Nhật ký "Tây du", lạ mà quen

Thứ Bảy, 17/09/2016, 16:05
Tôi (và chúng ta) đã buồn nhiều với cảnh "khai thác" du lịch, coi khách là con cá với cái thớt "chín tháng mài dao ba tháng chém" ở Việt Nam, giờ đi Tây mới thấy đúng là không riêng ở ta, sau bước chân du khách bao giờ "rác rưởi" cũng mọc ra...

Rất thật thà thế này. Mỗi lần ngồi các cỗ xe hơi tiền tỷ lao với tốc độ hơn 200 cây số một giờ hoặc ngồi các phi cơ hiện đại nhất thế giới bay ù ì miên man xuyên lục địa, tôi rất hay giật mình. Rằng chuyện thật hay chuyện mơ. Người quê tôi dễ hài lòng với hoàn cảnh, để khỏi phải "đánh đu với đời".

Như Nho học nói, đó là kiểu "tri túc tâm thường lạc". Bố tôi bảo, lẽ ra bây giờ mày đang cóp thêm tiền mua một cái công nông đầu ngang và phành phạch đi chở lúa với cô vợ vai u thịt bắp từ rộc Gậy về đầu làng. Được như này là sướng rồi, đừng có đú mà "leo cao ngã đau", con ạ. Quê tôi, mọi người gọi toàn bộ các chuyến xuất ngoại, bất kể đi Lào hay Campuchia, bất kể bay về phía đông hay phía nam - tất tật là “đi Tây” hết. Cái chết cũng gọi là "đi Tây Trúc".

Đủ loại dịch vụ rất thiếu lịch sự sẽ...

Đi những quốc gia đầy khu ổ chuột kinh khủng, bố mẹ tôi vẫn gọi là “đi Tây”. Và cái từ "Tây" ấy bao giờ cũng kèm với sự xa hoa, với bơ sữa và những cái đùi cừu nướng mỡ màng ngọt lịm, ướt rượt... trong lời kể của vài bác du học, xuất khẩu lao động hoặc "tiếng thơm" từ tiểu thuyết hay phim ảnh.

Tiếng Việt nói còn lắp bắp, tôi học "tiếng Tây" rất vất vả. Ngoài 30 tuổi vẫn tự tìm tòi học cách dùng khăn ăn, thìa dĩa sao cho đúng khi giao đãi. Quần áo thì năm 40 tuổi vẫn từ lúc mua đến lúc rách, chưa bao giờ đem là lấy một lần.

Thế nên, vào các cung điện dát vàng ở Nga, vào căn phòng hổ phách hay đến các kho báu mà họ trưng bày toàn thỏi vàng nặng vài chục ký lô (nặng đến mức họ luôn thách thức ai vác được cục nào thì cho luôn), tôi luôn tìm cách chụp ảnh lén về cho người làng xem (dẫu ở đó họ cấm rất ngặt). Lúc vào, cũng chỉ tủm tỉm cười nghĩ, giá mà họ cho đẽo một ít về cho mình bớt túng thiếu hoặc nghĩ làm thế nào mà họ bảo vệ được vàng bạc châu báu trước đạo chích nó vác dao gọt vàng khênh đi nhỉ.

Tay trắng, lơ ngơ "đi Tây", kiểu như kẻ bắt chước ông Lê Hữu Trác ngày xưa viết Thượng kinh ký sự ấy, thấy gì tôi cũng muốn chụp và chép lại. Lúc nào cũng 3 - 4 máy ảnh và các máy quay, máy ghi âm, điện thoại thông minh, có thiết bị gắn trên trán quay lại mọi thứ ở góc rộng nhất, chúng cứ "chạy ro ro". Chỉ sợ bỏ sót một sát-na (khoảnh khắc) nào đó của cuộc du thám.

...chờ bạn trong mỗi chuyến “Tây du”. 

