Rủ rì rù rì

Thứ Tư, 17/02/2016, 05:11
Trong những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi này, Ngô cảm giác thời gian đang rỉ rả trôi qua rất nhàn nhã, chầm chậm và an lành. Sự an lành bởi ký ức và hy vọng đang nhúc nhắc tìm về. Thế nên, Ngô cũng chỉ viết những điều rủ rỉ rù rì đầy bé mọn thôi.

1. Mấy hôm trước, Ngô được mời tham dự cuộc bình chọn Trái Cóc Xanh của báo Tuổi Trẻ. Đây là cuộc xét chọn dành cho những câu chuyện trái khoáy diễn ra trong năm về lĩnh vực văn hóa xã hội, tựu trung là những hành vi phản văn hóa, Trái Cóc Xanh rất tạo được tiếng vang cùng sự quan tâm của dư luận.

Quan điểm cá nhân, Ngô vẫn tin văn hóa là cốt lõi của vạn sự phát triển bền vững. Phim cao bồi của Mỹ có câu rất hay: “Nếu bạn lôi kẻ sát nhân ra khỏi nhà và treo cổ hắn lên thì đó là luật rừng. Nhưng nếu bạn giao nộp kẻ ấy cho quan tòa để quan tòa tuyên bố treo cổ hắn thì đó là pháp luật. Trong một xã hội văn minh, luật rừng nhất thiết phải bị loại bỏ”.

Phim đánh đấm Trung Hoa đúc kết: “Một xã hội có thể không công bằng hoặc công bằng, một người có thể mạnh hay yếu, nhưng chắc chắn trước đạo đức thì tất cả đều bằng nhau”. Rất khó để phát triển bền vững mà không dựa trên các nguyên tắc văn hóa được thừa nhận.

Trái Cóc Xanh năm nay có tổng cộng 15 vụ việc được mang ra bình xét, 15 vụ việc ấy chính là góc tối của bức tranh văn hóa xã hội toàn cảnh của năm 2015. Những sự vụ được đưa ra để bình bầu có từ chi tiết đến đại cục, từ vi mô đến vĩ mô, từ thượng tầng đến hạ tầng, các thành viên bình chọn tranh cãi gay cấn không thua gì cảnh Khổng Minh dùng ba tấc lưỡi thuyết khách Giang Đông, cao trào tương tự hồi Gia Cát Lượng mắng Tư đồ Vương Lãng thổ huyết mà quéo. Tất nhiên, Ngô mượn hình tượng cho hấp dẫn vậy thôi, chứ mọi chuyện cũng không căng thẳng như dàn binh đánh nhau.

Ví như có vụ nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mắng nhau tay đôi với nam ca sĩ Quang Lê để giành cậu thanh niên có biệt danh “Đan Nguyên hè phố” thì ngay lập tức có đối xứng là người mẫu Trang Trần. Khi cô này miệng chửi thề như hát hay, đầu gật gù như ngáo đá, tay vung như Võ Tòng đả hổ, chân đạp như Hoàng Phi Hồng sử liên hoàn cước vào lực lượng công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) rồi kiêu hãnh khóc lóc ỉ ôi nhận mức án 9 tháng tù treo vì “Chống người thi hành công vụ”.

Minh họa: Lê Phương.

Làng giải trí Việt chưa bao giờ là hết thị phi để thiên hạ thôi ngong ngóng, cứ y như là tháng bảy mưa ngâu, tháng chạp nắng nóng. Ai thích thì hóng, ai không thích thì phán “Ruồi bâu” vậy thôi. Mà ruồi bây giờ cũng có giá lắm rồi, những 500 triệu một con hoặc mấy năm tù một lần phát hiện.

Ví như có đề cử nhà thơ Phan Huyền Thư đôi co trong việc cầm nhầm bài thơ của nữ thi sĩ Phan Ngọc Thường Đoan thì chóng vánh có so sánh với chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” của Đài Truyền hình Việt Nam VTV dời thủ đô Hà Nội sang tận Trung Quốc. Vẫn VTV, còn được khuyến mãi thêm đề cử vì trót hồn nhiên cả tin để bé cái nhầm trong chương trình “Điều ước thứ 7”, khi mang một anh họ Sở tên Khanh lên tôn vinh.

