồi ấy ở Nam Kỳ đã khá phát triển: “Phan Sa, quốc ngữ nhựt trình/ Mỗi tuần in bán sự tình lăng xăng/ Gia Định là báo công văn/ Phát ra các hạt lệ hàng không sai”.

Riêng địa danh Bến Nghé đến nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau, thì theo tác giả: “Nguyên xưa rậm rạp còn rừng/ Trâu thường dằm tắm hoặc chừng nghé kêu/ Ngày nay phong cảnh tốt đều/ Tàu ghe lớn nhỏ đậu bèo hai bên/ Đò dọc rước mối xuống lên/ Giành nhau xâu xé vang rên cả ngày/ Ghe bầu xắp lớp đậu ngay”. Những câu thơ này cho thấy cảnh sầm uất của Bến Nghé những năm đó.

Đọc sách xưa cũng là một cách quay ngược về quá khứ. Anh ngon trớn đọc ngân nga tiếng trầm giọng bổng như một cách ru con, bỗng đâu giật mình cái thót. Vợ bảo: “Bây giờ là lúc anh nên tìm đọc các sách nuôi dạy con là hợp tình, hợp lý nhất”. 

Rồi lại nói luôn một hơi: “Đã biết cách ẵm con chưa? Chưa. Biết thay tã chưa? Chưa. Biết pha sữa chưa? Chưa. Thế thì còn “nai” lắm. Cố gắng lên anh”. Ừ, thì cố. Mà đôi khi tri thức ở trên đời nào có phải thu nhận từ sách. Với một đứa trẻ, lọt lòng mẹ, ngay lúc ở bệnh viện đưa về nhà thì sao? 

Vợ của nhà biên kịch Đoàn Tuấn dặn dò qua điện thoại: “Ngày ấy, anh phải bôi son vào trán bé, phải đem theo con dao nhỏ, đôi đũa, củ tỏi nữa”. Ấy là một cách “làm phép” dân gian, tuy nhiên cũng có người bảo lấy nhọ nồi bôi vào trán. Đại khái thế, nào ai biết đúng sai nhưng rồi cũng phải làm theo.

Lại nữa, sách vở nào dạy nếu bà mẹ vừa sinh con đầu lòng chưa có sữa cho con bú thì phải làm “mẹo” gì? Câu hỏi này, hay lắm. Cô nàng đã làm theo và hiệu nghiệm ngay tức thì. Thì nay, ghi lại cho những ai cần tham khảo. Rằng, mua lấy men làm rượu nếp, giã nát hòa tan với rượu trắng xoa hai bên “đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm”. 

Đơn giản mà hiệu quả. Mẹo này, sách vở nào ghi? Sực nhớ đến câu văn của Thạch Lam viết về tâm trạng của một người đàn ông lần đầu, lần thứ nhất trong đời được làm cha, bao giờ cũng là lúc: “thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Y cũng thế thôi.

Hôm nọ, lần đầu tiên có trong nhà là chiếc nôi xinh xắn, quà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đem đến tặng cho bé. Thích quá. Thay mặt bé mà viết rằng: “Mai này, khi khôn lớn/ Bé nói với mẹ ba:/ "Từ chiếc nôi ngày ấy/ Nay vạn dặm đường xa/ Thế nào con cũng đến/ Con dẫn mẹ cùng ba/ Tung tăng đi mua sắm/ Tìm thiệt nhiều món quà/ Tặng lại cho bác Ánh". 

Câu thơ đang ngon trớn nhả ngọc phun châu, dạt dào thì hứng bỗng đâu nghe réo rắt âm vang như tiếng đàn sắt, đàn cầm hòa nhau: “Anh ơi, con mới tè ướt cả giường. Mau mau thay tã cho con”. Nghe hay đấy. Cũng là cảm hứng của thơ đấy thôi, phải không nào?

Lê Minh Quốc
.
.