Những người không bao giờ cũ

Thứ Sáu, 11/09/2015, 02:38
Sự ra đi của GS.TS-NSND Đình Quang ở tuổi 88 trong những ngày tháng 7 Hà Nội nắng nóng quắt quay đã để lại những hẫng hụt không hề nhỏ trong tâm khảm nhiều văn nghệ sĩ thuộc giới sân khấu. 

Ông và NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức làm thành bộ ba đạo diễn bậc thầy của sân khấu một thời, những đạo diễn giúp sân khấu thoát khỏi phận sự một “trò” diễn đơn thuần, trở nên sang trọng hơn, mực thước hơn và đặc biệt, giàu có dấu ấn văn hóa hơn rất nhiều. Giờ thì cả ba NSND Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang đã tụ họp cùng nhau ở miền xa lắm, để lại nỗi ngẩn ngơ ước vọng về một nền sân khấu đích thực “thánh đường nghệ thuật” trở nên đơn côi lơ lửng trước dòng đời...

1. Sinh ra gần như cùng thời (NSND Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Đình Quang, sinh năm 1928, NSND Dương Ngọc Đức sinh năm 1930), cùng một điểm chung là hăm hở “xếp bút nghiên” theo Cách mạng trước khi hoạt động nghệ thuật, cả ba trưởng thượng của sân khấu đều được đào tạo chính quy bài bản ở nước ngoài. Bộ ba tài danh cách này hay cách khác đã gắn tên mình với một vài tác phẩm thuộc hàng kinh điển, mà mỗi lần gợi nhắc, dung mạo, cá tính, tầm vóc văn hóa của mỗi cá nhân lại hiển hiện rõ ràng.

NSND Nguyễn Đình Nghi từng tạo nên hiện tượng không chỉ của nghệ thuật mà lan sang cả đời sống xã hội với Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch bản Lưu Quang Vũ - Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng) khúc triết, đong đầy tư tưởng. Ngay cả Rừng trúc (kịch bản Nguyễn Đình Thi - Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng) - vở diễn cuối cùng ông thực hiện với NSND Phạm Thị Thành lúc đã nhuốm bệnh, cũng biến sân khấu thành một lâu đài tráng lệ (dù tối giản hết mức có thể) đầy khát khao, là tấm căn cước đưa nữ diễn viên Lê Khanh (thủ vai Lý Chiêu Hoàng) được phong tặng danh hiệu NSND và chị trở thành NSND trẻ nhất vào những năm tháng ấy, khi chưa tới tuổi 40.

NSND Dương Ngọc Đức chỉ cần Tiền tuyến gọi (kịch bản Trần Quán Anh - một bác sĩ trẻ chưa bao giờ viết kịch, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng), Khúc thứ ba bi tráng (tác giả Xôviết Pogodin - Nhà hát Kịch Việt Nam) cũng đã phả khí chất lãng mạn hào hoa trong trẻo rất Hà Nội lẫn sự nghiêm cẩn, đĩnh đạc vào sân khấu đương thời.

NSND Đình Quang lập nên kỉ lục vé bán khi dựng Một đêm giông tố của văn hào Rumani Caragiale ở thủ đô trong thời bao cấp, cũng như tạo nên những tiếng sét giữa trời quang bằng những tiếng sét với Bạch đàn liễu (Tác giả Xuân Trình) hay Đại đội trưởng của tôi (tác giả Đào Hồng Cẩm), Người tốt thành Tứ Xuyên (của kịch tác gia Đức Bertolt Brecht).

NSND Đình Quang.

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, cả đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang đều góp phần không nhỏ phát hiện, đào tạo, chăm bón vun trồng nên một đội ngũ những nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu của sân khấu qua các giai đoạn. Những NSND Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Ngọc Thủy, Lê Khanh, Anh Dũng, Lan Hương..., các NSƯT Ngọc Hiền, Nguyệt Ánh, Anh Đào... ít nhiều ghi công dưỡng dạy của các đạo diễn mà họ luôn một lòng trìu mến kính cẩn gọi bằng “Thầy”...

