Nơi cái gì cũng to

Thứ Hai, 07/09/2015, 15:12
Người mới đến Mỹ sẽ bật cười với những bích chương hài hước của đất nước cao bồi. Thí dụ như tấm biển lớn đề chữ “Ở Texas cái gì cũng to”. Tha hồ mà luận xem thực sự người Mỹ muốn nói đến cái gì to. Quý ông quý bà trở thành thanh niên, cứ gọi là nhấm nháy cười hi hí. 

Nhưng những cái mà có thể nhìn thấy, sờ tận tay, ngửi tận mũi thì quả đúng là to thật. Người Hà Nội vốn ẩm thực thanh nhẹ kiểu Tràng An mà nhìn thấy suất ăn ở đây thì chắc phải gọi xe cấp cứu. Một cốc Coca cola người Mỹ uống phải to gấp 3 lần cái lon Coca thường. Người ta thống kê rằng chủng loại sản phẩm hãng này đa dạng đến nỗi muốn nếm thử mỗi ngày một thứ thì sẽ phải bỏ ra 9 năm đằng đẵng. 

Doanh thu của hãng này to hơn cả nền kinh tế Costa Rica và được xếp vào thương hiệu tương đương nền kinh tế thứ 84 của thế giới. Nhưng dù đa dạng đến đâu thì nó cũng chỉ là một loại nước uống có ga thôi. Có điều là logo màu đỏ của hãng nước dễ nấc nghẹn này được 94% dân số trên thế giới có thể nhận ra ngay sau 1 giây. Không có Coca uống kèm thì các món khoai tây chiên và gà rán rất dễ gây tắc cổ, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần thân thiện của bữa trưa vui vẻ. Suất ăn nhanh như McDonald cũng to đùng đầy uy lực. May phúc. Nhà hàng bao giờ cũng cho 3 loại cỡ, to, vừa và nhỏ. Nhưng đừng tin nhỏ là ăn hết. Đôi khi một suất nhỏ cũng là ngắc ngứ đối với người không phải Mỹ.

Anh Lưu Ngọc, Việt kiều rất tâm lý hỏi: Ăn gì là tùy ông. Nhưng theo tôi thì mất công sang đây thì đừng lưu luyến phở mỳ, cơm trắng… Hãy chén cái gì không phải là ngon nhất ở Mỹ mà là cái Mỹ nhất.

OK. Tất nhiên là thịt bò. Kính thưa các loại thịt bò. Ăn bít tết để thưởng thức thế nào là món truyền thống của dân chăn bò. Cao bồi ăn thịt bò nhiều đời thì đương nhiên phải sành mồm. Họ biết chia con bò thành hàng chục khu vực theo nhiều kiểu Anh hay Tây Ban Nha. Họ chọn chỗ nào của con bò khoái khẩu nhất, từ sườn, ức, thăn đến bắp rùa… Miếng bít tết phải không quá chín thì mới mềm ngọt. Nhát chặt của bếp viên phải chính xác. Mỗi một suất là đúng một miếng đủ liều lượng, không có kiểu cắt miếng khác bổ sung hoặc xén bớt khi chặt nhầm kích thước. Sành mồm cũng khổ, đã ăn ngon rồi đến lúc không được ăn ngon dễ sinh bẳn gắt ỉ ôi.

Lại nhớ đến quang cảnh nơi nuôi bò. Dọc đường ngồi xe bus từ Santa Ana tới San Francisco, tôi đang ngủ thì anh bạn lay dậy để xem một cảnh kỳ lạ. Đang kèm nhèm, tôi nhìn thấy bên của sổ có những triền đồi có rất nhiều con vật tý hon như đồ chơi bằng gốm vẫn bày ở Bát Tràng. Dụi mắt nhìn kỹ thì đấy là những con bò. Cả vạn con bò. Bò ở đâu ra mà bạt ngàn từ mép đồi tới tận chân trời. Xe bus đi mãi mà không hết đàn bò. Tôi ước chừng chiều dài bám đường cao tốc của đàn bò cũng khoảng trên 20km. 

Trang trại ở đây xứng đáng với truyền thống rộng lớn của nước Mỹ. Chỉ riêng diện tích bang California đã rộng hơn nước ta. Bay ngang từ miền tây sang miền đông bắc nước này hết khoảng 7 giờ bay. Khoảng cách xa hơn từ ta bay sang Nhật. Rộng lớn như vậy nhưng họ vẫn khá giống nhau ở nét ăn nết ở. Ở đâu cũng dễ dàng mua được bánh Pizza to bằng cái mâm mà giá chỉ bằng cái bánh ở Hà Nội bằng cái đĩa. 

Có thể đây là nguyên nhân gây bệnh béo phì ở Mỹ cao nhất thế giới. Giá đồ ăn uống nói chung rẻ hơn ta. Giá tôm hùm chỉ bằng 1/5 giá ở ta. Mua chai nước lọc ngoài siêu thị là 2 USD, nhưng mua cả két về uống dần chỉ hết tất cả có 2,9 USD… Đồ ăn nhiều tinh bột và mật mỡ ngọt ngào khiến cho người ta khó nhịn. Đặc biệt giá lại rẻ nên người nghèo rất có cơ hội.

