“Phòng thí nghiệm” Singapore 50 tuổi, mô hình “chín ép” thú vị

Thứ Ba, 11/08/2015, 16:39
Bước chân đầu tiên vào Singapore (thường gọi ngắn là Sing), ngay ở khu vực làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay thì màu xanh của thực vật đã bắt đầu quyến rũ các vị khách. Toàn bộ sảnh của sân bay Changi được bao phủ bằng một khu vườn cho khách chụp ảnh kỷ niệm.

Chỉ với 50 năm phát triển, Singapore đã được coi là một trong 4 con hổ châu Á và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Điều thú vị là nhận diện hình ảnh con hổ này lại là vườn. Cả một đất nước nằm trong khu vườn rộng xấp xỉ đảo Phú Quốc. Khu vườn này chẳng phải tự nhiên mà có. Các nhà lãnh đạo đảo quốc đã duy trì bền bỉ phong tục trồng cây từ khi lập nước một cách liên tục không ngơi nghỉ. Nói như văn của ta gọi là triển khai quyết liệt chứ không đầu voi đuôi chuột.

Thành phố này nổi tiếng được giữ gìn sạch sẽ. Một cô bạn tôi đang nhai kẹo cao su cũng được một bà nhắc nhẹ nhàng. Thái độ nhắc của họ làm cho cô bạn bối rối. Họ nhắc cái lỗi của mình như họ đang có lỗi vì làm phiền khách.

Singapore không hề có lợi thế về vệ sinh tự nhiên, vì khí hậu nước này không khô thoáng như TP Hồ Chí Minh hay châu Âu mà nóng ẩm như Hà Nội nên việc giữ sạch cần nỗ lực gấp nhiều lần. Ở Sing thì nhơm nhớp mồ hôi nên phải thay  đồ liên tục. Trời thì nóng hầm hập nên người đi bộ thường tranh thủ xuyên qua siêu thị cho mát.

Tất cả các khu thi đấu Sea Games 28 đều nằm lọt trong cây xanh. Cây xanh bao phủ quanh các đấu trường, len lỏi trong các tầng của sân vận động nhà thi đấu và xanh ngắt trong các toilet.

Khu vườn trong nhà lớn là Gardern By The Bay là một kỳ quan với chiều cao vòm kính vài chục mét. Trong tòa nhà kính này, người Sing tái tạo thảm thực vật đặc sắc của 5 châu. Họ còn tạo ra những siêu cây tạo hình kiểu bao báp châu Phi nhưng cao như những tòa nhà chọc trời. Người xem có thể đi trên cầu dẫn nối các siêu cây. Từ đây nhìn sang tòa nhà hình con thuyền Marina Bay Sands có thể thấy rõ công viên trên tầng thượng.
Một du khách với ba lô có hình ông Lý Quang Diệu.

Thiên nhiên đều phải tự chế hết chứ trời chẳng cho Singapore cái gì cả. Rừng núi thiên nhiên với người Sing là giấc mơ. Rừng núi tự tạo đối với dân xứ ta là kỳ quan. Sẽ là bất ngờ nếu được đi trên trên một cây cầu cao vút dài mấy cây số trên đỉnh khu rừng giữa thành phố.

Cây cầu đi bộ kim loại ngoằn ngoèo trườn qua rừng như con trăn lớn, vững đến nỗi người dân chạy thể dục cũng không làm nó xao động. Chỉ có cây cầu tốn kém này mới cho du khách ngắm khu rừng từ ngọn cây với tầm nhìn của khỉ. Nó nối tiếp với cây cầu kỳ dị Henderson Waves đóng bằng gỗ thủ công từng đoạn uốn như con rồng, cao tới 40 mét. Cách đóng cầu không thể làm nhanh theo hàng loạt đơn nguyên mà phải làm từng khúc uốn theo bàn tay thợ chẳng đoạn nào giống đoạn nào. Làm thì kỳ công mà lại miễn phí. Chỉ để view cho sướng mắt. Biểu hiện của văn minh là biết làm những công trình tưởng như chẳng để làm gì cả.

Ngược lại với màu xanh là màu đỏ của quốc kỳ trên áo cổ động viên. Từ học sinh, sinh viên đến người già có mặt tại sân vận động đều mặc màu này. Các nhà lãnh đạo cũng mặc áo phông đỏ như vậy. Tôi không nghĩ mình có thể gặp trực tiếp các vị thủ tướng và cựu thủ tướng như Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong), Lý Hiển Long dễ và gần như vậy. 

