Phỏng vấn một giáo sư toán học

Thứ Hai, 10/11/2014, 13:48

Toán học, hóa học, thiên văn học hay bệnh lý học rồi cũng phục vụ cho nhân loại mà thôi, cho nên kiến thức về cảm xúc của nhân loại luôn luôn cần. Không nên nghi ngờ điều đó mà nên nghi ngờ cách học văn và cách chấm điểm văn của chúng ta.

Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về thực trạng trẻ em nghèo?

Giáo sư: Tôi không biết.

PV: Xin lỗi. Không biết gì ạ? Không có trẻ em nghèo hay không có ý kiến ạ?

Giáo sư: Không dám có ý kiến.

PV: Vì sao ạ?

Giáo sư: Vì gần đây có nhiều người xôn xao phản ứng chuyện bác sĩ thi văn. Mà theo tôi, nếu bác sĩ chả liên quan gì tới văn, thì toán học chả liên quan gì đến trẻ em nghèo.

PV: À, ra thế. Giáo sư đang giận dỗi ư?

Giáo sư: Tất nhiên. Văn học, theo tôi, là nghệ thuật có tính nhân văn rất cao. Ai giỏi văn luôn luôn chứng tỏ người đó có sự nhạy cảm về tâm hồn sâu sắc.

PV: Đúng vậy.

Giáo sư: Các nhà văn lớn luôn được coi là đại diện ưu tú của dân tộc, nhiều tác phẩm được coi là bất hủ và nhiều tên tuổi nhà văn được đặt tên cho những địa danh quốc gia.

Do đó, việc một bác sĩ giỏi văn rõ ràng không có gì sai, không có gì xấu và chắc chắn không có gì phi lý. Vì bác sĩ chữa bệnh cho con người, rất nhiều bệnh muốn chữa phải hiểu tâm hồn người bệnh.

PV: Thế tại sao nhiều người phản đối chuyện bác sĩ thi văn?

Giáo sư: Thứ nhất là có nhiều người suy nghĩ thực dụng quá. Có lẽ chữa bệnh đối với họ cũng như chẻ củi hay sửa bàn ghế mà thôi, cứ giỏi về búa về cưa là được.

PV: Có lẽ thế.

Giáo sư: Thứ hai, số này mới đông, là những người không tin vào văn học, hay ít ra thứ văn học đang dạy trong nhà trường.

PV: Vâng. Tôi cũng nghĩ thế.

Giáo sư: Chất lượng văn học đang dạy trong trường phổ thông của chúng ta như thế nào là điều không có gì bí ẩn. Nó đang vừa xơ cứng vừa khô khan, có nét xa vời với hiện thực bên ngoài, khuyến khích học sinh thuộc lòng chứ không cảm xúc.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Có thể chính như thế nên nhiều người nghĩ buộc thi văn với bác sĩ là không cần thiết.

Giáo sư: Khi đã trở thành một trí thức cỡ lớn thì giáo sư, bác sĩ, các nhạc sĩ, các diễn viên, các nhà hóa học hay vật lý học đều sẽ có một “tầm” nhân văn nhất định, bởi tư duy của con người có mối liên hệ qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau.

Quan niệm văn học không cần cho bác sĩ thì nó cũng chả cần cho các nhà toán học. Nhưng chắc chắn không như thế.

PV: Thưa giáo sư, như vậy là chúng ta vấp phải một mâu thuẫn: Cần đánh giá tính nhân văn trong tâm hồn một bác sĩ nhưng không dùng cách tính điểm văn học như hiện nay để đánh giá được.

Giáo sư: Đúng vậy. Nhưng đấy không phải lỗi của văn học, cũng như không phải lỗi của những người có suy nghĩ nâng cao cảm xúc cho thầy thuốc. Lỗi nằm trong cách điều hành giảng dạy văn học của chúng ta.

PV: Nhưng thưa ông, tôi vẫn băn khoăn, một nha sĩ cực kỳ khéo tay có thể nhổ một cái răng lớn không đau chả lẽ nên bị đánh rớt vì chưa đọc kỹ “Truyện Kiều” hay vì không biết Chí Phèo uống rượu ra sao?

Giáo sư: Nha sĩ có thể chưa đọc kỹ Truyện Kiều, và chả hiểu Chí Phèo là ai, nhưng nếu nha sĩ không biết toàn bộ các cô gái trên đời cũng như không biết vì đâu toàn bộ các trai làng vừa say rượu vừa khóc thì sự nhổ răng chắc chắn có vấn đề, chắc chắn sẽ nhổ đau hơn. Đấy là quan điểm của tôi.

PV: Tóm lại, giáo sư đề nghị gì?

Giáo sư: Toán học, hóa học, thiên văn học hay bệnh lý học rồi cũng phục vụ cho nhân loại mà thôi, cho nên kiến thức về cảm xúc của nhân loại luôn luôn cần. Không nên nghi ngờ điều đó mà nên nghi ngờ cách học văn và cách chấm điểm văn của chúng ta

Lê Thị Liên Hoan
.
.