Ngay cả bộ ba đạo diễn vốn là trụ cột của sân khấu trong thập niên cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, những người được coi là tiếp nối của bộ ba Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang, các NSND Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng cũng luôn dành sự trân trọng ngưỡng mộ không giấu giếm cho những người đi trước.

Sinh thời, sống và hoạt động nghề nghiệp sung sức nhất đúng giai đoạn sân khấu trở thành lựa chọn gần như là số 1 của công chúng khi muốn thưởng thức nghệ thuật, cả NSND Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang đã luôn tận dụng uy tín nghề nghiệp, uy tín xã hội của mình để làm lợi cho sân khấu, cho nghệ thuật. Nhờ có sự uyển chuyển quyết đoán của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi đảm nhiệm trọng trách Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nhiều vở diễn “có vấn đề” như cách tư duy của một thời đã thoát hiểm an toàn, đàng hoàng ra mắt khán giả. 

NSND Nguyễn Đình Nghi.

Thập niên 80 thế kỉ trước, giới sân khấu có hai bậc lão làng, hai “đấng bề trên” đáng kính đã “song kiếm hợp bích”, phối hợp với nhau cực kỳ uyển chuyển linh hoạt góp phần tạo đà, khơi dòng cho sân khấu vượt qua những giáo điều máy móc của một thời giao hòa, đất nước cựa mình chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường.

Thứ trưởng - Đạo diễn Đình Quang, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Đạo diễn Dương Ngọc Đức đôi lần đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị, uy tín cá nhân làm bảo lãnh, đấu tranh để nhiều vở diễn được cấp phép, trót lọt vượt qua trở ngại từ các hội đồng duyệt để rồi băng băng trên đường ray trơn tru trong hành trình ra ngoài đời sống. 

Tôi và chúng ta (Nhà hát Kịch Hà Nội, tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Hoàng Quân Tạo), Mùa hè ở biển (Đoàn kịch Nam Định, tác giả Xuân Trình, đạo diễn Phạm Thị Thành), bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước (Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, tác giả Tào Mạt), Nhân danh công lý (Nhà hát Kịch Việt Nam, tác giả Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm - đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và Hồn Trương Ba, da hàng thịt... hanh thông, tạo được những cái kết có hậu một phần do được cặp bài trùng Dương Ngọc Đức - Đình Quang trong cương vị của mình đã hết lòng chở che, bảo vệ. 

2. Sân khấu Việt Nam vắng bóng đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi đã tự lâu. Ông không kiên cường được với thời gian như hai người bạn đồng lứa của mình, rời xa cõi tạm ngay từ những ngày vừa ra Tết nguyên đán 2001, đúng dịp Rừng trúc đã trở thành hiện tượng, thành vở diễn thành công nhất Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Lê Khanh, người học trò tài năng của ông đã kịp được xướng danh NSND. 

Xa vắng lâu ngày, nhưng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi vẫn thường trở đi trở lại, được tìm về trong chuyện thường nhật của những người làm sân khấu. Một dạo, các biên tập viên, phóng viên Tạp chí Sân khấu hay nhắc những chuyện vui về ông, kiểu có lần ông lên cơ quan hội, nhìn trước nhìn sau rồi thở dài thốt lên: “Hôm nay không có ai ở đây à”.

Mọi người cười xòa: “Tất cả mọi người đều có mặt đấy chứ, chỉ thiếu có một người thôi”. Ông cũng cười, quả thật hôm đó văn phòng vắng đúng một người, một nữ phóng viên luôn được xưng tụng về nhan sắc và sự dịu dàng. Bởi thế, NSND Nguyễn Đình Nghi ân cần, chu đáo, cũng tương tự NSND Dương Ngọc Đức, Đình Quang đã thành những biểu tượng của trí thức, nghệ sĩ chân chính, tử tế, những cá nhân bằng không chỉ gia tài nghệ thuật mà cả nhân cách, lối sống, đã giúp sân khấu một giai đoạn dài trở nên học thức, văn hóa như bổn phận mà lẽ ra loại hình nghệ thuật ấy phải mang vác.

