Phỏng vấn một bà già

Thứ Bảy, 30/05/2015, 15:33
Phóng viên (PV): Thưa bà, với tuổi của bà điều gì làm bà sợ nhất?
Bà già: Nói thật nhé, chả sợ gì cả. Chỉ có vài đứa phải sợ tôi.

PV: Những đứa ấy là ai ạ?

Bà già: Là kẻ cắp chứ ai vào đây nữa.

PV: A, đúng rồi. Tại sao chúng nó phải sợ bà nhỉ?

Bà già: Tôi khôn, nếu không khôn đã không sống đến tuổi này. Thêm vào nữa, tôi không sợ chết, tôi sẵn sàng đấu tranh.

PV: Hoan hô. Bà thật anh hùng.

Bà già: Không anh hùng lắm đâu. Vì vừa qua, có một thứ kẻ cắp khiến tôi khiếp sợ.

PV: Ai thế ạ? Ăn cắp châu báu hay vàng bạc?

Bà già: Không. Ăn cắp cây.

PV: Cây?

Bà già: Ừ. Chắc là nhà báo biết rõ vụ lùm xùm vừa qua về cây ở Hà Nội chứ?

PV: Tất nhiên là biết ạ.

Bà già: Vụ đấy có hai phần: Phần chặt cây và phần trồng cây. Chặt thế nào thì ai cũng biết rồi. Còn trồng thì mãi đến tận hôm nay mới biết thay vì trồng cây Vàng Tâm người ta lại trồng cây Gỗ Mỡ.

PV: Hai loại cây đó có gì khác nhau?

Bà già: Khác vô cùng. Hoàn toàn khác xa về giá trị. Như vàng với đất nung vậy đó.

PV: Ái chà.

Bà già: Những kẻ thay cây này bằng cây khác như thế chắc chắn không hề nhầm lẫn khi chúng có giá trị quá xa nhau. Những kẻ ấy khiến tôi kinh sợ.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vì sao bà già phải kinh sợ?

Bà già: Vì tất cả kẻ cắp trên đời đều lén lút, và chúng luôn phải theo phương châm xóa dấu vết sau đó chuồn thật nhanh.

PV: Đúng vậy.

Bà già: Còn khi ăn cắp cây, bằng phương pháp thay cây này với cây khác, những kẻ cắp hiểu rằng các cây đó sẽ lớn lên trước hàng triệu con người.

PV: Mà trong hàng triệu đó, ít nhất cũng có vài ngàn chuyên gia về thực vật, nhìn sự đánh tráo ấy sẽ phát hiện ra ngay.

Bà già: Chính xác. Ai mua cây, ai trồng cây đều có tên tuổi, có địa chỉ, có cả lý lịch. Cây thì cứ thế đứng sừng sững trong các đại lộ trung tâm thành phố. Nghĩa là sự ăn cắp này rất liều lĩnh, rất công khai, rất hiên ngang.

PV: Ừ nhỉ.

Bà già: Tại sao có kẻ dám làm như thế? Một bà già như tôi không cách gì giải thích nổi. Kẻ cắp mà để tang vật lù lù ra đó, kẻ cắp mà vẫn đến nơi làm việc hàng ngày, như vậy chứng tỏ sự trơ tráo, sự coi thường người khác của những vị này ở mức độ quá cao.

PV: Cao hơn ngọn cây?

Bà già: Hơn nhiều. Hành động liều lĩnh của những kẻ ấy khiến tôi hoảng vía, vì dù sao, một bà già cũng chỉ quen đối phó và trừng trị ăn cắp vặt chứ không thể đủ sức giải quyết những kẻ tầm cỡ này.

PV: Chắc bà phải về gọi thêm ông già.

Bà già: Không. Chắc những người hơn tôi phải làm một điều gì đó thật mạnh mẽ để pháp luật được nghiêm minh.

PV: Ví dụ nếu bà là quan tòa bà sẽ tuyên án ra sao?

Bà già: Đầu tiên, tôi bắt tất cả những ai đánh tráo Cây Vàng Tâm thành Cây Mỡ phải bỏ tiền túi ra mua các cây thay thế, sau đó phải tự tay trồng.

PV: Nhất trí.

Bà già: Cuối cùng phải hàng ngày ra tưới những cây ấy ít nhất trong vòng 3 năm.

PV: Hoan hô. Nhưng bà ơi, bà có nghiêm khắc quá không, có nhiều vụ tham ô còn lớn hơn mà.

Bà già: Tôi không biết đánh tráo mấy trăm cây là to hay nhỏ về mặt tiền bạc nhưng về mặt coi thường pháp luật thì theo tôi như thế cực to. To vô cùng. Phải xử nghiêm minh mới được.

Lê Thị Liên Hoan
.
.