Những mẩu chuyện ngày lũ

Thứ Tư, 16/11/2016, 09:36
Mấy hôm đi Quảng Bình, Hà Tĩnh mưa suốt. Mưa qua kính xe ô tô, mưa rơi trên vai áo, hết ướt lại khô, người lừ đừ như sốt. Biết mỗi người một phần phúc, biết khúc ruột miền Trung quằn mình với lũ đã quen, nhưng càng đi càng thấy, càng thấy càng buồn đến vậy.

1. Nước mắt khói hương

Em điển trai, học lớp 11. Cả nhà nói em hiền khô à, em ngoài đời còn đẹp trai hơn trong di ảnh nữa. Sâm sẩm tối vào viếng em, mẹ thương em nằm bất động trên nền nhà, thờ ơ với vạn sự. Ba khăn tang trắng chít trên đầu, đôi vai run run. 

Chiều lũ về, ba xót ao cá ngoài đồng, chèo ghe ra thăm. Tự dưng, em xin đi theo. Em xin thì ba chiều thôi, em là út trong nhà lại ngoan ngoãn, ai cũng thương em cả.

Bằng bấy nhiêu năm kinh nghiệm vật lộn với lũ, ba cũng không thể ngờ là lũ về nhanh đến vậy. Cái ghe mỏng tang như lá cứ xoay ngang, rồi lật úp. Cả đời mưu sinh bằng con cá, sóng nước, ba đủ khả năng để ôm lấy em, dìu đi. 

Một mét, hai mét rồi mười mét, lúc này em lả dần. Càng lả, em càng hốt hoảng. Em ôm ghì lấy đầu ba, nhận xuống. Ba không còn cách nào khác phải đổi tư thế để dìu em, khi ba xoay người đổi cũng là lúc lũ cuốn em đi. Ba nháo nhào hốt hoảng tìm em, có lúc ba đã chạm được em nhưng rồi em lại trôi ra xa. Hôm sau, các cô chú trong xóm tìm thấy em cạnh đó, càng đau đớn hơn cho ba khi chỗ em nằm chỉ cách chỗ ba quần nước tìm em vài mét.

Ly trà đắng nghét, nước mắt của ba đắng nghét. Chỉ có khói hương trên bàn thờ là đậm mùi, lờn vờn một lát rồi bay lên, nhạt nhòa biến mất. Ba nói, cho đến giờ ba vẫn nhớ như in cánh tay của em níu vào ba. Cho đến giờ ba vẫn chưa thôi dằn vặt mình, giá mà lúc đó ba làm thế này, giá mà lúc đó ba làm thế kia thì ba đã cứu được em rồi. Ba khóc, ba nói trời oan nghiệt quá.

Mà đúng là trời xanh oan nghiệt quá, bởi trời bắt ba chứng kiến, bắt ba bị động can dự vào những giây phút cuối cùng của em trong cõi đời này. Thú thật là không biết còn gì đớn đau hơn không, còn gì ám ảnh hơn không? Mà em đang học lớp 11, mà em là con út, mà em đẹp trai lắm, mà em ngoan hiền lắm, mà không còn em trong căn nhà ấy nữa, mà sách vở quần áo còn ngăn nắp như nhắc nhớ những ký ức thế kia thì ba mẹ sẽ vượt qua quãng thời gian không có em như thế nào, bằng cách nào?

Cuối cùng không biết trách cứ ai, chỉ là trời xanh oan nghiệt quá.

2. Chiếc ôtô nhựa trên nền đất cũ

Phía trước sân nhà là chiếc ôtô đồ chơi, đã hỏng. Chiếc ôtô đó bình thường con trai vẫn chơi với em. Con trai là con thứ trong gia đình có 3 anh em trai, ba của con trai bằng tuổi tôi, nhưng già nua, khó nhọc. Anh đầu của con trai có vấn đề về phát triển, cậu em út 4 tuổi, hiếu động.

Bữa cơm tối cậu em út ăn cùng anh, hai chén cơm với khúc cá kho mặn. Con trai cũng có phần cơm dọn sẵn trên bàn thờ.

