Pete Seeger: Quyền lực của ca khúc

Chủ Nhật, 21/06/2015, 18:02
Tên bài viết này cũng là tên bộ phim tài liệu do hãng PBS thực hiện (2008), Pete Seeger: The Power of Song, về một “bậc thầy của nước Mỹ”. Năm 2013, một năm trước khi mất ở tuổi 94, Pete Seeger lần thứ năm được đề cử giải Grammy, giải thưởng danh giá mà ông đã bốn lần được trao (1993, 1997, 2009, 2011). Thật là một sức sáng tạo phi thường trong suốt hơn 75 năm. Trong sự nghiệp sáng chói ấy, Pete Seeger dành rất nhiều tình cảm và sáng tác cho sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam.

Pete Seeger là một huyền thoại của văn hóa Mỹ thế kỷ XX, đồng thời cũng là người đấu tranh không mệt mỏi vì sự tiến bộ của nhân dân lao động, vì các quyền dân sự, chống chiến tranh, vì hòa bình và môi trường. Tháng 1 - 2008, Pete Seeger được mời trình diễn tại lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama, người đã nói về ông: “Pete Seeger tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của ca khúc, nhưng quan trọng hơn, ông tin tưởng vào sức mạnh của cộng đồng - đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, chống lại cái sai trái, và thúc đẩy đất nước này trở thành nước Mỹ mà ông biết rằng chúng ta có thể kiến tạo”.

Seeger sinh năm 1919 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông, Charles Louis Seeger, là một nhạc sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc tốt nghiệp Đại học Harvard, người thành lập chương trình âm nhạc học đầu tiên tại Hoa Kỳ tại Đại học California (1913) và góp phần thành lập Hội Nghiên cứu âm nhạc Hoa Kỳ (American Musicological Society). Ông cũng là một trong những người chủ chốt đặt nền móng cho ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc ở Mỹ.

Mẹ ông, Constance de Clyver, tốt nghiệp Nhạc viện Paris, là một nghệ sĩ violon và về sau giảng dạy tại Juilliard School. Năm 1912, ông Charles Seeger được mời thành lập khoa Âm nhạc tại Đại học California, Berkeley, nhưng sau đó bị buộc phải từ chức do quan điểm hòa bình trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngay từ khi bé, Pete đã được cha mẹ đưa đến những nơi họ biểu diễn âm nhạc cho nhân dân lao động ở miền Nam nước Mỹ. Cha mẹ ông ly hôn khi Pete lên bảy.

Người mẹ kế của Pete, Ruth Crawford Seeger, một sinh viên của cha ông, cũng là một nghệ sĩ. Ngày nay bà được coi là một trong những nhạc sĩ hiện đại chủ nghĩa hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ XX. Tất cả bốn anh chị em cùng cha khác mẹ với Pete - Margaret (Peggy), Mike, Barbara, và Penelope (Penny) - đều trở thành những ca sĩ nổi tiếng. Năm 1943, Pete kết hôn với Toshi-Aline Ôta, và họ đã sống một cuộc đời hạnh phúc và chung thủy cho đến khi Toshi mất năm 2013.

Năm 1936, ở tuổi 17, Pete Seeger gia nhập Đoàn thành niên cộng sản (Young Communist League), và năm 1942 ông gia nhập Đảng cộng sản Mỹ (Communist Party USA). Mặc dù đã xin ra khỏi đảng năm 1949, tên ông vẫn bị ghi vào sổ đen của chính quyền trong thời kỳ làn sóng chống Cộng theo chủ thuyết McCarthy dâng cao ở Mỹ.

