Quyền lao động của người già

Chủ Nhật, 26/07/2015, 05:53
Chắc chắn có sự ngạc nhiên đối với những người Việt lần đầu tới Mỹ là độ tuổi làm việc ở đây. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Los Angeles, hành khách tuần tự đi qua cửa máy bay vào các hành lang dẫn thì đã thấy một số nhân viên cao niên đẩy xe lăn, chờ khách để giúp đỡ. Người trẻ đâu rồi? Người trẻ không ở đây.

Từ đó vào tới nơi nhập cảnh thì hầu hết là nhân viên lớn tuổi. Lẻ tẻ có vài người độ tuổi tứ tuần. Còn lại đều trạc hơn 60. Nếm mùi xếp hàng đầu tiên chính là nơi này. Đoàn người dài cỡ mấy cây số nhưng được xếp theo hàng đảo chiều chữ U nên gây ảo giác ngắn. Đang cảm thấy kiệt sức thì một cụ già ra hô bắt đầu từ người này, theo tôi! 

Cụ dẫn ra một khu vực khác để các quầy kiểm tra không bị thiên lệch. Không hiểu nhân viên kiểm tra nhập cảnh của Mỹ phải làm những gì mà rất lâu. Vừa xem giấy tờ vừa hỏi đi hỏi lại. Biện pháp đơn giản để họ đỡ phải hỏi là bác cứ nói tiếng Anh nhé, còn em nói tiếng… Đông Anh. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả. Nhân viên đành ngắm giấy tờ và dung nhan của khách rồi cho đi. Có những người thắc mắc sao hỏi lâu thế? Ai bảo nói tiếng Anh. Nhân viên cứ nhận được 1 câu trả lời thì sẽ có câu hỏi thứ hai cho tới câu thứ… n.  Nhân viên an ninh thì hầu hết tuổi tứ tuần và trẻ hơn. Đủ mọi màu da.

Đi máy bay nội địa của Mỹ thì mới thấy tiếp viên “trẻ đẹp” của họ toàn U60, U70. Máy bay nội địa phục vụ như xe bus. Chỉ là cái ghế biết bay từ điểm A đến điểm B. Muốn ăn uống thêm thì hành khách có thể mua. Xe đẩy của các cụ sẽ đi kèm với máy quẹt thẻ. 

Ở Mỹ thì ít khi phải dùng tiền mặt vì hầu hết dịch vụ đều thanh toán bằng thẻ. Có một cô gái đã phải nhờ tôi mua hộ suất ăn vì thẻ của cô ấy hết tiền. Dàn tiếp viên cây cao bóng cả này đội hình khấp khểnh như cầu Long Biên. Người da trắng, người da đen, người to béo, người gầy nhom, người tuổi chú, người tuổi ông, nhưng đều giống nhau ở sự nhanh nhẹn, thái độ cẩn thận khi phục vụ. Nói thế cũng hơi quá vì có lần nữ tiếp viên đã đẩy xe thức ăn va chát vào anh Hưng trưởng nhóm. Cú va mạnh đến nỗi mà anh này muốn nhè miếng ăn đang nhai trong miệng ra. Cô tiếp viên rối rít xin lỗi. Thôi thì đành cắn răng mà tha lỗi vậy.

Bà già khuyết tật Sandra (người đầu tiên bên phải) hướng dẫn cho hành khách tại nhà ga Stockton.

Có thể vào bất kỳ đâu, người phục vụ hầu hết là người cao tuổi. Các cụ có thể làm văn phòng, bán vé xe, lái tàu điện, lái taxi, lao công… Té ra tuổi nghỉ hưu của đất nước này không phải là 60 mà là 65. Có những bang là 67. Đặc điểm của nhóm tuổi cao là họ rất ham cống hiến. Kinh nghiệm rất nhiều và sức còn khỏe. Do môi trường và y tế tốt nên tuổi thọ trung bình ở đây cao, khoảng gần 79. Nhưng điều quan trọng là hầu hết các cụ đều trả lời phỏng vấn là muốn sống tới 100 tuổi. Không đơn giản là họ ham sống sợ chết mà là mức độ yêu đời và hy vọng của họ rất cao. Có nhiều nước tuổi thọ cũng khá nhưng các cụ lại than thở muốn chết quách đi cho rảnh. Ở đây thì các cụ đều yêu cuộc sống chả kém gì nhân vật của Jack London.

