Phỏng vấn một sợi dây thừng

Thứ Ba, 25/08/2015, 18:55
Phóng viên (PV): Thưa anh, bản chất nổi bật nhất của một sợi dây là gì ạ?
Dây: Đơn giản lắm. Tôi nghĩ ai cũng biết. Đó là dai và dài.

PV: A, đúng rồi. Chính nhờ dai và dài nên bao nhiêu năm nay dây mới được xã hội sử dụng khắp mọi nơi để buộc, để kéo và để giữ. Và vì thế chắc người ta sẽ luôn luôn còn cần tới anh.

Dây: Nhà báo nhầm rồi. Hôm nay có nhiều thứ không phải dây mà vẫn dài và dai vô cùng. Đó chính là các bài phát biểu.

PV: Bài phát biểu?

Dây: Đúng. Ví dụ trong một trận giao hữu bóng đá vừa qua, vấn đề bài phát biểu vừa dai vừa dài của mấy vị quan chức đã nổi tiếng om sòm trên dư luận trong nước và quốc tế.

PV: A, tôi nhớ vụ đó. Đúng là ồn ào thực. Sau đó mọi người than phiền và chê trách rất nhiều.

Dây: Cái bệnh nói dài, nói dai, nói không đúng chỗ của chúng ta chả còn gì bí mật. Nhưng nguyên nhân do đâu? Theo tôi có hai ý chính: Một là háo danh.

PV: Háo danh ư? Họ đã có danh rồi mà.

Dây: Đúng vậy. Họ có danh rồi. Chả khi nào người thường được đứng lên phát biểu trước cả vạn khán giả như thế. Nhưng họ vẫn cứ háo tiếp. Vẫn háo thêm. Nếu để ý, nhà báo sẽ thấy trong các bài phát biểu kiểu đó, họ thường gián tiếp hoặc trực tiếp ca ngợi mình.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Đúng vậy. Nói chung nhờ có họ, sự kiện này mới được diễn ra. Nhờ có họ, bà  con mới biết bóng đá giao hữu đỉnh cao là gì. Nhưng suy cho cùng điều ấy đúng mà.

Dây: Tất nhiên đúng. Nhưng hành động ấy chưa chắc đã hoàn toàn vô tư, mà nằm trong một chuỗi động tác tiếp thị được tính toán rõ ràng, không phải bất vụ lợi. Nói cách khác, đây không phải hành động ban ơn.

PV: Tôi công nhận.

Dây: Trên thế giới có rất nhiều giải bóng đá nổi tiếng, được các ngân hàng và các hãng kinh doanh khổng lồ tài trợ nhưng họ tuyệt nhiên không bao giờ phát biểu một câu nào. Chỉ lặng lẽ để logo trên sân là cùng. Nhà báo hãy thử tưởng tượng nếu tất cả các nhà tài trợ cho World Cup mỗi người đọc một bài diễn văn trong lễ khai mạc thì phải mấy tuần sau trận đấu mở màn mới được diễn ra?

PV: Vô tận.

Dây: Vấn đề ở chỗ đó. Người ta làm nhưng người ta không háo danh hoặc không dám háo danh, còn mình ngược lại. Mình luôn nhắc nhở khán giả về công đức của mình.

PV: Tiếp theo?

Dây: Tiếp theo là sự kém hấp dẫn của diễn văn. Một bài diễn văn dài trước tiên do nó dở. Nó không đưa ra một thông tin gì, không khơi dậy một cảm xúc gì, không làm người ta khóc, cũng không làm người ta cười cho nên hàng vạn khán giả và cầu thủ trên sân chán ngán. Diễn văn một tiếng có thể ngắn và năm phút cũng có thể dài khi mà người ta nói những câu sáo rỗng.

PV: Chính xác.

Dây: Những loại diễn văn đó là đọc cho có, còn tệ hơn một lời chào cửa miệng xã giao. Ngay từ khi diễn giả đứng lên, mở tờ giấy, bà con đã đoán sẽ có những từ gì tuôn ra và đúng là như vậy. Đấy là một việc vô cảm, máy móc, không hề chứa đựng một chút thổn thức và trăn trở nào.

PV: Vâng.

Dây: Cuối cùng là bệnh coi thường người khác. Hàng vạn người xem trên sân, hàng chục cầu thủ nổi tiếng đang xếp hàng chờ, vậy mà có vị ung dung đọc, không cần biết tư thế, không cần biết cảm giác người nghe ra sao. Chỉ cần chịu khó một chút thôi, cũng hiểu trong hàng vạn khán giả kia có nhiều người còn trình độ hơn ta, địa vị hơn ta và tuổi tác cũng hơn ta, cớ gì ta phải giảng dạy cho họ về những điều đơn giản.

Lê Thị Liên Hoan
.
.