SEA Games 28 với chủ nhà Singapore: Xin một lần ngả mũ

Thứ Hai, 29/06/2015, 09:24
Chắc chắn lịch sử SEA Games còn ghi nhận mãi khi Ashley Liew - vận động viên marathon của đoàn chủ nhà Singapore quyết định đứng lại, quyết định đối diện với nguy cơ tay trắng để chỉ đường cho chính những người đang cạnh tranh quyết liệt với mình... 

* Ashley Liew - vận động viên marathon của đoàn chủ nhà Singapore chạy được 50m đầu tiên thì chợt nhận ra hầu hết các đối thủ đều chạy sai đường. Thế là Ashley Liew đứng lại, chờ các đối thủ của mình để dẫn đường, và cuối cùng anh chỉ về đích ở vị trí thứ 8/12.

* Bạn đọc của tôi, bạn nghĩ gì về câu chuyện này, hành động này? Bạn nghĩ gì khi một cử chỉ thượng mã như thế lại diễn ra ở một sân chơi mà chắc chắn là lâu nay bạn luôn bị ám ảnh về tính “ao làng” của nó?

Chắc chắn Ashley Liew có thể tận dụng tối đa lợi thế mình có được sau 50m đầu tiên để về đích, đoạt huy chương. Chắc chắn là ở vào hoàn cảnh của anh sẽ có không ít vận động viên (VĐV) chọn giải pháp này. Nhưng có lẽ Ashley Liew hiểu một chiếc huy chương dựa quá nhiều vào yếu tố “địa lợi”, chứ không dựa hoàn toàn vào tài năng, thông qua những cuộc so tài công bằng và liêm chính cũng chẳng vẻ vang, sung sướng gì.

Thế nên anh mới làm cái việc mà chắc chắn lịch sử SEA Games còn ghi nhận mãi: Quyết định đứng lại, quyết định đối diện với nguy cơ tay trắng để chỉ đường cho chính những người đang cạnh tranh quyết liệt với mình. Xét ở góc độ thành tích, Ashley Liew đã thua - thua lấm lưng trắng bụng, nhưng xét ở tinh thần thể thao chân chính, xét ở góc độ “quyền lực mềm” của một con người thì anh đã giành chiến thắng tuyệt đối và vĩnh cửu. Chiến thắng ấy không chỉ tạo giá trị cho cá nhân anh, mà còn tạo giá trị cho đoàn thể thao của anh. Tạo giá trị cho đất nước anh. 

Phải nói, hành động tuyệt đẹp của Ashley Liew cũng chính là ví dụ điển hình cho tinh thần thượng mã của chủ nhà Singapore ở kỳ SEA Games này. Một kỳ SEA Games mà nói như trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn thì: “Người ta không có gì phải phàn nàn về công tác tổ chức và cả những vấn đề trọng tài vốn luôn là những vấn đề lớn ở những kỳ SEA Games trước”. Ông Phấn còn nhấn mạnh: “Không riêng cá nhân tôi, nhiều vị trưởng đoàn của nhiều đoàn thể thao khác cũng có chung quan điểm ấy”.

Kết thúc SEA Games, Singapore chỉ đứng thứ 2 với 84 huy chương vàng (HCV), hơn đoàn đứng thứ ba là Việt Nam 11 HCV và kém đoàn đứng thứ nhất là Thái Lan cũng 11 HCV. Khoảng cách 11 HCV rõ ràng là một khoảng cách rất nhỏ, và với quyền chủ nhà của mình, Singapore hoàn toàn có thể đưa những môn thể thao “chỉ riêng mình có” hoặc có thể tạo những tác động đặc biệt lên đội ngũ cầm cân nảy mực để nới rộng nó (với Việt Nam) và xoá nhoà, vượt qua nó (với Thái Lan). Nhưng người Singapore đã không làm như thế.

Trong 84 HCV của họ có đến 67 chiếc đến từ những môn mang tính chất thi thố sòng phẳng (điền kinh, bơi lội, bắn súng, chèo thuyền...), chứ không phải những môn chấm điểm cảm tính. Và trong số những môn thi đấu được tổ chức năm nay, tuyệt đối không có những môn kỳ lạ mà những đoàn chủ nhà trước đây từng đưa vào để chiếm lợi thế cho mình như trèo tường, đá cầu, lặn chân vịt, bóng gỗ, đánh phỏm...

Ánh Viên - biểu tượng cho sự vươn lên của TTVN. Ảnh: H.M.

Có thể nói không quá rằng Singapore đã cắm một ngọn cờ tiên phong về sự sạch sẽ và thượng mã trong lịch sử SEA Games, và nếu các nước chủ nhà tiếp theo tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy thì chắc chắn hình ảnh về một “vùng trũng”, một “ao làng”, một kỳ đại hội mà tư tưởng “ăn thua bằng mọi giá” sẽ sớm được đoạn tuyệt, và một thời kỳ phát triển tử tế của thể thao Đông Nam Á sẽ diễn ra.

