Sài Gòn… quán cóc

Thứ Bảy, 17/07/2010, 15:49
Sài Gòn, có mấy con đường không quán cóc. Quán cóc hiện diện khắp mọi nơi. Và rồi, quá nửa những người từng là sinh viên đều biết đến quán cóc. Quán cóc ở Sài Gòn không có kiểu "liêu xiêu một câu thơ". Trời ạ, quán cóc nơi này nắng chang chang, lấy đâu ra mà thơ với phú…

1. Người ta quen miệng gọi quán cóc ở Sài Gòn bằng nhiều cái tên khác nhau, như cà phê vỉa hè, cà phê bệt… Hoặc đơn giản chỉ là cà phê má. Ừ, thì là cà phê má. Những thằng sinh viên quen cái kiểu gọi các cô bán cà phê cóc ở cổng trường với danh xưng rặt Nam Bộ "Má".

Kêu riết rồi thành quen, ra trường đi làm, công tác liên miên. Thi thoảng nhớ nhau vẫn nhắn tin "Mai rảnh, cà phê má". "Cà phê má", tức là ngồi quán cóc ở vỉa hè trường ĐH cũ, lót bìa các tông, ngồi bệt xuống hè, vừa ngắm sinh viên vừa… tào lao đủ chuyện trên đời. Uống hết một buổi sáng, mà vẫn thòm thèm cái không khí thân quen ấy.

Dạo này, Sài Gòn nắng nóng bất thường. Nắng chan chát trên đầu, hơi nóng hầm hập phả vào người. Ngồi quán cóc được chắn nắng bằng cái nhà chờ xe buýt quả nhiên là… bi kịch. Nhưng có sao đâu chứ, cà phê cóc mà, ở đâu chẳng nóng. Có quán cóc nổi tiếng như hẻm 47, có quán cóc vô danh…

So với thời buổi mà các nhu yếu phẩm từ nhiên liệu cho đến thực phẩm tăng giá đến chóng mặt này, cà phê cóc là thứ tăng chậm nhất. Mười năm trước, giá một ly cà phê là 3 nghìn đồng, trà đá 500. Giờ, cà phê cóc có giá 5 nghìn/ ly, còn trà đá thì miễn phí. Đã là cà phê cóc thì phải lấn chiếm vỉa hè, mà lấn chiếm vỉa hè thì… dĩ nhiên vi phạm mỹ quan đô thị.

Và, người ta lấy cái chuyện đảm bảo mỹ quan đô thị để "triệt phá" cà phê cóc. Cà phê cóc núp dưới ngọn cây, người ta chặt ngọn cây. Cà phê cóc ngồi bệt vỉa hè, người ta tạt nước cho vỉa hè ướt sũng… Cà phê cóc mà còn lì nữa, thì cứ dăm mười phút, sẽ có một đội tuần tra "hốt" sạch từ bàn ghế cho đến chai nước ngọt, thùng đá, ly tách… Kể cả những tấm bìa các tông thay thế ghế kia. Tội nghiệp, cà phê cóc(!).

Thì mình vi phạm mà, mình phải chịu phạt thôi. Dẫu vậy, cà phê cóc vẫn cố gắng duy trì sức sống mãnh liệt vốn có của mình. Sự duy trì nhờ vào mức độ thân quen của khách.

Không có gì tiện bằng uống cà phê cóc. Chờ bạn, cà phê cóc. Tập trung để đi đâu đó, hẹn nhau ở cà phê cóc. Đang chạy xe trên phố, thèm cà phê cũng cố tìm quán cóc… Tất tần tật đều ghé quán cóc. Mọi thứ gọn gàng và nhanh thôi, không phải gửi xe, không phải khề khà.

Mỗi quán "cà phê má" luôn là một câu chuyện khác nhau. Quán cóc tôi ngồi từ thời sinh viên đến giờ cũng nằm trong chuỗi quy luật những câu chuyện khác nhau ấy. Quán có hai đứa con trai, cậu nhóc nhỏ dở dang lớp 10 thì bỏ học, phì phèo thuốc lá. Cậu lớn vừa phụ mẹ bán hàng vừa đi học, khi thì đi lấy đá, lúc gọi nước ngọt. Lắm khi, còn giúp mẹ "phi tang" hàng hóa mỗi lúc có thanh tra đô thị kiểm tra, vậy mà vẫn vào được đại học.

