Phỏng vấn cây đàn

Thứ Hai, 20/07/2015, 23:01
Phóng viên (PV): Đàn ơi, sao anh im lặng thế?
Đàn: Tôi buồn. Buồn quá nhà báo ạ. Chả hiểu tại sao mấy hôm vừa qua, có tới ba nhạc sĩ danh tiếng ra đi.

PV: Đúng là buồn thật. Khán giả ai cũng bàng hoàng.

Đàn: Mỗi con người chúng ta sinh ra trên trái đất này là một thực thể không thay thế được, cho nên khi mất đi đáng tiếc làm sao. Nhưng sẽ còn đáng tiếc hơn nhiều, khi có những vĩ nhân mang theo những thứ chả ai còn có được.

PV: Xin anh trình bày rõ điều này?

Đàn: Một nguyên lý khoa học, nói cho cùng không có giáo sư này sẽ có giáo sư kia khám phá, chỉ nhanh hay chậm mà thôi. Nhưng một cảm nhận về văn hóa không như vậy, cảm nhận đó rất riêng biệt, nếu mất đi có khi vĩnh viễn không chừng.

PV: Anh muốn nói đến trường hợp nào thế?

Đàn: Giáo sư Trần Văn Khê. Ông ấy là người cực kỳ hiếm hoi hiểu biết sâu sắc về âm nhạc Việt Nam, âm nhạc quốc tế, âm nhạc Châu Á, âm nhạc Châu Âu. Ông có khả năng nắm vững cả lý thuyết, cả thực hành một cách uyên bác tới kinh ngạc.

PV: Vâng.

Đàn: Tôi đã từng may mắn được nghe Giáo sư thuyết trình. Ông không những phân tích sự khác nhau và giống nhau của một giai điệu trong nhiều quốc gia, mà còn minh họa những nhận xét của mình bằng cách biểu diễn trên rất nhiều nhạc cụ.

Giáo sư khiến khán giả vừa kinh ngạc, vừa bị chinh phục hoàn toàn. Có thể nói không ngoa, may mắn cho Việt Nam ta đã có một người như vậy.

PV: Rất may mắn.

Đàn: Nhưng bây giờ Giáo sư đã mất. Về mặt cảm nghĩ chúng ta đành chấp nhận vì ông đã hơn chín chục tuổi rồi. Nhưng về văn hóa thì sao? Làm thế nào để bù đắp những gì thiên tài đó mang theo trong mình?

PV: Ừ nhỉ!

Đàn: Sự ra đi của một danh nhân bao giờ cũng làm cho ta hối tiếc. Nhưng sẽ còn tiếc hơn nếu người đó không để lại được gì.

PV: Ý anh thế nào?

Đàn: Đáng ra, khi Giáo sư còn khỏe, còn minh mẫn sáng suốt, một cơ quan nào đấy đã phải lưu trữ những bài giảng, những kiến thức của ông bằng tiếng và bằng hình. Nghĩa là phải quay phim thật nhiều, thật khoa học, bài bản, có thứ tự rồi sau đó lưu trữ các tư liệu đó vào thư viện quốc gia.

PV: Đúng rồi.

Đàn: Những tư liệu này phải được bảo quản vĩnh viễn, coi như một loại sách, một loại kiến thức trực quan, sống động. Trong thời đại kỹ thuật số hôm nay, điều ấy cũng chả khó gì.

PV: Và nói thẳng ra, cũng chả tốn kém gì.

Đàn: Thế mà hình như chẳng ai nghĩ ra thì phải. Khi một vĩ nhân mất, rất nhiều người thương tiếc nhưng những cảm nhận và kiến thức của danh nhân cần phải tiếc hơn nhiều, vì đó chính là văn hóa dân tộc. Cho nên tôi tự hỏi, chúng ta có lãng phí không; có sai lầm không khi đã chả nghĩ tới cơ hội lưu trữ, giữ gìn những điều có vẻ vô hình nhưng thật ra vô cùng quý giá.

Một nhà văn có thể để lại sách đời đời, tác phẩm của một nhà điêu khắc, một họa sĩ cũng có thể hiện diện trong bảo tàng đến vài thế kỷ. Nhưng có những nhận thức không trưng bày được, chúng chỉ được thể hiện ra bằng ngôn ngữ sống và bằng hình ảnh kèm theo.

PV: Vâng.

Đàn: Không phải chỉ Giáo sư Trần Văn Khê. Đã có nhiều danh nhân khi ra đi khiến tôi có nỗi hoảng sợ này, hoảng sợ vì những gì họ mang theo quá lớn, đã vậy đó còn là duy nhất, chả khi nào có thể phục hồi. Do đó, đã tới lúc chúng ta hành động.

PV: Cụ thể, anh đề nghị gì?

Đàn: Tôi đề nghị Bộ Văn hóa hoặc bộ nào đấy lên một danh sách các nghệ nhân có vai trò duy nhất, rồi tổ chức ghi hình, ghi tiếng những khi họ đang biểu diễn hoặc lúc giảng bài, sau đó đánh số, công bố và lưu trữ trong các trung tâm lưu trữ quốc gia. Phải làm nhanh lên, nếu không thì muộn mất!

Lê Thị Liên Hoan
.
.