Ước mơ trở thành nhà báo, Seeger đã nhập học Trường Harvard College nhưng đến năm 1938 thì bỏ dở vì quá say mê hoạt động xã hội và âm nhạc. Năm 1939, chuyến lưu diễn cùng nhóm nghệ sĩ múa rối “The Vagabond Puppeteers” ở bang New York, lấy cảm hứng từ các phong trào giáo dục nông dân của cách mạng Mexico, có tác động rất lớn đối với định hướng nghệ thuật của Pete. Cùng với những người nông dân, các nghệ sĩ sôi nổi thảo luận về những vấn đề xã hội, về hòa bình, về vai trò của công đoàn, về cuộc sống của người lao động…

Pete Seeger taij Clearwater Festival, thangs 6/2007.

Mùa thu năm 1939, Seeger được nhận vào làm trợ lý cho Alan Lomax, một người bạn của cha ông, ở Viện Lưu trữ âm nhạc dân gian Hoa Kỳ (Archive of American Folk Song) thuộc Thư viện Quốc hội. Lomax khuyến khích Pette theo đuổi sự nghiệp một ca sĩ và nhạc sĩ âm nhạc dân gian. Từ đó, Seeger trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, thường xuyên xuất hiện trong chương trình ca nhạc hàng tuần do Alan Lomax và Nicholas Ray phụ trách trên Đài Phát thanh Columbia Broadcasting cùng những nghệ sĩ nổi tiếng như Josh White, Burl Ives, Lead Belly, Woody Guthrie…

Pete Seeger là người sáng tác rất nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là Where Have All the Flowers Gone? (Đâu cả rồi, những bông hoa?), If I Had a Hammer (Nếu tôi có cây búa), Turn! Turn! Turn! (Quay đi! Quay đi! Quay đi!). Ông cũng là người có công đầu trong việc phổ biến bài ca truyền thống của phong trào đòi quyền dân sự We Shall Overcome (Chúng ta sẽ vượt qua). Sáng tác của ông được hàng ngàn ca sĩ nổi tiếng hát lại trên khắp thế giới. Pete Seeger cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ và có ảnh hưởng đối với Bob Dylan. Chính Seeger đã mời Bob Dylan đến biểu diễn tại Newport Folk Festival, mà ông là thành viên ban tổ chức.

Bài hát Where Have All the Flowers Gone?, một trong những bài hát kêu gọi đấu tranh cho hòa bình nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới, được Pete Seeger lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của nhà văn Liên Xô Mikhail Sholokhov.

Bài hát kể một câu chuyện đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong lịch sử nhân loại: Những đóa hoa đâu cả rồi? Lũ con gái đã hái hết rồi. Những cô gái đâu cả rồi? Các cô gái đã đi lấy chồng. Những chàng trai trẻ đâu cả rồi? Họ đi lính hết rồi. Những người lính đâu cả rồi? Họ đang nằm trong nghĩa địa. Những nghĩa địa đâu cả rồi? Đã khuất dưới những bông hoa dại… Giống như một khúc rondo, bài hát lặp đi lặp lại câu hỏi: Biết đến khi nào người ta mới hiểu? Biết đến khi nào người ta mới hiểu?

Pete là một người bạn lớn của Việt Nam, một người đấu tranh không mệt mỏi chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ chống lại nhân dân ta. Khi hát bài hát dành cho trẻ em Beans in My Ears (Đậu nút tai tôi, 1964) của Len Chandler, ông đã thêm lời để chế giễu “Thằng Alby con bà Jay” bị điếc vì bị đậu nút tai. Với những người chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, “Alby Jay” là cách phát âm nhại theo tên Tổng Thống Mỹ khi đó, “LBJ” - (Lyndon B. Johnson), người không còn khả năng lắng nghe tiếng nói của nhân dân.

Pete Seeger cùng các nhạc sĩ Việt Nam ở Hà Nội (năm 1972).

