Nón cời có nghĩa anh thương nón cời

Thứ Tư, 21/11/2018, 10:39
Vừa khảo sát lại tài liệu để xem thời bé, các nhà văn nổi tiếng đã học văn thế nào? Họ học ra làm sao để về sau trở thành người giỏi tiếng Việt? Trong khi đó, hiện nay môn ngữ văn đã và đang khiến các em chê ỏng chê eo. 

Có một điều nhận ra, hầu hết đều có mẫu số chung là họ đã được làm quen với vần điệu du dương từ ca dao, tục ngữ, từ Nhị độ mai, Thạch Sanh - Lý Thông, Trần Minh khố chuối… đến Truyện Kiều qua lời ru của mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác. 

Kỳ lạ ghê, dù đang còn nằm nôi hay mới vừa chập chững, lẫm chẫm tập đi thì những lời ru ấy, về sau họ vẫn nhớ như in trong óc. Nó thâm nhập vào óc, vào tim, vào máu như một dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm hồn. Lúc cầm bút viết, họ lại nghe vọng lại sự nhịp nhàng, réo rắt. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng vậy. Không gì khác. Y cũng thế thôi. Sực nhớ lời mẹ ru:

Vô duyên dầu mặc áo hoa
Áo ra đàng áo, người ra đàng người
Có duyên dầu mặc áo tơi
Đầu đội nón cời duyên vẫn còn duyên

Đã nghe tự bao giờ, sao nay còn nhớ? Lại nhớ đến bài học thuộc lòng cực hay, có nhắc đến một loại nón, nay đố ai nhìn thấy:

Ai bảo chăn trâu khổ nào
Chăn trâu sướng lắm dạt dào niềm vui
Bãi xa, sân rộng, chân đồi
Lưng trâu ngất nghểu, rong chơi khắp làng
Nón mê chẳng khác tàn vàng
Roi tre vung vẫy nghênh ngang một vùng

Nón mê nón cời

Nón mê là nón cũ, rách nát. Mà nón rách cũng gọi nón cời. “Ông già ông đội nón cời/ Ông ve con nít, ông trời đánh ông”. Đánh là phải rồi. Già mà không nên nết. 

Lại nhớ lúc lên trung học, học bài văn tế của cụ Đồ Chiểu, có câu: “Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”. 

Thế, nón gõ là nón gì? À, loại nón làm bằng tre ghép, vừa vặn cái đầu mà binh lính thời xưa thường đội. Trước đó nữa, người lính nước Nam đội nón dấu. 

Dấu vết ấy, còn lưu lại trong câu ca dao: “Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài” - một loại nón cũng bằng tre nhưng trên đỉnh có chóp. Lại nhớ, nhà văn Khái Hưng  với tập truyện ngắn Đội mũ lệch. Cái mũ, hiện nay đã quá quen thuộc, thế nhưng từ bao giờ người Việt… đội mũ?

Câu hỏi nghiêm túc cứ nghe như đùa. Đã lâu lắm rồi, mua được bộ Công nghệ mới Việt Nam (4 tập) của Tòa Tu thư Phủ Thống sứ Bắc Kỳ do Phượng Nam soạn thập niên 1930, trong đó có đoạn: “Đầu thế kỷ XX, khi sang giao thương làm ăn tại Việt Nam, người ngoại quốc vẫn đội thứ mũ làm vải mềm. Loại mũ này gọn, nhẹ và mát. Trong khi đó, người Việt Nam ta dù mặc Âu phục hoặc khăn đóng áo dài thì vẫn đội khăn xếp hoặc che dù hoặc đội nón. Nhận thấy loại mũ này nhiều ưu điểm nên ta dần dần sử dụng theo, nhưng phải mua của người nước ngoài, dù vậy hàng vẫn không đủ bán. Khoảng từ năm 1912, ông Crévost là Chánh viện Bảo tàng Maurice Long đã truyền nghề làm mũ bằng vải cho ông Nguyễn Như Khuê tại Hà Nội. Ông Khuê sau khi học được nghề đã truyền lại cho nhiều người khác và mở cơ sở sản xuất tại Hà Nội”. Thông tin chỉ có thế.

Thế thì, câu thành ngữ “Mũ ni che tai” ra đời từ lúc nào? Khỏi cần dài dòng, ai cũng hiểu rõ nghĩa bóng, đại khái chỉ thái độ cầu an, giả điếc làm ngơ hoặc không quan tâm những sự việc xảy ra xung quanh, nói cách khác là không can thiệp, không ý kiến ý cò, không tọc mạch, không thèm quan tâm tìm hiểu chuyện thiên hạ, ai nói/ làm gì cũng mặc, cứ “phớt tỉnh Ăng lê”. 