NSND Dương Ngọc Đức.

NSND Dương Ngọc Đức hội ngộ với NSND Nguyễn Đình Nghi vào năm 2010, ngay trước thềm Hà Nội tưng bừng với các hoạt động chào mừng tuổi tròn thiên niên kỉ. Ông ra đi cũng nhẹ nhàng, thanh thản, sau ngày nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng không bao xa. Những năm cuối đời, NSND Dương Ngọc Đức vẫn dõi theo các hoạt động của giới sân khấu, dù chân bị đau, di chuyển không thuận tiện, ông vẫn chịu khó đọc, nghe ngóng tình hình, và có ý kiến gì, kể cả một lời khen, một tín hiệu động viên là nhấc điện thoại gọi cho mọi người chia sẻ.

NSND Đình Quang thường được nhớ đến bởi sự hồn hậu chân thành và đặc biệt, độ hóm hỉnh lẫn trí nhớ siêu đẳng thì ở tuổi ông, ít người có được. Ngày nghe tin ông mất, “em bé Hà Nội” - NSND Lan Hương cứ mãi thổn thức: “Có lần thầy Quang bảo với tôi, có ai gà bài cho em trong các vở diễn đã dàn dựng không? Tôi giãy nảy, sao thầy lại nói thế. Thầy tỉnh bơ: “Ta thấy đàn bà đã đẹp thì khó làm được việc gì khá lắm, mà ngươi vừa đẹp lại còn vừa tài nữa”...

NSND Lan Hương cũng tự nhủ, thiệt thòi cho chị là về sau này, sức khỏe của thầy Quang không tốt nên không tham gia các hoạt động được nhiều, chứ nếu không, chị sẽ không phải gặp nhiều lận đận đến thế trong hành trình của một người đàn bà đẹp xông vào địa hạt đạo diễn sân khấu: “Đơn giản bởi thầy Quang luôn bênh vực, bảo vệ người tài, những người bị bắt nạt, có tiếng nói của thầy, các vở diễn của tôi sẽ thuận buồm xuôi gió hơn nhiều”.

NSND Đình Quang kì Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an trước, còn ngồi ở vị trí Chánh chủ khảo, trưởng ban giám khảo. Ông trong những ngày cuối cùng của đời mình, vẫn là chốn nương tựa tinh thần cho giới sân khấu, một vị trọng tài mà mỗi khi có việc gì đó cần thiệt hơn phân xử, cần một tiếng nói uy tín đủ trọng lượng kết nối lại những phân tâm, giới sân khấu sẽ chắc chắn tìm đến.

Giờ thì ngay cả NSND Đình Quang cũng đã ngưng thôi những dí dủm giữa đời thường để nhẹ gót hồng trần, làm cuộc đoàn viên cùng những người bạn hiền Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức. Những đạo diễn, những trí thức, những nhà văn hóa hiếm hoi của sân khấu có lẽ giây phút này đang tụ họp nhau, bàn luận để tổ chức một liên hoan hội diễn nơi thế giới bên kia. Học trò, đồng nghiệp ở nơi đó cũng không hề  ít.

NSND Trọng Khôi, NSND Ngọc Thủy, NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Anh Dũng, họa sĩ NSND Bùi Huy Hiếu, nhà văn nhà báo Nguyễn Ánh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, nhà viết chèo Tào Mạt, Hoài Giao, Trần Đình Văn..., cùng bộ ba đạo diễn Nguyễn Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi... có thể sẽ chung tay làm nên một cuộc chơi mà về lực lượng so với cõi trần gian, chưa biết bên nào vui hơn, tài năng hơn và tử tế hơn cùng...

Hương Sen
.
.