Phỏng vấn ông già Noel

Thứ Sáu, 25/06/2010, 10:18
Phóng viên: Thưa ông, bây giờ mới đầu tháng 6 mà gọi đến ông thì buồn cười quá.
Ông già Noel: Chả những buồn cười mà còn đáng bực nữa. Nhà báo cần phải biết là ta đang ngủ.

Phóng viên: Xin lỗi ông, nhưng tôi buộc phải đánh thức ông dậy vì mới đọc một tin rất bất ngờ.

Ông già Noel: Tin gì thế?

Phóng viên: Đó là theo thống kê, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới.

Ông già Noel: Nhiều nhất ư?

Phóng viên: Đúng vậy. Khắp cả nước, hầu như vài ngày lại có một lễ hội nào đó đang diễn ra ở một nơi nào đó.

Ông già Noel: Vui quá nhỉ!

Phóng viên: Vui sao được, thưa ông. Lễ hội cũng như tiệc tùng. Tiệc tùng thì luôn tốn kém. Việt Nam là một đất nước nghèo, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa, tại sao lại tiệc tùng liên miên?

Ông già Noel: Thế tại sao lại hỏi ta?

Phóng viên: Tại vì ông là người có kinh nghiệm nhất. Ông đã tổ chức lễ hội giáng sinh được mấy ngàn năm.

Minh họa của Tả Từ.

Ông già Noel: Nhưng nếu ta không nhầm, tất cả các lễ hội giáng sinh đều không dùng ngân sách nhà nước. Khác hẳn với các lễ hội mà nhà báo vừa nói ở trên.

Phóng viên: Ừ nhỉ.

Ông già Noel: Dùng ngân sách quốc gia để tổ chức lễ hội thì nên hết sức thận trọng, bởi vì còn bao nhiêu thứ khác đang cần đến tiền.

Phóng viên: Nhưng tại sao nhiều tỉnh cứ làm tràn lan?

Ông già Noel: Thứ nhất là họ thấy làm dễ quá. Các lễ hội hiếm hoi lắm mới mang màu sắc địa phương. Còn thì cứ thuê mấy dàn múa trên thành phố, kết hợp với một số ca sĩ… cũng thuê nốt, nhờ một ông hay một bà đạo diễn… càng phải thuê! Tổ chức là xong. Hậu quả là các lễ hội cứ na ná như nhau.

Phóng viên: Chỉ khác nhau cái tên.

Ông già Noel: Thậm chí cái tên cũng mơ hồ. Chỉ cần nghĩ ra những chữ "Di sản" hay "Hành trình" hoặc "Văn hóa" là xong. Muốn gắn vào đấy tiết mục gì hầu như cũng được.

Phóng viên: Nguyên nhân của tình trạng này?

Ông già Noel: Nói thẳng ra nhé, là do lễ hội rất dễ nhận được tiền. Và quan trọng hơn, rất dễ thanh toán nó.

Phóng viên: Ái chà.

Ông già Noel: Nếu như xây một cái cầu cần bao nhiêu sắt thép, xi măng đều tính ra được cả thì tổ chức lễ hội không đơn giản như thế. Nó có hàng ngàn thứ kinh phí vô hình. Mà nhà báo quá biết, cái gì vô hình thì tha hồ phóng to hay thu nhỏ.

Phóng viên: A, mà họ thường ít khi thu nhỏ.

Ông già Noel: Rõ ràng thế sẽ chẳng ai kêu ca về lễ hội, nếu như lễ hội không tốn kém bao nhiêu. Nhưng nếu tính tổng ra, cả năm đất nước chi không biết bao nhiêu tỷ đồng thì cần phải xem xét lại.

Phóng viên: Ai xem xét?

Ông già Noel: Nếu như tôi không nhầm thì gần đây Quốc hội có xem xét. Như vậy rõ ràng chưa muộn. Về nguyên tắc, cái gì quý cũng kèm với hiếm. Như tôi đây, ông già Noel, được trẻ con toàn thế giới biết đến vì tôi chỉ có một mà thôi. Nếu tháng nào cũng có đêm giáng sinh và nếu cứ ra đường là gặp ông già Noel thì…chết!

Phóng viên: Ai chết?

Ông già Noel: Bà con lao động chứ ai. Có quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc, mà không quy hoạch lễ hội thì vẫn lãng phí và lộn xộn như thường.

Phóng viên: Nói về vấn đề này nhạy cảm lắm ông ạ, vì lễ hội là thứ rất tâm linh. Động tới tâm linh thì ai cũng ngại.

Ông già Noel: Đám tiêu tiền cũng biết thừa như thế, cho nên cứ việc vẽ vời. Theo tôi, tâm linh nhất là cơm no áo ấm, người già được chữa bệnh, trẻ con được học hành. Còn những thứ tâm linh khác thì hãy thư thư hoặc hãy… vừa vừa thôi!

L.T.L.H.
.
.