Nhớ Trần Hòa Bình

Thứ Năm, 23/08/2012, 10:15
Sinh thời, Trần Hoà Bình có nói: Mỗi năm tôi chỉ cần làm một bài thơ thôi, nhưng đó phải đích thực là thơ hay. Và khi in thơ, tôi chỉ chọn in 99 bài và 99 cuốn. Ngày hôm nay, cầm tập thơ trắng trong tinh khôi Ru hoa sen trên tay, những người ngồi đây cùng nói rằng: Không đủ. Mọi người bảo không đủ tặng đâu. Hôm nay, gia đình, bạn bè và học trò in đủ 999 cuốn… Nhiều như nỗi nhớ Bình ơi!

Thế mà đã gần một năm kể từ trung tuần tháng 8 năm ngoái, khi tôi tìm đến căn nhà số 14 quen thuộc trong Khu tập thể Học viện Báo chí Tuyên truyền để thắp hương ngày giỗ lần thứ ba của anh. Trên bàn thờ anh là cuốn sách nhỏ, bìa trắng tinh khôi, thơm mùi mực mới. Đó là tập thơ mang tên “Ru hoa sen”, tuyển chọn 175 bài thơ tình của anh, gia đình cùng thân hữu vừa hoàn thành cho kịp ngày giỗ, mong cuốn sách đến được với tất cả những người yêu anh, những người yêu thơ…

Những gương mặt của anh em gia đình và bằng hữu thân thiết với Trần đều đã về đây trong bữa trưa hôm ấy: các em anh Trần Tứ Hải, Trần Ngũ Châu, con gái anh Trần Hà Trang, các bạn anh Nguyễn Chí Bền, Bùi Mạnh Nhị, Bùi Quang Thanh…, thầy Nguyễn Tri Niên đã 81 tuổi vẫn cầm li rượu trên tay đi từng bàn…

Nâng chén rượu nhớ Trần Hoà Bình, hôm nay tôi ngồi bên cạnh Chu Phương, người đã 18 năm sống bên cạnh Trần Hòa Bình như ruột thịt, người có thể nói lưu giữ đầy đủ nhất những bản thảo của Trần Hoà Bình, lưu giữ hết những ca khúc mà mọi người phổ thơ anh, lưu giữ cả những bài thơ Trần làm còn dang dở…Chu Phương gọi một bát nước mắm nguyên chất, một li rượu, bát và đũa đặt cạnh đó, gắp thức ăn ân cần và bắt đầu nâng li. Phương nói bao giờ cũng thế, uống rượu là mời Trần Hoà Bình về đây, về với anh em, và tất cả chúng tôi cùng uống…

Những kỷ niệm cũ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, và có những câu chuyện bây giờ mới kể. Chu Phương nói trước tiên về những bài thơ được phổ nhạc của Trần Hoà Bình. Thêm một vẫn là bài thơ làm Trần Hoà Bình được mọi người biết đến đầu tiên và nhiều nhất, và cũng có nhiều người phổ nhạc nhất, từ Bắc chí Nam. Có lần, vào giữa lúc trời mưa, chỉ sau một cuộc điện thoại, Chu Phương chở Trần trên xe máy cũ phóng thẳng về Quảng Ninh, chỉ để thoả tấm tình ái mộ của một người yêu thơ, vừa phổ xong bản nhạc cho bài thơ Thêm một. Hai người nghe xong rồi lại phóng đi…

Vũ Hồ Tùng ngồi bên cạnh, hát ngay bài Thêm một, bản phổ của Việt Đức (hiện đang là Quyền giám đốc Học viện Âm nhạc Huế). Một bài thơ tình nổi tiếng khác của Trần là Bài hát ru hoa sen cũng có hai bản phổ. Và gần đây nhất, nhạc sĩ trẻ Nhị Độ vừa phổ xong hai bản Bài hát viết trên cánh anh đàoKhau Vai, được mọi người vô cùng yêu thích.

Khau Vai chính là bài thơ cuối cùng của Trần Hoà Bình, hoàn thành khoảng hai tháng trước khi anh qua đời. Viết về Khau Vai nhưng bài thơ lại được hoàn thành ở Lục Nam, quê nhà của Chu Phương. Và cũng chính Chu Phương là một trong những người được đọc Khau Vai sớm nhất, khi thi phẩm vẫn còn nằm trong sổ tay của Trần với đầy gạch xoá.

