Những người bán danh giá rẻ

Thứ Hai, 08/11/2004, 15:14
Khi nghèo, người ta có thể mang tất cả chổi cùn rế rách trong nhà ra mà bán. Cái gì bán được là bán để mà sống. Thời nay, chẳng còn ai nghèo như thế trừ trường hợp mấy anh nghiện. Nay, có những người chẳng nghèo, chẳng nghiện mà vẫn mang những thứ tài sản vô giá của mình ra bán. Đấy là những người bán danh.

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây lúc nào mà chẳng có người có danh mang bán danh mình. Ôi, để có một cái danh bằng tài đức của mình thì đâu phải dễ. Nhưng cũng không có ít người chỉ mang cái danh hão. Có nhiều người danh thực chẳng thấy đâu mà chỉ là cái danh mua. Thời nào cũng có kẻ mua danh. Càng ngày người mua danh càng lắm.  Ngày xưa, người ta bỏ trâu, bỏ ruộng ra để mua danh. Ngày nay cũng nhiều kẻ bỏ tiền mua danh. Nhưng tiếc thay nhiều người có danh rồi lại bán mất cái danh của mình.

Bán danh có lắm loại, nhiều kiểu. Nhưng tựu trung bán danh là để mua cái lợi lộc cho cá nhân mình. Xét cụ thể trong xã hội Việt Nam ta thì những người bán danh có cả các văn nghệ sĩ. Ca sĩ bán danh, họa sĩ bán danh, nhà văn bán danh, đạo diễn bán danh... Bởi người đời dễ nhìn thấy việc làm của họ hơn những người khác. Một ông quan hay một doanh nghiệp bán danh không mấy khi ta thấy được trên báo chí hay các phương tiện thông tin đại chúng.

Cách đây dăm năm, báo chí xôn xao về một vài người mệnh danh là nhà thơ lang thang ở những nơi công cộng như bến xe, bãi biển, trên tay cầm cái giấy phép xuất bản để xin tiền thiên hạ in thơ. Có lẽ trên thế giới này cũng chẳng có nơi nào quý trọng các nhà thơ như ở Việt Nam. Đáng lẽ thay việc tranh thủ tình yêu thi ca của quần chúng mà nói về cái hay cái đẹp và ước mơ làm người thì mấy ông thi sĩ tự xưng danh này lại lợi dụng đó mà làm những điều thật xấu hổ cho giới thi sĩ.

Người dưng thấy một ông mệnh danh thi sĩ, tay chìa bản thảo, miệng đọc thơ như rồ như dại, rồi xin tiền in thơ chẳng lẽ lại không rút túi lấy dăm đồng để cho. Đã là đứng nơi công cộng xin tiền thì dù cho là “thi sĩ” hay người ăn mày vì cơ vận cũng là một mà thôi.  Xấu hổ thay nhưng cũng may thay số người này chỉ là cá biệt. Nhưng có một số đông hơn số này là những người cũng có thơ phú in ấn trên báo này báo nọ xin tiền theo cách khác.

Họ không đứng đường đứng chợ mà tiến thẳng vào các cơ quan đặt vấn đề xin tiền. Họ không nói: “Cho tôi xin ít tiền in thơ” mà thường thay bằng câu “Các người hãy chứng tỏ mình có văn hóa và hiểu biết nghệ thuật bằng việc đón nhận tập sách này”. Nghe thật lịch sự, thật văn hóa nhưng chẳng qua cũng là cái sự... xin tiền. Lại có những nhà thơ “kinh doanh” thơ mình nữa chứ.

Họ in thơ và chở từng đống lớn đến một vài cơ quan quen biết ép họ mua thơ của mình. Thế là người ta phải mua. Chẳng lẽ ông nhà thơ kia vứt cả đống thơ vào cơ quan mình không mua thì biết làm thế nào. Mua xong không biết làm gì bèn đợi đến cuối năm tổng kết cơ quan bỏ vào túi quà tặng cán bộ nhân viên. Chỉ như thế mới quyết toán được. Chứ một xí nghiệp sản xuất hay một công ty kinh doanh làm sao ký vào chứng từ mua thơ để tăng cường sản xuất.