Các nhà lãnh đạo thường xuất hiện trên các khán đài, đập tay với các cổ động viên rồi họ “bí mật tàng hình” không hề làm cho vận động viên mất tập trung. Không thấy ban tổ chức thông báo sự có mặt của các yếu nhân này. Tất nhiên các nhà báo tinh mắt thì sẽ nhìn thấy nhưng vì bất ngờ nên không chắc kịp chụp hình. Quả thực là cũng khó nhìn khi các yếu nhân đều mặc đồng phục y như người dân.

Nổi tiếng ở cách trị quốc khắc nghiệt của huyền thoại Lý Quang Diệu, nhưng hình ảnh của ông lại rất thân thiện. Người ta chế ra cả cái ba lô hình đầu ông thủ tướng họ Lý cười móm mém. Tại khu vui chơi ở đảo Sentosa, người ta chế tượng sáp 3 nhà lãnh đạo nổi tiếng Lý Quang Diệu, Ngô Tác Đống, Lý Hiển Long đứng ngồi y như thật để người dân có thể bá vai bá cổ chụp ảnh.

Một câu quảng cáo khu du lịch khá hấp dẫn mà tôi còn nhớ “Tất cả mọi người sinh ra ai cũng có quyền không làm gì cả. Dịch vụ vui chơi của chúng tôi thỏa mãn mọi người”.

50 năm phát triển liên tục khiến Sing thay đổi từng ngày từng giờ. Tâm tính con người cũng đổi nhiều. Để hòa hợp môi trường chung không phải dễ vì nơi đây có “4 luồng gió” văn hóa đại diện cho 4 cộng đồng 1 - Người Hoa; 2 - Người Mã Lai; 3 - Người Tamil; 4 - Người Âu. Những người đến Sing trong thế kỷ 20 thường mô tả về sắc mặt căng thẳng của người dân đất nước kỷ luật thép. Rồi về hình phạt bằng tiền, bằng roi. Việc này thậm chí đã bị các tổ chức bảo vệ quyền con người chỉ trích.

Vẫn những con người ấy ở đầu thế kỷ 21 đã khác, họ thân ái, cởi mở hơn. Tôi đã vài lần đánh rơi đồ đều được họ nhặt giúp. Có lần thì cố tình thử nghiệm. Tại nhà ga tàu điện ngầm, khi móc thẻ tàu điện, một đồng xu đã rơi khỏi túi. Chờ thử xem sao. Nhưng tôi không phải chờ lâu, một bàn tay xinh xắn của một cô gái đã đưa lại cho tôi đồng xu. Một cảm giác thật dễ chịu. Lần khác, tôi hỏi đường một cô gái. Cô ấy không biết nhưng không muốn tôi thất vọng, cô gái bảo chờ vài phút rồi gọi điện cho người thân để có những thông tin hướng dẫn tôi chuẩn xác.

Cầu đi trên ngọn cây.

Người ở đây xếp hàng như ta thời bao cấp. Cô Linh, phóng viên khi mua quà đã gom một chục thẻ của đồng nghiệp lại để tiêu hết tiền lẻ một thể. Khi thanh toán, cô  hơi ngại ngùng khi người xếp hàng sau mình thì đông lên mà người bán hàng vẫn không nóng ruột. Nhân viên cửa hàng vẫn đàng hoàng tính thẻ này của cô còn 2S$
… thẻ này của cô còn 1.5 S$ (đôla Singapore)… cứ thế cộng trừ thêm bớt. Cô nhìn bà kế tiếp như tìm sự cảm thông. Bà già mỉm cười khiến cô nhẹ cả người.

Quản lý một đất nước phát triển quá nhanh về cả kinh tế, văn hóa cũng phải trả giá. Việc “chín ép” khiến người dân buộc phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Đầu tiên là hệ thống camera dày đặc từ nội thất tới ngoại thất ở nội thất và ngoài trời. Mỗi một sảnh của tàu điện ngầm họ bố trí không ít hơn 20 camera. Ngoài trời thì mọi đoạn đường, giao lộ đều dựng cột camera. Có cột gắn 5 cái có cột 10 camera, có giá treo camera xòe ra như con nhện khổng lồ. Các bức tường thường dán các tờ cảnh báo in hình biểu tượng camera để cho mọi người biết rằng đang bị theo dõi. Nhiều nơi họ đề chữ camera đang hoạt động. 

