Nửa khuya húp chén canh bầu

Thứ Năm, 22/04/2021, 08:56
Cái ánh đèn vàng vàng trong khuôn viên nhà hàng nhoà nhoà dần. Trời cũng trở khuya. Chỉ còn lại tôi và hai người anh thân thiết ngồi quanh bàn tiệc đã tàn. Ông anh chủ tiệc sinh nhật này cũng vốn dĩ là chủ nhà hàng. Đó là nơi anh em chúng tôi hay tụ tập, cữ tuần một lần. Thành phần đủ cả. Chủ yếu là công chức, một hai ông buôn bán nhỏ, dăm ông đã ở tuổi hưu. Tôi là thằng trẻ nhất, được các anh chiều nhất.

Cái ánh đèn vàng vàng trong khuôn viên nhà hàng nhoà nhoà dần. Trời cũng trở khuya. Chỉ còn lại tôi và hai người anh thân thiết ngồi quanh bàn tiệc đã tàn. Ông anh chủ tiệc sinh nhật này cũng vốn dĩ là chủ nhà hàng. Đó là nơi anh em chúng tôi hay tụ tập, cữ tuần một lần. Thành phần đủ cả. Chủ yếu là công chức, một hai ông buôn bán nhỏ, dăm ông đã ở tuổi hưu. Tôi là thằng trẻ nhất, được các anh chiều nhất.

"Say phết. Nhưng vui. Có muốn ăn gì cho ấm bụng lát về ngủ cho ngon không?". Ông chủ tiệc cất lời. "Có cái gì húp húp thì tốt", ông "lão thành" đáp. Thế là ông chủ tiệc kêu nhân viên lại dặn dò gì đó. Tôi thì với tay rót rượu. Ba anh em lại cạch một cái. Khà một tiếng, cả ba lại tiếp tục bâng quơ những câu chuyện không đầu, không cuối, đúng kiểu lúc tiệc tàn.

Thế mới thấy rõ là mấy ông đàn ông nhiều khi vô tích sự thật. Uống đến cữ này rồi, về được rồi. Vậy mà còn nấn ná thêm chi, khi chả còn chuyện gì để nói thêm. Thật khó hiểu. Hèn gì, phụ nữ họ nhìn cảnh đàn ông nhậu nhẹt họ khó chịu ra mặt là phải.

Rồi cậu nhân viên khi nãy đã lên món. Một thố canh nóng hổi, nghi ngút khói. Những miếng bầu xanh ngắt được xắt bằng ngón tay út nấu lẫn với tôm nõn. Mùi thơm lừng lựng. Ba anh em chia nhau múc rồi sì soạp húp. Phải thừa nhận là ngon thật. Nhậu đến cữ tàn, húp miếng canh bầu nóng đến đâu, người nó tỉnh tới đó. Cái vị ngọt của bầu quện với vị ngọt của tôm nó êm đến rêm người. "Chén canh bầu này, chẳng cần phải lúc say, đêm mà đói làm một chén cũng đủ tỉnh người anh nhỉ", tôi khẽ hỏi.

"Nó là nhất luôn", ông "lão thành" khẽ cười, "hồi trẻ, lúc anh còn ở Tiệp, nhiều lúc thèm bát canh bầu bí phát điên người". Ông "lão thành" lại nhớ hồi trẻ rồi. Hồi trẻ của ông ấy là thời thập niên 70-80, tóc dài hippie, đi lao động xuất khẩu ở Tiệp Khắc cũ. Chuyện ấy ông cứ kể mãi. Sau háo hức của những ngày đầu với bia Tây, xúc xích Tây luôn là khắc khoải bí bầu nước mắm. Cái căn, cái gốc người Việt ở đấy, thoát thế nào được.

Rồi tôi ngồi lặng nhớ câu chuyện cách đây cũng chỉ hơn tháng, khi ngồi uống bia Tây, ăn xúc xích Tây ở một cái quán rất Tây bên Phú Mỹ Hưng với một người anh khác. Bữa ấy, hai anh em chúng tôi toàn nói chuyện Việt, mà đặc biệt nhất trong câu chuyện ấy lại xoay quanh chữ "bầu". Thảo nào, người anh đó được đồng nghiệp đặt cho cái biệt danh gắn chữ "bầu".

"Anh thấy cái sai nhất là việc gọi cây đàn bầu của mình là độc huyền cầm em ạ", tôi còn nhớ như in cái câu nói đó. Anh vốn là nghệ sỹ đàn bầu, là nhạc sỹ soạn nhạc tên tuổi và lúc nào cũng đau đáu với âm nhạc dân gian. "Cái đàn chỉ có một dây thì trên thế giới cũng có nơi này nơi kia có, đâu chỉ có cây đàn bầu. Nhưng cây đàn bầu của Việt Nam mình nó đặc biệt vô cùng", anh mê mải nói. Những điều ấy, tôi nhớ như in.

