Sao Việt xa hoa - buồn nhiều hơn vui

Thứ Sáu, 22/01/2010, 09:22

Ì xèo quanh năm, giới nghệ sỹ luôn là trung tâm của mọi lời đàm tiếu. Điều lạ là, không ít người cố gắng để được đứng vào vị trí trung tâm ấy. Và cũng không ít người sẵn sàng phô trương hình ảnh xa xỉ của mình, tổ chức những bữa tiệc sinh nhật bạc tỉ và… mời báo chí đến đưa tin. Và trong những bữa tiệc ấy, người ta cố gắng thể hiện đẳng cấp của mình. Cho dù, có thể ngoài kia mưa bão lớn, miền Tây nước lũ hay miền Trung bão lụt. Hình ảnh người nghệ sỹ vì cộng đồng là câu chuyện xa xôi…

Cuốn tiểu thuyết "Khách không mời" của Geling Yan tạo nên một cơn sốt tại nhiều nơi nó xuất hiện. Không phải vì nó quá cao siêu hoặc vạch ra những tư tưởng lớn của thời đại, mà đơn giản nó miêu tả kỹ lưỡng một hiện tượng xã hội mới. Những bữa tiệc xa hoa, núp dưới danh nghĩa từ thiện hoặc những lễ khai trương, khánh thành, với rất nhiều nhân vật nổi tiếng.

Một nghệ sỹ kịch nói chia sẻ, anh rất tâm đắc với cuốn sách, bởi dù xuất phát từ nước ngoài, nhưng có những điều đúng với xã hội Việt Nam. Có những bữa tiệc xa xỉ được mở và người nổi tiếng đến đó để khoe đồ hiệu và khẳng định đẳng cấp của mình. Mục đích từ thiện đôi khi là cái cớ. Mà số tiền từ thiện đó, sau đó không thấy thông tin lại, không ai biết nó được thực hiện như thế nào và dành cho những đối tượng nào. Hoàn toàn mơ hồ.

Mục đích từ thiện đôi khi để đánh bóng tên tuổi chủ nhân mà thôi. Thế nên, những người làm công tác từ thiện rất bất bình trước những hiện tượng đó. Bởi chỉ có họ mới biết, ai là những người tận lực cho công việc từ thiện, còn ai chỉ tìm mọi cách để làm trung tâm của những đám đông và đóng vai những người nhân nghĩa…

Quay trở lại "Khách không mời", nhân vật chính là một công nhân thất nghiệp, anh ta chỉ có một cái áo sơ mi và đôi giày cũng sắp hỏng. Cuộc đời đẩy anh ta vào dòng chảy, đó là làm những con rệp trong các bữa tiệc sang trọng. Và từ đó, anh ta biết, mình nên giả danh nhà báo, làm những tấm cardvisit hoành tráng của các hãng tin xa xôi, để được chủ nhân của các bữa tiệc chào đón. Và mọi chuyện bắt đầu. Để rồi, chính anh ta, một công nhân thất nghiệp giả danh nhà báo, nhưng lại là người phát hiện những mâu thuẫn kỳ quặc sau lớp rèm nhung ấy. Và ở đó, mọi giá trị trở nên đảo lộn. Những lớp son hào nhoáng đôi khi khiến người ta rơi vào tình trạng thực hư lẫn lộn, mà cũng dễ rơi vào trò "lộng giả thành chân"…

