Phỏng vấn một con sâu (kỳ IV)

Chủ Nhật, 15/04/2012, 11:48
Phần IV: Lương tâm

PV: Thưa anh, trong những bài trước chúng ta đã nói về báo lá cải, sự ra, sự tồn tại và sự phát triển của chúng. Kết luận, với tư cách là kẻ trong cuộc, anh đã tuyên bố rằng không thể ngăn ngừa báo lá cải một cách hoàn toàn, cũng như không thể ngăn cấm hết rượu bia.

Sâu: Đúng thế. Thêm một khía cạnh này nữa: Chúng ta đang tiến tới tự do báo chí trên cơ sở hiến pháp có quyền tự do ngôn luận. Mà tin tức lá cải, xét về góc độ nào đó, cũng là một dạng ngôn luận, chả lấy điều khoản nào mà cấm được.

PV: Tóm lại, chúng ta bất lực?

Sâu: Nói vậy cũng không đúng. Chúng ta hãy tìm cách để rau cải ở đúng vị trí của nó trong chợ, bằng cách nâng cao nhận thức của người đọc và nâng cao chất lượng của những loại báo chính thống lên.

PV: Thưa anh, nói vậy chả sai, nhưng chung chung quá.

Sâu: Tôi biết. Nhưng đôi lúc sự chung chung lại là hy vọng duy nhất thì sao.

PV: Còn cách nào hiệu quả hơn không, thưa anh?

Sâu: Còn cách mong chờ vào lương tâm và phẩm giá của mỗi phóng viên.

PV: Xin anh nói rõ hơn điều này?

Sâu: Đã là người viết báo, thì dù nhiều hay ít, dù sâu sắc hay nông cạn cũng có một trình độ nhất định khá cao so với mặt bằng xã hội.

PV: Vâng.

Sâu: Tôi có thể khẳng định, chả có nhà báo nào đưa những tin lá cải kiểu như “Lê Tèo có bầu, Trần Mít vừa ly dị, Trần Cam mới mua xe, hay Trần Quýt vừa lộ hàng”, lại không hiểu đấy là những thứ tin tức hạng bét. Và việc gắn tên tuổi mình với những sản phẩm ấy chả vinh dự gì.

PV: Đúng. Bằng chứng là hầu như chưa khi nào tôi thấy tác giả của những tin tức kiểu đó ký tên thật.

Sâu: Các phóng viên lá cải thừa biết mình chỉ là kẻ nhặt nhạnh, rình mò, ngồi lê đôi mách và chui qua ổ khóa. Dù bề ngoài họ có tỏ ra cứng cỏi, hiên ngang, sẵn sàng cãi chầy cãi cối, hoặc tự tin đến mức nào đi nữa, thì bên trong họ vẫn tự ngượng và tự xấu hổ với mình.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Anh có chắc không?

Sâu: Chắc chắn. Nếu như rau cải ở chợ có đề tên và đề giá đàng hoàng thì chưa tờ báo lá cải nào ở Việt Nam dám vỗ ngực bảo: “Tôi là Cải”. Thậm chí nếu ai bảo họ bản chất như thế thì họ sẽ gân cổ lên cãi hết sức bình sinh và thù dai cho đến chết.

PV: A ha, đúng vậy!

Sâu: Danh hiệu “Cải” chả mang vinh dự cho toà soạn nào, cũng chả mang lại lòng tự trọng cho ai cả. Do miếng cơm manh áo, do thẩm mỹ thấp kém và do tư tưởng nhỏ mọn, người viết nào phải làm công việc đó cũng thường hoặc giấu giếm, hoặc tự trấn an mình, hay tự vẽ ra những niềm tin mà bản thân mình cũng thấy lung lay ít ra là một cách sâu thẳm trong lòng.

PV: Thôi anh Sâu ơi, anh nói vậy vẫn còn sang. Bản thân tôi đã thấy nhiều vị Cải hồn nhiên, Cải vênh váo, Cải tự đắc và Cải cứ phô mình là bố Cải. Tự bay lượn trong các sự kiện, dọa dẫm ngầm, hoặc dọa dẫm công khai là thái độ thường thấy ở các “cò bút”, đặc biệt khi đối tượng là đám nghệ sĩ tuổi teen vừa háo danh vừa nhút nhát.

Sâu: Dọa dẫm tuổi teen và nịnh bợ các ngôi sao là những phẩm chất nổi bật của một phóng viên hoặc một toà soạn báo lá cải, điều ấy chả ai còn lạ gì.

Cũng có một số kẻ cao tay hơn, lấy việc bới móc các ngôi sao nhằm chứng tỏ đẳng cấp. Điều ấy chỉ nêu bật “sự trưởng thành” trong nghề chứ không cao quý gì về nhân cách cả.

Nhưng thôi, hãy trở về với luận điểm của chúng ta. Hơn ai hết và trước ai hết, tác giả của những bài báo lá cải cảm giác có một cái gì không lành mạnh trong lòng. Một đằng họ cố ra vẻ thản nhiên, một đằng khác họ cũng cảm giác mình đang làm công việc của kẻ nhặt nhạnh và khá nhanh chóng, họ hiểu ra vị thế của mình. Do đó, họ thường ra sức tìm cách lọt vô hay trở thành cộng tác viên của toà soạn có tên tuổi để dần dần nâng cao tầm cỡ.

PV: Nói cách khác, luôn có sự chuyển dịch trong thâm tâm những người viết báo lá cải và anh hy vọng ở điều này?

Sâu: Vâng. Nếu nói một cách mạnh mẽ, chúng ta vẫn hy vọng rằng, giang hồ ngoài đời rửa tay gác kiếm, thì tại sao không hy vọng một số kẻ chuyên viết lá cải chuyển mình, bởi viết như thế trong chừng mực nào đó cũng có thể xem như giang hồ trong văn hóa.

PV: Xin anh đừng lạc quan quá. Nếu tre già có măng mọc thì lá cải già sẽ có lá cải non. Cả trăm năm nay, chợ thực phẩm chưa khi nào thiếu rau cải, thì chợ báo chí cũng vậy.

Sâu: Tôi biết. Sự phát triển của báo lá cải, dù có thăng trầm nhưng sẽ không khi nào đứt đoạn. Tuy nhiên, nếu như người ta nói sẽ có ngày mặt trời mọc lên rực rỡ, thì tại sao chúng ta không hy vọng sẽ có ngày báo chí tử tế xanh mơn mởn, làm cho độ xanh của rau cải giảm đi?

Lê Thị Liên Hoan
.
.