Hoá ra, cây đàn bầu nó đậm hồn Việt hơn là tôi vốn nghĩ rất nhiều. Xưa giờ tôi chỉ tự hào là Việt Nam mình có một cây đàn đặc biệt bởi âm thanh, bởi tình cảm trong tiếng đàn của nó rất khác thường, rất gần gũi, rất Việt (mà khó có thể kiếm một từ nào để mô tả cụ thể hơn). Nhưng sau cuộc nói chuyện với anh, tôi còn hiểu hơn về nó, thấy nó đúng là có một không hai và gọi nó một cách "bóng bẩy" là "độc huyền cầm" hoá ra lại hạ thấp giá trị của nó.

Từ bé, đi học trường nhạc, cũng nhìn sơ sơ các bạn học khoa dân tộc chơi đàn bầu, nhưng chưa hình dung thực sự việc chơi cây đàn ấy nó đặc biệt dường nào. Chơi đàn bầu hóa ra không chỉ đơn thuần là gẩy cái dây duy nhất ấy ở cữ của nó, rồi cầm cái cần đàn để thay đổi cao độ, biên độ và trường độ. Qua anh miêu tả, tôi mới hiểu cây đàn bầu là cây đàn gần như duy nhất trên thế giới chỉ chơi bồi âm.

Thảo nào, cái âm hưởng nó tạo ra nó khiến người ta dễ rung động đến thế. Và để chơi bồi âm ấy, cái tay cầm phím gảy phải khẽ chặn phần mu bàn tay lên dây, đồng thời vừa gảy vừa nhấc mu bàn tay rời khỏi dây để tạo được ra thứ bồi âm tuyệt vời đến thế. Mới nghe tả mà đã thấy khó rồi. Bàn tay phải cũng thử đặt lên đùi gảy tưởng tượng mà cứ thấy gường gượng thế nào đó. Nó là một kỹ thuật hoàn hảo mà chỉ kinh qua luyện tập với sự mê say mới có thể tựu thành.

Rồi cây đàn bầu đúng nghĩa của nó cũng vô cùng Việt về hình thức. Thân đàn nào đâu phải cần thứ gỗ quý như người ta vẫn nói về việc làm các cây đàn các loại thời nay. Nó là thân tre già. Đó mới là đàn bầu nguyên bản. Ở đâu có tre, ở đó có người Việt, dù không phải chỉ ở nước mình mới có tre. Cái cần đàn lại được chuốt từ sừng trâu, cái con-vật-gia-tài, con-vật-cơ-nghiệp của người Việt lúa nước, ruộng đồng. Cần gì phải ngà voi như những gì cao sang mà các nhạc cụ khác trên thế giới cần tới. Nếu làm bằng ngà voi, chắc gì cái cần đàn ấy đã có độ dẻo cần thiết, vừa đủ để cây đàn bầu ngân nga.

Còn dây thì là dây tơ, tôi chưa kịp hỏi kỹ anh dây tơ thế nào. Nhưng rõ ràng, cái tên "dây tơ" nó cũng đủ khiến mình xao xác trong lòng, thấy mơ mộng hơn, thấy lãng mạn hơn, thấy nó mênh mang hơn vì liên tưởng đến loại tơ của những người Việt trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải trong những câu chuyện xa xăm. Và cuối cùng, đặc biệt nhất, cái phần cộng hưởng của đàn phải làm từ quả bầu. Nó không phải thứ bầu trong bát canh tôm nõn. Nó là bầu nậm. Nhưng cũng cùng họ nhà bầu cả. Nhưng chính từ cái bầu nậm ấy mà cây đàn được mang tên đàn bầu, cái tên Việt thuần thành mà ai cũng sẽ nhớ đến câu "bầu ơi thương lấy bí cùng"...

"Em hôm nào phải viết cái gì đi, về đàn bầu, để người đọc đừng gọi nó là độc huyền cầm nữa. Cứ bầu thôi, nó mới đúng là của người Việt mình, em ạ". Cái nhắn nhủ ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Chỉ có điều, hơi kỳ quặc, là tôi lại nhớ vào cái lúc say say này, được húp chén canh bầu nấu tôm nõn lúc nửa khuya.

