Ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông:

“Sứ mệnh của người làm báo rất thiêng liêng và cao cả”

Thứ Năm, 24/07/2014, 09:00

“Ngay tại thời điểm này, khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 ở Biển Đông, ngay sau các cán bộ kiểm ngư, cảnh sát biển là các nhà báo tham gia đấu tranh. Mới đây, tôi thật sự xúc động khi vào Đà Nẵng tiễn anh em báo chí xuống tàu ra Hoàng Sa. Một lần nữa chuyến đi này cho tôi có cảm xúc như thời anh em chúng tôi ra trận để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước” - Ông Hoàng Hữu Lượng chia sẻ với Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng.

- PV: Thưa ông Hoàng Hữu Lượng, trước khi giữ cương vị Cục trưởng cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông, ông là một nhà báo có nhiều bài báo sắc sảo, có tác động tới đông đảo độc giả một thời. Hẳn là ông còn lưu giữ nhiều ký ức về những tháng ngày làm báo đầy sôi nổi ấy?

- Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi thích nghề báo từ khi học cấp 3 nhưng thời ấy không biết làm thế nào để có thể làm nhà báo. May mắn tôi có một người anh họ học Sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội sau cũng ra làm báo và tôi cứ đinh ninh rằng, mình thi vào trường Tổng hợp, học ở khoa Văn hoặc khoa Sử thì sẽ được làm báo. Sau này, giấy báo trúng tuyển tôi vào học khoa Sử. Vào trường được năm rưỡi thì có lệnh tổng động viên vào quân đội. Sau 5 năm ở quân đội đến năm 1979, đơn vị gửi tôi về trường cũ học tiếp đại học. Năm 1982, tôi tốt nghiệp được cử về Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, được phân về phòng nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới. Rất may mắn cho tôi vì trong viện có Tạp chí Nghiên cứu lịch sử quân sự, năm 1986, tôi được điều về Tạp chí Lịch sử quân sự. Trong thời kỳ này, tạp chí đặc biệt vừa là báo chí nhưng nghiên cứu lịch sử chiến tranh. Tôi có cơ hội được làm việc với nhiều nhân chứng lịch sử. Suốt thời gian 1986 - 1998, tôi được tiếp thu rất nhiều kiến thức về báo chí, lịch sử quân sự Việt Nam đầy hào hùng cũng như lịch sử quân sự thế giới. Đây cũng là một vốn rất quý để sau này khi làm quản lý báo chí có nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử mà tôi có thể xử lý tốt.

- Những kinh nghiệm khởi đầu của một nhà báo là nền tảng quan trọng cho những bước đi sau đó, và ông rất may mắn vì những sự khởi đầu suôn sẻ ấy?

- Hồi ấy tạp chí Lịch sử quân sự ít người nhưng năng động. Bắt đầu năm 1987, tạp chí tự hạch toán hoàn toàn. Những người lãnh đạo của tôi ở Viện lúc ấy đã khẳng định: “Báo chí vừa là vũ khí tư tưởng của Đảng đồng thời là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, quan trọng là báo chí phải đến với dân, đến với người đọc”. Tạp chí đặt ở văn phòng đại diện trong Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… Lúc đấy mặc dù mới chỉ đeo hàm Đại úy, nhưng tôi được cử đi rất nhiều nơi viết mảng bài về lịch sử quân sự, gặp nhiều nhân chứng có nhiều chuyện cảm động. Ví dụ như lúc tôi vào Tiền Giang viết bài về lịch sử quân khu 8, quân khu 9. Đến nhà gặp vợ chồng Anh hùng chiến tranh tên Tăng và Vui. Mặc dù là Anh hùng nhưng 2 vợ chồng họ có cuộc sống khó khăn, thậm chí con cái họ phải đi tìm sắt vụn ở các căn cứ quân sự cũ để bán kiếm sống, nhưng họ vẫn lạc quan, sống bình dị, yêu đời lắm. Những điều tâm niệm của họ đã truyền cho thế hệ lính trẻ như chúng tôi niềm vui sống để vượt qua những gian khổ trong chiến tranh cũng như đời thường. Hay như khi viết một loạt bài về Chiến dịch Biên giới tôi tìm đến ông Bình Chuẩn - Tham mưu trưởng chiến dịch. Khi tìm đến thấy ông đang bán hàng là một hiệu thuốc Tây ở phố Lò Đúc, đầu tóc bạc phơ. Ông kể chuyện, khi Chiến dịch Biên giới xảy ra có một đêm Cụ Hồ sang thăm và làm việc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới và ngủ lại qua đêm tại đó. Bác thấy cán bộ ở Sở chỉ huy chiến dịch thức cả đêm mà không có bồi dưỡng, Bác bèn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ban đêm phải nấu cháo gà để các đồng chí bồi dưỡng. Và hồi đó, chưa bao giờ họ lại được ăn một bát cháo gà ngon đến thế!

