Suy tư mùa Giáng sinh

Thứ Sáu, 30/12/2011, 10:00
Có lẽ phải trả giá nhiều trong đời, ta mới hiểu ra rằng, được không nên quá kiêu, mất không nên quá nản. Cái cứu rỗi con người luôn là những gì bình dị, thân thương như thế!

Biết để bình tâm sống

Chúng ta có lẽ ai mà chẳng biết câu “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống”... Nhưng thế nào là “biết”? Có người biết chưa nhiều lắm đã tưởng mình biết hết cả rồi và dương dương tự đắc. Có người càng biết nhiều thì càng hiểu ra rằng, thực ra cái mình chưa biết vẫn mênh mông như bể Sở! Và họ càng trở nên khiêm nhường hơn. Cá nhân tôi thì chỉ rụt rè tự nghĩ, thôi thì mình nghĩ được tới đâu thì làm tới đấy, không giả vờ khiêm tốn nhưng cũng không bao giờ thấy mình “oai”. Các cụ ta ngày xưa cũng đã từng nói rồi, “cao nhân, tất hữu cao nhân trị”. Trong bất luận trường hợp nào ta cũng nên cố gắng học hỏi ở đời, ở xung quanh, ở trên và cả ở dưới mà bổ sung cho cái sự biết luôn là hữu hạn của mình. Không chỉ đơn thuần để sống sót, mà để sống một cách bình tâm hơn.

Những ý nghĩ như thế đã trở lại với tâm trí tôi khi tôi đọc bài thơ vô đề 8 câu của một nhà thơ cựu chiến binh Belarus, Pimen Panchenko. Lúc tuổi xế chiều, Panchenko đã viết những vần thơ thấm đẫm nhân tình thế thái và đượm buồn (hình như càng biết nhiều, con người càng đượm buồn?!):

Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!
Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!
Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,
Nhìn mây trời,
Chứ không phải thế nhân!

Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi,
Hãy tự mình vượt quá nó, bạn ơi!
Tự trên cao, hãy nhìn xuống suối,
Xuống cỏ hoa,
Chứ không phải con người!

Tôi cũng công nhận với bạn rằng, không có gì mới trong những lời khuyên như thế. Nhưng cái hay của nghệ thuật, dù là thơ, văn xuôi hay sân khấu, hay âm nhạc... là ở chỗ giúp chúng ta được thêm lần thấm lại những giá trị, tiêu chí cũ nhưng luôn luôn là thời sự cho mỗi một kiếp người. Có những tín điều chúng ta phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày để ghi nhớ hơn, để khỏi vi phạm, để giữ nhân cách của mình. Không mê tín nhưng cũng không nên coi thường những lễ nghi của những tín ngưỡng. Đừng bao giờ lấy làm lạ lẫm khi thấy ai đó mỗi khi vào chùa trước tiên là đến trước tấm bia khắc các lời răn của Phật về những điều nên làm và không nên làm. Đừng bao giờ lấy làm lạ khi tín đồ của một tôn giáo nào đó mỗi khi bước vào bữa ăn lại khấn một câu biết ơn về người đã tạo điều kiện cho mình có được miếng cơm manh áo hàng ngày... Những hành động gần như là nghi lễ như thế, nếu được thực hiện một cách thành tâm, luôn mang lại những lợi ích đạo đức vô cùng to lớn.

Trở lại với bài thơ trên, có thể thấy 8 câu thơ đó cũng giống như một bài kệ (theo kiểu Belarus đã được Việt hóa!), có thể được ta thường xuyên nhớ lại để tự răn mình:

Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!
Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!

Nói một cách thẳng thắn, răn dạy như thế thì nhiều người nói được. Mà ở đời cũng chẳng có ai tự nhận thấy mình đang hợm hĩnh hay đố kị cả (biết mình có những tật gọi là xấu ấy, ai dại gì mà không sửa). Oái oăm là ở chỗ, con người chúng ta  lắm khi cứ “thật thà hư”, mình đang làm việc không hay nhưng lại cứ nghĩ rằng như thế vẫn đúng. Panchenko là một nhà thơ nên ông đã cụ thể hóa lời răn dạy này bằng những chi tiết thực sự mang chất thơ. Ông mách nước cho chúng ta biết cách để tránh hai trong vô số những thói xấu ở đời. Làm thế nào để đừng đố kị? Rất đơn giản:

Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,
Nhìn mây trời,
Chứ không phải thế nhân!