Con trai 8 tuổi, mẹ làm công nhân vệ sinh, ba làm bốc vác, anh lại bệnh nên con trai tự lập từ sớm. Con trai trông anh, con trai chơi với em. Ba ra Hà Nội học một khóa tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động, Quảng Bình mưa trắng trời, ba biết là sắp có lũ, ba gọi điện thoại về nhà dặn mẹ để ý con trai. Khi ba đang nói chuyện với mẹ thì con trai lấy xe đạp chở em đi. Con trai đi đâu, con trai sang nhà bạn để mượn tập. Trên đường đến nhà bạn phải băng qua một cây cầu, cây cầu ấy cách nhà có một đoạn xíu xiu thôi. Vậy mà, con trai đã không về nữa.

Bác đánh cá nhanh tay cứu được em, còn con thì không có may mắn ấy. Ba từ Hà Nội về, vạ vật cả ngày không tìm thấy con. 5 giờ sáng, mưa tầm tã, ba đội cả trời mưa trên đầu ra cầu khấn: "Con về với ba, với em". Người già khuyên ba về đi, ba về nằm khóc. Nửa tiếng sau, các cô các chú báo với ba con về rồi. Ba kể, con gầy gò lắm, con kén ăn. Con chỉ thích chơi nhất với anh với em. Bây giờ thì con không còn được chơi với anh với em nữa rồi, chiếc ôtô nhựa không có con chơi nằm ngoài sân rồi.

Có kiếp sau không, con trai nhỉ? Chú không biết nữa, chú chỉ thấy hắt hiu thôi, chú chỉ thấy xót xa thôi. Lúc chú chào ba mẹ con ra về, em trai con vẫn đang nói với anh trai của con về bữa ăn. Chắc là, em trai sẽ thay con chăm sóc anh, chắc là em trai sẽ sống luôn cho con ở quãng đời còn lại, phải không con?

3. Người đàn ông và buổi chiều sau lũ

Nhập nhoạng, lũ trẻ con hàng xóm cười đùa ngoài sân, khói nhang tỏa lên trong căn nhà trống hoác. Vài người hàng xóm đang ngồi, hai cụ già đang ngồi, người đàn ông đứng.

Đôi bàn tay thôn quê vốn không quen bắt tay khách lạ như một xã giao, rụt rè không dám buông.

Người đàn ông có ba sào ruộng, mỗi năm được hơn tấn thóc. Cha mạ ruột, cha mạ vợ đều già, lấy đôi vai của người đàn ông làm chỗ tựa nương. Người đàn ông kiếm thêm chút tiền từ nghề thợ nề. Đêm, người đàn ông giăng lưới bắt cá cải thiện thu nhập. Tối, hai vợ chồng đang giăng lưới thì lũ về, ghe đắm. Người đàn ông níu chặt tay vợ lúc này đã ngã khỏi ghe.

"Anh buông em ra đi, anh còn phải sống để lo cho nhà miềng", làm sao mà buông. Người đàn ông ôm chầm lấy vợ, chìm dần do đuối sức. Ba anh thanh niên phát hiện ra nhào đến cứu, người đàn ông sống, vợ ra đi. Trong căn nhà ấy, không còn tiếng nói cười quen thuộc.

"Rồi có mình anh còn giăng câu được không?", "Chắc phải làm tiếp thôi vì còn cha mạ mà", "Buồn quá đỗi", "Thì phải sống thôi, giăng ít lại vì không còn ai phụ".

Thì phải sống thôi, mình là đàn ông mà. Thì phải sống thôi, mình còn nhiều người phải lo lắng mà. Thì phải sống thôi, trong nếp nhà đã cũ. Thì phải sống thôi, dẫu nỗi nhớ như một vết dao.

Thì phải sống thôi, dẫu qua những ủi an cứu trợ, đêm nằm mắt đỏ hoe tìm mùi xưa mặc đã vắng một chỗ nằm.

Thì phải sống thôi, chứ biết làm sao được. Người đàn ông khăn tang trắng vấn rịt trên đầu và những nỗi niềm biết tỏ cùng ai.

Đêm giăng câu đầu tiên, hẳn là sẽ khóc. Bởi có con lia thia nào quên chậu được đâu!

4. Người đàn bà tựa cửa

Hai mươi năm có lẻ thành chồng thành vợ, chắt chiu sống như cây lúa quê nghèo, nương tựa gió mưa mà trổ, đau một cơn dông, ơn một hôm nắng.