Nếu người Singapore là điển hình cho sự chuyển hướng trong tư duy tổ chức thì với bản thân mình, thể thao Việt Nam cũng xứng đáng là một điển hình cho sự chuyển hướng trong tư duy đầu tư, vượt ao ra biển. Cái được lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games này không nằm ở con số 73 HCV với vị trí thứ 3 chung cuộc, mà nằm ở sự biến chuyển cả về lượng lẫn chất của chúng ta.

Phải ngả mũ trước một biểu tượng của sự tử tế, trong sạch như Ashley Liew!

Xét về mặt số lượng, SEA Games này thể thao Việt Nam tham dự với một số lượng được tinh giảm tối đa, với chỉ 392 VĐV. Có nghĩa, chúng ta chỉ bằng già nửa số lượng VĐV của Thái Lan, Singapore - những đoàn thể thao xếp trên mình, và kém cả Malaysia (600 VĐV), Indonesia (500 VĐV) - những đoàn thể thao xếp dưới mình. Còn xét về chất, gần một nửa số HCV của chúng ta đến từ các môn điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ - những môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic.

Khi Nguyễn Thị Ánh Viên phá tới 8 kỷ lục SEA Games, khi đội chạy tiếp sức 400mx4 điền kinh nữ cũng  phá kỷ lục SEA Games mà người Thái Lan xác lập từ 24 năm trước thì rõ ràng chúng ta đã có những sự công phá ngoạn mục, thực sự thoát khỏi tư tưởng “đi tắt đón đầu” vốn ám ảnh mình hàng chục năm nay.

Hy vọng là khi chúng ta làm chủ nhà của kỳ SEA Games 31 (dự kiến diễn ra ở TP Hồ Chí Minh) thì tư tưởng về một cuộc chơi thượng mã và những chiến thắng sòng phẳng như ở Singapore năm nay sẽ tiếp tục được phát huy. Bởi trong thời đại này, sức sống của một nền thể thao, một đất nước, một dân tộc trong nhiều trường hợp không chỉ đến từ những thành tích cụ thể, mà còn đến từ “quyền lực mềm” phía sau mỗi thành tích, mỗi sự thắng thua.

Hy vọng là SEA Games 31, dù thành hay bại thì chúng ta cũng là một nước chủ nhà khiến cho phần còn lại của Đông Nam Á phải ngả mũ, giống như ở SEA Games 28 này, tất cả đã phải ngả mũ trước người Singapore.

Bóng đá xấu xí

Bên cạnh những ấn tượng đẹp đẽ bao trùm của chủ nhà Singapore và đoàn thể thao Việt Nam thì đây đó trong chính đoàn thể thao của chúng ta cũng xuất hiện những hình ảnh xấu xí, cần rút kinh nghiệm, mà Đội tuyển (ĐT) U.23 Quốc gia là một ví dụ điển hình. Khi môn bóng đá nam SEA Games 28 kết thúc, đội tuyển U.23 chỉ đoạt Huy chương Đồng, chứ không thể thực hiện giấc mơ vô địch thì rất nhiều fan hâm mộ thể thao đã bày tỏ sự thất vọng. Nhưng thực ra có những điều phía sau chuyện thành tích đáng để thất vọng hơn.

Đó là gì? Đó là việc cầu thủ U.23 Việt Nam nhất định không chịu đá bóng ra ngoài biên khi thấy cầu thủ U.23 Thái Lan nằm sân sau một chấn thương, trong một trận đấu chỉ có ý nghĩa thủ tục giữa hai đội. Đó là việc cầu thủ Việt Nam quây trọng tài, phản ứng một cách máu lửa sau khi phải nhận quả 11m mười mươi trong trận bán kết với “kèo dưới” Myanmar. Chứng kiến hình ảnh thứ nhất, Huấn luyện viên trưởng U.23 Thái Lan đã lắc đầu nguầy nguậy. Còn chứng kiến hình ảnh thứ hai, rất nhiều bạn đọc, người hâm mộ thể thao đã điện thoại đến toà soạn Báo Công an nhân dân, bày tỏ sự thất vọng của mình.

Trong các cuộc đấu mang tính đối kháng cao như bóng đá, việc các cầu thủ đôi khi đánh mất mình, không thể hiện được một thái độ lịch sự, văn hoá cũng là điều khó tránh, nhưng khi những điều này lặp đi lặp lại, và khi chính một bộ phận các cổ động viên Việt Nam đã phải thốt lên: “Chúng tôi thất vọng không phải vì thua mà vì cách chúng ta thể hiện mình” thì rõ ràng vấn đề cần phải được xem xét một cách thấu đáo.

Phan Đăng
.
.