Phỏng vấn một chiếc điện thoại

Thứ Bảy, 01/12/2012, 10:50
PV: Chào anh điện thoại di động. Anh tên gì? Hay nói chính xác hơn, anh nhãn hiệu gì?

Điện thoại: Điều đó có quan trọng không, khi mà hiện nay, tất cả các nhãn hiệu đều có loại máy thông minh.

PV: Thông minh?

Điện thoại: Đúng. Điện thoại di động đã phát triển nhanh và mạnh tới mức chúng được cho là có trí tuệ giống như não con người.

PV: Khoan đã, con người không phải ai cũng thông minh.

Điện thoại: Dù là người giàu. Nhưng chúng tôi không thế. Hiện nay, cứ mua một máy điện thoại đắt tiền thì coi như nó thông minh chắc chắn.

PV: Nó xem múa ba lê? Nó hiểu nhạc cổ điển hay nó viết báo?

Điện thoại: Không. Nó gài rất nhiều chương trình.

PV: Thế thì nó vẫn chỉ là một cái thùng chứa các chức năng. Danh hiệu thông minh từ đâu ra?

Điện thoại: Từ các hãng sản xuất.

PV: Tại sao họ gọi như thế?

Điện thoại: Tại vì họ muốn bán.

PV: Như nhiều lúc, nhiều nơi và nhiều nhà nghiên cứu đã nói, trong thế kỷ XXI này, người ta không bán cái cần dùng mà bán cả những cái bịa ra.

Điện thoại: Bịa ra?

PV: Đúng. Tôi cam đoan rằng rất nhiều chương trình trên các máy điện thoại đắt tiền đang bày trên kệ bây giờ người mua không bao giờ động tới.

Điện thoại: Thế mà họ vẫn trả tiền?

PV: Người tiêu dùng đã trả tiền, đang trả tiền và sẽ còn trả tiền (những đồng tiền, than ôi, nhiều khi là mồ hôi nước mắt) cho những ứng dụng do các nhà chế tạo áp đặt.

Điện thoại: Nghĩa là khách hàng bị lừa?

PV: Nói như thế hơi quá. Nhưng tôi chắc chắn ít ra họ cũng bị mê muội.

Rất nhiều học giả đã kêu gọi bà con trở thành người mua hàng thông minh. Và cá nhân tôi lắm khi nhận thấy đôi lúc càng mua điện thoại thông minh, nhiều kẻ càng trở nên ngu ngốc.

Minh họa: Lê Tâm.

Điện thoại: Tôi hiểu anh. Nhưng chúng ta hãy xét ở một khía cạnh khác thế này: mua được một cái máy như thế tuy không khai thác hết, nhưng thiên hạ có cảm giác sung sướng. Trả tiền cho cảm giác thì chả có gì sai?

PV: Anh nói cũng hơi có lý. Cảm giác là một đại lượng rất khó đong đếm. Nhưng chúng ta chắc chắn suốt đời phải giằng co giữa hai việc: Tiền bạc có hạn, còn cảm giác vô bờ.

Việc điên cuồng chạy theo các chức năng bất tận của máy điện thoại di động sẽ biến các máy có thể trở thành một thứ ma túy. Mà có ma túy nào không gây hại nếu sử dụng quá liều?

Điện thọai: À.

PV: Chả cần điện thoại, nhìn mọi thứ ở đâu cũng thế, từ lò nướng bánh, nồi cơm điện cho tới “rờ mốt”, tivi, đều chằng chịt các chức năng phức tạp và ít dùng. Rõ ràng sau chế độ nô lệ trong đất đai, đã hình thành một chế độ nô lệ trong tiêu thụ, nhưng khác ở chỗ bây giờ các nô lệ đều hình như tự nguyện.

Điện thoại: Tại sao lại hình như?

PV: Tại chắc chắn bất cứ ai mua một chiếc tivi hay một chiếc điện thoại ngày nay cũng có cảm giác này: Tới phòng trưng bày, tới cửa hàng và thở phào hạnh phúc khi chưa có sản phẩm nào ra đời hiện đại hơn sản phẩm mình đang có.

Điện thoại: Nghĩa là các hãng sản xuất đã tạo ra một sức ép.

PV: Không những thế, bằng trăm phương ngàn kế, họ còn duy trì nó thường xuyên. Họ đã thành công rực rỡ trong việc tạo ra trong đầu khách hàng một chất men “ghen tị” luôn luôn đòi người ta phải sở hữu một cái gì hơn kẻ khác, chả cần biết cái hơn ấy có lợi ích hay không.

Điều kỳ diệu nằm ở chỗ, phần lớn thiên hạ trong cuộc đời mình không đạt tới cái đỉnh cao đích thực. Vì vậy họ sẵn sàng bằng lòng với các đỉnh cao giả mạo, hay nếu không giả mạo thì vụn vặt do các nhà bán lẻ đưa ra.

Điện thoại: Tóm lại, theo anh, điện thoại càng thông minh, chúng ta càng ngớ ngẩn?

PV: Tôi không dám khẳng định như vậy. Tôi chỉ lưu ý một điều: là nạn nhân của khoa học kỹ thuật chưa chắc đã hơn gì là nạn nhân của nhiều thứ khác!

Lê Thị Liên Hoan
.
.