Nhiễu sự

Thứ Tư, 28/01/2015, 17:43
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu.Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Nhiễu sự chỉ sự lắm điều, thích gây phiền toái. Toàn nghĩ những thứ viển vông, toàn làm những điều thiển cận, không giống ai, không ai ưa mà cũng không đâu ra đâu.

Bấy lâu nay Ngô vẫn nghĩ, làm quan tức là tài trí anh minh, tướng mạo đường bệ, cử chỉ đường hoàng.

Nhưng lắm lúc, đời sống không thuận theo nhẽ an nhiên như tư duy được.

1. Quan nhân Hà Nội vừa làm phát khiến xe buýt xe bung làm đám đông vẫn chưa hết chới với thì đến lượt quan nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cái khiến đám đông chết giẫy đành đạch.

Quan nhân ở thành phố bảo, với đại ý “Cái gì chứ? Mua xe ôtô à? Mua xe ôtô thì có chứng minh được chỗ đậu không? Chứng minh được chỗ đậu ạ? Chứng minh được chỗ đậu thì có chịu tham gia đấu giá để đóng phí nhằm tham gia lưu thông không? Đường sá đang kẹt xe thế này? Người ta đang sở hữu xe ôtô nhiều như thế này? Ông còn mua xe nữa cho loạn ra à? Ông rảnh quá à? Ông dư tiền quá à?”.

Là sao vậy ta? Ngô cứ tưởng là quan nhân thấy dân giàu lên, dân đủ tiền mua xe ôtô đi để an toàn hơn, để nắng không chạm mặt, mưa không ướt đầu thì quan nhân phải mừng chứ. Đằng này, quan nhân lại xem đó là một áp lực thì có khổ người dân không.

Minh họa: Lê Phương.

Chuyện đường sá cầu cống là chuyện của quan nhân. Người dân ngoài rất nhiều khoản đóng thuế, lại còn đóng thuế xe cho ngân sách. Mà ngân sách là do quan nhân nắm giữ và chi dùng cho mục đích công.

Quan nhân nắm giữ vị trí này, quan nhân đã được thụ hưởng đầy đủ mọi khoản bổng lộc, trách nhiệm từ tiền ngân sách, thì nhiệm vụ của quan nhân là phải làm sao đó để người dân lưu thông không bị kẹt xe, mua xe không bị kỳ thị trong đối xử chứ.

Tại sao quan nhân cứ thấy việc gì khó lại đổ hết về phía dân.

Dân làm trối chết mua được cái xe ôtô, giờ quan nhân lại bắt dân phải thế này, bắt dân phải thế khác thì mới có thể chạy xe ra đường thì có khổ cho dân không.

Sao quan  nhân không mở rộng đường sá, sao quan nhân không điều chỉnh quy hoạch cho kịp tốc độ phát triển nhu cầu sử dụng xe ôtô của dân?. Mà quan nhân lại ngồi đấy, bảo “Phải hạn chế xe ôtô thì mới ổn được”.

Quan nhân cứ đùa, nhé. Dân hoàn toàn có quyền được pháp luật bảo hộ trong việc mua sắm và sử dụng tài sản tùy theo khả năng tài chính. Và tài sản ấy không vi phạm các quy định của pháp luật.

Làm sao quan nhân lại có thể nghĩ ra những chuyện hạn chế như thế này.

Ngô vẫn biết là chúng ta còn nhiều nỗi lo, chúng ta chưa đủ tiềm lực để thích thì làm đường 8 làn xe, muốn thì làm đường 16 làn xe. Nhưng chúng ta có nhiều cách giải quyết khác hơn là việc gây khó khăn cho người dân.

Quan trọng hơn, đừng như bác Thượng thư gì gì đấy lại thích xúc xiểm kiểu “Ai bảo các ngươi giàu?”, rõ ràng là rất không sòng phẳng với dân.

Bấy lâu nay, truyền thông xứ Ngô cứ cổ súy theo kiểu “ghét người giàu”, Ngô đã thấy rất không ổn. Giờ đến quan nhân cũng đưa ra chủ trương thế này thì quả thật lại càng không ổn hơn.

Bất cứ lãnh đạo của một quốc gia nào đều cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện khi thấy người dân ngày càng có khả năng hơn trong việc chi tiêu, còn một số ít quan nhân xứ mình thì lại khác.

Làm sao một đất nước có thể phát triển khi mà nhìn ngoài đường chỉ toàn xe gắn máy, làm sao một đất nước có thể phát triển khi mà muốn mua một thứ gì đó có giá trị cao lập tức phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi quá khó có câu trả lời từ các quyết sách do quan nhân chủ trương.

2. Đã xong đâu, vừa có vị quan dân (quan dân khác với quan nhân, quan dân giám sát quan nhân) bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo. Buồn chưa, đến quan dân mà còn lừa đảo thì dân phải biết bấu víu niềm tin vào đâu.

Như mấy lâu trước, Ngô chứng kiến cảnh một quan bà ở tỉnh miền Tây quậy phát khiến một quan tầm Tri phủ “chết đơ như cây cơ”. Đại khái, Tri phủ cặp kè với quan bà, nhưng giấu vợ. Quan bà được đằng chân lân đằng đầu, quậy khiến cả một phủ nát mem. Tri phủ mỗi lần muốn xử quan bà để gỡ gạc thể diện, quan bà lại trưng ra cái giấy chứng nhận, “Cô này đang mang thai”.

Quan bà sử dụng giấy xét nghiệm như một thứ bùa ấn, khiến Tri phủ sống không ra sống, khuất không ra khuất. Truyền thông đợt ấy đánh quan bà, sẵn tiện vạch luôn ra chuyện giữa quan bà với Tri phủ. Tri phủ ngậm đắng nuốt cay mà im lặng. Ai đời, đường đường là Tri phủ, lại để quan bà xông vào phủ, đập phá rồi nạt nộ công sai, không ra thể thống gì.