Mũ ni có phải là loại “mũ làm bằng len, sợi, có diềm che kín tai, thường dùng cho người già” như Đại từ điển tiếng Việt giải thích? Đúng thế, nó còn là loại mũ dành cho người xuất gia, tu hành, truyện thơ Nôm Nhị độ mai có câu: “Gác ngoài phú quí một tràng/ Mũ ni, tràng hạt, quyết đàng xuất gia”.

Với y, một điều đáng ngạc nhiên, có thể liệt kê ra thêm nhiều loại mũ nhưng tại sao từ điển nước nhà lại không ghi nhận nón mũ cối/ nón cối? 

Trước năm 1975, nếu từ điển in ấn trong Nam không ghi nhận đã đành nhưng từ điển ngoài Bắc cũng chẳng khác gì. Thậm chí, Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quên nốt. Có thật không đấy?

Hãy xem ở phần mũ, chỉ có: mũ bạc, mũ biên phòng, mũ bê-rê/ mũ nồi, mũ bình thiên, mũ bịt tai, mũ cánh chuồn, mũ cát-két/ mũ lưỡi trai, mũ chào mào/ mũ ca lô, mũ mãng, mũ mấn, mũ miên, mũ phớt, mũ tai bèo, mũ trụ; phần nón chỉ có: nón bài thơ, nón chân tượng, nón chóp, nón cời, nón cụt, nón dấu, nón dứa, nón gõ, nón lá, nón mê, nón ngựa, nón quai thao, nón thúng, nón tu lờ. 

Rõ ràng, không chỉ mũ cối/ nón cối mà còn nhiều loại khác cũng đã bị bỏ sót. Về cái nón cối/ mũ cối ấy đã đồng hành trong cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, do đó, quên loại nào không sao chứ nếu quên nó thì e khó chấp nhận.

Sau khi đã mày mò, mọt sách qua nhiều quyển từ điển vẫn không tìm thấy, may quá, gần đây Phương ngữ Nam Bộ (2015) của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên có ghi nhận: “Nón cối: a. Loại nón cứng trũng lòng, đáy tròn làm bằng cây mướp sác bào mỏng dán lại, ngoài phất vải kaki dày; b. làm bằng nhựa cứng, phất kaki xanh chế tạo ở miền Bắc”. 

Cách giải thích này, ta bàn sau nhưng đáng quý là đã được nhắc tới nón cối.

Nhân đây, nói luôn, một khi ai ai cũng gọi nón cối/ mũ cối thì Bách khoa từ điển quân sự Việt Nam (NXB Quân đội nhân dân-2004) do Bộ Quốc phòng biên soạn lại gọi “nón cứng”. 

Đọc và hiểu rằng, nó có hình dáng gọn, quả mũ hình bán cầu, xòe ra ở phần tán; đại khái thời “chín năm” được làm bằng phương pháp thủ công, đan bằng nan tre, ngoài lợp vải dù, quai bằng sợi dây dù, còn gọi “mũ nan”. 

Sau năm 1975, ở miền Bắc đã có xưởng sản xuất, cốt mũ làm bằng gỗ xốp nhẹ hoặc bằng bột giấy ép định hình trên khuôn nhôm, bên ngoài cốt lợp vải chéo, trong lòng được sơn và gắn cố định vành cầu bằng cốt tre đan có bọc bên ngoài. Tất nhiên có quai bằng da hoặc vải giả da. Về sau nữa, nó lại cải tiến công nghệ là làm bằng bột gỗ, có keo tổng hợp chống thấm…

Chuyện trong ký ức

Những ai đã từng đi bộ đội ắt có tình cảm, cảm nhận về cái mũ cối/ nón cối này. Cụ thể ra làm sao? 

Hãy nghe nhà biên kịch Đoàn Tuấn tâm tình vài kỷ niệm của người lính thời chiến tranh Tây Nam: “Khi qua suối qua sông, lính vục mũ, múc nước, ngửa cổ uống ngon lành. Có thể chuyền tay nhau uống nữa. 

Khi đi cải thiện, hái rau rừng, mũ biến thành cái rổ. Nhỏ xinh. Khi đi tắm, mũ biến thành cái chậu đựng đồ. Tuy không có xà phòng, nhưng áo quần vẫn thơm phức mùi mồ hôi dầu của lính. 

Đang hành quân, dừng nghỉ, ngay lập tức, lính ngả mình trên đất, ngửa mũ ra, làm thành cái gối. Mái đầu nằm gọn phía trong, lại có vành mũ như tấm rèm che nắng, kém chi giấc ngủ nơi thiên đường. Cũng có người úp mũ xuống đất, gối đầu lên. Giấc ngủ kéo đến liền. Lạ thay, anh ta cứ ngủ vậy. Không trở mình sang phải hay trái.