Ở đây phân biệt người giàu và nghèo khá dễ. Người giàu thường gầy nhom. Họ ăn nhiều rau và tập gym, Yoga, Thái Cực quyền, đọc tạp chí thời trang. Ăn toàn suất nhỏ. Người nghèo thì to như hà mã, ăn gà rán, khoai tây chiên… suất đùng đoàng. Người giàu thường mua nhà ở sát biển và trên núi. Phần ở giữa là nhà nghèo. Nhìn dãy núi quanh kinh đô điện ảnh thật xấu xí như cóc gặm, không thể so sánh với vẻ đẹp của vùng khỉ ho cò gáy ở ta nhưng giá nhà cửa trên núi thì không đùa. Vùng này khí hậu sa mạc cằn khô nên cây cối không có tưới là héo vàng khét lẹt. 

Năm 2014 và năm nay, bang này hầu như không có mưa, phải dùng nước từ bang khác. Thế mà sự chăm sóc nhân tạo khiến ta có ảo giác đây là thiên đường. Đến gần mỗi biệt thự sẽ thấy nó được chăm sóc rất cẩn thận về mặt sinh thái với thảm thực vật hoa lá mê hồn.

Cầu cảng ngắm biển tại San Francisco.

Người Mỹ thích ở nhà thấp. Đi dọc bờ biển miền tây san sát các thành phố nhỏ nối nhau gần như không có ngăn cách, hầu hết là những ngôi nhà thấp, một tầng, hoặc thêm một tầng áp mái, hoặc hai tầng chứ không thấy nhà chọc trời. Vì thế ở chỗ nào cũng dễ nhìn thấy mây trời. 

Hầu hết nhà của người Mỹ đều có 2 mặt tiền phía trước và phía sau. Nguyên tắc nhà cửa là bao giờ cũng có đủ lối thoát hiểm. Giữa láng giềng bao giờ cũng có khoảng lưu không, nơi người ta không xây hàng rào và làm gì cả. Tuy không có nhiều hàng rào bảo hiểm nhưng người ở đây không tùy tiện đi vào nhà nhau mà bao giờ cũng xin phép bằng các hình thức bấm chuông, gọi điện. Cảnh sát cũng vậy. Nếu là hỏi han gia đình thì cảnh sát sẽ trao đổi với gia đình ngoài cổng hoặc ngoài sân, không vào nhà. Chuyện khẩn cấp là chuyện khác. Theo anh Lưu Ngọc thì bất kỳ ai đột nhập không xin phép thì chủ nhà có quyền nổ súng. Tòa án sẽ hạ hồi phân giải.

Khi xem TV về cơn siêu bão phá tan vùng New Orleans thấy nhà cửa trôi lềnh phềnh, cứ tự hỏi sao nhà ở Mỹ nhẹ như vậy. Đến nơi mới thấy là không chỉ ở New Orleans mà hầu hết nhà dân ở các bang đều làm bằng gỗ. Cột kèo, tường vách đều gỗ cả. Có vẻ hơi bất tiện vì cách âm kém. Ai ở bên kia vách sột soạt gì đều có thể nghe rõ, nhất là ở một nơi có thói quen yên lặng không tiếng còi xe. Thật khó nghĩ vì vách nhà vệ sinh cũng vậy. Nhà gạch, bê tông chọc trời chỉ có mặt ở thành phố trung tâm kinh doanh lớn được gọi là dowtown. Các thành phố mới nổi ở các nước và châu Á có vẻ đi theo xu hướng dowtown này. Nó sẽ na ná như trung tâm New York, Thượng Hải, Singapore… Ở những chỗ này thường áp dụng những thành tựu kiến trúc và vật liệu tối tân nhất. Toàn thế giới giống nhau. Cái khác biệt chỉ có ở truyền thống.

Đi qua hơn 10 thành phố từ các bang bờ tây tới các bang bờ đông thấy có sự thống nhất kỳ lạ, đó là trong restroom (nhà vệ sinh) của nhà trung lưu cho đến triệu phú, từ khách sạn nhỏ tới 4 sao, siêu đại học Harvard nơi công cộng hay nhà riêng không bao giờ có vòi xịt gắn cùng bồn cầu. Vòi sen tắm thì hầu hết cố định trên tường chứ không có dây tự do như ta muốn kéo đâu cũng được. Những bác có thói quen cẩn thận xịt rửa sang đây thật khó nghĩ. Chẳng lẽ trồng cây chuối bên buồng tắm. Đồ rằng restroom của Nhà Trắng cũng vậy thôi.

Hầu hết cột điện ở Mỹ đều bằng gỗ.

