Phỏng vấn một cuốn sách

Thứ Hai, 10/05/2021, 23:26
Phóng viên (PV): Kìa, sao anh trầm ngâm thế, sách ơi.

Sách: Không trầm ngâm sao được, khi một nhà văn lớn vừa mất, chắc nhà báo biết rồi.

PV: Biết chớ. Ai cũng buồn, nhưng chúng ta hãy tự hào là sách của ông ấy sống mãi. Bày bán khắp nơi. Mọi người truyền tụng.

Sách: Nghe hay lắm. Nhưng nhà báo ạ, cái gì muốn sống thì nó cũng phải sinh ra đã chứ.

PV: Tất nhiên.

Sách: Nhưng xin hỏi, có ai muốn sinh ra sách khi nhuận bút thấp lè tè.

PV: Tại sao anh nói thế?

Sách: Theo các bạn bè kể lại, khi nhà văn đó mất, cá nhân tài khoản còn không nổi chục triệu đồng.

PV: Trời ơi, trong khi sách của ông ấy chỗ nào cũng nhìn thấy.

Sách: Bày ở mọi nơi nhưng bán chậm. Vì tư tưởng của ông không phải là thứ văn hoá đại trà. Không phải danh hài hay ca sĩ ngôi sao.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Biết làm thế nào. Ai cũng hiểu là sách chúng ta khó tiêu thụ. Rất nhiều cuốn in chỉ một, hai ngàn bản mà thôi.

Sách: Nhưng một tác phẩm giá trị mãi mãi không chỉ là số đông. Các nhà trí thức đều rõ.

PV: Các nhà quản lý cũng rõ.

Sách: Nghệ thuật nước ta không bao giờ được coi là đỉnh cao và trong nghệ thuật, văn học lại quá thiệt thòi. Gần như ai cũng biết hành nghề văn đói nhất.

PV: Đồng ý.

Sách: Mà văn học là cốt lõi của sân khấu, điện ảnh và rất nhiều thứ khác. Một nền văn học yếu, cả nền văn hoá chắc chắn không mạnh khỏe được đâu.

PV: Cũng đồng ý luôn.

Sách: Mỗi năm nhà nước đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đường cao tốc, cho sân bay, cho y tế đúng không nhà báo nhỉ?

PV: Chắc chắn mà.

Sách: Vậy theo tôi, mỗi năm nên chọn một vài cuốn sách hay, nhà nước mua bản quyền một tỉ đồng một cuốn. Như thế bảo đảm ngân sách cũng chả ảnh hưởng gì.

PV: Không. Không ảnh hưởng.

Sách: Đầu tư quan trọng nhất là đầu tư cho con người. Rất nhiều chuyên gia đã nói thế.

PV: À, chân lý đó chả cần tới chuyên gia.

Sách: Vậy nếu như mỗi năm vì nền văn học bỏ ra mười tỷ đi, có gì sai?

PV: Không sai. Không sai. Nhưng mà...

Sách: Nhưng mà sao? Nhà nước vẫn bỏ ra một mớ tiền cho phim và cho sân khấu kia mà.

PV: Ừ nhỉ. Nhưng cũng chả nhà văn nào kêu cả.

Sách: Các tác giả kêu không bằng mồm mình, mà bằng số phận nhân vật của họ nhà báo ạ.

PV: Tôi tin.

Sách: Các nhân vật trong sách hiện nay thường hay quằn quại, thường hay trăn trở, thường hay đau đớn chả khác gì thời của Nam Cao.

PV: Và chả khác gì thời của "Sống mòn". Khi nhà văn là ông giáo Thứ.

Sách: Nếu người đọc chưa hiểu hết thì quốc gia phải hiểu. Nếu từng người dân chưa đánh giá được chính xác giá trị của tác phẩm thì Bộ Văn hoá phải làm được điều đó, thế mới là nhà nước văn minh.

PV: Cho nên mỗi năm nên dùng ngân sách mua bản quyền những cuốn sách đích thực.

Sách: Đúng thế. Xin nhắc lại, mỗi năm có rất nhiều tiền cho điện ảnh mà nhiều bộ phim lặn mất tăm hơi. Trong khi sách in vẫn đời đời nằm trên giá. Hãy nhìn "Những người khốn khổ" hay "Cuốn theo chiều gió" mà xem.

PV: Ta chưa có tác phẩm kiểu đó.

Sách: Nhầm rồi. Ta không có Victor Hugo của Pháp, nhưng cũng có của Việt Nam. Một quốc gia tồn tại gần trăm năm phải tự tin như thế chứ.

PV: Anh nói khiến tôi xúc động quá. Nhưng tại sao các nhà văn chẳng chịu lên tiếng.

Sách: Lý do từ đâu nhỉ? Mọi người cố nghĩ xem nào?

Lê Thị Liên Hoan
.
.