Ở Việt Nam, cái tin một người đẹp tổ chức bữa tiệc sinh nhật tốn gần một tỷ đồng được giới truyền thông xôn xao. Trong những thực khách của bữa tiệc xa hoa được tổ chức tại một nơi sang trọng bậc nhất Sài Gòn, có cả các nhà báo. Nhưng giới hạn, chỉ là phóng viên các tờ báo mạng. Lý do: Chủ nhân muốn được xuất hiện trong một loạt hình cùng các khách mời trên báo. Bữa tiệc rộn ràng. Người đẹp lộng lẫy sánh vai cùng những bạn bè thân thiết, cũng là những người đẹp lộng lẫy khác. Và trong buổi tiệc, các thực khách choáng váng khi biết tin, dù là đại sứ của một thương hiệu xe hơi, nhưng người đẹp vẫn quyết định mua một chiếc xe hơi đắt tiền hơn rất nhiều chiếc xe hơi mà nàng làm đại sứ. Lý do được đưa ra là, người đẹp thích đẳng cấp và chiếc xe mới chỉ có hai chiếc tại Sài Gòn. Bữa tiệc sau đó được đưa lên làm "hot news" trên các trang báo mạng. Và đương nhiên, chủ nhân của bữa tiệc được ca ngợi như một người đẳng cấp, sang trọng. Điều đáng ngạc nhiên là một số nhà báo, những người định hướng dư luận, lại có vẻ tỏ ra hứng thú với sự xa hoa này.

Đâu đó trên các trang báo mạng đưa tin rất nhiều về các bữa tiệc tùng. Nếu chỉ cần mở các trang về ngôi sao ra sẽ thấy, gần như ngày nào các ngôi sao cũng… đi dự tiệc. Một ca sỹ tổ chức dạ yến xa hoa giữa Sài Gòn. Một người đẹp sắm du thuyền bạc tỷ. Một nữ ca sỹ mua nhà triệu đô. Các chân dài thả dáng trong những bữa tiệc nào đó, hoàn toàn không vì mục đích gì, ngoài việc họ mặc đẹp và đi ăn tiệc. Nhiều ca sỹ, nghệ sỹ hay lên báo khoe việc chơi hàng hiệu. Họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền (theo họ tự khoe) để mua những món đồ mà thoạt nghe sẽ choáng váng, có khi lên tới vài chục ngàn USD. Và những món đồ đó thường chỉ được sử dụng một lần và để lên báo khoe, mình luôn có những mẫu hàng hiệu mới nhất của một thương hiệu yêu thích. Tất nhiên, không ít trong số yến tiệc đó là nhà báo bắt tay với công nghệ PR để mượn ngôi sao vào mục đích quảng cáo trá hình. Như việc một bữa tiệc đầy ắp chân dài, nhưng thực chất, đó là bữa tiệc quảng bá một loại rượu mới của một nhãn hiệu rượu nổi tiếng.

Việc các ngôi sao đua nhau diện đồ hiệu đến những bữa tiệc tổ chức tại các khách sạn sang trọng là chuyện đã cũ. Việc họ canh nhau từng bước, để "chặt chém" nhau từng chiếc ví, thậm chí đôi bông tai là điều gần như đương nhiên. Họ hoàn toàn không có nhu cầu cạnh tranh nhau về công việc, ai sẽ phát hành album trước, ai sẽ có liveshow trước, ai được khán giả yêu mến hơn, ai nỗ lực vì người nghèo hơn… Họ không có nhu cầu nói về những điều đó. Nhưng nếu ai đó dùng đồ hiệu Hermes trong khi cả bữa tiệc hầu hết xài đồ LV thì sẽ có vấn đề. Đó là người "chơi trội". Và bắt đầu cuộc đua cho những bữa tiệc sau.

Có một câu chuyện khá nực cười. Cuối năm 2009, tại Hà Nội, trong một bữa tiệc của một quỹ từ thiện nhằm tổ chức đấu giá hiện vật nhằm giúp phẫu thuật cho trẻ em hở hàm ếch (rất cụ thể rồi nhé), có rất nhiều ngôi sao đến dự. Có nữ ngôi sao của dòng phim truyền hình cũng xuất hiện và được chú ý, săn đón. Cô khóc ghê lắm, thương cảm cho các em nhỏ tật nguyền. Và cô cũng chưng diện những món đồ đắt tiền theo đẳng cấp của mình. Đi cùng với cô cũng có nam nghệ sỹ được tiếng là giàu có, đắp cả trăm ngàn USD lên cơ thể bằng những món đồ hiệu cao cấp. Nhưng đến khi buổi đấu giá bắt đầu, hai ngôi sao vừa khóc nức nở (vì thương trẻ em khuyết tật), vừa ăn mặc sang trọng (để tỏ rõ đẳng cấp) ngồi im như thóc. Bức tranh đó không quá cao, cuối cùng, một nữ ca sỹ nổi tiếng (nhưng rất kín tiếng, chưa bao giờ khoe khoang nhà cửa, đồ hiệu, dù thu nhập "kinh hoàng") đã mua nó với giá chưa tới 20 ngàn USD. Còn các ngôi sao khác im lặng đến kinh ngạc, dù chỉ là một cái giơ tay cũng không!

