Sống với 'thời gian hai chiều' của văn chương

Thứ Hai, 19/01/2015, 16:52
Mặc dù công tác tại một đơn vị báo chí rất thời sự, luôn phải cập nhật thông tin, song tiếp xúc với Phạm Khải, tôi ít thấy ở anh cái vẻ xông xáo (thậm chí như ai đó hay gán ghép làm nghề này phải có chất “bặm trợn”), trái lại, Phạm Khải có nhiều tố chất trầm lắng của một nhà văn. Nhiều khi bề ngoài cũng dễ đánh lừa con mắt thiên hạ.

Ở đâu đó mà Phạm Khải họa hoằn xuất hiện, theo sự quan sát riêng của tôi, thì cũng chỉ thấy anh “lừ lừ” tiến vào, tìm một góc ngồi, im lặng quan sát và lắng nghe. Nhưng mà tôi nghĩ, chính những lúc đó anh đang sùng sục bên trong, sôi nóng lên những ý tưởng cho một bài viết (tiểu luận, phê bình, đối thoại, thơ, chân dung, thời luận,… chẳng hạn).

Với Người về từ chân trời cũ (tập ký chân dung của Phạm Khải) thì hẳn là ở đó anh sống với thời gian hai chiều của văn chương rồi. Nhưng ngay trong Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo, riêng tôi vẫn cứ thấy mặn mà với phần Phạm Khải viết về “chiều trước” của văn chương như “Ai vẽ được nàng Kiều?”, “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu”..., “Từ Thơ Mới nghĩ về thơ trẻ”, “Đề tài chiến tranh: “Món nợ” dài của các nhà văn Việt Nam”, “Tái hiện lịch sử phải khoa học”, “Nhà phê bình Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ”, “Phùng Quán còn đây”, “Di cảo Lưu Quang Vũ: Những điều ký gửi”, “Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Từ trong văn học nhìn ra”, “Thời đã qua và chuyện chưa xa”,…

Tôi thích loạt bài nhìn, và hơn thế, như là được sống với văn chương “chiều trước” của Phạm Khải. Tôi đồ rằng, nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) sinh thời không phải là chỗ gần gũi với một nhà văn thuộc lớp “hậu sinh khả úy” như Phạm Khải (sinh năm 1968). Nhưng có lẽ do duyên văn đối với bậc tiền bối mà anh viết được một bài tâm đắc: “Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Từ trong văn học nhìn ra”. Hoàng Trung Thông tinh tế trước Nguyễn Tuân, đã đành. Phạm Khải cũng tinh tế khi bình Hoàng Trung Thông.

Ở khu vực bài viết này, chất Văn của ngòi bút Phạm Khải rất đậm và sâu. Nơi đây là “của để dành” của một cây bút thành danh từ rất sớm (chưa đầy 28 tuổi Phạm Khải đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng xứng đáng ghi vào “kỉ lục Hội”).

Tôi nghĩ, sẽ có không ít người thích đọc Phạm Khải ở phần trực quan, nhạy cảm, ứng phó nhanh với thời cuộc, kiểu bài về “chiều sau” của văn chương như: “Hồi ký, tự truyện - sự thật trong mắt ai?”, “Chuyện văn đàn ngẫm từ Vedan”, “Tại tác giả hay tại người đọc?”, “Đạo văn: Ai nói, ai nghe?”, “Xung quanh đề thi môn Văn khối C (2008): Chưa cần báo động”, “Những lí do đoản thọ của loại văn chương ám chỉ”, “Từ một đề thi, nói thêm về việc chọn văn trong nhà trường”, “Đừng tự trói mình”, “Vẫn là đánh đố”… Ở khu vực bài viết này, chất Báo của ngòi bút Phạm Khải có thể nói là nhạy bén, nhạy cảm, như ai đó nói là “tả xung hữu đột”.

Khi nói về khả năng sống với hai chiều của văn chương (tức “phổ” văn rộng) của Phạm Khải, tôi nghĩ, không phải ai cũng có thể hành xử như thế nếu thiếu kiến văn. Đọc Phạm Khải trong Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo, riêng tôi, chưa thấy anh rơi vào tình trạng “nói mò”, “nói theo”, “nói lấy được”, “nói dài”. Thường anh “nói có sách mách có chứng” khi viết. Đọc, thấy anh chuẩn bị tư liệu gốc cho một bài viết, dù ngắn dài khác nhau rất công phu, kĩ lưỡng.

