Những tuyệt chiêu nuôi “gà đẻ trứng vàng” ở xứ sở kim chi

Thứ Bảy, 10/09/2016, 05:20
Nhân chủ đề này, cũng không nên bỏ qua hòn đảo Nami, với câu chuyện về ý thức đầu tư cải tạo thiên nhiên, ấp nở ra những con "gà đẻ trứng vàng" cho ngành công nghiệp không khói của người Hàn.

Nami vốn là hòn đảo hoang hóa, khô cằn, thuộc thành phố Chuncheon, cách Seoul 2 giờ đi tàu điện, nơi được nhiều người (trong đó có bà con Việt Nam) biết đến với bộ phim từng hút hồn khán giả Việt: "Bản tình ca mùa đông". Đảo rộng có 0,4km2, cách đất liền có một khúc đường đi phà. Nhưng rồi người Hàn đã biến Nami thành điểm du lịch không thể không đến của xứ sở kim chi.

Biến hoang mạc thành điểm đến đáng ước mơ

Điều đáng nói là nó vốn hoang hóa, khô cằn, thậm chí là vùng đất bị xa lánh bởi lịch sử bi thảm của nó. Một vị tướng tài dẹp loạn cho xứ Hàn ở thế kỷ 13 đã bị chết oan ở khu vực này do triều đình nghi ngờ ông tạo phản. Rồi từ bấy, đảo mang tên ông: Nami. Mới đây, một tỉ phú có tầm nhìn hái ra tiền đã ủ mưu mua cả hòn đảo này làm điền trang, thái ấp.

Năm 2006, người ta còn muốn biến nó thành một vùng quốc gia độc lập mang tên "Cộng hòa Naminara", với cờ hiệu các kiểu tưng bừng lắm. (Xin nhấn mạnh, đây là một mô hình vi quốc gia, có công bố sự tồn tại nhưng không được bất cứ sự công nhận nào từ chính phủ hay các tổ chức.

Ở Hàn, chiều đến chúng tôi còn được dẫn đi xem biểu tình, từng đoàn người hô vang khẩu hiệu, có người căng biểu ngữ trùm kín người như là vẽ lên chính áo mình vậy. Mỗi hôm một người chủ trì biểu tình đăng ký bục, với micro của quảng trường để diễn thuyết. Cảnh sát với lá chắn, súng ống giăng hàng, mỉm cười cho du khách chụp ảnh chung).

Trở lại đảo Nami, họ trồng cây, nuôi hoa, đắp đồi, san bãi trồng cỏ, trồng hàng vạn cây bạch dương, cây hạt dẻ, biến miền đất khô cằn bỏ hoang trở thành một thị trấn nghỉ dưỡng. Rồi bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông ra đời.

Mỏm núi tự nhiên hình chú chó con mà du khách rất thích ở Jeju. 

Họ dựng cả công viên nhỏ về bộ phim, dĩ nhiên không thể thiếu việc dựng tượng của hai diễn viên chính: Bae Jong Joon và Choi Ji Woo. Họ giữ nguyên những hàng cây khổng lồ thẳng tắp, hấp dẫn mọi góc chụp ảnh và mọi ánh nhìn. Bởi vẻ đẹp của vô số cây cổ thụ to đùng, cao vút cứ đứng xếp hàng tăm tắp kề sát nhau.

Quả thật đây là một cảnh hiếm thấy. Có nơi nhiều cây to thì lại không cùng loại, không xếp hàng đều như hai hàng lính gác. Có nơi cây đều thì lại bé tẹo và tán xấu. Ở Nami, các hàng cây danh bất hư truyền ấy, mùa thu thì lá vàng, lá đỏ rực một góc trời, đỏ đến mức không có cọng nào không đỏ, thử hỏi ai mà chẳng nao lòng, chẳng lẩm nhẩm đọc câu thơ của Tế Hanh "Lá phong đỏ như mối tình rực lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa".

Còn mùa đông thì tuyết rơi và những hàng cây thẳng như cột chống trời ngạo nghễ mỉm cười đón từng đôi trai gái đi bên nhau. Chúng sinh rủ rỉ ấy cũng mỉm cười hoặc vu vơ khóc bên nhau. Và ai cũng nghĩ mình là nam tài tử và mỹ nhân tuyệt sắc trong Bản tình ca mùa đông.

