Sông quê

Chủ Nhật, 26/06/2016, 11:45
Quê sinh tôi là làng Trần Xá. Cách nhà tôi một quãng là dòng sông nhỏ, tên gọi sông Sành. Tên sông gọi theo tên của làng bên. 

Thực ra con sông nằm áp sát với đất làng tôi chứ không hề gần làng Sành, nh­ưng do dòng chảy này góp phần tư­ới tiêu chủ yếu cho cánh đồng làng Sành mà nó thành ra tên gọi vậy chăng. Dòng sông ở xứ quê làm nông nghiệp mà.

Nghe ông bà kể rằng những đời tr­ước nữa dòng sông này to rộng lắm. Thuyền bè từ các nơi th­ường dập dìu xuôi ng­ược, có cả những con thuyền buồm lớn. Đến đời bố mẹ tôi sông vẫn còn rộng. Ấy là ngày x­a, lâu lâu rồi. 

Ở tuổi trẻ con, tôi thư­ờng cùng lũ bạn xóm ra bãi ven sông chơi. Cái bãi hồi đó dùng làm sân đóng gạch của hợp tác xã thì sông đã bé tày gang. Bọn trẻ cầm những miếng chai lọ sành sứ thi nhau ném qua sông. Vèo, rướn sức chín mười tí thôi là miếng ném sang tới bờ. Vật đổi sao dời. Chỉ xem cuộc đổi thay của một dòng sông quê cũng đã thấy nhiều, thấy nao lòng, thấy e dè trước thời gian thăm thẳm.

Làng tôi cũng lắm ao hồ. Hầu như­ nhà nào phía trư­ớc sau tả hữu đều có một hai cái ao. Một thời gian dài những cái ao ấy còn là của chung hợp tác xã. Cá trong ao hợp tác xã không nhiều như­ trong ao đầm được thầu khoán bây giờ, nhưng bù lại có những con trôi, mè, trắm, chép l­ưu cữu to lắm. Có con nặng trên chục cân. Và cá đen các loài trê, rô, quả… thì nhiều. Chúng đông đàn dài lũ và cũng có những con to.

Ở các triền sông ngòi, cá cũng sống trong bầu tự nhiên vậy. Những ngày nước cạn, ngày trời trở con nước, cánh đàn ông, thanh thiếu niên hò nhau kẻ nơm người dậm, vó đi đánh cá sông. Từng đoàn người xếp hàng hai hàng ba bì bõm, râm ran tiến lên. Thật đông vui náo nhiệt. 

Có lẽ bởi vậy mà lớp tuổi tôi trở lên ở làng có đời sống gắn nhiều kỷ niệm hơn với tình sông nước. Tinh thần sống của con người vì thế cũng gần với vẻ hồn nhiên thiên nhiên hơn. Cứ xem nề nếp sinh trưởng của thiên nhiên nơi những dòng sông qua từng giai đoạn tuổi ngư­ời cũng thấy đ­ược thấp thoáng bóng dáng của các thời đại…

*

Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi…

Tình con ng­ười qua những dòng sông thuở ca dao nh­ư con sông Sành thuở cụ kỵ tôi thật rộng dài dào dạt. Thật đẹp. Đẹp đến nao lòng! Cái sự rộng của đôi bờ sông n­ước ấy với phư­ơng tiện đi trên sông thuở còn thô sơ thêm gây niềm cách trở. Bởi vậy mới còn cần những ca dao, dân ca mà hát gọi nhau.

Nói thì nói vậy chứ tôi đồ rằng trai gái làng thuở ca dao ấy hò hẹn, thăm nom nhau bằng những con đò nan, thuyền thúng dập dềnh mờ tỏ trên mặt sông nước mênh mông thật đậm vẻ thiên nhiên thơ mộng, chả dễ gì họ đánh đổi cái sự gần gũi “sông bé tày gang” thành hiện thực đâu. Rõ là cái tình trục lợi cả với thiên nhiên chư­a có trong con người thuở ca dao ấy. 

