Số 46 Bát Đàn - ẩn khuất những số phận lớn

Chủ Nhật, 05/09/2010, 14:30
Hà Nội, một sáng chớm thu, tôi bước lên tầng hai của một căn gác nhỏ số 46 phố Bát Đàn. Nhà vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuân và Tiêu Lang, cặp giai nhân - tài tử nức tiếng một thời của làng cải lương Việt Nam ở đó. Và cũng từ ngôi nhà nhỏ này, một cô gái có vẻ đẹp thanh khiết, đậm chất Á Đông, Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh đã ra đời. Một ngôi nhà giản dị, bình yên như chính cuộc sống bình yên của đôi vợ chồng nghệ sĩ già, qua bao mưa nắng của cuộc đời, vẫn vẹn nguyên một mối tình cổ tích.

Bà Kim Xuân đón tôi trong một buổi sáng khi tiết trời Hà Nội chớm thu. Không hiểu sao khi bước vào căn gác nhỏ, nơi bà Kim Xuân và người chồng của bà đã sống hơn một nửa thế kỷ, tôi có cảm giác thật nhẹ nhõm, ấm áp. Căn nhà dường như biệt lập khỏi cái không khí ồn ã của phố xá ngoài kia. Mà chỉ có sự bình yên. Căn gác nhỏ được bài trí đơn sơ, giản tiện. Một chiếc bàn cổ, chiếc tủ đựng đầy sách. Một vài bức tranh của bạn bè. 

Bà Kim Xuân đã ngoài 80 tuổi, căn bệnh tim khá nặng khiến mấy năm nay bà không còn được đi lại giao du với bạn bè. Bà cũng ít khi ra khỏi nhà, vì lên xuống cầu thang phải có người dìu đỡ. Cuộc sống của bà dường như tách hẳn với những chuyện đời bon chen, vội vã ngoài kia. Nhưng gương mặt bà không có dấu vết của sự mỏi mệt. Và ẩn chứa đâu đó, vẫn là nhan sắc một thời của làng sân khấu Việt, cổ điển, mặn mà.

Cái vẻ quyền quý, sang trọng của một cô gái Hà Nội gốc vẫn được lưu giữ trong bà, từ phong thái, cách ăn mặc đến trang điểm. Khi tiếp chuyện với một người khách lạ, bà vẫn không quên tô một chút son môi nhẹ nhàng, tỏ sự tôn trọng với người đối diện. Đó là một nét đẹp thanh lịch của nghệ sĩ Tràng An, mà bà Kim Xuân vẫn giữ trong nếp sống của mình.

Bà Kim Xuân không nói về hiện tại, bởi bà coi mình đã thuộc người đời xưa rồi. Câu chuyện của bà chỉ là những hồi ức về quá khứ, dù đối với bà, quá khứ đó mới chỉ như ngày hôm qua bởi nó luôn hiện diện trong ngôi nhà đầy kỷ niệm này.

Bà Kim Xuân may mắn lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, cái máu làm nghệ thuật chảy trong huyết quản của bà từ đời ông nội, một diễn viên tuồng cổ, còn bố bà Kim Xuân là "thầy tuồng" - đạo diễn Gia Túc, thường nhận dạy đoàn Hiệp Thành đồng ấu. Bố mẹ Kim Xuân chỉ có độc nhất một cô con gái, sớm mê nghiệp đàn ca, nên năm 10 tuổi, Kim Xuân gia nhập vào lớp học của thầy. Tiếng ca như rút ruột của Kim Xuân đã làm sôi động sân khấu miền Bắc một thuở khi bà trở thành đào nương của Đoàn Cải lương Kim Chung (tiền thân của Đoàn Chuông Vàng, Hà Nội).

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuân và chồng.

Và có một thời, người ta cho rằng, số phận bà Kim Xuân sinh ra là để dành cho những vai nữ hồng nhan bạc phận của làng cải lương hồi đó. 20 tuổi, nhan sắc của một cô gái tài sắc vẹn toàn cứ thế tỏa hương, làm say mê bao chàng trai Hà Nội, hồi đó cũng không kém tài danh.