Trước khi rời Nami, chúng tôi còn nhờ bạn đưa đến khu nhà hàng danh tiếng và được nâng ly với nam tài tử thủ vai chính trong "Bản tình ca" ái ố hỉ nộ kể trên. Anh ấy sau gần hai chục năm, "bước ra từ màn ảnh", đã già nhưng còn hào hoa lắm. Hóa ra chàng diễn viên này cũng nằm trong phương án kinh doanh du lịch từ việc PR cho bộ phim kia.

Chưa biết chừng, khi bộ phim chưa phát sóng và chưa bay sang Việt Nam trình chiếu dài tập liền tì tằng, thì việc sửa sang đường sá, dựng tượng các nhân vật nam chính, nữ chính rồi mở rộng quán hàng thu lợi từ "công nghiệp không khói" đã được lập trình xong. Làm phim đã nghệ thuật, thu tiền từ phim trường và dựng tượng các tài tử điện ảnh còn nghệ thuật hơn.

Đã lâu lắm rồi, Bản tình ca mùa đông rồi Nàng Đê Chang Kưm, tôi chưa từng xem phim này nên tạm phiên âm sơ sơ như vậy (phim quay ở đảo Jeju) không còn được chiếu nữa, nhưng chưa bao giờ lợi nhuận từ kinh doanh du lịch liên quan đến các bộ phim này ngừng lại.

Thu tiền tắm truồng và… công viên sex

Phải nhắc lại, cái giỏi của người Hàn Quốc là cách làm du lịch, cách tôn vinh di sản của cha ông, của đất trời để khách du lịch không cảm thấy tiếc công sức và tiền của đã bỏ ra. Thiên nhiên của họ kém Việt Nam một trời một vực. Nhưng tại sao cái gì của họ cũng khiến người ta thèm được trải nghiệm, dẫu biết rằng những cách tổ chức và tiếp thị du lịch của họ quá tài hoa và tiềm tàng nguy cơ mình bị móc túi một cách lịch lãm nhất.

Đường lên đỉnh núi Mặt trời. 

Ví dụ, chúng tôi được mời đi tắm nude ở đảo Jeju (tuyệt đối không mặc quần áo gì). Nam một khu, nữ một khu. Hàng trăm đàn ông lột trụi thùi lụi, thứ bị khám kỹ nhất là máy ảnh và máy điện thoại để đề phòng... quay phim và phát tán (nhất là với thảm họa thế kỷ Facebook ở Việt Nam). 

Tôi cũng lột, rồi len lén ngẫm nghĩ trong trạng thái "Nake and afraid" (Tạm dịch: Trần trụi và sợ hãi, xê-ri phim thực tế lừng danh từ lâu nay của Discovery), bỗng nhận ra rằng, khi ai cũng trần truồng thì sự xấu hổ không còn nữa. Cũng chẳng tò mò cái gì nữa.

Toàn bộ tư trang, hành lý được thả vào những cái tủ có khóa, mỗi người sau khi không một mảnh vải che thân thì bù lại, khi bước vào buồng xông hơi, bể tắm sẽ có một cái vòng đeo ở tay, trên đó gắn chìa khóa tủ tài sản của mình. Tôi lạc vào một mê cung khổng lồ, có những người đàn ông vừa tắm vừa soi gương, chải chuốt.

Ai cũng như ông Adam. Tiếng Hàn không biết, chữ Hàn không đọc được, qua rất nhiều tấm biển, chỉ sợ ngoi lên một lối đi thì hóa ra mình đang ở giữa phố phường tấp nập xứ người, trong khi mình nồng nỗng với bộ dạng của người tiền sử.

Từ lúc ra phi trường đi đảo Jeju, ai cũng bấm nhau là có món này hay lắm, nói khẽ, để bọn trẻ dưới 18 tuổi lại nhé: công viên tình yêu và tình dục. Ý tưởng là của hai bạn sinh viên Hàn quốc. Chắc các cu cậu muốn nhân gian ai cũng nói toạc ra, sống thật với từng suy nghĩ sâu kín hoặc giường chiếu nhất của mình.

