Phỏng vấn một bà già

Thứ Hai, 08/12/2014, 14:34

Phóng viên (PV): Bà ơi, bà đang làm gì đấy?

Bà già:  Nhà báo không thấy à? Tôi đang xem phim.

PV: Hay quá nhỉ? Phim gì vậy?

Bà già: Tất nhiên là phim tình yêu. Ở tuổi tôi sẽ không tốt nếu xem phim kinh dị.

PV: Tình yêu theo kiểu gì, thưa bà?

Bà già: Theo kiểu hiện đại. Nghĩa là có đuổi nhau bằng ôtô, đánh nhau bằng gấu bông và nắm tay nhau trèo lên cây.

PV: Dạ, thưa bà, các kiểu yêu vậy cũng hay nhưng chỉ sợ bà xem không lợi cho sức khỏe.

Bà già: Ý nhà báo nói tôi già phải không?

PV: Thì đúng vậy đó. Thưa bà, bà về hưu bao lâu rồi ạ?

Bà già: Tôi không nhớ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn chả hưu bao giờ. Đó là văn hóa.

PV: Văn hóa?

Bà già: Ừ. Chính nó đấy thưa nhà báo.

PV: Dạ, xin bà giải thích rõ ý này?

Bà già: Rất nhiều người hiện nay tuy còn sức, còn đang đi làm, đang thành đạt nhưng về văn hóa đã hưu từ lâu lắm.

PV: Nghĩa là sao?

Bà già: Nghĩa là từ rất lâu họ không còn vào rạp, họ không còn đến nhà hát, họ không có thói quen ra sân vận động, và càng chưa khi nào cầm một cuốn tiểu thuyết lên coi.

PV: Cuộc đời những người như thế diễn ra ở đâu?

Bà già: Ở công ty, ở nhà hàng, ở trong nhà, ở quán bia, ở trong xe, ở ngân hàng…

PV: Cũng phong phú đấy chứ?

Bà già: Không, không phong phú, chỉ giống vậy thôi. Khi cuộc sống thiếu sự hưởng thụ văn hóa, chỉ còn những hưởng thụ vật chất thì nó khá lâm nguy.

PV: Bà cứ nói thế. Tôi thấy nhiều ông cả đời không vô nhà hát cũng chả nguy tí nào, lại còn béo ra hơn trước.

Bà già: Nếu nhà báo đã khẳng định như thế, tôi không nói nữa. Tôi không tranh luận với một cái xe.

PV: Sao bà gọi tôi là cái xe.

Bà già: Vì con người không văn hóa thì cùng lắm cũng như cái xe, dù lộng lẫy, dù thơm phức, dù biết đi nhưng cũng không có tâm hồn.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Nói đùa thôi. Đồng ý với bà, đồng ý là hiện nay có một tầng lớp thành đạt về nhiều mặt nhưng không có nhu cầu thưởng thức văn hóa nữa. Bằng chứng là hễ đến tất cả trung tâm giải trí, chúng ta đều nhìn thấy tuổi teen là chính.

Bà già: Từ đó suy ra, xã hội đang hình thành một lớp người tuy còn làm việc, còn khỏe mạnh nhưng đã về hưu về mặt tinh thần.

PV: “Về hưu về mặt tinh thần”. Câu này hay đấy.

Bà già: Không hề hay. Mà buồn. Chắc chắn một nền văn hóa sẽ còi cọc khi thiếu đi một lớp khán giả trưởng thành.

PV: Nhưng thưa bà, lý do sự lâm nguy này tại đâu?

Bà già: Nhiều lắm. Phải nói thực, lý do đầu tiên là sân khấu, điện ảnh, ca nhạc…. của chúng ta quá kém. Chúng khiến cho những người lớn tuổi có đầu óc đi xem bị chưng hửng và khó chịu.

PV: Từ khó chịu đến bỏ qua là những khoảng cách rất gần.

Bà già: Đúng vậy. Và cứ dần dần khoảng cách giữa văn hóa và người lớn càng xa. Đến một lúc nào đó cả hai bên nhìn nhau đều phải tuyệt vọng.

PV: Dẫn đến trình trạng tới một sân khấu ca nhạc hiện nay, chả ai nhìn thấy comple, chả ai nhìn thấy áo dài, chỉ toàn quần jean và váy ngắn.

Bà già: Một nền văn hóa trẻ là tốt. Nhưng trẻ đến mức bao nhiêu năm không chịu lớn là rất tai hại. Hiện tượng hưu về văn hóa bây giờ diễn ra rất phổ biến, không toàn diện thì cũng ở một khía cạnh nào đó, trong khi đấy là thứ chính ra mỗi cá nhân có thể tiếp thu và hưởng thụ mãi mãi. Chả có ai cướp được của mình.

Lê Thị Liên Hoan
.
.