Nhầm lẫn trong chương trình truyền hình thì cũng tương tự như nhầm lẫn trong sáng tác nghệ thuật chăng? Có điều, nếu nghiêm khắc với công việc, với bản thân hơn thì biết đâu sẽ hạn chế được sai sót. Tiên không trách kỷ thì sao hậu trách nhân được. Mặc dù ai cũng biết rằng, muốn không sai lầm thì hãy ngồi im. Nhưng cứ vin vào làm việc để sai lầm hoài thì sao mà coi đặng.

Ví như có đề cử về sự đáng báo động về hình ảnh nhảm nhí, sự cẩu thả trong xuất bản, cấp phép in ấn sách thiếu nhi thì chóng vánh có đề cử cho cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 miêu tả “Thánh Gióng phá tan giặc Ân rồi nhảy xuống Hồ Tây vẫy vùng thỏa chí”. 

Theo thuyết âm mưu lưu truyền trên vỉa hè, thì biết đâu những nhà kinh doanh sách cố tình tạo ra sai lầm để khắc phục, bởi mỗi lần sai lầm là một lần phải in ấn lại cho hoàn chỉnh để bán tiếp. Mà sách đã bán ra rồi thì làm sao có chuyện thu hồi, nhất là sách giáo khoa. Vậy là để con em được học sách chính xác, bắt buộc phụ huynh phải chịu khó chắt chiu để mua thêm quyển sách hoàn thiện. Âu đó cũng là kế trong kế, nhầm lẫn vì lợi nhuận vậy.

Ví như có đề cử cho phim Nhà nước đầu tư tiền tỉ nhưng thu về tiền triệu khi mang ra chiếu rạp thì ngay tắp tự có đề cử cho tượng đài trăm tỷ, nghìn tỷ bỏ hoang, xuống cấp. Chuyện phung phí ngân sách công chưa bao giờ là vấn đề đơn giản để đưa ra giải pháp. Mặc cho theo ý Ngô thì chỉ cần xét động cơ là ngay lập tức lòi ra mặt chuột.

Những vấn đề nóng xuyên suốt một năm đã trải qua kèn cựa nhau từng chút một, nhưng Trái Cóc Xanh lại đâu phải nợ công để ai muốn thành con nợ cũng được, phải cân đo đong đếm, phải suy tính xét bàn nhằm trao cho đúng người đúng việc.

Thế nên, những vụ việc mà Ngô dẫn luận phía trên vẫn chưa đủ đẳng cấp để so sánh với sự vụ tại tỉnh An Giang lẫn hai sự vụ khác liên quan đến thế giới Internet. Đó là vụ xử phạt một status lẫn cái like trên facebook, chương trình “Những kẻ lắm lời” và tài khoản facebook “Thánh Cô Cô Bóc”.

Cuối cùng, Hội đồng Bình chọn nhất trí 100% trao Trái Cóc Xanh 2015 cho quyết định xử phạt cái like trên facebook của 16 cơ quan ban ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Thật sự là Ngô không hiểu được họ rảnh gì mà rảnh dữ vậy, cả một hệ thống chính trị đi làm việc hết sức phi văn hóa, phi logic, phi luật pháp. Hầm hè cứ như cường hào ác bá trấn áp dân lành cho cái chuyện không đâu ra đâu. 

Hành vi cảm tính nhất định không được tồn tại trong các văn bản xử phạt, lấy đâu ra chuyện đòi hỏi người dân phải thượng tôn pháp luật khi mà quan chức hành xử luật còn theo kiểu “ngứa mắt thấy ghét quyết định xử phạt” như vậy. Lại càng nguy hiểm hơn vì lối hành xử này khiến người dân ngày càng bất tin hơn vào sự nghiêm minh của lãnh đạo.