Nghĩ ra, vẽ ra, toàn sinh thực khí nồng nỗng, "của lạ" quá, bán mãi chả ai dám mua. Chợt hòn đảo du lịch Jeju có nhóm người sắc sảo nghĩ ra cách mua bản quyền "công viên tình dục" để kinh doanh. Từ cái tay nắm cửa cũng là hình dương vật trần trụi, từ bồn đi tiểu cũng... cái ấy, cái nọ giống hơn cả cái của thật sự. Rồi mọi tư thế mà người trưởng thành từng biết, từng làm, từng tưởng tượng ra trong buồng ngủ, đều có ở công viên.

Cả một ngôi làng xây bằng đá núi lửa, là không gian bảo tàng đầy tự hào của người Jeju.

Ngộ nghĩnh, tinh quái, láu lỉnh, trần trụi đến sửng sốt, bật cười, chết lặng đi. Hết con người đến con vật, họ đều dựng tượng ở các tư thế hân hoan xác thịt và duy trì nòi giống giản dị mà vô cùng cầu kỳ. Hầu hết người ta đều đỏ mặt, nhưng có lẽ ít ai thấy quá ngạc nhiên với những bức tượng tả thực dễ bị coi là thô thiển mà cũng quá Con Người như vậy.

Có cả những căn phòng khổng lồ mang hình cái ấy. Cả những cửa đi vào khu trưng bày là hình một người đàn bà lừng lững cao hơn chục mét, thị dạng chân "dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên", lưng ong đùi dế nần nẫn làm cột nhà, làm khóa giang khu trưng bày cho du khách chui qua.

Chui đúng kiểu Hàn Tín luồn qua háng thằng hàng thịt. Toàn những ý tưởng ngộ nghĩnh đến mức chắc chắn không nên kể quá tường tận ra đây kẻo mang tiếng hiếu tục, hiếu dâm.

"Làm du lịch" từ cái bấm móng tay cho đến tàu ngầm

Người Hàn Quốc, nói không ngoa là họ kinh doanh du lịch với một cung cách dịu dàng mà quyết liệt. Không đeo bám du khách, không thớ lợ hay chặt chém. Họ để bạn tự nguyện tiêu đến đồng cuối cùng, bằng những sản phẩm thứ thiệt mà chi tiền rồi bạn vẫn rung rinh xúc động.

Lúc lên máy bay, bay về không phận Việt Nam hẳn hoi rồi, chỉ chờ đáp xuống Nội Bài nữa thôi, thì cô tiếp viên hàng không vẫn mời được bạn mua thêm vài bộ cắt móng tay 7777 nữa. Mua hết kiệt thì thôi. Nếu dao Thụy Sỹ tuyệt tác, thì cắt móng tay Hàn cũng trứ danh. 

Chúng tôi tiếp tục mua, và từ bấy, bộ cắt móng tay ấy không bao giờ rời bàn làm việc hay bàn trang điểm của các thành viên - dẫu chúng tôi đi nhiều và đến quốc gia nào thì cũng thấy bán cắt móng tay cả.

Thậm chí, ở đảo du lịch Jeju, người ta nghĩ thoáng và nghĩ giỏi quá. Trong khi tàu ngầm là thứ công nghệ và bí mật này nọ khiến nhiều quốc gia thậm thà thậm thụt giấu giếm thì người Hàn cho khách có tiền đi tàu ngầm du thám đáy biển luôn.

Có khác gì trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển đâu. Nộp tiền, chụp ảnh, cấp cho một bài "bằng" đã từng đi tàu ngầm. Tàu lặn xuống, các loại kính tinh vi vẫn cho người ta nhìn với lên mặt nước, tường thuật trực tiếp luôn cảnh tàu lặn. Độ sâu đến 50m dưới đáy biển. Người nhái lặn bên ngoài làm trò cho khách xem, cá mú bơi hàng đoàn, san hô rực rỡ. Các chú người nhái vui tính còn cho cá ăn, chun môi hôn gió các em xinh đẹp qua kính tàu ngầm dày cộp. 

Quả thật, vẫn biết là trò tiêu khiển du lịch cho đời bớt nhàm chán, nhưng đúng là hành khách từ các quốc gia được lặn tàu ngầm hiện đại ấy, họ đều thừa nhận: lần đầu tiên trong đời được xuống đáy biển sâu ngần ấy. Đáng đồng tiền bát gạo quá đi chứ. Nộp tiền mà vẫn vui. Vui rồi cũng chả thấy người Hàn bị lộ bí mật quốc gia qua việc cho các "phần tử ngoại bang" chúng tôi đi tàu ngầm gì cả.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.