Chu Phương nói với tôi, về chuyện phổ nhạc cho thơ, Trần Hoà Bình nói thế này khi còn sống: “Tôi muốn rằng thơ tôi cứ để nguyên đấy, đừng có ai đụng vào mà phổ nhạc thơ tôi”. Âu cùng là quan niệm cực đoan đáng yêu của thi sĩ, còn những người yêu anh thì họ vẫn cứ làm theo cách của họ. Hai người bạn, người em gần gũi là Chu Phương và Vũ Hồ Tùng đã chẳng từng phổ “rất ngọt, rất bay” hai bài thơ của Trần là HạnhChiếc nơ tím đó sao?

Sinh thời, Trần Hoà Bình có nói: Mỗi năm tôi chỉ cần làm một bài thơ thôi, nhưng đó phải đích thực là thơ hay. Và khi in thơ, tôi chỉ chọn in 99 bài và 99 cuốn. Ngày hôm nay, cầm tập thơ trắng trong tinh khôi Ru hoa sen trên tay, những người ngồi đây cùng nói rằng: Không đủ. Mọi người bảo không đủ tặng đâu. Hôm nay, gia đình, bạn bè và học trò in đủ 999 cuốn… Nhiều như nỗi nhớ Bình ơi!

Tuy nhiên, Chu Phương nói với tôi: Trong tập này thiếu một bài, một bài thơ tình lục bát hiếm hoi của Trần Hoà  Bình và đó cũng là bài lục bát Trần ưng ý nhất. Bài thơ lục bát 14 câu mang tựa đề Hình như: Hình như ta có ngày xưa/ Áo the trường huyện ngựa khua ngõ dài/ Nửa đêm mực biếng không mài/ Mở trang sách gặp mắt ai phiêu bồng/ Trai chưa vợ, gái chưa chồng/ Núi xanh thật núi, mây hồng thật mây/ Ra sông thức bến ngủ dài/ Vào thung đuổi gió lá đầy gọi hoa…/ Hình như ta đỗ thám hoa/ Ngày vua ban áo ở nhà đợi em/ Cuốc gào mòn cả một đêm/ Em theo kẻ khác lên miền non xa/ Áo hồng từ thuở lạ nhà/ Ta mơ một giấc sa đà trăm năm. Bài thơ trên, theo ý tôi, 4 câu đầu mở khéo, 4 câu tiếp theo trung bình, 4 câu tiếp nữa thì hay vượt lên hẳn còn riêng hai câu cuối phải nói là kỳ bút, là thần của cả bài thơ. Riêng câu bát “Ta mơ một giấc sa đà trăm năm” có chất phiêu bồng lãng tử mà ngậm ngùi xót xa rất riêng của Trần Hoà Bình. Và không hiểu sao tôi còn muốn đọc câu thơ ấy theo một cách thứ hai nữa: “Ta SAY một giấc sa đà trăm năm”. Giấc mơ, cơn say hay cuộc đời thực tại này đôi khi cũng chỉ là một mà thôi, và nó vận vào chính Trần qua từng câu, từng chữ…

Không biết đã hết bao nhiêu chai rượu, từng người cũng lần lượt rời khỏi nhà hàng 83 Ngự Bình vì những lí do riêng. Tôi cùng Chu Phương, Phan Anh, Lê Văn Triển và một số học trò thân thiết của Trần quay lại căn nhà 14 thắp tiếp cho anh tuần hương của buổi chiều. Tôi đọc lại theo yêu cầu của Chu Phương trước bàn thờ Trần một số đoạn trong U mộng ảnh của Trương Trào, những đoạn mà ngày xưa Trần vẫn thích. Những trích đoạn U mộng ảnh đó nằm ở phần cuối cuốn Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), một cuốn sách mà Trần Hoà Bình luôn gối đầu giường và chỉ dành tặng nó cho những người anh thực sự yêu mến.

Tôi đọc và dừng lại ở đoạn cảm thấy nó như để nói về Trần: “Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được. Không phải chỉ vì tạo vật đố kỵ mà vì những con người ấy không phải là bảo vật của một thời mà là bảo vật của cổ kim vạn đại. Cho nên, tạo hoá không muốn lưu lại lâu trên đời mà hoá nhàm”.

Chúng tôi mở thêm một chai rượu cuối, Chu Phương đọc lại bài tứ tuyệt bằng chữ Hán mà sinh thời Trần vẫn ngâm nga. Trần thường ghi câu cuối của bài thơ này vào tất cả những quyển sách có trên giá mà anh tâm đắc: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Có thật đời người cùng muôn chuyện thịnh suy một ngày kia chỉ như giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ, anh Bình ơi…

Đỗ Anh Vũ
.
.