Ở khắp địa cầu, bảng nút thang máy rất đơn giản. Muốn lên tầng 7, ta bấm nút có số 7, muốn lên tầng 20 ta bấm nút có số 20. Ở Mỹ thì không. Bấm đúng số tầng rồi chờ đến mùa quýt nó cũng ỳ ra. Sau mới biết bao giờ họ cũng có hai nút cạnh nhau, một nút ghi số tầng không thể bấm được, nút bên cạnh dùng để bấm. Thật là một hệ thống gàn dở. Chắc chỉ có ở một vài nơi, Không, từ bờ tây sang bờ đông, hàng chục thành phố như Sacramento, Boston, New York, Washington đều như vậy. Hỏi sao kỳ vậy? Đáp: Truyền thống nó thế.

Từ California tới Massachuset, tất cả các cột điện đều bằng gỗ thông cao vút. Khí hậu ở đây không làm cho gỗ mủn ra. Những hàng cột điện vững chãi hàng thế kỷ và siêu bão chưa chắc hạ gục được. Khi tôi hỏi vì sao không áp dụng các công nghệ vật liệu tối tân để làm nhà và xây cột điện thì giáo sư David Thomas, người Boston cho rằng: Nhà gạch, bê tông thoạt đầu thì đắt hơn nhà gỗ, nhưng rất bền. Nhà gỗ rẻ hơn nhưng tu sửa tốn kém hơn. Vì vậy, không phải vấn đề đắt rẻ mà là vấn đề chúng tôi thích truyền thống.

Ông Thomas mua căn biệt thự gỗ ở vùng New England giá vài triệu USD, Sau vài năm, ông tu sửa tô vẽ lại cũng tốn tới triệu USD. Nhà ở vùng này đẹp như trong cổ tích. Hầu như mọi chi tiết từ nội đến hoa văn ngoại thất đều được chủ nhà chăm sóc trang điểm tỉ mỉ. Nếu đến sát gần từng mép tường sẽ thấy chi tiết. Đi dọc đường thấy những biệt thự nhỏ thì một tầng, to thì 3 tầng lấp ló dưới rừng sồi, tòa thì trắng, tòa thì da cam, đẹp lãng mạn như các lâu đài của không gian châu Âu. 

Vùng Boston được coi là đậm chất Âu nhất. Ngắm gỗ thì đẹp thật đấy, nhưng trong đầu cứ lảng vảng ý nghĩ về hỏa hoạn, nhất là dân ở đây khỏe ăn đồ nướng. Nói dại, gỗ nhiều thế này nó mà cháy thì phải biết. Ở Mỹ thường thấy xe cảnh sát lao đi đâu đó thì theo sau có vài xe như cứu hỏa và cứu thương. Họ biết là dễ cháy nhưng gỗ là sở thích, muốn bỏ cũng khó.

Với người Hà Nội mà hỏi cây gì đây thì 95% trả lời ngay đó là cây xà cừ, bàng, sấu, nhưng với người Mỹ thì 95% người tôi hỏi đều nói rằng “tôi chịu”. Có ông già 70 còn hóm hỉnh tư vấn “chụp ảnh, đưa lên Google mà hỏi, biết ngay”. Thế mà các cây cối đều được chăm sóc cẩn thận từ quảng trường tới các gia đình. Tôi ngạc nhiên thấy cây bóng mát của thành phố Boston cao như cây sấu nhưng tán là hình cầu như vẫn thấy trong bản phối cảnh kiến trúc. Bèn hỏi cây gì mà tán nó tròn thế? Giáo sư cười ha hả: Chẳng có cái cây nào lại có tán phi tự nhiên thế cả. Cắt tỉa đấy.

Chà! Thật ném tiền qua cửa sổ. Phải nuôi một đội quân chuyên cắt tóc cho cây cả thành phố để đổi lấy một vẻ đẹp thật tốn kém. Biết làm sao khi Giáo sư bảo, chẳng qua chỉ để cho đẹp. Nếu ở xứ khác, bỏ tiền ra húi cua cho cây thế nào cũng bị gọi là điên rồ. Quả thực là chỉ để cho đẹp. Bến phà cổ ở vịnh San Francisco hướng ra biển rất lãng mạn. Ở đó người ta làm những cây cầu cảng kim loại sắt uốn rất đẹp rộng chừng 5m đi ra xa phía biển cỡ vài trăm mét chẳng phải để tàu phà đưa đón khách mà chỉ để người dân tản bộ ra ngắm biển, cầu Cổng Vàng và hải âu. Thực ra nó không phải là cầu cảng mà gọi là cầu cụt mới đúng.

Ở thành phố biển Huntingtun Beach thuộc quận Cam có một cây cầu cảng Huntingtun dài hơn nửa cây số cũng là nơi ngắm cảnh và được bình chọn là một trong 9 cây cầu cảng đẹp nhất hành tinh. Ai chuẩn bị rời thành phố cũng có thói quen lên cầu đứng một lúc. Biển ở đây sóng dữ. Dân vẫn hay tổ chức cuộc bơi vòng quanh cây cầu này để thể hiện sự can đảm.

Có những thứ tưởng chẳng để làm gì nhưng thực ra tôi đồ rằng nó sinh ra để cố tình gây thương nhớ.

Lê Tâm
.
.