- Những nhà báo đi trước vẫn thường khuyên các thế hệ tiếp nối là muốn có những trang viết chân thực thì cần phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì trang viết mới hấp dẫn và thấm đẫm chân lý đời sống. Bản thân ông, những tháng ngày làm báo hẳn là một dấu mốc quan trọng để ông có thể nắm bắt và quản lý được hàng trăm tờ báo như hiện nay?

- Tôi cho rằng, trải nghiệm nào cũng cần đối với người làm báo. Tôi được đi được gặp nhiều vị tướng lĩnh khác. Có lần tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Hữu An nghe ông nói về buổi chiều ngày 30-4 tại Dinh Độc Lập, về cuộc tiến công của Quân đoàn 2 và buổi chiều 30-4. Ông kể rằng, tâm trạng của ngày chiến thắng khó tả lắm. Rồi đang vui, thì gương mặt ông chùng xuống, rồi ông khóc nức nở khi kể lại câu chuyện ông chứng kiến. Đó là khi ông đang đứng ở Dinh Độc Lập, từ cửa sổ nhìn xuống sân thấy một anh bộ đội đang đi dạo đầy bình yên vì đã chiến thắng thì bỗng nghe thấy một tiếng nổ. Ông chạy vội xuống sân thì biết đồng chí đại úy ấy đã bị tên lính ngụy nấp bên trong tung quả lựu đạn. Ông càng kể càng khóc to hơn, ông bảo, lẽ ra người lính đã được trở về quê hương, với gia đình. Và ông gọi đó là cái chết cuối cùng của chiến dịch. Cũng trong những chuyến đi, tôi biết rằng, trong chiến tranh, ngay sau những người cầm súng là những người làm báo chúng ta. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta có hơn 400 nhà báo liệt sĩ.

- Có nghĩa là sứ mệnh của người làm báo thật sự rất thiêng liêng và cao cả?

- Đúng vậy, sứ mệnh người làm báo chân chính rất thiêng liêng và cao cả. Không chỉ trong thời bình, mà hiện nay, ngay tại thời điểm này, khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 ở Biển Đông, ngay sau các cán bộ kiểm ngư, cảnh sát biển là các nhà báo. Mới đây, tôi thật sự xúc động khi vào Đà Nẵng tiễn anh em báo chí xuống tàu ra Hoàng Sa. Một lần nữa chuyến đi này cho tôi có cảm xúc như thời anh em chúng tôi ra trận. Nhà báo chiến sĩ - chiến sĩ nhà báo, hoàn toàn đúng với cả những người đã từng là bộ đội, từng làm báo và kể cả những người chưa tham gia chiến tranh nhưng đang làm báo để bảo vệ hòa bình trong thời bình. Họ là những chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ như in kỉ niệm này: Khi tòa soạn giao cho tôi viết bài về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xin ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khi đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đưa cho tôi hai tấm ảnh, một tấm ảnh hai người đang bàn về chiến sự ở trong sở chỉ huy (Nhà Đỏ) và ảnh thứ  hai cũng hai người bàn chiến sự nhưng tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rồi ông đọc cho tôi ghi chú thích ảnh, Đại tướng bảo tôi lấy bút chì ghi sau ảnh cho khỏi lẫn. Sau khi ghi, Đại tướng bảo cho ông xem lại. Khi tôi ghi “Đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang bàn chiến lược quân sự” thì ông đã sửa lại 2 chữ “đồng chí” thành hai chữ “Đại tướng”. Ông bảo, như thế thì đúng hơn và hay hơn. Đó là một bài học về sự chuẩn xác của báo chí. Bản thân tôi khi đăng bài về lịch sử Điện Biên Phủ đã nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Số nhà 30 Hoàng Diệu rất đỗi thân quen và thiêng liêng đối với tôi bởi tôi đã học được nhiều bài học từ vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì thế suốt cuộc đời tôi vẫn rất tự hào mình là một người chiến sĩ làm báo. Mới đây, tôi và một số người bạn là người lính như nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà báo Phúc Nguyên đang lên kế hoạch cùng nhau làm một chương trình “Chiến sĩ nhà báo - Nhà báo chiến sĩ” nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12 tới đây.

- Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nghề báo trong vai trò phản ánh chân thực xã hội đã có những đổi thay để phù hợp. Ông có nhận xét gì về cái được và chưa được của những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ hiện nay với tư cách của một đồng nghiệp và một người ở cấp quản lý báo chí?

- Nhiệm vụ chung của nhà báo là phản ánh trung thực toàn bộ bức tranh của xã hội. Với nhiệm vụ đó rất cần sự dũng cảm. Nghề báo, thời nào cũng cần sự dũng cảm dù là trong chiến tranh hay hòa bình dựng xây. Riêng việc nhà báo xông xáo có mặt ở khắp mọi miền đất nước, ở những điểm nóng, vùng sâu, vùng xa để phản ánh những thành tựu, phê phán những tiêu cực xã hội… rất đáng biểu dương. Tôi cho rằng, nhà báo ngoài cái phông kiến thức chung của người làm báo là hiểu biết rộng, thì trong lĩnh vực phản ánh cần có kiến thức chuyên sâu. Ví dụ làm báo công an thì phải hiểu rất kỹ về công an; viết pháp luật phải có kiến thức pháp luật, kinh tế cũng như vậy. Chẳng hạn một thông tin kinh tế sai lệch có thể làm hỏng một chính sách kinh tế, làm sụp một doanh nghiệp, gây hoang mang cho dư luận. Thông tin báo chí không đúng tức là lừa nhân dân. Thêm nữa, báo chí phải góp phần giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam. Tôi nghĩ điều này các nhà báo hết sức lưu ý nhất là trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự nhanh nhạy nhất là báo mạng. Nhanh nhưng dễ sai văn phạm, sai chính tả thì đấy là điều tối kị. Tôi cho rằng, thời nào nhà báo cũng có những cái khó của mình. Bây giờ nhà báo đứng trước nhiều cám dỗ, bởi thế rất cần đến đạo đức nghề báo để tránh sự cám dỗ, không vượt qua sự cám dỗ thì dễ làm sai lệch thông tin, có hại cho độc giả và nguy hiểm hơn là cho đất nước. Gần đây, có rất nhiều ấn phẩm, nhiều tờ báo đi ngược lại những tôn chỉ, mục đích của người làm báo, của nghề báo, trái với Luật Báo chí khoản 1 điều 6: “Thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới, phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân”. Nhà báo phải đặt lợi ích đất nước và nhân dân lên trên hết. Có thể viết về một tiêu cực xã hội nhưng với ý nghĩa giáo dục cho người khác tránh tiêu cực đó chứ không phải mượn tiêu cực để tạo sự hấp dẫn để bán báo. Nhiệm vụ của báo chí là làm xã hội tốt lên, tạo sự đồng thuận trong xã hội và mỗi tờ báo phải có tôn chỉ mục đích, đối tượng bạn đọc cụ thể, bản sắc riêng của mình. Nếu thực hiện đúng điều đó sẽ góp phần làm cho báo chí Việt Nam đa dạng. Mặc dù chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng, đời sống báo chí ngày nay gặp nhiều khó khăn nhưng khó khăn này là chung của toàn dân. Nhà báo cần phải đứng vào khó khăn chung đó. Đừng nghĩ chuyện bất chấp tất cả để làm ra một sản phẩm nhằm có thu nhập cao, nó sẽ tạo ra một sản phẩm độc hại. Có những tờ báo mà thậm chí người làm báo không muốn cho con em mình đọc thì tại sao để cho người khác đọc? Những ấn phẩm không mang lại sự tốt đẹp cho xã hội, không hướng tới chân thiện mỹ thì cần phải chấm dứt. Tôi nghĩ, ngoài những thiết chế thì với mỗi nhà báo cũng nên tự đấu tranh, cần phải tự giác đào tạo về nghiệp vụ và đạo đức để làm tốt chức năng báo chí, hướng những điều tốt đẹp cho xã hội, đó mới là sự cao cả và thiêng liêng mà những người làm báo như chúng ta hướng tới.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.