Những thao tác ấy là của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, vì thế anh thoát được những sai sót không đáng có, đáng tiếc mà người cầm bút phê bình không phải ai cũng tránh được lúc này, lúc khác. Và thêm một ưu điểm ít người có: Anh thường viết ngắn, cốt thể hiện được ý tưởng, kiệm chữ (có thể do nghề báo đã giúp anh biết tiết chế ngòi bút). Bằng chứng là cuốn sách mà tôi đang nói đến chỉ có 300 trang mà dung chứa được 50 bài tiểu luận - phê bình (trung bình một bài có 6 trang). Có thể nói, cách viết “hoạt” và “nén” của Phạm Khải rất phù hợp với cơ chế đọc hiện nay khi mà thông tin đối với độc giả đã bão hòa, thậm chí như ai đó nói là... “bội thực”.

Tôi đã chứng kiến độc giả từng kêu lên: “Chúng tôi bị tra tấn!” khi, cách đây đã lâu, một tác phẩm dịch (của một nhà văn được Giải Nobel Văn chương), được một nhà phê bình giới thiệu đến gần hai trang trên một tờ báo khổ lớn. Độc giả bây giờ không thích giảng giải, vì họ cũng rất thông minh, chưa kể họ cũng rất khó tính và đôi khi rất… đỏng đảnh. Phải chăng Phạm Khải nắm rất vững tâm thế thời đại, tâm lí độc giả và vì thế sự viết của anh, nếu có thể nói, đã “bắt kịp” thời cuộc. Theo cách nói của Xuân Diệu thì người viết là kĩ sư của những lượng “thông tin tâm hồn”.

Đọc kĩ Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo sẽ thấy chất “luận” đậm hơn chất “bình” trong sự viết của Phạm Khải (bằng chứng là trong tổng số 50 bài thì tiểu luận chiếm 35 bài, phê bình chỉ có 15 bài). Một tỉ lệ không hoàn toàn ngẫu nhiên.

Tôi thấy Phạm Khải là người dám đương đầu với dư luận khi viết những bài có tính chất “luận chiến” văn chương như: “Để kiến văn ngang tầm bạn đọc”, “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo”, “Tại tác giả hay tại người đọc?”, “Kính chẳng bõ phiền”, “Cao hơn sự phê phán”, “Đạo văn: Ai nói, ai nghe?”, “Không thể chỉ là giải trí”, “Căn bệnh “đại khái” trong đời sống văn học hôm nay”, “Những nhận định cực đoan về các nhà văn lớn”, “Áo rộng hơn người”,…

Ở đây, tôi nghĩ, phải dừng lại nói về chất giọng tranh luận, phản biện của Phạm Khải. Cũng thuộc loại chất giọng “gây hấn cảm xúc”, nhưng ở Phạm Khải liều lượng hơn, mức độ hơn một số người khác (mà độc giả hôm nay chứng kiến) đôi khi thiếu kiềm chế đã tăng lên thành “nộ khí”, vì thế đáng tiếc xảy ra tình trạng “vấy bùn” nhau.

Như các cụ nói “no mất ngon, giận mất khôn”. Giữ được bình tĩnh trong đối thoại - phản biện không phải chuyện dễ, có thể vì thế mà Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa (được tái bản nhiều lần) cho đến nay vẫn rất “bắt mắt” độc giả. Phạm Khải là ngòi bút có văn hóa trong tranh biện, tôi khẳng định!

Trong cả loạt bài thấm nhuần tinh thần đối thoại - phản biện của Phạm Khải trong tập sách này, tôi thấy anh chú ý đến hai khu vực, ở đó người sáng tác dễ bị “dính” khi viết về lịch sử, về chiến tranh. Trong bài “Tái hiện lịch sử phải khoa học”, sau khi đã dẫn ra những ý kiến khó bác bỏ vạch ra sai lầm không còn là “bé cái nhầm” của tiểu thuyết Hội thề (Giải A Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III, 2006-2010 của Hội Nhà văn Việt Nam) của nhà văn Nguyễn Quang Thân, Phạm Khải đã xác tín: “Ai cũng biết, tiểu thuyết lịch sử là một thể loại khó, đòi hỏi tác giả không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà sử học. Tất nhiên, nó có chỗ cho quyền nhà văn được hư cấu, song về cơ bản nó phải tuân thủ nghiêm ngặt những nét cơ bản mà lịch sử đã ghi nhận. Ví như, những sự kiện lớn xảy ra, những mốc thời gian, những khoảng không gian… hoạt động của nhân vật đã được mặc định bởi sử sách. Không thể dễ dãi cho rằng nhà văn có quyền hư cấu để thay đổi một cách bừa bãi, tùy tiện gây phản cảm với người đọc”.