Ở San Francisco có đủ loại tàu điện. Từ tàu điện nổi tới tàu điện ngầm chắc cũng dưới một chục kiểu dáng. Mỗi loại phục vụ cho một kiểu khách. Kiểu gọn gàng kín mít thì phục vụ người đi lại cả thành phố. Loại 1 toa nhiều hoa văn cổ chỉ có ghế ngồi và xung quanh không dùng kính là để cho du khách. Loại tàu này chạy trên nhiều đường nhưng đều có 2 đích là từ bến tàu thủy lên đỉnh đồi. Lái tàu thường là các cụ nên nhìn cái tàu điện trở nên dễ thương hơn.

Chụp ảnh tàu điện đang chạy dễ bị nhòe do tốc độ. Nhất là nhân vật trên tàu. Vì thế việc rình cơ hội để có một tấm ảnh tốt cũng không dễ lắm. Có lần đang giương ống kính lên thì thấy tàu dừng lại. Nó nhường ai chăng? Không phải. Hay mất điện? Cũng không. Bác lái tàu thì thò ra hỏi: Đã chụp được chưa? Bác không chỉ biết đưa đón khách mà còn ý thức rõ con tàu đang là một người mẫu rất hot. Đã hot thì hình ảnh không được nhòe.

À ra thế. Người lái tàu tâm lý chỉ có thể là các cụ.

Tại ga xe lửa Stockton, có một bà nhân viên già bị thọt chân tên là Sandra. Tàu ở đây dừng chỉ có 2 phút. Nếu không có chỉ dẫn thì chắc chắn khách không biết lên tàu nào. Bà Sandra rất nhanh nhẹn đi như chạy để đưa khách. Bà dẫn đầu và hô “chỉ có 2 phút, chỉ có 2 phút”, còn chúng tôi kéo đồ phải đi như chạy mới theo được dáng đi chấm phẩy đó. 

Người dẫn toa và soát vé cũng là người già. Họ nhanh chóng đặt một cái “giá đỡ chân” bằng kim loại nhẹ để khách bước lên toa dễ dàng. Tàu 2 tầng khá rộng rãi vắng vẻ nhưng cụ dẫn toa vẫn tư vấn có những chỗ ngồi chụp ảnh rất đẹp. Vấn đề không chỉ là tốt mà phải thỏa mãn cái view đẹp. Phải nói là người già hay người khuyết tật không bị mặc cảm bên lề. Họ vẫn lao động như những người khác. Có không ít người phục vụ hoặc làm văn phòng bị cụt tay, cụt chân. Họ đi lại thoải mái vì các đường dành cho xe lăn là bắt buộc phải có ở mọi công trình.

Ngay trong toa tàu hỏa thì bao giờ cũng có 2 nhà vệ sinh mà người Mỹ gọi là restroom. Một cái nhỏ bằng phòng vệ sinh của máy bay còn đầu kia là restroom rộng rãi đủ cho ngót chục người đứng trò chuyện, nhưng thực ra nó phục vụ cho người khuyết tật. Thường thì mọi thứ sẽ có một đôi. Giấy sẽ có 2 cuộn, một cao một thấp. Tay vịn cũng tay cao, tay thấp.

Tiếp viên U70 của hãng hàng không Delta.

Các cụ cũng hay có mặt trong dịch vụ taxi. Ở New York, một cụ già nặng tai lái taxi đưa chúng tôi tới đài tưởng niệm 11-9. Cụ này làm tôi hơi hoảng vì nói chậm, nghe chậm. Cứ phải hét thật to thì cụ mới hiểu. Sau khi đi đến nơi về đến chốn, mới hỏi tuổi của cụ thì đã 72 tuổi. Hỏi vì sao cụ không nghỉ ở nhà, cụ bảo đi làm mới vui. Quả thực là ở Mỹ thì con cái cháu chắt cả tuần may ra mới gặp ông bà. Ở nhà thì buồn chết đi được.

Ở Washington D.C có một cụ gốc Phi tên là Smith khi biết chúng tôi là người Việt Nam thì rất vui vẻ. Smith kể rằng đã từng đến Sài Gòn. Hỏi ra mới biết cụ đã từng có mặt ở Sài Gòn thời cuối thập niên 70 khi còn trong quân ngũ. Năm nay cụ 68 tuổi những vẫn đi làm chứ không nghỉ. Smith nói: Đi làm thì mình luôn thấy khỏe. Trong số các cụ thì cụ Paul là trẻ nhất.