Trên thế giới, xu hướng phản đối camera đang mạnh dần bởi, camera ngày càng gây nhiều phiền toái vào quyền riêng tư mỗi con người. Người Sing chấp nhận chịu đựng bị camera soi như chấp nhận luật chơi. Tốt nhất là đừng khó chịu với mấy cái ống kính theo dõi mà hãy giải trí bằng cách hướng mặt vào camera rồi lè lưỡi ra cho vui vẻ.

Ở xứ này về nguyên tắc cứ có lỗi là phạt. Chẳng có trường hợp nào được giáo dục rồi mới phạt. Quy ước phạt thì bằng chữ và hình vẽ nhan nhản khắp nơi, cái gì đã cấm thì không cần giải thích. Ăn trên tàu điện ngầm, phạt 500 S$; Hút thuốc trái phép, phạt 1000 S$, Mang chất cháy lên tàu điện ngầm, phạt 5000 S$. Riêng cấm mang sầu riêng lên tàu điện thì không đề mức phạt…

Người Việt nói chung cảm thấy hơi gò bó, nhất là sau 22h đêm thì không ai bán bia cho mình uống cả. Không vấn đề gì. Hãy mua bia trước giờ đó. Ở đây, bạn có thể làm bất kỳ điều gì mà họ không cấm.

Bạn có thể hút thuốc tùy thích ở những nơi quy định, thường vị trí này ở mép công trình, nơi có thùng rác và thoáng đãng. Hình phạt thì ghi rất rõ và căng thẳng nhưng tôi chưa từng chứng kiến ai bị phạt. Cảnh sát thì hầu như không gặp bao giờ nhưng cảnh sát bằng giấy thì nhan nhản ở đâu cũng có. Các khu mua sắm có nhiều hình anh cảnh sát cao bằng người thật (dựng đứng như hình mấy cô tiếp viên hàng không ở ta) với đôi mắt rất nghiêm, bàn tay đưa ra phía trước cảnh báo in kèm: “Trộm cắp là tội ác”. 

Một số nơi còn gắn thêm biển chỉ dẫn có bao nhiêu vụ trộm trong thực tế. Hầu hết những người mặc sắc phục đều là nhân vân an ninh bảo vệ các tòa nhà. Tốp cảnh sát duy nhất mà tôi gặp suốt Sea Games là nhóm phục vụ tại sân vận động. Hết. Có lẽ thời kỳ kỷ luật sắt đã qua và bây giờ họ quản lý bằng cảnh báo là chính.

Người dân tỏ thái độ thích thú khi biết chúng tôi đến để đưa tin Sea Games. Đơn giản là cái thẻ phóng viên đeo lủng lẳng luôn làm mọi người chú ý. Sau lễ khai mạc, chúng tôi gặp một cô gái rời sân lên tàu điện ngầm. Mọi người còn nhớ, toàn bộ khán đài của sân vận động đã trở thành một màn hình led khổng lồ. Mỗi tế bào của màn hình led chính là một cái đèn cảm ứng chuyển màu theo ý muốn được phát cho cổ động viên đeo như huy chương. Cô gái lên tàu đeo một tấm huy chương như vậy. Khi thấy chúng tôi bắt chuyện và quan tâm tới cái tế bào màn hình led kia thì cô tặng luôn nó cho tôi.

Không ít người dân Singapore bày tỏ muốn chụp hình với phóng viên Việt Nam. Trong đó có những người hâm mộ Việt Nam đặc biệt. Có cặp vợ chồng già cỡ U80 và một số người khác cứ đòi chụp cùng phóng viên chúng tôi với lý do “Việt Nam có Ánh Viên”.

Tự hào quá đi. Cô gái Cần Thơ 19 tuổi đoạt được 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ ở 12 nội dung được tờ The New Paper ca ngợi như người đứng đầu trong top 5 ngôi sao sáng giá nhất SEA Games 28.

Khoảng cách tuy không xa nhưng do truyền thông mà mỗi nước lại hiểu về Việt Nam một góc nhìn khác nhau, đôi khi có sự phiến diện, xa cách, e dè nào đó. May mắn sao, sự lan tỏa của thể thao luôn là không biên giới và nó mang được đúng tinh thần mà sân chơi khu vực hướng đến. Qua đó cảm nhận rõ hơn tình cảm của xứ sở lạ kỳ này và chúng tôi cũng thêm phần tự tin.

Lê Tâm
.
.