Thực ra, đâu cần phải mua thì mới là ngôi sao. Và không mua bức tranh đó thì cũng chẳng ai nói mình là người xấu. Cả trăm người tới chỉ có một người mua được thôi. Cái quan trọng là số tiền đó đã được sử dụng đúng mục đích cho người nghèo và trẻ em khuyết tật thôi. Điều đáng nói là, nếu đã không dám giơ tay để mua bức tranh làm từ thiện, thì có lẽ cũng không nên khoe khoang mình giàu có làm gì. Giàu mà làm gì khi trái tim khép cửa?… Hành động "ghi điểm" của nữ ca sỹ kia đã làm không ít người nói cô "chơi nổi". Nhưng thực ra, cô đã có những chuyến cứu trợ âm thầm tới nhiều tỉnh, thành, mà cô hoàn toàn không có ý định làm truyền thông. Đi thăm một người nào đó, xong cho họ được một món tiền còm, rồi lên khắp các mặt báo đưa tin, đó là sự lăng xê bản thân không lành lắm. Nó sẽ làm người nghèo tủi thân hơn mà thôi.

Dù công khai hay thầm lặng, những bữa tiệc và lối sống xa hoa theo cách của các ngôi sao vẫn là điều đương nhiên. Và kể cả dư luận có phê phán, thì những người thích khoe khoang vẫn sẽ có nhiều cách để đánh bóng bản thân mình, như con công đực lúc nào cũng phải cố cho thiên hạ biết mình có bộ lông rực rỡ. Tất cả những điều đó không có pháp luật nào ngăn cấm. Nhưng, nó để lộ ra một điều, đó là nền tảng văn hóa của không ít ngôi sao quá kém cỏi. Khi còn vô danh, họ sống vất vả, chật vật và bị chèn ép, nên khi có chút danh tiếng phải cố dương oai và tỏ ra hơn người, như một cách trả thù đời. Một đồng nghiệp của tôi, khi biết tôi viết bài báo này, đã chia sẻ một câu chuyện mà tôi cứ suy nghĩ mãi.

Cách đây chưa lâu, anh đi phỏng vấn một nữ MC. Chị chia sẻ rất nhiều điều về cuộc sống, trong đó bất ngờ để lộ ra chuyện chị có vài căn nhà ở Sài Gòn. Và chị giật mình, đưa ra đề nghị phóng viên không đưa thông tin đó lên báo. Chị nói, chị sợ bị hiểu lầm. Chị vốn cũng tham gia kinh doanh, nên chị biết có rất nhiều doanh nhân giàu có, mà giàu thực sự bằng mồ hôi nước mắt của họ, nhưng họ luôn sống chừng mực và khá kín đáo. Thế nên, là nghệ sỹ, có chút của cải bé mọn đã vội vàng khoe trên mặt báo thì sẽ khiến các đại gia thực sự họ cười cho. Hơn thế, còn rất nhiều người nghèo đang nhìn vào chúng ta, mình đi khoe sự xa hoa là xúc phạm đến họ, tôi cảm thấy mình như một kẻ nhẫn tâm. "Sự chia sẻ của chị ấy làm tôi thay đổi hẳn định kiến về chị. Tôi thấy chị đẹp hơn rất nhiều" - đồng nghiệp của tôi kết luận…

Nghệ sỹ nổi tiếng chắc chắn sẽ dễ kiếm tiền, đó là phong độ. Nhưng tiêu tiền như thế nào cho đáng, cho xứng và có ích, thì đó là đẳng cấp. Mà phong độ thì nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi…

Băng Di
.
.