Phụ nữ và những cuộc cách tân vĩ đại của văn chương thế giới

Chủ Nhật, 22/03/2015, 10:08
Người ta đã nói quá nhiều, đến mức gần như sáo rỗng, với thái độ sặc mùi gia trưởng, rằng phụ nữ là hiện thân cho cái đẹp, là đối tượng vĩnh cửu của nghệ thuật văn chương.

Điều người ta ít nói đến: Phụ nữ không chỉ là đối tượng ngợi ca hay mô tả, mà còn là người sáng tạo, bất chấp thân phận thiệt thòi trong xã hội nam quyền kéo dài hàng ngàn năm, mà một trong những hậu quả là trong quá khứ số phụ nữ viết văn rất ít ỏi so với nam giới. Ít ỏi, nhưng phụ nữ là những nhà cách tân. Chính họ là tác giả của hai sáng tạo có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương thế giới: Thơ trữ tình và tiểu thuyết thế tục.

Nhà thơ trữ tình đầu tiên trong lịch sử thơ ca thế giới có lẽ là Sappho, nữ thi sĩ Hy Lạp. Người ta biết rất ít về bà, ngoài một số thông tin sơ sài và không chắc chắn, chủ yếu dựa vào những đoạn thơ của bà còn lưu lại được, rằng bà sinh vào khoảng năm 620 Tr.CN, từng lưu lạc đến Sicilia vào khoảng thời gian 604 - 594 Tr.CN trước khi trở về sống đến cuối đời ở hòn đảo Lesbos quê hương.

Điều chúng ta biết chắc chắn, đó là Sappho sống vào một thời đại đầy những biến động chính trị và xã hội ở Lesbos. Trong một đoạn thơ còn lại, Sappho nói đến những khó khăn thiếu thốn trong thời gian lưu lạc ở Sicilia. Thơ của Sappho được Thư viện Alexandria gom thành 9 tập. Tất cả đều đã bị thất lạc, chỉ còn lại những đoạn rời rạc. Nhưng như vậy cũng đủ để ta hình dung gia tài thi ca đồ sộ của một trong những nhà thơ có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngay từ thời cổ đại, thơ của Sappho đã được ca ngợi hết lời. Plato được cho là đã viết về bà:

Ai bảo rằng có chín Nàng thơ: Ôi thật là vội vã!
Hãy nhìn kia, còn có Sappho, nàng thơ người Lesbos, thứ mười 

Thơ Sappho được ca ngợi vì sự trong sáng của ngôn từ, tính giản dị của cấu trúc, nhưng sâu sắc về ý tưởng. Nhưng thơ bà còn được ca ngợi hơn nữa vì tính người của nó. Nếu như thơ của các nam thi sĩ đầy những tư tưởng cao siêu, những thần linh và anh hùng, thì trong thơ Sappho là nỗi khắc khoải, tiếng than thở lo âu của con người bình thường. Chủ đề trung tâm của bà là tình yêu.

Giờ Tình Yêu, không thoát nổi, đang chế ngự, đang rung chuyển đời tôi
Rót đầy tôi vị ngọt ngào cay đắng

Trong thơ bà, thay cho những điển tích nặng nề là ngôn ngữ đời thường, những hình ảnh sống động mà gần gũi, như tiếng chim hót trong vườn, trái táo trên cây, như bầu trời đầy sao bên khung cửa sổ. Thay cho tiếng xủng xoảng của gươm đao và áo giáp là tiếng trở mình trằn trọc của người phụ nữ cô đơn:

...thời gian vùn vụt trôi.
Tôi nằm trên giường, đơn độc.

Sappho, với cuộc sống nội tâm và khả năng cảm nhận tinh tế của một người đàn bà, đã chuyển thi ca từ trời cao xuống đất, nơi con người thay cho thần linh giữ vị trí trung tâm. Vì thế, thật không ngoa khi nói rằng bà là người sinh ra thơ trữ tình.

Những thành tựu của văn học so sánh gần đây cho thấy rằng phụ nữ cũng là tác giả của một sáng tạo vĩ đại khác, đó là tiểu thuyết.

Nhà tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại là một phụ nữ Nhật Bản: Murasaki Shikibu. Cùng với một số phụ nữ tài hoa khác, Murasaki đóng vai trò đặc biệt to lớn đối với văn học Nhật Bản thời Bình An nói riêng và trong toàn bộ lịch sử văn học Nhật Bản nói chung.

Thời Bình An là thời kỳ văn học Nhật Bản phát triển rực rỡ, điều này có lý do lịch sử. Cuối thế kỷ VIII, kinh đô của Nhật Bản được dời về Kyoto, với tên gọi “Heiankyo”, (Bình An Kinh). Sự kiện đó mở đầu cho một thời đại thái bình, kéo dài bốn thế kỷ, dân chúng ấm no và khắp nơi tràn ngập không khí vui tươi tao nhã. Tuy nhiên, thế kỷ IX cũng chứng kiến sự bùng nổ niềm say mê văn hóa Trung Quốc. Người Nhật đua nhau biên soạn, sưu tầm hoặc sáng tác văn chương bằng chữ Hán, rập theo khuôn mẫu của văn học Trung Quốc. Làn sóng say mê văn học Trung Quốc chỉ lắng xuống vào cuối thế kỷ.

Một yếu tố quyết định đến sự phát triển của văn học Nhật Bản thời kỳ này là sự phát triển của chữ viết. Từ chữ Manyogana được tạo ra từ chữ Hán trước đó, người ta lại sáng tạo thêm chữ hiragana và chữ katakana, tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nhật. Chính trong giai đoạn này các tác phẩm văn xuôi đã ra đời, như tác phẩm Take tori monogatari (Truyện Taketori), Ise monogatari (Truyện Ise).