Ở đời có rất nhiều người khả kính mà chúng ta cần trọng thị, khâm phục, học tập những điều hay sự tốt trong cách sống, cách nghĩ, cách làm việc của họ. Nhưng suy cho cùng, hình như chẳng có ai có thể khiến chúng ta phải ghen tị là tại sao họ lại sung sướng thế, mãn nguyện thế! Có thể cách nghĩ này hơi bị AQ một chút nhưng quả thực là, giời thường không cho ai tất cả. Đừng bao giờ nghĩ rằng ai đó được cái gì đó chỉ đơn thuần là do tốt số! Mọi sự ở  đời đều có cái lý của nó. Không có “nhân” thì sẽ không thể nào có “quả” được. Có điều, đôi khi chúng ta không nhìn rõ được những cái mạnh của người khác và cả những cái khổ của bề trên nên cứ tưởng họ ngồi cao hơn, họ sang giàu hơn ta hoàn toàn chỉ là chuyện “may hơn khôn” và họ sung sướng toàn phần.

Hiểu được như Panchenko đã dạy thì ngay cả khi ta ngồi ở ghế thấp, ta cũng không hề cảm thấy bứt rứt khi chứng kiến sự thăng tiến hay thành đạt của người khác, kể cả người mà ta không ưa. Panchenko đã viết rất đúng, có ghen tị thì hãy chỉ ghen tị với thông, với mây trời thôi! Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng chỉ từng mơ ước, nếu có kiếp sau thì muốn “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

Nếu khi ta thành đạt, vung vinh thì sao? Trí tuệ phương Đông dạy ta không bao giờ được “mục hạ vô nhân”. Còn thi sĩ xứ sở Bạch Dương Belarus thì nói:

Tự trên cao, hãy nhìn xuống suối,
Xuống cỏ hoa,
Chứ không phải con người!

Đúng, từ trên cao hãy nhìn xuống suối mà hiểu rằng, nhỏ như suối cũng có sức mạnh vô địch một khi đã hòa được vào sông, vào biển; thấp như cỏ hoa cũng luôn có sức sống vô địch không gì sánh nổi, chẳng dễ chà đạp được đâu! Hãy nhìn suối và cỏ hoa để thương lấy thân phận những con người đang tạm thời yếu thế, thấp thế hơn ta. Và trân trọng họ hơn, vì sông có khúc, còn người thì có lúc!

Có lẽ phải trả giá nhiều trong đời, ta mới hiểu ra rằng, được không nên quá kiêu, mất không nên quá nản. Cái cứu rỗi con người luôn là những gì bình dị, thân thương như thế!

Đừng để mất nhau

Thất tình bao giờ cũng buồn. Phụ nữ bị thất tình càng buồn hơn. Nhưng không thất tình khó viết thơ lắm, vì nếu hạnh phúc đủ đầy, công thành danh toại quá, thỏa mãn quá thì mấy ai đã cần đến những bài thơ đích thực?!

Tất nhiên, tôi cũng hiểu không ít người cầm bút làm thơ là do những động cơ cao cả, những cảm xúc thời đại thôi thúc. Nhưng tôi cũng biết, có không ít người bắt đầu làm thơ khi những cảm xúc cá nhân dâng trào lên đỉnh cực. Cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết rất hay trong vở kịch Rừng trúc rằng: “Việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người không thể nhỏ hơn”... Nhìn về khía cạnh một người có “mệnh thơ”, nữ sĩ Nga Anna Akhmatova (1889-1966) là một người gặp may, mặc dù nhìn theo khía cạnh thông thường, bà thuộc lớp người “hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen”. Trong suốt sự nghiệp thơ của bà, một phần rất lớn thời gian và sức lực được dồn cho những cảm xúc, hoặc bị bạc đãi, hoặc bị kiềm tỏa. “Tim chẳng thể ép vào tim được” thuộc dạng thơ này. Anna Akhmatova viết nó khi bà còn rất trẻ, năm 1911, và cho in trong tập sách đầu tay Bóng chiều, xuất bản lần đầu năm 1912. Bài thơ như sau:

Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường.

Tôi không khóc, tôi không than trách,
Tôi làm sao hạnh phúc trong đời!
Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi.

Thời mê đắm tan thành dĩ vãng
Cùng những ngày tuyết trắng lung linh...
Nhưng vì sao, vì sao anh nỡ
Hơn người tôi đã chọn cho mình?

Đó là tâm trạng của một thiếu nữ tuổi chớm đôi mươi, nhắn gửi cho người trai vừa ruồng rẫy mình xong. Khúc tưởng niệm cho một tình yêu đã mất. Tôi cứ hình dung ra hình ảnh một thiếu nữ kiêu hãnh và đài các (còn về phần nhan sắc dĩ nhiên là xinh đẹp rồi) cố kiềm chế cơn giận dữ đang réo sôi trong lòng mình và nói ra những lời cao thượng (thực ra, rất dằn dỗi) với gã trai đang định dứt áo ra đi để mưu cầu công danh sự nghiệp hay cảnh phu thê khả dĩ hơn:

Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường.