Một lần sang Nga, thấy đoàn xe có mình tham gia được cảnh sát dẹp đường, được đặc cách vào toàn những chỗ sang trọng kiểu như quảng trường Đỏ hay Điện Kremli; rồi khu nghỉ dưỡng Sochi - nơi vừa điên đảo địa cầu với Thế vận hội mùa đông để nhìn qua Biển Đen tìm... Thổ Nhĩ Kỳ;

rồi lại đứng ở vịnh Phần Lan, dòm từ cung điện của Nga hoàng với hàng trăm vòi phun nước mạ vàng sang Phần Lan; lại thấy đi đâu cũng có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Nga Nguyễn Thanh Sơn đi cùng (nghi lễ phục vụ các yếu nhân, tôi chỉ là cậu phóng viên quèn), tôi khoái lắm, gọi điện từ Saint Petersburg về cho bố khoe ầm ĩ. Bố tôi ngoài 70 tuổi, ông bảo, nghĩ cho cùng địa cầu này chỗ nào chả thế. 

Chiến tranh, sắc tộc, tị hiềm, oán thán. Biển trong tưởng tượng của tao đẹp hơn, mênh mang và rợn ngợp hơn đủ các cái biển trên thế giới mà mày bỏ tiền tấn ra sưu tầm trong hành trang quay phim, chụp ảnh và ngắm nghía. Cụ già ưu thời lão giả an chi thì tính thế được. Tôi phản đối, dù vẫn thấy cụ nói quá đúng. Quá đúng nhưng mà nghe cụ thì có mà... sống cũng như chẳng sống, sức đương trai lại cũng như đã già nẫu.

Bố tôi nói đúng ở chỗ, trái đất này quay kiểu nọ, thớ đất màu đất các châu lục khác nhau kiểu kia, màu da người vàng, trắng, đen mỗi anh một vẻ ra sao thì chung quy cũng vẫn "trăm năm trong cõi người ta, cái cửa là để mở ra đóng vào".

Ví dụ như chuyện mưu sinh, đi đâu cũng thấy người vô gia cư, người ăn mày dưới các hình thức. Rồi quy luật cung cầu và sự thống trị của đồng tiền vẫn cứ theo cùng một giuộc. 

Ở châu Âu họ "ăn xin" sang trọng hơn Việt Nam hay Ấn Độ hoặc châu Phi một tí. Có ông bôi nhũ óng ánh, hóa trang mặt mình thành bộ đầu lâu xương sọ, anh ta cứ như thây ma lừng lững ở góc phố. Anh ta đứng bất động như tượng sắt. Ai nhìn cũng rợn. Có người tò mò sờ thử xem nó bằng gì. Nhưng hễ ai có ý định chụp ảnh hoặc chụp ảnh chung với anh ta, là con mắt liến láo từ trong hốc mắt đầu lâu... tóm sống. Nộp tiền.

Bạn sẽ bị đòi tiền hoặc nạt nộ khi...

Ở Nga, có từng nhóm người mặc trang phục Hồng quân Liên Xô, ở đấu trường La Mã có nhan nhản các võ sỹ giác đấu áo choàng thùng thình, giáp trụ xênh xang, mặt vuông chữ điền, râu tóc như tài tử xi-nê. Cảm giác như nghìn năm lịch sử vừa ùa ập bay về.

Ai nấy lòng xốn xang, nghĩ đến cái nhân văn của đấu trường cổ nhất thế giới hiện nay, với quy luật: hễ thêm một quốc gia từ bỏ án tử hình là họ lại thắp thêm một ngọn nến nơi đây. Nhưng! 

Mơ màng đi, kẻ nào cứ giơ máy chụp ảnh chung là võ sỹ tóm lấy, xin nộp vài chục ơ-rô ngay. Mà mỗi ơ-rô là khoảng 30 nghìn đồng tiền Việt ta. Cãi cọ là ăn đòn. Giáp trụ thế, gươm giáo thế, "con mồi" có chạy đằng giời. Nhiều sách du lịch và nhiều hướng dẫn viên đã phải tá hỏa cảnh báo đừng đụng vào gươm giáo, giáp trụ của các võ sỹ thời Trung cổ mà... tan xác.

Ở Bỉ, dọc các khu phố cổ với xe điện leng keng, với từng đoàn nghệ sỹ biểu diễn "ký ức" về người Di-gan huyền thoại, đủ áo khăn bằng lông chim lông thú, các nhạc cụ kỳ dị, tôi từng gặp những người đàn ông bôi son trát phấn, nhìn quái dị vô cùng.