Đấy là luận, tiếp sau anh bình: “Thú thực, cách đây ít lâu, đọc một cuốn sách về vụ án Lệ Chi viên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vị tiến sĩ - tác giả cuốn sách đã có những lời bình luận hết sức bất cẩn. Chuyện xảy ra tới gần 570 năm, vậy mà vị kể và bình luận quá ư thoải mái như thể “đi guốc vào bụng” nhân vật vậy. Thậm chí, có những tình huống chỉ có người trong cuộc mới biết với nhau, trong khi một người thì đột tử, người thì kêu oan và rồi bị hành quyết, vậy mà tác giả cứ làm như mình là con muỗi ẩn mình trong tấm màn the đêm ấy để thấy hết được mọi sự. Cách kể chuyện “tự tin” như vậy trước những vấn đề nghiêm trọng của lịch sử quả là đáng… sợ”.

Một cách bình thâm thúy, hàm nhiều nghĩa, chất đầy tinh thần phản biện và giọng điệu thì rõ là “gây hấn cảm xúc”. Nhưng người được phê, tôi hình dung, cũng khó tìm cớ “nóng gáy” vì cách viết của Phạm Khải quả là đã “bắt vở” chính xác.

Tương tự trong bài “Đề tài chiến tranh: “Món nợ” dài của các nhà văn Việt Nam”, lại thấy tác giả tiếp tục tranh biện với một hiện tượng văn chương tưởng chừng như đã mặc định thành tựu - đó là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991).

Bài này viết sau sự kiện trên những 17 năm, nghĩa là có độ lùi cần thiết để chúng ta bình tĩnh đánh giá mọi chuyện. Trường hợp này tôi thấy Phạm Khải uyển chuyển hơn, không phải vì lí do quan hệ đồng nghiệp, mà vì bản thân vấn đề phức tạp khi - như cổ nhân nói “văn mình vợ người” - hơn thế đây là kiểu tác phẩm mà ngay từ khi ra đời đã lập tức chia đôi dư luận (50/50).

Tuy nhiên thái độ của Phạm Khải cũng rất rạch ròi, công bằng khi viết: “Mặc dù đến nay, không mấy ai không thừa nhận giá trị nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết, song về cách nhìn của tác giả đối với cuộc chiến, không phải ai cũng tán thành và chia sẻ (…). Điều đó cho thấy, để có những trang viết vừa hay vừa chân xác về hai cuộc chiến tranh thần thánh mà dân tộc ta vừa trải qua, đòi hỏi các nhà văn Việt Nam phải hội tụ trong mình nhiều yếu tố: Không chỉ là tài, mà còn là một cách nhìn minh triết…”.

Phải chăng “cách nhìn minh triết” là sự thiếu hụt không chỉ của người này người khác, mà là của cả một đội ngũ nhà văn hiện nay? Câu trả lời là của anh, của tôi, của tất cả chúng ta. Trong đa số trường hợp thì sự thẳng thắn khiến độc giả quý mến Phạm Khải, nhưng trong trường hợp này thì anh vừa thẳng thắn nhưng lại vừa khéo léo. Trong cuộc sống rất cần sự khéo léo. Trong nghệ thuật cũng thế. Tại sao không?

Đọc Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo, có đồng nghiệp đòi hỏi và mong muốn được nghe tác giả tường giải sâu hơn về hành vi, tâm lý sáng tạo của nhà văn trong thời “tốc độ”, như là được đọc một cuốn sách về tâm lý sáng tác nói chung.

Những đòi hỏi ấy, tôi nghĩ, là chính đáng, nếu căn cứ vào nhan đề tác phẩm. Nhưng tôi lại nghĩ, cái ý tưởng tốt đẹp đó chắc là đã được không chỉ Phạm Khải ấp ủ. Phạm Khải còn cả một chặng đường sáng tác dài phía trước, nội lực và bút lực của anh còn sung mãn như ta thấy. Hà cớ gì ta không tin tưởng một ngày nào đó không xa, Phạm Khải sẽ “tung” ra một, và không chỉ một, tác phẩm mới của mình về bạn văn, về nghề văn như hôm nay ai đó đòi hỏi, mong chờ.

Hà Nội, tháng 4 năm 2014

Đọc “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo”, tiểu luận – phê bình văn học của Phạm Khải, NXB Dân trí, 2013, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2014.
Bùi Việt Thắng
.
.