Phỏng vấn một con cọp sổng chuồng

Thứ Hai, 04/01/2010, 09:47

Phóng viên: Thưa anh cọp, cảm giác đầu tiên của anh khi ra khỏi chuồng là như thế nào?
Cọp: Thú thực giây phút đó tôi rất khoái. Tôi cảm thấy mình bay lên.

Phóng viên: Vượt qua hàng rào cao năm mét có khó khăn không, thưa anh?

Cọp: Chả khó khăn gì mấy. Tôi phát hiện ra chẳng phải rào cao, mà quan trọng ở chỗ mình có dám nhảy hay không.

Phóng viên: Thế lý do gì bao nhiêu năm qua anh không nhảy?

Cọp: Vì những con thú khác ở các chuồng bên cạnh cũng không nhảy.

Phóng viên: Xin lỗi anh, cọp đâu phải như những con thú khác. Cọp là cọp.

Cọp: Tiếu quá. Bây giờ tôi mới hiểu điều này. Nhưng thưa nhà báo, cọp suốt đời ở trong chuồng, thì cũng chỉ còn cọp một nửa thôi. Chớ có khắt khe quá.

Phóng viên: Tôi phải khắt khe với anh, Cọp ạ. Bởi vì cuộc sống khắt khe với tôi. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện. Phút đầu tiên ra khỏi chuồng, anh làm gì?

Cọp: Tôi tiến tới gần một con người để chào. Và anh ta co cẳng chạy. Những kẻ khác cũng thế.

Phóng viên: Anh đừng trách họ. Họ chưa quen.

Cọp: Tôi có trách đâu. Tôi chỉ buồn cười. Khi tôi còn ở trong chuồng, sao họ vênh vang thế. Rõ ràng thái độ của nhiều kẻ đổi khác, tùy vào chỗ ta đứng trước hay sau một cái hàng rào.

Phóng viên: Chả có ai dám tới gần anh sao?

Cọp: Chả có ai. Họ sợ tôi ăn thịt. Trong khi họ chả hề biết, đã bao nhiêu năm qua tôi muốn ăn rau.

Phóng viên: Vô lý. Cọp mà ăn rau?

Cọp: Chả những ăn rau, cọp còn hái hoa, ngắm trăng và tắm suối. Tóm lại, cọp rất lãng mạn.

Phóng viên: Sao những phẩm chất này không được người ta phổ biến?

Cọp: Người ta giấu đi. Người ta muốn dùng cọp để dọa, chứ không muốn dùng để an ủi.

Phóng viên: Anh phải hiểu, con người có trí khôn. Và hễ ai khôn thì phải biết giấu đi những cái bất lợi cho mình.

Cọp: Khôn như vậy là khôn không hồn nhiên, không trong sáng.

Phóng viên: Thôi được. Thiên hạ chạy tán loạn nơi anh sổng chuồng ra. Rồi sao nữa?

Cọp: Rồi tôi nhìn theo. Và tôi cười ngất. Tưởng người chạy đi đâu, hóa ra cũng chạy vào những cái chuồng.

Phóng viên: Đâu phải chuồng. Nhà!

Cọp: Vô lý. Nhà gì mà kín mít và giống nhau đến thế.

Phóng viên: Kín ư?

Cọp: Vâng. Kín. Đủ thứ khóa, đủ thứ rào và đủ thứ song sắt. Ví dụ như chuồng cọp kín, tôi còn tin được, vì sợ cọp chạy ra. Chứ người thì phải vươn ra. Sao người lại tự giam mình?

Phóng viên: Anh còn non dại lắm, cọp ạ. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đã dạy cho người nên ở trong các ngôi nhà đóng kín.

Cọp: Ối trời, họ sợ thú dữ vô sao?

Phóng viên: Không. Họ sợ người khác vào. Nói một cách đơn giản thì người đôi khi còn sợ người hơn sợ cọp.

Cọp: Lôi thôi quá nhỉ?

Phóng viên: Lôi thôi lắm anh ạ. Anh suốt đời ở trong lồng, nên chả hiểu được thế giới đâu.

Cọp: Được. Cứ cho rằng người phải chui vô nhà, và nhà phải được đóng kín đi. Nhưng tại sao họ lại xây nhà giống nhau đến thế?

Phóng viên: Giống ư?

Cọp: Phải. Tôi đi một dãy, và nhà nào cũng giống như cái hộp vuông vuông. Điều đó chứng tỏ trí tuệ của các anh không phong phú.

Phóng viên: Anh cọp ạ, ở ngoài này, trí tuệ phong phú nhưng tiền không phong phú thì cũng hạn chế rất nhiều.

Cọp: Tiền là gì?

Phóng viên: Một câu hỏi nói lên bản chất của anh. Một câu hỏi chứng tỏ cọp ở đâu cũng vẫn chỉ là cọp vì không biết đến tiền.

Cọp: Khoan đã, nhà báo định bảo ai không biết đến tiền là ngu sao?

Phóng viên: Tôi chả dại gì tuyên bố như thế. Tôi chỉ nói, những ai không biết tiền thuộc về một thế giới khác.

Cọp: Vậy thế giới ấy hoang dã hay hiện đại?

Phóng viên: Có thể bảo rằng, đó là thế giới thứ ba. Hoặc thế giới bên kia cũng được.

Cọp: Này, nhà báo. Mới tiếp xúc với người, cọp đã hơi thất vọng, khi người nói rất vòng vo.

Phóng viên: Nói vòng vo là một nghệ thuật đấy, anh cọp ơi.

Cọp: Nghệ thuật là gì?

Phóng viên: À, là nhiều lúc bảo thích cái này nhưng thực ra lại thích cái kia.

Cọp: A, như thế nghệ thuật là giả dối à?

Phóng viên: Thôi, hai ta chả nên đi sâu vào vấn đề này nữa. Hai ta quá khác nhau. Hãy quay lại. Phút sổng chuồng. Anh thấy thiên hạ chạy vô những căn nhà đơn điệu, rồi sao nữa?

Cọp: Rồi tôi tự hỏi: Tại sao người không như cọp, người không lấy bầu trời làm mái và mặt đất làm sàn nhà?

Phóng viên: Bởi vì người cần những khoảng riêng, cọp ạ.

Cọp: Rồi họ làm gì trong các khoảng riêng đó?

Phóng viên: Làm nhiều chuyện lắm. Kể cả… nấu xương cọp, nên anh thực sự muốn biết.

Cọp: Tôi nghĩ thế này đúng không nhà báo. Toàn bộ sự rắc rối của các anh nằm ở chỗ ai cũng muốn có một cái khoảng riêng!

Phóng viên: Đúng vậy.

Cọp: Và khi có các khoảng riêng rồi thì đáng buồn thay, ở trong đó họ lại làm những việc rất giống nhau.

Phóng viên: Nghĩa là theo anh, con người đã lãng phí các khoảng riêng của mình.

Cọp: Tôi tin là như thế đấy!

L,T,L.H.
.
.