Cũng hồi đó, chủ Đoàn Cải lương Kim Chung có một người em trai, tên là Tiêu Lang, khôi ngô tuấn tú, thường đệm đàn cho bà Kim Xuân hát. Tiếng đàn và lời ca của họ, không biết tự bao giờ đã quấn quyện vào nhau. Tình trong như đã. Họ kết hôn khi cả hai còn rất trẻ. Tiêu Lang ngày đó mới chỉ đi theo chơi đàn chứ chưa lên sân khấu hát.

Tôi hỏi, có phải vì tiếng ca của nàng Kim Xuân hút hồn mà chàng Tiêu Lang bỏ cuộc chơi lên sân khấu. Ông Tiêu Lang tình tứ nhìn bà. Kể từ đó, những năm 50 của thế kỷ trước, họ đóng cặp với nhau. Dường như thượng đế đã sinh ra họ để dành cho nhau, và dành cho sân khấu cải lương. Cặp tài tử Kim Xuân - Tiêu Lang với những vai diễn để đời đã trở thành một cặp đôi nức danh trong làng sân khấu một thuở.

Đến bây giờ bà Kim Xuân vẫn còn nhớ vai diễn đầu tiên của ông bà, Trương Chi và Mỵ Nương trong vở ca kịch “Hận tương giao” của Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long. Từ đó, cái tên Kim Xuân - Tiêu Lang đã gắn liền với những số phận nổi tiếng trong những vở ca kịch, "Đời cô Lựu", "Trinh nữ Xuân Hương", "Nàng tiên Mẫu đơn".

Và đặc biệt là vở “Kiều” vở ca kịch đã đưa bà Kim Xuân lên đỉnh cao của thành công khi bà được khoác trên mình vòng nguyệt quế, Huy chương Vàng trong Đại hội diễn mùa xuân năm 1962. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cũng không ai cạnh tranh được với bà cái danh hiệu "nàng Kiều khả ái nhất" trên sân khấu kịch hát. Bà Kim Xuân cho tôi xem một cuốn album đã cũ màu vì thời gian nhưng lưu giữ gần như trọn vẹn những vai diễn của ông và bà.

Tôi lần giở từng trang như lần giở lại ký ức về một thời vàng son của vợ chồng nghệ sĩ già. Những bức ảnh đen trắng được chụp lại một cách cẩn thận, được ông bà nâng niu như kỷ vật về một thời hào quang trên sân khấu. Kỷ vật về một niềm đam mê chưa bao giờ ngưng chảy trong tâm hồn hai nghệ sĩ già. Kỷ vật về một tình yêu lớn trong đời.--PageBreak--

Bà Kim Xuân chỉ vào bức ảnh Kim Trọng và Thúy Kiều được phóng to treo một góc tường. Ngày xưa, bức ảnh này được nhiều người mua về làm ảnh treo tường. Trong ảnh là màn Thúy Kiều đang gảy cho Kim Trọng nghe khúc tương tư ở Lãm thúy hiên. Và tôi hiểu, vì sao ngày đó, cặp đôi tài tử Kim Xuân - Tiêu Lang lại nổi tiếng đến vậy. Họ đã mang tình yêu của chính mình hóa thân trên sân khấu, trong từng vai diễn.

Đã gần 50 năm, đôi mắt bà Kim Xuân mơ màng hồi tưởng, ngày đó, ba lần bà đứng lên bục vinh danh, với những giải thưởng danh giá nhất của làng sân khấu Việt. Một cô Lựu đau khổ trong "Đời cô Lựu", một nàng Kiều hồng nhan, truân chuyên trong "Kiều", và một cô Ly nhiều nước mắt trong "Bên dòng Nhật Lệ". Bà hóa thân vào họ, khóc với nỗi đau của họ, những vai diễn đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả, khiến nhiều người hồ nghi rằng, trong nỗi đa đoan của nhân vật, ít nhiều có bóng dáng của một Kim Xuân ngoài đời.

Nhưng Kim Xuân của đời thường là một cô gái hoàn toàn khác, mang gương mặt tròn đầy của số phận. Những đoạn trường của nhân vật không vận được vào cuộc đời bà, vì Kim Xuân luôn tách bạch cuộc sống trên sân khấu, và cuộc đời thực. Có lẽ, ngôi sao hạnh phúc hiếm hoi đã chiếu xuống cuộc đời bà Kim Xuân để Kim Xuân giữ cho mình được một tình yêu suốt đời, bền bỉ và hiếm có trong làng sân khấu Việt.