Những nhà thơ như vậy cũng chỉ là số ít. Nhưng không ít những người bị xin theo hai kiểu nói trên lần sau đó cứ nghe thấy giới thiệu có nhà thơ đến thì thất kinh vì sợ hãi. Cái danh nhà thơ như thế mà họ bán với giá rất “bèo”. Xin bạn đọc hãy hiểu cho rằng số bán danh này quá ít. Họ chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh.

Thế nhà văn có bán danh không? Có chứ! Họ cũng bán danh nhiều cách lắm. Họ chẳng bán danh để lấy mấy đồng đâu. Có khi họ chỉ bán danh lấy một bữa rượu. Tôi nói thật đấy. Tôi chẳng bịa đặt hay cả vú lấp miệng em đâu. Khi họ có một chút tên tuổi là bán tên tuổi họ như bán lúa non. Hình như không ít những người có tên tuổi một chút rồi thì không sống được như một người bình thường. Họ đến chỗ này chỗ nọ với danh nhà văn và để cho những nơi ấy phải tiếp đãi họ như họ là những tài sản của quốc gia vậy.

Còn có cả những nhà văn có chút tiếng tăm thấy mình được quyền bắt các nhà văn ít danh tiếng hơn hoặc chưa có danh tiếng cung phụng mình. Cứ rầm rập kéo đến một nhà văn khá giả nào đấy nhưng chưa có tên tuổi như mình rồi rượu chè, tán hươu tán vượn,  yêu cầu này yêu sách nọ làm cho chủ nhà là nhà văn kia đến phát ốm.

Thực ra những nhà văn này cũng chẳng túng thiếu gì. Nhưng vì  họ tự coi họ là nhà này nhà nọ. Họ ảo tưởng về bản thân họ thế là họ cứ tự nhiên làm như vậy mà không biết rằng ối người vẫn cười cười nói nói tiếp đón họ nhưng trong bụng thì đã coi thường họ rồi. Tưởng các ông cao siêu, cốt cách thế nào chứ cũng chỉ rưa rứa thôi. --PageBreak--

Khi tôi chuẩn bị viết bài báo này thì một bạn đồng nghiệp là một nhà báo có cỡ nói tôi về một hình thức bán danh khác hay thấy ở những người có danh tiếng. Họ bán danh họ trong trả lời phỏng vấn, trong viết bài khen chê, trong giới thiệu sách.  Ai lại một nhà văn, một nhà thơ, một nhà phê bình có danh tiếng hẳn hoi mà ban phát lời khen vung vít khắp nơi. Một nhà văn vì một lý do gì đó mà khen một nhà thơ thường thường bậc trung như là một thi thánh. Thế rồi đùng một cái quay lại “chửi” nhà thơ này.

Chuyện xảy ra còn sờ sờ đấy. Bạn đọc cứ đi từ ngơ ngác này đến ngơ ngác khác. Có nhà văn, nhà thơ do tác phẩm của mình có bạn đọc một thời mà thành tên tuổi. Thế là chẳng chịu giữ danh mình, cứ đi bán hết chỗ này đến chỗ khác. Họ có thể viết nhiều bài ca ngợi một cô, một cậu nào đó mới bước vào văn chương rằng ghê gớm thế này, ghê gớm thế kia. Tưởng như thiên hạ không còn ai ngoài mấy cô, mấy cậu ấy.

Họ trả lời phỏng vấn mà chẳng thèm biết rằng thiên hạ có ối người học sâu biết rộng đang ngồi nghe họ. Họ nói tùy tiện và nói nhiều quá đến mức mọi giá trị họ đưa ra đều chim sẻ và công phượng như nhau. Họ bán danh họ theo kiểu này chẳng phải để kiếm tiền nhưng đó cũng là kiểu bán danh giá rẻ. Một nhà phê bình thường xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng nói như “rồng leo phượng cuốn”. Chỉ một buổi bình văn mà nhà phê bình này đã dựng lên một mớ các nhà văn nhà thơ Tùng, Bách. Nào là, ông đã dựng lên tượng đài về lòng yêu nước; bà đã dựng lên tượng đài về tâm hồn trong sáng; chị đã dựng lên tượng đài về tình yêu; anh đã dựng lên tượng đài về cuộc sống sinh viên...

