Phỏng vấn một bác sĩ

Thứ Năm, 18/06/2015, 15:33
Phóng viên (PV): Thưa anh, với tư cách một bác sĩ, anh thấy các căn bệnh của xã hội hôm nay cần được điều trị như thế nào?

Bác sĩ: Cần kết hợp nhiều phương pháp và rõ ràng ai cũng biết, khi bệnh càng nặng, sự can thiệp của y học càng cần mạnh mẽ.

PV: Cụ thể, sự mạnh mẽ ấy là gì ạ?

Bác sĩ: Là phẫu thuật cắt bỏ. Cắt bỏ luôn luôn là biện pháp cuối cùng, nhưng cần thiết.

PV: Tôi cũng tin như thế. Nhưng bác sĩ có thể đưa ra một ví dụ nào không?

Bác sĩ: Có chứ. Vừa qua tôi đọc trên báo, và tôi sửng sốt.

PV: Sửng sốt vì tin gì ạ?

Bác sĩ: Vì nghe tin một đại úy cảnh sát đã nổ súng bắn chết một hung thủ.

PV: Ôi, bắn chết người luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm.

Bác sĩ: Đúng. Nhưng nếu như theo bài báo ấy tường thuật, hung thủ đó cùng với một đám đông đã vô cớ tấn công một khu nhà, và kinh khủng hơn, đã cầm kiếm chém đại úy công an đó tới 11 nhát.

PV: Mười một nhát?

Bác sĩ: Vâng. Và kẻ ấy đã bị bắn hạ trước khi có nhát chém thứ 12.

PV: Kinh khủng quá.

Bác sĩ: Là một bác sĩ, nghĩa là tính nhân đạo phải được đề cao, nhưng trong trường hợp này tôi cũng đành tự hỏi: Tại sao anh cảnh sát phải chịu tới nhát thứ 11 mới nổ súng? Anh ấy đã quá thận trọng.

PV: Thưa bác sĩ, bắn người luôn luôn cần thận trọng. Tất cả các lực lượng vũ trang phải hiểu điều này.

Bác sĩ: Tôi biết. Và tôi ủng hộ chuyện ấy. Nhưng có cần thận trọng tới mức phải chờ tới 11 lần đâm chém mới nổ súng được không.

PV: Chắc là không.

Bác sĩ: Nhất định không. Quyền tự vệ là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Đã thế ở đây hung thủ chả những tấn công người sĩ quan đó mà còn đang tấn công nhiều người xung quanh.

PV: Cho nên nổ súng như vậy quá muộn màng?

Bác sĩ: Rất muộn. Ở rất nhiều quốc gia, chưa cần tấn công, chỉ không bỏ vũ khí xuống là cảnh sát đã có quyền bắn rồi.

PV: Vậy ư?

Bác sĩ: Bảo vệ những người thực thi pháp luật luôn luôn là một nhiệm vụ ưu tiên của mọi xã hội. Bởi nhiều lý do! Những người đó hàng ngày đối đầu với quá nhiều hiểm nguy, và khi họ đại diện cho luật pháp, họ phải có tính răn đe.

Minh họa: Lê Phương.

PV: Chính xác.

Bác sĩ: Trong một xã hội lành mạnh, cảnh sát luôn luôn cần gây ra hai thái độ: Tin tưởng và nể sợ. Phải luôn luôn có tình trạng lưu manh côn đồ thấy bóng cảnh sát là chùn bước dù có mang vũ khí hay không, vì nói thẳng ra, anh ta có quyền hơn hẳn bọn chúng.

Đã thế, ai mà không biết, tình trạng coi thường pháp luật và chống người thi hành công vụ ở ta đang diễn ra phức tạp, theo cá nhân tôi, cần đẩy mạnh các biện pháp trấn áp.

PV: Nhưng xin bác sĩ lưu ý, nếu trấn áp quá mức sẽ dẫn tới lạm quyền.

Bác sĩ: Tôi biết. Nhưng nếu chỉ làm một con số so sánh, tôi tin rằng sự lạm quyền luôn nhỏ hơn rất xa sự không đủ nghiêm khắc trong việc bảo vệ trị an. Với một hoàn cảnh xã hội còn phức tạp như hiện nay, sự cứng rắn, theo tôi, cần đề cao hơn nữa.

PV: Có lẽ phải đồng ý với bác sĩ thôi.

Bác sĩ: Cho nên tôi vẫn cứ bức xúc, khi người bảo vệ pháp luật phải chờ bị chém tới nhiều như thế mới nổ súng. Quá kiên nhẫn và quá chịu đựng. Không thể mềm yếu thế được. Đáng ra anh ấy phải quyết đoán hơn, giống như một bác sĩ phẫu thuật phải dám cắt bỏ một bộ phận cơ thể hư để bảo vệ cho các phần còn lại!

Lê Thị Liên Hoan
.
.