Những mùa trăng thơ bé

Thứ Sáu, 07/10/2016, 16:06
Một ngày nào đó trăng già, lũ trẻ của tôi cũng lớn, lúc đó chúng đủ hiểu rằng, tại sao người lớn cần và rất cần đến trăng, cần những khoảnh khắc sống cho mình, nhìn lại mình, là chính mình… 


1. Chiều mùa thu trong như miếng đá thạch anh. Đứng bên cái sân giếng cũ xưa rêu mọc tầng tầng lớp lớp mà thấy lòng dạ nôn nao kỳ lạ. Đâu đây vẫn là hình bóng ông bà nội và căn nhà gỗ núp trong khu vườn đầy hoa trái. Đâu đây tiếng cười thời thơ bé của chính mình. Dường như mùa thu đã đi suốt độ dài của mấy chiều không gian thì phải.

Khu vườn lá rụng, gió đùa. Vẫn còn đấy nhiều thanh âm cũ. Mùi ổi chín sực nức, đám na mở mắt căng mọng. Sát ngay bên bờ giếng là trái mít xanh cuối mùa  ngơ ngác. Các cụ vẫn bảo, thị chín rộ thì mít sẽ sượng, không ngon nữa. Nói thế chứ vào ngày mưa lâm thâm lạnh mà ăn múi mít ngọt cuối cùng xem, ngon không thể quên.

Chẳng biết tự khi nào, nếu bỗng gặp chùm quả mít treo lơ lửng trong một khu vườn xa ngái nào đó lại nhớ về miền trung du đất đỏ quê mình. Và không thể không nhớ giếng nước, mảnh vườn. Cuối sườn đồi, hoa bạch đàn bung nở thơm ngào ngạt đầy quyến rũ. Tiếng vó ngựa xa dần trên những con đường vòng vèo lên cao theo hình xoáy ốc.

Buổi chiều như cao hơn bởi đồng xanh, bởi nắng vàng và nhịp sống trung du yên ả, thanh bình. Con diều sáo lẻ loi chao liệng trên kia như đang đợi lũ trẻ tan trường những ngày đầu năm học. Mắt vẫn cứ dừng lại bên trái mít, mấy cái lá bên cuống bé xíu nhô lên. 

Có gì đó hoang hoải lắm, phồn thực lắm. Vẻ gì đấy ở khu vườn này vừa hiu hiu buồn, vừa thanh tịnh, vừa xốn xang không thể tả.  Hoa mẫu đơn nở đỏ chót cuối vườn ngay đám thừu lựu lắc lư đầy quả làm ta bỗng thèm nhớ được sà vào vòng tay người thân yêu.

Có một ngày trên huyện đảo Cát Bà của Hải Phòng, khi chen chúc trong chợ cá, tôi bỗng ngạc nhiên khi một người bạn là nhà biên kịch đi tìm mua trái mít chín để mang về. Anh bảo rằng, mua trái mít từ quê mẹ mang về để nhớ lại tuổi thơ, ôn lại những kỷ niệm ngày còn mẹ trên đời.

Thì ra vậy, đâu phải riêng tôi, mà chắc chắn với bất kỳ ai lớn lên từ làng quê đều có những gắn bó với mùa mít chín. Thảo nào, mỗi lúc thoáng thấy chùm mít sum suê đâu đó tôi lại nhớ nhà đến khó tả. Ngồi trên tàu cao tốc về TP Hải Phòng, tôi ngồi cầm hộ anh quả mít và nghe anh kể về mẹ, về một tuổi thơ tinh nghịch. Chao ôi, thế mới hay, dù đi khắp thế gian, nếm trải đủ mùi ngọt ngào cay đắng thì người ta vẫn nhớ nhất là mẹ mình và thời thơ ấu. 

Nếu một ngày nào đấy ở một miền quê khác khi bắt gặp khói bếp cuối chiều tôi lại nhớ mẹ vô cùng. Nhớ một heo may se se lạnh, mẹ hun đám cỏ khô ven ruộng thành đống rồi đốt. Lửa đống nhấm cháy âm ỉ suốt đêm. Khói đốt đồng đã ám vào trí nhớ trẻ làng. Và còn nhớ cái ngọn lửa xanh lét nhóm bằng củi mục, thứ củi vớt trên sông mùa lũ trong bếp của mẹ. Ngọn lửa gợi nhớ những câu chuyện ma của bà nội. Bà kể liên miên ngày này qua ngày khác.

Vẫn chuyện ấy, giọng nói ấy mà sao không đứa cháu nào chán, chỉ sợ thôi, sợ lấm lét. Sợ suốt từ khi còn bé đến bây giờ. Kỳ lạ thật. Và mỗi lúc bà vun lá khô cuối vườn đốt lửa, tàn lá bay lên cao xoay vòng khiến lũ trẻ con rất thích thú thì bà lặng lẽ ngồi nhìn lơ đãng. Cái cằm nhỏ và dài của bà bỏm bẻm nhai trầu một cách bình thản. Bà buông một câu ngắn: "Lá rụng về cội". Cả lũ cháu chẳng đứa nào hiểu gì. 

Chiều nay, một chiều thật xa ngày ấy, khi đã hiểu được câu nói của bà thì khu vườn đã vắng người xưa. Nhưng còn đấy, dường như ngọn lửa của bà, của mẹ còn cháy. Ngọn lửa của tình gia đình ấm áp còn mãi sưởi ấm những đứa con. Mỗi thu về, nhìn lá rụng là lại thấy lửa bùng lên trong lòng mình. Khi xa quê, mặt mình chạm gió biển hay gió vùng sình lầy mênh mông cũng lại thấy nhớ đến thế ngọn gió trung du hoang hoải và mãnh liệt.

