Phỏng vấn một con búp bê

Thứ Năm, 30/06/2016, 16:19
Phóng viên (PV): Thưa cô, suy cho cùng về bản chất, thực sự búp bê là gì?
Búp bê: Nếu đã hỏi như thế, tôi phải thành thực trả lời rằng búp bê là một món đồ chơi.

PV: Đúng vậy. Nhưng không hiểu tại sao với rất nhiều bé gái và rất nhiều cả người lớn, búp bê cứ như có tâm hồn?

Búp bê: Vì món đồ chơi đó, trải qua bao nhiêu năm, do hình dáng, do công nghệ và do đánh trúng vào cảm xúc, cứ như có cuộc sống thực sự vậy. Đến mức ít ai dám đập phá một con búp bê dù cũ nát.

PV: Như vậy nghĩa là sao? Thưa cô.

Búp bê: Nghĩa là việc chơi nếu đúng nghĩa rất quan trọng trong hình thành nên nhân cách của một đứa trẻ. Rõ ràng có thể khẳng định một cá nhân chơi không ra gì thì sống cũng không ra gì.

PV: Rất đồng ý với cô. Vậy búp bê bình luận ra sao về việc hôm nay rất nhiều người lên tiếng "Trả lại hè cho học sinh", hay nói chính xác hơn, trả lại những ngày chơi cho trẻ em.

Búp bê: Trước khi nói tới trả lại, chúng ta hãy tìm xem ai cướp mất.

Học sinh có ba tháng nghỉ hè. Đó là một quy luật có từ hàng trăm năm và có ở hàng trăm quốc gia. Rõ ràng điều ấy có lý do của nó. Học sinh sẽ dùng quãng thời gian ấy để chơi ư? Xin lỗi chứ tôi cho rằng chỉ có kẻ ngốc mới tư duy như thế. Phải nói như sau mới đúng: Trẻ em sẽ dùng những ngày tháng ấy để học những thứ không dạy ở trường.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Xin cô nói rõ hơn?

Búp bê: Mùa hè là mùa học bơi, học câu cá, là đi về quê nhìn đồng lúa, đi ra biển chạy trên bãi cát hoặc vào thư viện đọc sách, vào rạp xem phim.

Thậm chí chẳng vào đâu, chỉ ngồi nhà nghe tiếng ve kêu hoặc nằm lăn ra bãi cỏ nhìn con châu chấu đang nhảy cũng là học. Biết bao kỷ niệm tuổi thơ, biết bao hồi ức tươi đẹp đã đi với chúng ta từ suốt những tháng hè.

PV: Vâng.

Búp bê: Chỉ đứa ngốc mới cho rằng ba tháng đó là quỹ thời gian dư thừa, và dùng nó để  "tạm ứng" cho năm học mới. Bản thân câu khẩu hiệu "Hãy trả lại ngày hè cho tuổi thơ" cũng đủ nói lên tất cả. Trẻ con không xin hè, không được tặng hè hay biếu hè. Hè là của trẻ con và người lớn phải trả lại cho chúng.

PV: Nhưng tại sao nhiều nơi không trả hoặc trả một chút thì coi đấy là một hành động vĩ đại.

Búp bê: Chính điều đó khiến tôi buồn cười. Người ta lấy hè lâu quá, dễ dàng và tự nhiên quá đến mức người ta tự coi hè là tài sản, là quà của mình cho đứa bé nào là đứa bé ấy phải biết ơn.

Một quốc gia mà người già không muốn nghỉ hưu, người trẻ không muốn chơi thì phát triển sao được chứ.

PV: Thưa cô búp bê, chả phải người lớn không quý hè. Chỉ tại vì họ cho rằng còn nhiều thứ khác quan trọng hơn nên hy sinh hè là chuyện hợp lý.

Búp bê: Hậu quả là gì? Các vị làm việc quần quật cả năm trong thành phố. Các vị chịu đựng hàng trăm ngày nào ô nhiễm, nào kẹt xe, nào tiếng ồn, nào chen chúc, rồi các vị dành được chút tiền đi nghỉ, chui vào một mái nhà lá trong resort, và nằm trên bãi cát phơi mình. Tất cả những thứ đó ngày xưa các vị dễ dàng hưởng thụ nếu như mùa hè chỉ có vui chơi.

Nghĩa là những gì người lớn cướp của trẻ con thì lại tận hưởng một cách đầy thèm khát, nhưng lại tuyên bố rằng trẻ con không cần.

PV: Ừ nhỉ.

Búp bê: Xin hỏi nhà báo câu này: Con người làm việc để được chơi nhiều hơn hay chơi để làm việc nhiều hơn.

PV: Ài chà. Tôi có cảm giác trả lời thế nào cũng đúng.

Búp bê: Biết ngay! Còn với tư cách búp bê, tôi xin tuyên bố, một xã hội phát triển phải hướng đến công dân trong đó chơi nhiều. Và quyền chơi là quyền thiêng liêng cần bảo vệ.

Lê Thị Liên Hoan
.
.