Hồi tưởng lại những huy hoàng của sân khấu cải lương một thuở, bà Kim Xuân có chút ngậm ngùi. Ngày đó đã xa quá rồi, và những hồi tưởng chỉ còn là hào quang trong quá khứ. Ngày đó, người xem phải tranh nhau xếp hàng từ tờ mờ sáng để mua vé. Bà cũng đã từng tham gia vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam những khóa đầu tiên, thời nhà thơ Thế Lữ còn là Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Nhưng đã xa rồi ánh đèn sân khấu. Bà Kim Xuân ngoài đời là một người phụ nữ dịu dàng, nền nếp. Thoát khỏi ám ảnh của một phận phụ nữ hồng nhan, đa đoan, bà và Tiêu Lang có một cuộc sống giản dị và bình yên. Hai năm nữa, ông bà sẽ làm lễ kỷ niệm đám cưới Kim Cương, một hạnh phúc hiếm có đối với những vợ chồng nghệ sĩ.

Gần 60 năm, đi cạnh cuộc đời nhau, nhưng có một điều đặc biệt, ông bà chưa bao giờ xa nhau. Ngay cả trong thời loạn lạc, chiến tranh, sơ tán, họ cũng không rời nhau nửa bước. Có lẽ là duyên trời định. Bà Kim Xuân ngước nhìn ông, vẫn cái nhìn trìu mến, trân trọng của 60 năm về trước khi nhắc lại những kỷ niệm. Cuộc đời bà không có nhiều biến động, bởi bên cạnh bà luôn có một người chồng, một người bạn, thấu hiểu, sẻ chia. Niềm hạnh phúc ấy không mấy ai trong đời cũng có được.

Tôi vẫn thấy hạnh phúc đang hiện diện trên gương mặt của người đàn bà năm nay đã ở vào cái tuổi ngoại bát thập. Bà sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, được thừa hưởng nếp sống thanh lịch, nhàn nhã của người Hà Nội xưa. Xa rời những chốn phù hoa, bon chen, danh lợi, bà giữ nếp sống ấy cho riêng mình, và truyền thụ lại cho con cái. Có thể ví cuộc đời bà Kim Xuân như một vầng sáng tròn đầy viên mãn.

Bởi bà có tất cả, ánh hào quang của sân khấu, một ngôi nhà bình yên, với tình yêu suốt đời của một người đàn ông làm nghệ thuật. Và những đứa con. Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, giai nhân phố cổ là con gái yêu của vợ chồng bà. Chị cũng có một gia đình yên ấm với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Cuộc hôn nhân của chị mang bóng dáng hạnh phúc của cuộc đời nghệ sĩ Kim Xuân. Nhiều người hồ nghi về sự bền lâu của những vợ chồng nghệ sĩ.

Nhưng với Kim Xuân - Tiêu Lang, với Như Quỳnh - Hữu Bảo, thì sự hồ nghi đó là vô căn cứ. Kim Xuân bảo, đó là nếp sống được gìn giữ, chắt chiu từ trong một gia đình làm nghệ thuật. Đó không chỉ là hạnh phúc đời thường, mà còn là sự thăng hoa trong nghệ thuật, của những tâm hồn biết nương tựa vào nhau, làm đẹp cho nhau.

Trong cái thời buổi mà số phận của những mối tình nghệ sĩ mỏng manh như chiếc lá cuối thu, thì câu chuyện tình của bà Kim Xuân và Tiêu Lang thực sự làm thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ. Ở đó, không có những bon chen phù phiếm, không có những xa hoa rực rỡ của sân khấu, mà chỉ có sự bình dị, ấm áp của tình người.

Hằng ngày, bà Kim Xuân và ông Tiêu Lang vẫn đi về cùng nhau trên căn gác nhỏ ấm cúng ở số 46 Bát Đàn ấy, mặc dòng đời ngoài kia đang ầm ào cuộn chảy…

Hà Linh
.
.