Ngoài ra, năm 905, lần đầu tiên một tuyển tập thơ Nhật, cuốn Kokin waka shu (Cổ kim Hòa ca tập - tức “Tuyển tập thơ ca cũ và mới của Nhật”) đã được biên soạn (năm 905) theo lệnh của Nhật Hoàng Daigo, do Kino Tsurayuki chủ biên. Tác phẩm này, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu văn học, là một sự kiện đáng kinh ngạc của thời đại đó. Nó đã khẳng định lại vị trí của thơ dân tộc Nhật Bản. Trong “Lời tựa”, Kino Tsurayuki đưa ra quan niệm của ông về thơ, đồng thời trình bày khá đầy đủ quá trình phát triển của thơ Nhật Bản. Ông cũng bình chú và đánh giá các tác phẩm và tác giả quan trọng. “Lời tựa” của Koshinshu được coi là công trình lý luận phê bình văn học đầu tiên của Nhật Bản. 

Nhưng sự trưởng thành của văn học Nhật viết bằng tiếng Nhật trong thế kỷ thứ X trước hết gắn liền với thành công vang dội của các nhà văn, nhà thơ nữ. Các tác giả nữ thời này chủ yếu là những phụ nữ thượng lưu và trung lưu. Họ ghi chép lại cuộc sống, những kinh nghiệm của mình, nhất là những trải nghiệm trong cuộc sống ở chốn đô hội dưới dạng những cuốn nhật ký.

Murasaki Shikibu, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại.

Cuốn Kagero nikki (Nhật ký Kagero) chính là tác phẩm đầu tiên viết dưới dạng nhật ký của dòng văn học nữ lưu. Sau đó, nhật ký trở thành thể loại văn học phổ biến trong nữ giới, và một loạt tác phẩm ra đời, như Izumi shikibu nikki (Nhật ký Izumi Shikibu), Murasaki shikibu nikki (Nhật ký Murasaki Shikibu), Sarashina nikki (Nhật ký Sarashina), Kinukino suke nikki (Nhật ký Kinukino Suke).

Vì sao có tình trạng đó? Các nhà sử học cho rằng thời kỳ này, trong khi các đấng mày râu thượng lưu hay trung lưu, do địa vị của họ trong một xã hội nam quyền, vẫn còn say sưa với chữ Hán, thì phụ nữ đã sử dụng chữ Hiragana của Nhật rất thành thạo và dùng nó để sáng tác. Chính phụ nữ đã làm cho chữ Nhật phát triển hơn.  

Nhà văn lớn nhất của thời đại này, và có lẽ cũng là tác giả lớn nhất trong nền văn học Nhật Bản, chính là tác giả của Genji monogatari (Truyện Genji), Murasaki Shikibu, một cung nữ thuộc dòng dõi quý tộc nổi tiếng Fujiwara. Là con gái của một đại thần trong triều vua lúc bấy giờ, chồng chết sớm, Murasaki Shikibu ở trong cung điện một thời gian rồi lui về sống bên hồ Biwa. Tại đây, nàng đã hoàn thành tác phẩm vĩ đại của mình.

Genji Monogatari được coi là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nhân loại, được sáng tác vào khoảng từ năm 1004 đến năm 1012, nghĩa là trước Don Quixote của Tây Ban Nha và Hồng Lâu mộng của Trung Quốc tới 6 thế kỷ. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời nhân vật chính, Hikaru Genji, con trai một tỳ thiếp của vua. Trong cuốn tiểu thuyết, cuộc sống cung đình, những mối quan hệ xã hội cũng như tình cảm riêng tư của các nhân vật đều được mô tả hết sức kỹ càng và tinh tế.

Truyện Genji gồm 54 tập, trong đó 44 tập nói về cuộc đời của Genji, và 10 tập sau nói về con trai của Genji. Genji monogatari không chỉ có ý nghĩa là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, mà còn có vai trò rất quan trọng trong văn hoá Nhật nói chung. Nó trở thành nguồn cảm hứng to lớn và bất tận của rất nhiều văn nghệ sĩ Nhật Bản mọi thời đại.

Cũng xin nói thêm rằng văn học Nhật Bản thời Bình An còn có một nữ văn sĩ xuất sắc khác, đó là Shonagon. Tên tuổi bà gắn liền với thể tùy bút mà đến nay người Nhật vẫn rất ưa chuộng. Tác phẩm chính của Shonagon là Makura no Soshi (Sách gối đầu giường), cuốn tùy bút đầu tiên của Nhật. Shonagon cũng là một cung nữ. Nàng là con gái của nhà thơ nổi tiếng Kyorarano Motozuke.

Tương truyền, vì thời đó giấy rất hiếm, nàng phải giả vờ xin hoàng hậu về làm gối nhưng sau đó dùng để ghi chép những tâm sự thầm kín của mình. Hoàn thành năm 1001, bao gồm khoảng 300 đoạn, Makura no soshi có lẽ là chiếc gối nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Có gì chung giữa họ, giữa sáng tạo của họ, Sappho, Murasaki, và có lẽ cả Shonagon nữa? Có lẽ đó là thái độ trân trọng con người như nó hiện hữu trên thực tế - với cả hay lẫn dở, với mọi vui buồn, mọi cung bậc hạnh phúc, khổ đau. Tôi tự hỏi, thái độ ấy liệu có liên hệ gì với bản năng người mẹ?

Ngô T. Liêm – Ngô Minh Thủy
.
.