Chúng tôi đang uống cà phê với Paul thì một fan cuồng xinh đẹp  nhìn thấy “cụ” chạy ra tay bắt mặt mừng. Té ra đó là một học trò của “cụ” ở lớp tập Gym. Ngoài giờ làm việc, Paul là giáo viên dạy thể dục và Yoga giúp mọi người khỏe và đẹp.  Gọi là “cụ” cho vui chứ thực ra chỉ gọi người đàn ông gốc Italia này là anh thì đúng hơn. Paul mới có 61 tuổi thôi. Nhưng nhìn anh chả ai nghĩ rằng đang ở tuổi đó. Chỉ đoán cỡ ngũ tuần. Thoáng nhìn thấy Paul như một diễn viên điện ảnh kiểu hành động vì dáng vẻ thể thao. Thực ra anh là chuyên gia hàng đầu về công nghệ số. Công nghệ của công ty anh đã đưa ra giải pháp bứt phá về truyền số liệu hàng đầu. 

Với công nghệ truyền dữ liệu siêu mạnh, có thể nói là số 1 thế giới nên công ty của anh được giám sát nghiêm ngặt. Đây là đơn vị có bảo mật cao nên không chỉ bảo mật trên máy mà trong tòa nhà thì cái gì cũng phải có mật khẩu. Đi cổng chính vào phải có mật khẩu nhưng kể cả đi Restroom mà không có mật khẩu thì chỉ còn nước ra gốc cây. Muốn đi thì cứ bày tỏ nguyện vọng. Sẽ có người đi cùng bấm số mật khẩu.

Paul chẳng thiếu bất cứ điều gì. Tiền thì giàu có, tình thì mẫu mực, sức khỏe tuyệt vời. Đẳng cấp ấy thì mơ ước của anh là gì? Anh còn một mơ ước nữa là sang Đài Loan gặp một sư phụ Thái Cực Quyền mà anh hâm mộ. Nhưng công việc không cho anh nghỉ. Sao phải cái thân làm tội cái đời thế? Tôi hỏi: Vậy bao giờ anh mới nghỉ? Paul cười ha hả: Tôi sẽ làm việc đến chết. Tôi đùa: Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng sao? Paul: Làm việc là hạnh phúc của tôi, bạn thân mến ơi.

Cũng lạ. Tầm trên 60 anh mới biết hưởng thụ và mua cho mình vài thứ đồ được coi là xịn. Paul bảo vợ tôi nói rồi, có chết cũng chẳng mang theo tiền được. Hãy tận hưởng cuộc sống không phải là bao giờ mà là ngay bây giờ. Thế nên Paul mời chúng tôi đi chén một bữa ngay lập tức và chúng tôi vui vẻ nhận lời.

Paul đúng là con người của đất nước sinh ra ngày 1 - 5. Tuy vậy ở nước này ngày 1 - 5 chẳng được coi là ngày lễ. Tất cả ra đường lao động.

Những người mạnh như Paul mà nghỉ thì quá phí. Tính ra thì cuộc đời dành ra ít nhất 30 năm để học. Đi làm thì phải tầm 40 mới thực sự chín nghề. Tới tầm 50 là lão luyện tinh thông và tầm 60 là sói già lọc lõi lại nghỉ hưu thì quá lãng phí. Nhất là sức khỏe còn tốt nguyên. Rất may là Mỹ quy định nghỉ hưu là 65 và một số nơi là 67. Châu Âu và các nước phát triển cùng dân số già cũng có xu hướng tăng tuổi hưu để một mũi tên trúng 2 đích: 1 - Tận dụng sức lao động để phát triển; 2 - Quỹ phúc lợi được giảm áp lực.

Hiện nay ở Việt Nam, với dinh dưỡng và y tế tốt hơn thì ở các thành phố lớn, tuổi thọ trung bình đã cao lên và tuổi 60 không được coi là già. Có lần tôi nghe ở phòng thương binh xã hội quận Ba Đình có mấy cô nhân viên trêu mấy anh lục tuần đến làm giấy tờ hưu rằng: “Hưu gì mà ngon thế này. Chắc hưu xong còn làm được mấy lứa nữa. Hí hí”.

Quả thực là anh em lục tuần ở ta hiện nay cũng tráng kiện như thanh niên thật. Thế hệ trước thì cứ tầm 50 là hom hem lắm rồi. Phải nói là mọi sự đổi thay nhanh thật.

Thực tế thì thời kỳ dân số trẻ qua đi và kịch bản của chúng ta cũng sẽ giống như các nước phát triển. Mô hình tận dụng sức lao động của người cao tuổi có lẽ là giải pháp hay. Thực sự thì không có cụ nào muốn ngừng lao động cả.

Lê Tâm
.
.