Ừ thì nhớ đến nó lúc này cũng có sao? Húp chén canh bầu nửa khuya cũng có mất đi phần thi vị chút nào đâu nhỉ? Ông Trịnh Công Sơn cũng đưa bầu bí vào ca khúc của mình rồi, rất tự nhiên và vô cùng gần gụi. Bầu, bí nó chính là một trong những thức tạo nên cái hồn Việt ấy. Như ở miền Tây nam bộ thôi, có gì dân dã bằng việc cầm vợt ra đồng vớt con cá lóc. Rửa sơ sơ rồi nhồi nó vào trái bầu mà hấp. Ăn miếng cá, vá thêm miếng bầu, cái ngọt lành của thôn quê nó nằm nguyên mãi. Hoặc như ở ngoài Đông bắc bộ chẳng hạn. Bát canh bầu phải có chút rau răm nó mới "gợi đòn". Cái cách nấu bầu với rau răm này tôi cũng đã từng học lóm, rồi cho cả nhà xuýt xoa đúng nghĩa khi ăn lần đầu bởi nó "lạ" mà ngon cũng đến lạ.

Nấu bát canh bầu cũng không phải dễ chút nào. Nấu cho bầu chín, ngọt nước mà vẫn giữ được sắc xanh là khó vô cùng. Nhiều người không biết nấu, bầu bị nhũn, xỉn màu, tô canh cũng mất đi mấy phần hấp dẫn rồi. Nó cũng y như cách nấu canh cá của người miền Tây Nam bộ vậy, khi nấu với giá đỗ. Làm sao để giá chín mà không nhũn, vẫn giòn, trắng nhưng không sượng là cả một nghệ thuật thực sự.

Hôm đó, tôi và anh cũng nói thêm với nhau về chữ "bầu". Cả hai cùng mù mờ đoán chừng nó có một mật thiết liên quan nào đó đến chữ "bào". Bào thai và mang bầu, có liên quan gì đến nhau kiểu như hai chữ ấy thực ra là một mà trại ra hay không? Cái đó phải chờ những nhà nghiên cứu ngôn ngữ phân tích đàng hoàng, không nói vội được. Nhưng tôi và anh đều nghĩ như nhau. Rằng "đồng bào" là ở chung một bào thai, ở chung một cái bầu, nên gọi là "đồng bầu" cũng có sai không?

Bây giờ, tôi chỉ thấy buồn là ngày càng ít người học chơi đàn bầu hơn thì phải. Cũng dễ hiểu thôi. Học piano, học guitar thì dễ thành danh, dễ kiếm sống hơn là học đàn bầu. Nhưng nếu cứ mai một dần, hồn Việt ấy sau này ai giữ? Nghĩ đến đó, bỗng dưng càng trân trọng hơn những người trẻ học đàn bầu nói riêng và học nhạc cụ dân tộc nói chung ở thời đại này. Họ chọn đi đường khó nhưng lại là con đường đáng quý vô ngần. Họ chọn đi đường lặng thầm, nhưng lại là con đường sau này cả dân tộc cần đến họ vô ngần.

Rồi dưới ánh đèn vàng nhoà nhoà dần, tôi bỗng nghiệm ra một triết lý vụn vặt cho riêng mình, tạm gọi là triết lý quả bầu. Cái tên là do con người định ra cho sự vật, hiện tượng nào đó, lâu rồi thành quen. Vậy thì tại sao chúng ta cứ lặn lội tiếp tục tìm một cái tên mới để thay thế cái tên vốn dĩ làm gì? Trong sự lạc lầm kiếm tìm những lộng lẫy xa lạ, nhiều khi ta bỏ quên mất những giá trị lớn lao vô cùng của nguyên bản. Như chuyện đàn bầu chẳng hạn, nó đã bao hàm đầy đủ trong một cái tên dân dã ấy rồi, bỗng dưng vẽ vời nó là độc huyền cầm làm gì cho mỏi miệng. Nhất là khi cái tên bóng bẩy kia chẳng thể mô tả chân thực nhất, cụ thể nhất về cái thứ mà nó gán tên.

"Râu tôm nấu với ruột bầu". Nếu trái bầu có thể cất tiếng nói, nó sẽ không phủ nhận rằng "cái ruột kia chẳng phải của tôi đâu". Và nếu cái đàn bầu có thể cất lên tiếng nói con người, nó cũng có thể sẽ nói rằng "cứ gọi tôi là đàn bầu, chứ đừng dùng cái tên lạ lùng nào nữa".

Mà thật ra, cây đàn bầu nó có tiếng nói đấy, chỉ có điều ta có nghe được hay không mà thôi. Và tiếng nói của nó, chính là cái ngân lên từ lòng trái bầu kia làm cộng hưởng. Chứ còn chỉ mỗi mình một sợi dây thôi, làm sao nó cất lên tiếng lòng. Cái tiếng lòng ấy, giản đơn mà sâu sắc vô cùng, nó chính là luỹ tre, là con trâu, là bãi lúa nương dâu, là chung giàn bầu bí, là Việt, là quê hương, là thân thiết vô cùng...

Hà Quang Minh
.
.