Có bao nhiêu người dự cuộc giao lưu hôm đó đều là những người dựng được tượng đài bằng sáng tác của họ cả trong khi cả thế giới “tượng đài” như vậy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi tôi kể chuyện này, bạn tôi kêu lên: “Bịa, bịa”. Tôi nghiêm mặt nói: “Tôi không bịa một chút nào”. Vâng đúng là tôi không bịa. Sự thật là như thế. Có thể sau khi đọc xong bài này, các bạn lại thấy ngay nhà phê bình này đang nói ở đâu đó với một kiểu nhà phê bình này vẫn nói: “Bài hùng biện của em A làm cho tôi kinh ngạc về trí tuệ và sự huyền ảo của tinh thần văn hóa phương Đông...”.

Nói như vậy thì còn ra làm sao nữa. Đấy cũng là một cách bán danh giá rẻ tuy chẳng phải để kiếm lời. Nhưng có khi nó còn nguy hại hơn cả sự kiếm lời. Nó làm cho người nghe, người đọc không biết đâu là giá trị thật nữa. Những người như vậy vừa bán danh vị của mình và vừa có tội trong việc giáo dục nhận thức và thẩm mỹ cho công chúng.

Một số nhà văn bán danh, thế còn nhà báo có bán danh không? Có đấy! Mà còn nhiều hơn. Cái danh của họ là do công việc mang lại: danh nhà báo. Nhà báo đã góp sức không nhỏ vào sự công bằng, văn minh xã hội. Nhưng cũng có những nhà báo đã bán danh mình quá rẻ. Một số nhà báo trong vụ Năm Cam là một ví dụ điển hình. Đã là danh thì không bán được. Thế mà họ đã bán mà còn bán với giá “đại hạ giá” nữa chứ. Có nhà báo già bán danh theo kiểu già. Có nhà báo trẻ bán danh theo kiểu trẻ.

Tôi vẫn phải nhắc thêm một lần nữa là họ chỉ là số ít, rất ít trong biết bao  nhà báo chân chính. Nhưng không phải vì ít mà không nói ra. Bởi số ít này thực tế cho thấy càng ngày càng tăng lên. Phải nói để mãi mãi chỉ là số ít. Chứ hết 100% thì chẳng bao giờ có. Có những nhà báo bán danh được giá cao và cũng có những nhà báo bán danh chỉ với giá rất rẻ. Nhưng đã là danh thì bán với giá nào cũng thật thảm hại. Chúng ta cũng có những nhà báo giữ danh của mình mà không có gì mua được.

Có một ông giám đốc bệnh viện mắc nhiều sai lầm trong quản lý và tổ chức. Một nhà báo nhận được đơn thư tố giác bèn gọi điện cho ông giám đốc kia và thông báo về thư tố giác đó, đồng thời muốn gặp ông để làm việc. Ông giám đốc này tỉnh bơ nói: “Chẳng cần thiết phải làm việc đâu, mai tôi với ông đi làm bữa bia, thế là được chứ gì”. Các bạn có nghe thấy cái gì trong câu nói ấy không? Sự coi thường một nhà báo đến như thế thì thật nhục.

Không phải ông giám đốc bệnh viện này tự dưng nghĩ như thế. Trước đó ông ta đã làm việc với một số nhà báo rồi vì bệnh viện của ông ta là một bệnh viện tai tiếng nhất nhì Việt Nam. Chắc chắn đã có nhà báo nào đó hạ bút chỉ vì “một bữa bia” nên ông ta nghĩ “bọn” nhà báo cũng chỉ thế thôi (?!). Tất nhiên bữa bia không chỉ đơn giản là bữa bia. Nhưng nghe vậy thì đau quá. Cái danh như thế mà bán như  thế à?

Tôi lại vẫn phải nói rằng số bán danh như vài kiểu nêu ở trên không phải là số nhiều. Nhưng nó lại đang diễn ra công khai và có vẻ lấn lướt cả số đông đang hết mình giữ danh cho thơm cho sạch. Chính thế mà phải nói ra. Những ai đang giữ danh xin đừng tự ái thay những người đang bán danh. Chúng ta có một cái tính rất lạ là hễ ai phê bình cái chưa được, cái dở của mình thì lu loa lên rằng họ đánh tôi, và họ đánh tôi nghĩa là họ đánh vào... Buồn thay, buồn thay. Nhưng thế nào thì chúng ta vẫn phải lên tiếng nếu chúng ta muốn cả xã hội chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn

Đức Huy
.
.