Ai chả biết thế, không bị ràng buộc thì càng có “xác suất” vui thú hơn trong cuộc sống phù hoa này. Thôi, anh cứ đi đi, “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Hẳn Akhmatova phải yêu người trai ấy lắm mới có thể tỏ ra bình thản, điềm tĩnh đến vậy mà nói câu từ giã vừa mát mẻ, vừa “lạt mềm buộc chặt” đến như vậy.

Thế nhưng, sự thực thì sao? Trong khổ thơ tiếp theo, dường như nước mắt không chịu yên nữa mà đã dâng lên làm cay mí mắt người thiếu nữ. Dường như chỉ một chút nữa thôi là nàng sẽ khóc. Bởi thế, nàng phải nói cứng:

Tôi không khóc, tôi không than trách.

Nói vậy mà không phải vậy, vì nàng đã tuyệt vọng lắm rồi. Vì trước đó có thể nàng đã không chỉ một đêm trằn trọc, vừa yêu thương người, vừa cay phận mình. Mỗi khi một tình yêu thực sự rời bỏ chúng ta, chúng ta như bị chết đi một kiếp: chết về lòng tin ở nhau, chết về mơ ước yên bình hạnh phúc. Tóm lại, một cái chết lâm sàng trong tâm tưởng. (Bản thân tôi đã từng viết trong tình huống tương tự: “Một ngày như một đời/ Ngỡ thể nào cũng chết/ Được và mất em rồi/ Sao đời còn chưa hết?!”). Có lẽ cũng vì thế chăng nên cô thiếu nữ trong thơ Akhmatova mới tuyệt vọng đến vậy ngay sau khi vừa tỏ ra cứng rắn:

Tôi có chi hạnh phúc trong đời!

Kiêu hãnh và dằn dỗi. Vì còn yêu, còn lưu luyến lắm, còn hy vọng lắm. Và chắc rằng người trai cũng hiểu ra điều này, cũng cảm thấy tội cho nàng quá nên không thể dằn lòng mà không tới bên nàng với nụ hôn ly biệt, nụ hôn chẳng hiểu đã kịp trở thành xã giao hay vẫn vương vấn dư tình. Phản ứng của cô gái thật đúng là phản ứng của một... cô gái, nói “đừng” đấy nhưng nỗi chua chát lại như thể cất tiếng gào đòi đón nhận:

Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi.

Đe nhau đến thế là cùng! Không còn gì để trông cậy nữa, khi người đàn ông mà ta đã gửi trọn lòng yêu lại giã từ ta, dù với bất cứ lý do gì. Cú đánh còn hơn cả sét đánh, vì sét đánh thì còn chết được, chứ mất tình yêu ta thấy mình như chết mà lại không chết nổi. Thế mới đau đớn!

Vì thế chỉ còn nỗi kinh ngạc lớn lao và ngỡ ngàng trước cái chân lý mới được phát kiến, chỉ còn một nỗi nuối tiếc khôn nguôi về một hạnh phúc đã trở thành xa ngái:

Thời mê đắm tan thành dĩ vãng
Cùng những ngày tuyết trắng lung linh...

Và câu hỏi ở cuối bài thơ mới sửng sốt làm sao, sửng sốt đến mức chẳng bao giờ nhân loại giải đáp được rành rẽ và đành coi đấy là lẽ đời gần gụi với lẽ trời nhất: cái người tình đã bỏ ta đi ấy, vì sao đấy, lại có vẻ được ta yêu hơn những người mà ta chọn (hoặc buộc phải chọn) cho mình. Chao ôi, cái trách của người thiếu nữ này mới thành thực làm sao, thành thực tới mức... tinh quái. Không trách chàng vong bội, không trách chàng bạc tình, mà chỉ trách chàng “hơn” người danh chính ngôn thuận của mình nên đã khiến không thể nào nguôi ngoai niềm tâm sự cũ đã dành cho nhau.

Không rõ nghe những lời như thế, chàng trai trong bài thơ có đành lòng dứt áo hay không. Mà nếu có ra đi thật thì sau này, mỗi khi chạnh nhớ lại, không thể nào không cảm thấy lương tâm mình cắn rứt. Oái oăm thay, đôi khi phải bỏ nhau, phải mất nhau, phải đau khổ vì nhau thì người đàn ông mới hiểu ra rằng, thực ra, cô gái đã từng coi mình hơn tất cả trên đời cũng là cô gái mà lẽ ra mình phải đối xử tốt hơn tất cả trên đời. Mà mình thì đã không làm thế được. Để khi gặp lại, thấy người năm cũ hao gầy, héo hon, lòng mình mới âm thầm ân hận, dẫu biết rằng chẳng để làm gì vì bèo đã trôi và nước đã chảy, có ai lội được hai lần qua một dòng sông...

Mong sao để tất cả những ai đọc bài viết này rồi, đừng để mất nhau một cách đáng tiếc như thế.

* Hai bài thơ trong bài đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Nga

Linh Vân
.
.