Ngô nói thật, đây là chuyện không giấu được. Đàn ông có chức quyền như mật ngọt, phụ nữ cứ như thiêu thân lao vào. Không đủ sức tránh, không đủ khả năng từ chối thì đành chịu. Tuy nhiên, sau khi đã chịu mà còn để thiêu thân quậy như Tri phủ thì ai mà chịu đặng. Tri phủ phán một câu, bao nhiêu người run rẩy. Tri phủ ban một lệnh, bao nhiêu người lo âu. Vậy mà, Tri phủ lại để quan bà xoa đầu thế này thì còn gì là uy nghiêm, còn gì là tôn kính, còn gì là công đạo.

Hay như hai ông quan ở tỉnh Đông Nam Bộ. Hai ông quan đã ăn cắp giờ công la cà quán xá nhậu nhẹt, nhậu nhẹt bia bọt cho say như con quay quay rồi lại còn hứng chí tẩn nhau. Ông này đấm ông kia một phát, ông kia táng ông này một ly bia. Đánh như Tam Anh đại chiến Lữ Bố, đánh như Triệu Tử Long xông pha cứu ấu chúa, đánh như Lâm Xung thọ nạn lều tranh, đánh như Hoạn Thư ghen chồng… Đánh đến độ dân bu đen đỏ vòng trong vòng ngoài để xem.

Tiền nhân dạy rồi, “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang / Đánh người rồi mặt vàng như nghệ”. Chuyện tốt chuyện xấu đều như gió trời, lan nhanh không thể kiểm soát. Chuyện hai quan đánh nhau được phơi dưới ánh nhìn của công luận. Hai quan mặt mày ủ ê, tranh phần xin lỗi nhau. Xưa đánh hăng như thế nào, chỉ hận một phát không đập gã kia quéo ngay, thì nay lại xin lỗi hăng thế ấy, chỉ hận ngôn từ không đủ minh chứng tấm lòng.

Duy có lần, Ngô thấy bất nhẫn vô cùng. Có vị thủ trưởng bé xíu xìu xiu, thủ trưởng bé xíu xìu xiu đang chỉ đạo nhân viên dưới quyền cấp cứu cho hàng trăm nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm, thì mấy anh mấy chị nhà báo nào máy ảnh, nào máy quay phim, nào máy ghi âm xông vào cơ quan của vị thủ trưởng bé xíu xìu xiu hỏi han đủ điều. Vị thủ trưởng bé xíu xìu xiu cáu quá, đuổi mấy anh mấy chị nhà báo ra khỏi cơ quan. Ngờ đâu, quyền rơm vạ đá, Thượng thư nghe mấy anh mấy chị nhà báo phản ánh bèn đùng một phát cách chức vị thủ trưởng bé xíu xìu xiu. Mấy anh mấy chị nhà báo thấy vậy hả hê nhiều lắm.

Làm sao mà Thượng thư lại nhiễu sự đến thế được, nhỉ(?!). Người ta đang bận cấp cứu, các anh các chị nhà báo xồng xộc như bắt quân gian vào hỏi thì vị thủ trưởng bé xíu xìu xiu đuổi cổ ra khỏi cơ quan là đúng quá rồi. Không khen thì chớ, lại còn bắt vạ.

Ngô chịu.

3. Lại thêm chuyện khác. Có các quan nhân ở tỉnh nọ làm sai, luật sư tham gia bào chữa cho công dân, thắng kiện. Các quan nhân lại đập tay ăn thề, cùng nhau kiến nghị xử lý luật sư. Tất nhiên là không ai lại chấp nhận một kiến nghị kiểu này, ngoài trời còn có trời, ngoài quan nhân này còn quan nhân khác sáng suốt hơn.

Điều Ngô muốn nói chính là sự tùy tiện của một vài quan nhân trong việc thực thi quyền hạn của mình. Quan nhân không phải là người ban phát luật, quan nhân lại càng không thể sử dụng quyền lực được giao phó một cách tùy tiện theo kiểu, “Tôi là luật, luật phải phục vụ cho tôi”.

Hơn một lần Ngô đã viết, làm quan có đạo làm quan. Đạo làm quan là vì dân phục vụ. Nhưng quan cũng là người, làm người thì phải có trách nhiệm lo lắng cho gia đình, cho những người yêu thương. Dân biết điều đó, Ngô là dân, Ngô cũng biết điều đó.

Ngô rất đồng ý quan nhân làm được, chơi được. Ngô lại càng mừng nếu quan nhân giàu có. Vì phải giàu có thì quan nhân mới toàn tâm toàn ý mà lo cho dân. Mà quan nhân phải giàu thì mới không có tư duy đổ thừa cho chuyện này chuyện khác, đổ lỗi cho vấn đề này cho sự vụ kia.

Mấy hôm nay, người dân luôn hướng về phía sức khỏe của một quan nhân xứ Quảng. Họ thành tâm cầu mong cho quan nhân được an yên, tai qua nạn khỏi. Vì với họ, đó là một vị quan làm được, chơi được.

Dân thì bao giờ cũng công bằng. Ngô đọc đâu đó chuyện người dân ở xứ Thừa Thiên còn lập cả am để thờ một vị quan biết lo lắng cho dân.

Ngô trộm nghĩ, dân nhìn dân mà sống tốt lên, thì biết đâu đó quan cũng phải nhìn quan mà hành xử không còn nhiễu sự.

Có gương trước mặt mà không soi thì hóa ra là phung phí lắm sao?

Ngô Nguyệt Hữu
.
.