Người đàn bà đã quen bóng dáng người đàn ông trong căn nhà ấy, quen một món ăn, quen một nói cười. Quện nhau như ổ nhện nơi góc kèo, không có con tò vò nào nỡ bỏ đi. Người đàn bà làm ruộng, xong phần việc của mình thì cấy thuê cho người khác. Người đàn ông làm thợ nề, khắc khoải mà vui. Ít lúa cuối vụ thành của nả dành dụm nuôi con, tiền công của người đàn ông dành trang trải qua ngày. Con gái lớp 7, áo trắng quàng khăn đỏ thắm.

Rồi hỏi, "Bây giờ làm sao?". Rồi trả lời, "Cũng chẳng biết nữa". Nói như không mà hỏi như không, duy có ánh mắt buồn nhìn quanh, ngoài trời mưa không ngớt hạt. Đôi mắt thôn quê, mấy mươi năm nhẫn nhịn vốn quen. Phía sau bàn thiên là luống rau lang lẫn cỏ, luống rau mỗi bữa cơm chiều. Cuộc sống bình yên như khói tỏa tự dưng dỗi hờn trôi vào ngày cũ, tự dưng hóa thành ký ức để không trở lại bao giờ.

Người đàn ông đêm ấy cho người đi nhờ xe rồi theo cơn lũ đổ ập, đi mãi!

5. Cán bộ vùng lũ

Đang trên đường thì mưa, mưa mù mịt. Hẹn với bà con 9 giờ, nhưng hơn 10 giờ mới đến. Mấy lần hút đường, phải quay lại. Anh chủ tịch trẻ măng đang họp đảng ủy, cử một nhân viên đứng đợi nghe báo cáo, bỏ họp tiếp đoàn. Bà con đợi trong sảnh, ảnh nói: "Hay anh đợi chút trao quà trong hội trường". Mình trả lời: "Dạ thôi, bà con đợi lâu quá rồi".

Anh chủ tịch và nhân viên loay hoay cùng đoàn phát quà cho bà con, nụ cười lúc nào cũng trên môi.

Xã xa, hẹn 13 giờ nhưng gần 15 giờ mới đến, tìm đường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vẫn phong thái của anh chủ tịch trước, vẫn vui vẻ, vẫn hồ hởi, vẫn cảm động.

Sáng nay, ở thôn Thọ Hà, thị xã Ba Đồn (nơi có thôn Tân Đông, xã Quảng Hải - cán bộ thôn thu tiền hộ khó khăn để chia bình quân đầu người mà báo giới đang phản ánh), ông chủ tịch xã khác nói với người dân: "Đoàn xa xôi về mệt lắm rồi, muốn chia sẻ khó khăn với bà con mình. Vậy mà bà con mình không thể xếp hàng trật tự được hay sao? Không thể để người trong đoàn cảm thấy ấm lòng được hay sao". 

Mấy trăm suất quà gửi bà con diễn ra vô cùng thuận tiện. Ông chủ tịch xã với trưởng thôn chạy cả xe gắn máy ra đón đoàn.

Mưa, anh cán bộ mặt trận huyện mặc áo mưa, đội nón cối đứng nép vào đường chờ xe để dẫn đoàn vào viếng những gia đình không may có người thân thiệt mạng trong cơn lũ.

Quá 17 giờ, chị phó chủ tịch mặt trận huyện gương mặt không một chút nhíu mày ngồi cùng xe hướng dẫn đoàn đi viếng, thắp hương chia buồn với hộ dân này, hộ dân kia...

Thật ra, có đi thì mới thấy những hôm cứu trợ là lúc cán bộ địa phương cực nhất. Cái cực vì cả ngày dẫn đoàn không cực bằng giải quyết tranh chấp giữa người dân xung quanh câu hỏi: "Vì sao nhà tui cũng ngập mà không nhận được quà cứu trợ của đoàn?".

Người dân có thắc mắc của người dân, nhưng nguyên tắc phần quà cứu trợ vẫn dành cho hộ khó khăn trước. Mà cuộc cứu trợ nào, cũng phải chấp nhận một xác suất cho phép về điều này hay chuyện khác.

Như lúc mình vào nhà cụ bà 91 tuổi bị trôi nhà, đường nhỏ sình lầy, mình cởi giày để ngoài đường lội vào, anh cán bộ hướng dẫn cũng vậy thôi.

Mình không bênh gì ai đâu, mình chỉ viết những gì mình chứng kiến. Đừng vì sự sốt ruột thái quá của cán bộ ở một thôn mà phủ nhận tất cả.

Ngô Kinh Luân
.
.