Năm 1967, bài hát Waist Deep in the Big Muddy (Bùn ngập ngụa đến thắt lưng rồi) của Pete Seeger trở thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc ở Mỹ. Bài hát nói về một viên đại úy, một “gã đần to xác” (the big fool) - mà người ta liên tưởng đến Tổng thống Johnson - thúc lính lao vào bãi lầy khổng lồ - một hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đỉnh cao của những hoạt động ấy là ngày 15/11/1969. Trong cuộc tuần hành vĩ đại phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (Vietnam Moratorium March) ở thủ đô  Washington, DC, Pete Seeger bắt nhịp cho nửa triệu người cùng hát bài hát Hãy cho hòa bình một cơ hội (Give Peace a Chance) của John Lennon. Giữa câu hát của điệp khúc “All we are saying... is give peace a chance” (Chúng tôi chỉ nói một điều thôi, đó là hãy cho hòa bình một cơ hội), người ta nghe giọng Pete Seeger: “Are you listening, Nixon?” (Ông có nghe thấy không, hả Nixon?).

Một bài hát phản chiến nổi tiếng khác của Pete Seeger là Last Train to Nuremberg (Chuyến tàu cuối cùng đi Nuremberg) viết năm 1970 sau khi vụ thảm sát làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới. Đây là phần dịch nghĩa của ca từ:

Chuyến tàu cuối cùng đi Nuremberg
Chuyến tàu cuối cùng đi Nuremgberg
Chuyến tàu cuối cùng đi Nuremgberg
Tất cả lên tàu!

Trung úy Caley lên chưa?
Đại úy Medina lên chưa?
Tướng Koster và đồng bọn lên chưa?
Tổng thống Nixon lên chưa?
Lưỡng viện Quốc hội lên chưa?
Các cử tri, cả tôi và bạn, lên chưa?

Ai cầm súng? Ai ra lệnh?
Ai lập kế hoạch triệt phá?
Ai sản xuất đạn? Ai nộp thuế?
Khai ra, vết trên tay tôi có phải là máu không?

Nếu như năm trăm ngàn bà mẹ kéo đến Washington
Và bảo: “Đưa ngay các con tôi về nước”
Liệu cái kẻ họ đến gặp ấy có trả lời, rằng ông ta đang bận?
Liệu ông ta có trả lời, rằng ông ta còn phải xem một trận bóng?

Trong bài, Nuremberg là tên tòa án nổi tiếng xét xử những kẻ phạm tội chống lại loài người trong Chiến tranh thế giới thứ II; Trung úy Caley và Đại úy Medina là hai kẻ trực tiếp chỉ huy cuộc thảm sát Mỹ Lai mà Tướng Koster không chỉ bật đèn xanh mà còn cố tình che giấu.

Pete Seeger và các thành viên gia đình ông đặc biệt kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Em rể của ông, Ewan MacColl có bài Bài ca Hồ Chí Minh (The Ballad Of Ho Chi Minh, còn Pete Seeger cũng có bài Thầy giáo Bác Hồ (Teacher Uncle Ho) độc đáo không kém: Người đã dạy mọi người/ Người đã chứng minh cho thế giới:/ Nếu đấu tranh cho đất nước mình/ Thì một người có sức mạnh của mười người”. 

Để kết thúc, xin nói thêm rằng Pete Seeger chính là nhân vật người nhạc sĩ trong ca khúc nổi tiếng Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong nhiều bài báo và phỏng vấn, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết ông rất xúc động khi được xem đoạn phim, trong đó Pete Seeger dẫn đầu đoàn người biểu tình hát vang những bài ca phản chiến. Và thế là ca từ và giai điệu xuất hiện rất nhanh: “Washington đêm nay lửa tranh đấu đang rực cháy/ Nghe tiếng hát anh vang mọi nơi chân lý đang tỏa sáng ngời/ Sông Potomac ngày đêm đã in bóng anh đẹp thay/ Tay gảy đàn miệng hát vang cùng để giữ lấy cuộc đời”.

Năm 1972, Pete Seeger cùng vợ và con gái đến thăm Việt Nam. Ông và nhạc sĩ Phạm Tuyên trở thành những người bạn thân thiết.

Ngô Tự Lập
.
.