Chương trình “Những kẻ lắm lời” và facebook “Thánh Cô Cô Bóc” chia nhau Trái Cóc Xanh còn lại. Bởi không phải cứ sử dụng kênh Youtube hay trang mạng xã hội facebook là có thể hô mưa gọi gió, bịa đặt xuyên tạc, vu oan giá họa, ngậm máu phun người nói xấu cá nhân chỉ nhằm mục đích câu views kiếm tiền, hay đơn giản hơn là câu likes kiếm số má. Hậu quả là “Những kẻ lắm lời” bị lên án, tẩy chay, còn chủ tài khoản facebook Thánh Cô Cô Bóc suýt nữa phải bóc lịch chăn kiến.

Thật ra, không chỉ lãnh đạo tỉnh An Giang mới cáu vì facebook, mà chính quyền ở một xã của Long An cũng đã xảy ra tình trạng đòi xử phạt giáo viên vì dám phản ánh cây cầu hư hỏng trên facebook cá nhân. Dư luận phản đối quá nên ông bí thư xã đành thay mặt để rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi giáo viên ấy.

Ngô nghĩ rằng, người chơi facebook cũng phải có trách nhiệm đối với những gì mình phản ánh. Quan trọng hơn, phản ánh phải dựa trên sự thật, chứng lý rõ ràng, còn phản ánh sai thì phải đối diện với pháp luật là chuyện hẳn nhiên.

Về mặt chính quyền, cũng hết sức bình tĩnh nếu có phản ánh nào đó liên quan đến cá nhân lãnh đạo hay mặt chưa được tại địa phương do mình quản lý khi bị công dân phản ứng. Việc xử lý cá nhân sai phạm về mặt pháp luật (nếu có) phải dựa trên luật định chứ đâu phải dựa trên cảm tính hay cảm xúc nóng giận yêu ghét nhất thời.

2. Ngô lựa Trái Cóc Xanh để lạm bàn là vì vấn đề ở đây chính là chúng ta đang hiện hữu tại một thời điểm rất khác biệt so với cách đây vài năm, ấy là một thời điểm thông tin đang dần được minh bạch hóa theo các hình thái khác nhau. Nói không ngoa, facebook nói riêng và mạng Internet nói chung đã thay đổi hoàn toàn cách thức loan truyền cũng như tiếp nhận thông tin. Sự phản kháng thông tin cũng từ đây mà hình thành nên một áp lực dư luận không hề nhỏ.

Rất nhiều lãnh đạo đau đầu với cái gọi là “tin đồn” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giải pháp để xóa bỏ tin đồn ấy chính là sự minh bạch với bằng chứng và hành động cụ thể, chứ không đơn thuần chỉ là những lời trấn an theo kiểu: “Yên tâm, yên tâm đi. Đấy toàn chuyện tào lao, chuyện tầm phào cả thôi”. Trong lúc, nhiều chuyện vừa bị mắng là tào lao với tầm phào hôm trước thì hôm sau đã nghiễm nhiên thành sự thật.

Thông tin hiện tại không chỉ gói gọn ở mấy loại hình truyền thông cơ bản là báo in, báo hình, báo nói hay báo mạng nữa. Thay vào đó, thông tin hiện hữu khắp nơi, thế giới đã bắt đầu tiệm cận với một bề mặt phẳng rồi. Và ở bề mặt phẳng đó, người ta hoàn toàn có thể nhìn thấy sự việc chứ không đơn thuần là chỉ nghe nói.

Vì vậy, không còn cách nào khác là phải sòng phẳng hơn về thông tin, xem đấy là điều kiện tiên quyết để tạo một động lực thúc đẩy sự phát triển vì cái chung. Ấy gọi là văn hóa minh bạch.

Còn nếu như ai đó vẫn cố tình tin rằng có thể giấu diếm chuyện này, có thể bịt kín chuyện kia thì thứ văn hóa sòng phẳng theo cách mà người dân mong đợi càng xa lắm.

Hoàng đế đã không thể ở truồng trong thời điểm này nữa rồi, mà Hoàng đế cũng đã trôi vào miền quá vãng lâu lắm rồi.

Vài suy nghĩ thiển cận cuối năm, mong giúp bạn đọc mua vui chóng chầy vài phút, hoàn toàn không dám hy vọng gì hơn mưu cầu này cả.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.