Hình như mạch nguồn tình yêu cũng bắt đầu từ  những điều dung dị ấy. Dù có sống ở đâu đi nữa thì vẫn thấy mình thuộc về một nơi thật riêng, trong mình luôn cháy sẵn một ngọn lửa riêng. Ngọn lửa trung du.

2. Tối nay, một tối đầu thu. Heo may tràn khe khẽ qua nhà. Lũ trẻ con gọi nhau lên sân thượng xem nguyệt thực. Tôi cũng theo chân chúng mà reo vui, mà thích thú quên khuấy mất mình đã sắp già rồi. Mấy câu chuyện không đầu không cuối của lũ trẻ làm tôi nhớ không nguôi những mùa trăng thơ bé.

Ngôi làng ấy của tôi vẫn thường chìm khuất trong ánh trăng, những mái ngói nâu thẫm như trôi trên dòng sông trăng nhấp nhoáng. Mùa  lũ tràn về, tôi ngồi cùng em trai trên chiếc thuyền nan nhỏ trôi bập bềnh giữa mênh mông nước thả mồi cua. Nếu không thả cua thì để chơi, cứ ngồi đó cho thuyền tự trôi theo gió đi xa.

Không gian lúc đó thật kỳ ảo, khác thường, nó hệt như cảnh bồng lai trong truyện liêu trai vậy. Trời và nước nhuốm một thứ ánh trăng bàng bạc, xôn xao. Nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp, khoan thai. Hai chị em ngả đầu về hai phía mui thuyền nói bông phèng một vài câu chuyện. Khoảng giữa thuyền là trăng. Đầy một khoang.

Tôi khẽ chạm chân mình vào ánh sáng ấy và thấy cảm giác rất tuyệt, như là mình tan chảy thành trăng vậy. Cậu em tư lự một lúc lâu rồi bảo, bây giờ em mới hiểu, tại sao nhà thơ Hàn Mặc Tử lúc cô đơn lại viết "Ai mua trăng tôi bán trăng cho…". Trăng dãi dề, hào phóng suốt mấy bề trời nước.

Ngôi làng chỉ còn là vệt mờ viền theo ánh trăng… Sau này, trong những bài thơ, những trang văn em viết từ một đất nước xa xôi, trong những ngày nhớ về Tổ quốc, bao giờ cũng thấp thoáng ánh trăng quê nhà đêm ấy. Thế mới hay, một người bạn vong niên của tôi từng bảo, đời người không có được mấy những khoảnh khắc thật đẹp và lộng lẫy. Với tôi, vẻ lộng lẫy những đêm trăng dường như có đủ sức làm tôi nhớ suốt đời. 

Đêm nay trăng thu, khác với trăng suông mờ ảo của mùa xuân, hay ánh trăng nồng nhiệt của mùa hè. Trăng mùa thu trong vắt, có vẻ thầm kín, e dè, hợp với những tâm trạng nhung nhớ, hẹn thề. Trong hơi lạnh se se, ai tinh tế sẽ nhận ra chút xa vắng, cô đơn tự có trong ánh trăng.

Mấy ai trong thời buổi vội vã làm ăn này, dưới đêm lành lạnh còn đi dạo hay ngồi ngắm trăng, ngoài những nhà thơ? Hay những người đang yêu? Những người tâm tư trĩu nặng? Tôi thì có được niềm vui ăn theo lũ trẻ. 

Chúng nói chuyện về "mặt trăng máu", tức mặt trăng màu đỏ theo những câu chuyện về thế giới phim ảnh. Đó là chuyện những đêm như thế sẽ diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa con người và quỷ dữ, giữa ma cà rồng và người sói, giữa thiện và ác. Trong kinh Tân ước và Cựu ước của Thiên chúa giáo lại nói đến ngày tận thế của loài người…

Thấy hạnh phúc vì lũ trẻ còn tin vào thế giới thần tiên, ma quỷ, còn háo hức mong chờ một đêm trăng kỳ thú. Bởi như thế, chúng sẽ vẫn còn ngây thơ đúng kiểu trẻ con, lớn lên chúng sẽ có được khao khát làm điều thiện và biết nhận chân cái ác.  Nếu không thế, ai cũng như người lớn chúng ta thì thật xơ cứng và già cỗi. Cuộc sống hóa ra tầm thường tẻ nhạt và nhiều lầm lẫn, u mê…

Một con ngõ dưới kia chảy tràn ánh trăng. Những vòm cây gợi nhiều nỗi nhớ. Kỷ niệm tình yêu vời vợi trôi về. Tôi nhớ những lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: 

"Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ.
Con sông là quán trọ, và trăng -  tên lãng du.
Em đi qua chuyến đò (ối a), con trăng còn trẻ.
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già..."

Bản tình ca đã làm cho cuộc đời đẹp hơn. Một ngày nào đó trăng già, lũ trẻ của tôi cũng lớn, lúc đó chúng đủ hiểu rằng, tại sao người lớn cần và rất cần đến trăng, cần những khoảnh khắc sống cho mình, nhìn lại mình, là chính mình… Nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Bởi trăng thật gần gũi mà cũng thật xa vời. Trăng có thực mà hư ảo. Trăng dào dạt mà cô đơn. Trăng trong sáng như vẻ đẹp dễ mất trong đời vậy.

Lũ trẻ ngủ từ lúc nào chẳng biết. Vầng trăng vẫn bên trời thao thức. Đêm trăng đã thức dậy trong tôi tình yêu về bao điều giản dị quanh mình. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được sống. Cảm ơn tình yêu đã cho tôi cảm giác về hạnh phúc…!

Mai Phương
.
.