Cậu nhóc nghỉ học sớm, rảnh chuyện suốt ngày mò đi uống cà phê. Vài năm thì lập gia đình. Quán nói là gia đình bên gái nghèo lắm, hôm đi rước dâu nhìn thương đến chảy nước mắt. Mà tụi nhỏ cũng ác, ở với nhau đến khi có mang rồi, mà mình hỏi vẫn cứ cố giấu.

Tội nghiệp được cháu nội, sinh ra nhỏ xíu, nhìn như suy dinh dưỡng. May là nhờ bà nội chăm sóc kỹ, nên giờ đã bụ bẫm lắm rồi. Mình đi bán mệt cả ngày, về nhìn thằng cháu nội là khỏe ngay. Quán có thể kể với tôi từ ngày này qua tháng nọ về chuyện thằng cháu nội. Sự mỏi mệt của khói bụi hè phố phút chốc tan biến nhờ những câu chuyện ấy.

Cậu nhóc mặt non choẹt kia sau khi lên chức bố bắt đầu biết sáng bỏ áo vào quần, mang giày tây đi học lớp trung cấp gì gì đó. Thuốc lá vẫn phì phèo trên môi, nhưng đã biết chuyện không lẽ cái gì cũng ngửa tay xin tiền mẹ(!).

2. Có nhiều quán cóc tôi đã từng ngồi, có quán nhớ tên mình, biết cả thức uống mình hay dùng. Có quán ngơ ngác cố nhận diện người quen. Có quán chỉ ngồi đến lần thứ hai là biệt tăm… Những quán cóc ngày nắng, những chỗ ngồi ngày mưa. Có quán chỉ nhộn nhịp lúc đêm về. Quán là nơi vài cô đào tìm khách, dăm anh xe ôm ngồi chạy cuốc đêm, mấy anh taxi cà phê tìm sự tỉnh táo… Quán vỉa hè trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).

Chị chủ quán người miền Tây, mở quán cũng đã chục năm trời. Quán chỉ mở vào lúc 20 giờ và kết thúc vào lúc 6 giờ hôm sau. Lâu rồi, quán có món mì gói nước sôi vào giữa khuya, nhưng giờ đã bỏ hẳn thực phẩm, chỉ còn thức uống. Quán chong mắt nhìn xe tải, xe container chạy sầm sập mặt đường. Có rất nhiều những câu chuyện khác nhau ghi được ở quán.

Anh thanh niên bụi bặm vừa lãnh vài nhát mã tấu vào vai. Cô đào xuống cấp thở than xuyên màn đêm. Bác xe ôm có thời từng là vận động viên bóng bàn có tiếng… Cả cô chủ quán nhìn xinh gái, những đã gần 40 tuổi vẫn ở vậy. Hay đùa là "trâu quá xạ, mạ quá thì".

Bẵng đi nhiều năm, cho đến khi Sài Gòn nóng bất thường, đầu váng vất khó ngủ lại chạy xe một mạch từ quận 8 sang Bình Thạnh để ngồi quán. Bất ngờ quá, cô chủ già hơn xưa vẫn kịp nhớ tên mình. Câu chuyện vẫn vậy, không đầu không cuối, nụ cười của người thức đêm bao giờ cũng mỏi mệt hơn.

3. Cậu bạn thân theo gia đình định cư ở nước ngoài. Trong những email gửi về, đều viết nhớ quán cà phê má quá. Bên này, không có loại hình cà phê đó. Đương nhiên, quán cóc vỉa hè là đặc trưng ở Sài Gòn mà.

Tết, cậu về nước chơi. Hai thằng chạy rạc chân không tìm được quán cóc. Quán về quê hết rồi, toàn những người xa xứ. Còn nếu ở Sài Gòn, cũng phải cho quán nghỉ Tết chứ.

Ra phi trường tiễn nhau đi, thương cho giấc mơ về quán cóc của anh bạn vẫn chưa thực hiện được. Biết sao giờ, hả bạn? Quán cóc mà, đôi khi cứ yên ắng thế trong ký ức của nhau.

Có là gì đâu. Vỉa hè, cà phê đắng, nắng chói chang, kể cả đôi khi người ta bảo mình là bôi bẩn bộ mặt văn minh của đô thị… Thây kệ mà vì có là gì đâu, nhưng sao vẫn cứ da diết thế, quán cóc ơi!

Phan Gia
.
.