Khi anh ta biến tay chân và gương mặt mình thành đàn bà với đứa bé sơ sinh khóc oe oe trong một cái nôi ngộ nghĩnh. Bình sữa gí vào miệng "cháu bé" (thật ra là bàn tay anh ta) cứ oe oe như khát sữa. Nhiều người đến gần ngó thì hóa ra một trò biểu diễn khá tài hoa, nó biến ảo như trò "múa rối" uốn lượn tay chân trước ánh đèn để tạo nên muôn hình vạn trạng đen đúa in lên bờ tường. Vẫn bài cũ, đơn giản thôi, ai xem và chụp ảnh thì thả "xèng" vào cho "bé con".

Ở các kinh thành trên sóng nước biển Andriatic đầy huyền thoại của quần đảo 108 hòn Venezia (Italia), có rất nhiều cô công chúa thời Trung cổ đứng tần ngần, váy xanh đỏ tầng tầng lớp lớp và trùm xòa kín cả một góc quảng trường dễ đến hai chục mét vuông.

...chụp ảnh với các nhân vật này.

Đẹp như cổ tích, kiêu sa như nữ vương, nhưng ở rìa khu vực mênh mông toàn váy áo đó là cái mũ xinh xắn sặc sỡ đang mở miệng chờ tiền. Công chúa đứng trên bục cao, có lúc lượn như thiên nga xuống "trần gian" và cầm mũ gí vào mặt khách, ai chậm ném "xèng" thì nàng ngúng nguẩy quay đi với sự "khinh bỉ" không giấu giếm (chắc là văng tục vài câu). Hoặc khu vực phim trường Tam Quốc ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, gần Thái Hồ của Trung Quốc. 

Đang mải mê với trận chiến Xích Bích rồi chiến thuyền Đông Ngô khổng lồ trên sóng nước vùng Giang Nam huyền thoại, chợt trong các bến sông lúp xúp như trong Thủy Hử, thấy bụi đất mù trời, tiếng ngựa hí quân reo dậy đất. 

Từ một đường hẻm trùm xòa cây dại, đại binh yểm trợ cho một võ tướng râu dài đao lớn xông ra. Ai nấy thất kinh, chưa kịp định thần, thì ba quân tướng sỹ đã dừng lại. Bụi tỏa lơ mơ. 

Họ trịnh trọng nhảy xuống ngựa, cung kính chắp tay chào du khách. Hỏi: có muốn cưỡi ngựa, có muốn xem một trận chiến hoành tráng giữa quân Tào và quân Đông Ngô không. Giá bây nhiêu tiền, xùy ra, tiền Việt tiền đô, gì gì cũng ô kê hết. "Chiến" luôn nhé. Họ nhảy thoắt lên ngựa, có khi hào hứng bế theo cả du khách đang kêu la hãi hùng. Vẫn là chuyện sức mạnh của tiền, toàn chuyện quen, ai cũng biết tỏng.

Tất nhiên, ở nhiều khu vực sang trọng, hoàng tử công chúa trong trang phục sững sờ sửng sốt mà ai cũng nghĩ các nhân vật tiểu thuyết đang bước ra hoặc các truyện cổ tích đang đội mồ sống dậy - thì họ đến, khoác vai du khách, mỉm cười thân thiện và không xin xỏ gì cả. Ai muốn cho họ cũng từ chối.

Nhưng, quá nhiều nơi, từ chỗ ăn xin lịch sự, từ chỗ bôi nhũ, hóa trang mình thành các nhân vật siêu nhân, người sắt, người nhện hay võ sỹ, ông hoàng bà chúa để làm vui và chờ của bố thí; nhiều đối tượng đã lưu manh hóa biến du khách thành con mồi để "xơi tái". 

Tôi (và chúng ta) đã buồn nhiều với cảnh "khai thác" du lịch, coi khách là con cá với cái thớt "chín tháng mài dao ba tháng chém" (mỗi năm có ba tháng trọng điểm du lịch) ở Việt Nam, giờ đi Tây mới thấy đúng là không riêng ở ta, sau bước chân du khách bao giờ "rác rưởi" cũng mọc ra.

Chuyện sẽ kể ở bài sau.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.