Ở An Lungvieng, khi trung đội vận tải không còn xoong lấy cơm (vì khi đi truy quét, đêm ngủ, nước lũ tràn về, xoong chậu trôi đi hết), lính phải mang mũ cối đi lấy cơm. Có sao đâu! Nhưng đôi lúc, mũ biến thành vũ khí.

Khi ở Choăm Sre, thấy hai lính uýnh nhau, cầm mũ cối xông vào, đập loạn xạ. Đại trưởng cầm AK, lia một loạt lên trời, cả hai mới tạm ngưng chiến. Nhưng đến tối lại ôm cái mũ vào lòng và ngồi uống... hà thủ ô bên nhau. Lính là thế!

Có điều mũ cối của ta tồi, không bền. Mới dùng mấy tháng, vải đã sờn, mép đã quăn, rạn vỡ. Minh sứt xé hết vành, còn lại cái chỏm, chụp lên đỉnh đầu. Đính vài cái lông con công lên. Trông như nhà ảo thuật. Hành quân qua phum, dân trố mắt. Trẻ con cởi truồng chạy theo, cười reo. Minh sứt gườm gườm nhìn. Trợn mắt. Lũ trẻ khóc thét. Minh lại nhe răng cười. Đùa tí cho vui.

Có lính mới về. Hôm trước đến đơn vị. Hôm sau đã hy sinh. Kiểm nghiệm di vật tử sỹ. Ba lô, quần áo thì gửi về gia đình. Mũ thì giữ lại. Anh em không có mũ tranh nhau. Đời lính ngắn hơn đời mũ. Hôm đi với C7, lính vướng mìn. Y tá Vương nhăn mặt. Nhặt nhạnh những mảnh thịt bay tứ tung, trộn đầy đất cát, bỏ vào mũ cối. 

Về nấu nước nóng, rửa sạch, chôn cùng tử sỹ. Sau đó, mới rửa mũ. Không có xà phòng, lấy cỏ và lá rừng chùi cho đỡ mùi tanh. Đội tiếp. Có thấy gì đâu! Mũ lính, một hình dạng, mà có đủ thứ mùi. Mùi nào cũng thân thương”.

Nghe bạn nhắc lại, chao ôi, lại nhớ về một thời đã xa. Rưng rưng. Nhớ lại những câu thơ của một thời đã viết: “Câu thơ nào ghi nguệch ngoạc/ Trong trang nhật ký đường rừng/ Sau phút giải lao vội vã/ Xốc ba lô lại hành quân/ Câu thơ nào ghi vành mũ/ Đỏ ngời trận đánh đầu tiên/ Đâu cần biết ngày nhớ tháng/ Kỷ niệm đã có tên riêng”. 

Tiếc thời ấy, y chẳng có điều kiện chụp tấm hình đội nón cối thiệt oách xà lách, nay có thể khoe chơi. Cũng tiếc nốt khi đã không còn giữ lại cái nón cời của mẹ, sau ngày mẹ mất. Thôi thì, hãy đọc lại câu ca dao:

Có duyên dầu mặc áo tơi
Đầu đội nón cời duyên vẫn còn duyên

Thú thật, y cũng cực kỳ có tình cảm với chiếc nón cời. Một phần biết đến nó do từ lời ru của mẹ, mà cũng do sau này đọc tập phóng sự Tôi kéo xe của nhà văn Tam Lang. 

Lâu quá rồi, sách không tái bản. Hôm nọ đồng nghiệp ở NXB Văn Học có điện thoại nhờ y bằng mọi cách liên hệ với gia đình nhà văn để bàn về bản quyền tái bản. Chịu chết. Không thể mày mò ra manh mối. 

Trong quyển này, Tam Lang đã liệt kê ra tám cái lợi ích từ chiếc nón cời của giới phu xe. Càng đọc càng thương hạng người nghèo. Cái khó ló cái khôn. Họ đã tận dụng được biết bao lợi ích, nay, chắc gì ai có thể hình dung ra nổi.

Lục đọc lại lần nữa đi. Tự dưng rưng rưng. Hạng người nghèo thời nào cũng tội nghiệp. Nghèo quá mà yêu lấy nhau thì sao? Có tội nghiệp không? Không hề, lại cảm thấy vui vui nếu như họ hạnh phúc, chan chứa tình cảm thủy chung. 

Trải qua hàng ngăn năm trên đồng cạn dưới đồng sâu, sau lũy tre làng đã hình thành nên những cuộc tình bình dị như ca dao, như lời ru của mẹ: “Thân em như cái nón cời/ Như cái áo rách vá thời chưa may/ Chẳng lo gì áo rách tay/ Trời kia ngó lại vá may lại thường/ Áo rách có cách anh thương/ Nón cời có nghĩa anh thương nón cời”. Đọc lại lần nữa đi. Tự dưng bùi ngùi.

Thương quá.

Lê Minh Quốc
.
.