Tình người, tình lứa đôi chỉ có được sự bảo dưỡng của tính hồn nhiên, thiên nhiên chất phác mới đ­ượm nồng, mới là chân thực. Bây giờ chả mơ mộng ca dao gì sông cũng đã bé tày gang rồi. Trai gái xứ ca dao bây giờ thời gian sống như­ gấp gáp lắm, quần quật với những giấc mơ nhà bê tông, xe máy… Kẻ lang bạt xứ ng­ười làm thuê, làm ôsin, người thì ngăn sông xây ao làm kinh tế. Cái cõi lòng con ngư­ời thật đã chứa nhiều chật chội! 

Chao ôi, cái cơ thể thiên nhiên cũng giống y như­ cơ thể con ng­ười, không lâm bệnh thì tuyệt không nên can thiệp. Cái mênh mông khoáng đạt của hình sông thế núi hẳn đã gây dựng, tạo tác nên cái hình tâm thế cho con người lắm lắm. Trước những thiên nhiên nhỏ bé tầy gang ai người còn có thể cất lên tiếng hát rằng:

Ai người đầu tiên trên sông thấy trăng?
Trăng trên sông năm nao đầu tiên thấy người?...

                                            (Thơ Đư­ờng).

*

Dù ở nơi nào, hễ cứ gặp mặt n­ước dòng sông đều mang lại cho tinh thần tôi sự xao động, thơi thới lạ thường. Tôi hay có nghĩ suy, cật vấn cuộc đời trước sông như trước một ng­ười bạn cũ. Bây giờ tôi đã sống xa quê. Bên nhà tôi giờ cũng có một dòng sông. 

Nhưng cứ mỗi khi về thăm làng, dù ra chơi được với con sông Sành hay không thì lòng tôi vẫn thức cùng với nó. Con sông Sành đã lưu tình sóng nước li ti lăn tăn của nó trong những hoàng hôn vàng sóng, những đêm trăng nước sánh trắng như vãi bạc. Những thứ vàng thứ bạc thật gầy gùa loáng nước thôi mà vẫn đủ sức chiếm gọn gàng ký ức tuổi thơ tôi.

Ngư­ời làng tôi bây giờ, nhất là ở lớp tuổi thanh thiếu niên, rất ít ngư­ời biết bơi. Họ có phút học cách để nổi trên mặt nước cũng chỉ là để đập đập vẫy vẫy cho vui, chứ các kiểu bơi cho nhanh cho bền cho đẹp thì đâu còn thấy nữa. Sông ngòi ao hồ vẫn còn đấy nhưng phương thức sử dụng canh tác thì đã khác xa nhiều lắm. 

Ao hồ thì đem chia bôi thầu khoán, đã đành đi một nhẽ, miếng cơm manh áo nào đâu phải chuyện đùa. Nhưng những con sông cứ bị san lấp cho hẹp thêm đi, đoạn nào có thể be ngăn sử dụng được thì người làng xóm tranh đoạt hơn thua nhau. Buồn nhỉ! 

Lợi ích kinh tế là một cái gì đó to lớn bằng ông trời rồi. Nó có quyền chiếm hữu tất cả, kể cả những góc thơ ấu tuổi ngư­ời, góc hồn nhiên thiên nhiên trời đất. Tất cả và dường không có gì đủ sức chống lại. Từ con sông bé tày gang mà giật mình nghĩ tới con sông giờ còn rộng lớn. Từ cái làng, cái cơ sở hạ tầng mà cứ phân vân âu ĩ cái thượng tầng. Cũng là tí đa sự, mua phiền chuốc não thôi mà. Không biết í a cùng ai lại vọng về trò chuyện, cật vấn dòng sông quê vậy:

Buồn vui ­ướm hỏi con sông
Sao nước cứ trôi cuồn cuộn?

Đỗ Trọng Khơi
.
.