Nhật ký "Tây du": Đạo sĩ nổi đóa và cỗ máy ảnh biết bay

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:29
Lại nói chuyện sức mạnh của đồng tiền, tất cả chỉ vì một chữ "tiền". Các "hiệp hội cái bang" ở Ấn Độ chẳng hạn, họ trưng ra toàn những thân hình tội nghiệp và kỳ quái để khóc lóc xin rủ lòng thương. Đến đất Phật mà ai nấy mặt cứ đau thương vì áo cơm đói khát nó ghì xuống. 

Có lần tôi đã thở dài, sao đức Phật cứ đem cho thiên hạ an lạc tứ phương mãi, mà ngài lại không cứu những cư dân ngày đêm nằm rên la bên chính các thánh tích của ngài trước đi. 

Có ông lão râu tóc bạc phơ, dài thượt, gương mặt hồng hào như một đạo sỹ đã đắc đạo trong núi tuyết hoang vắng nào đó. Tay cầm quyền trượng với các bọc bùa chú, ông ta hóa trang đẹp đến mức phim ảnh người ta đóng cũng không thể ấn tượng bằng. 

Đến đấu trường La Mã, gặp các võ sĩ giác đấu mặc giáp, cầm khiên, hãy cẩn thận khi chụp ảnh chung kẻo bị xin đểu.

Ai nhìn cũng sướng con mắt và ai cũng như được tiếp thêm sự mộng mị lênh đênh thả hồn du ngoạn sông Hằng trong bình minh đỏ thắm. Tuy nhiên, tôi đã chết đứng như Từ Hải khi chụp ảnh chung với "đạo sỹ" rồi lịch sự bỏ ít tiền Ấn Độ vào tay nải cho ngài. Ai ngờ ngài thét lác ầm ĩ: "Trả thêm tiền cho tao!" bằng tiếng Ấn, bằng tiếng Anh, rồi lại tiếng Trung. Mày chụp 6 cái ảnh chứ không phải 1 cái, mày trả tiền gấp 6 lần. 

Trời ạ, tôi chơi máy ảnh chuyên nghiệp, lúc rong ruổi xứ người chả mấy khi có dịp quay lại nên cứ bấm thật nhiều cho chắc ăn. Hẳn là không nhiều người chơi ảnh biết là hầu hết các máy ảnh hiện đại đều thiết kế lúc chụp liên thanh thì một shot (cú bấm máy) sẽ "nổ" nhiều kiểu liền - chứ đừng nói dân thường, càng đừng nói đạo sỹ tuổi ngoại lục tuần ngỡ trong đầu chỉ nghĩ am mây mái cỏ như thế này.

Cảm thấy sốc, tôi đã cãi nhau, đã tìm công lý tử tế cho bờ sông Hằng huyền thoại. Và đạo sỹ vác quyền trượng với các giỏ bùa chú đòi đập tôi, đồng bọn của ngài cũng xốc tới hăm dọa. Người đuổi nhóm tôi chí mạng ai ngờ lại là ông ca sỹ già hay ngồi rút lược chải râu tóc ở bên sông có tòa lâu đài đốt xác người danh tiếng.

Có ngài thấy người nào nghi là của nước nào đến, là ngài thủ sẵn bài quốc ca nước đó, hát ầm ĩ. Hát tiếng Trung không thấy ứ ừ, quay ra tiếng Hàn, tiếng Nhật, rồi "Xin chào, chúc vui khỏe" bằng tiếng Việt. Trúng ông nào là ông ấy cười ồ, hóa ra "nó" yêu nước mình thế. Và lại thả "xèng", cứ như trò chơi điện tử của trẻ nhỏ khi vào khu vui chơi thu phí vậy.

Những người ăn xin tội nghiệp giữa lòng châu Âu giàu có.

Đúng là, nhìn cảnh xếp hàng cả ngày mới leo lên được tầng thấp tè của tháp Eiffel, nhìn dòng người kìn kìn chen vai thích cánh đứng dí dị một chỗ để tìm cách vào thăm bảo tàng Louvre kỷ lục thế giới; lại muốn bỏ cuộc khi đứng chôn chân trong mưa mua vé vào thăm Vatican, hôm ấy, tôi đã "lòng tự nhủ lòng": Đừng mất lịch sự chen ngang, phải kiên trì xếp hàng, đó là văn hóa tối thiểu để đến với kinh đô ánh sáng lúc nào cũng người đông như hội này. 

Và nhớ là cẩn thận trộm cắp. Chưa bao giờ người châu Phi vượt biển tràn vào châu Âu nhiều như bây giờ, hàng nghìn người bỏ mạng giữa đại dương cũng như trong các đường dây di cư mafia khác.

Chưa bao giờ kinh tế châu Âu lao đao như bây giờ. Bần cùng sinh đạo tặc. "Bố già Ý" tung hoành ở khắp châu Âu, có khi chỉ tập trung vào kỹ năng "hai ngón" (móc túi). Nhớ là ba lô nào đeo đằng trước bụng thì may ra là của ta, còn cái đeo phía sau thì đích thị là của kẻ trộm.

Nhớ nữa, ở các điểm nóng tràn ngập du khách, có chỗ bát nháo như đài phun nước 400 năm tuổi mà cặp nam nữ còn trần truồng nhảy vào tắm, thì đừng quá tin vào những ứng xử tử tế ở chỗ kìn kìn du khách mà dính quả lừa nhé. Miếng pho mát cho không chỉ có ở trên bẫy chuột.

Paris hoa lệ và cũng rất xô bồ.

Dặn vậy, không bị móc túi khi trôi trong dòng người vô tận khiến bất kỳ ai cũng buộc phải di chuyển, nhưng anh bạn tôi là tổng biên tập một tờ báo Trung ương vẫn bị mất trộm như thường. Ngồi công viên, tháo túi máy ảnh ra cho đỡ nặng vai.

Vừa lúi cúi bấm vài ảnh chụp chim bồ câu đậu rợp sân nhà thờ Đức bà Paris, chưa kịp ngắm thằng gù và gác chuông huyền thoại trong truyện của Victor Hugo, thì quay ra, bộ máy ảnh đắt đỏ đã không cánh mà bay. Mỗi ống kính tính bằng một vài nghìn đô, mà chục ống, giời ạ. Ở Paris, có lẽ các nhà bảo tồn sợ nhất là… bồ câu.

Nghe nói họ cho chúng ăn thức ăn có thuốc triệt sản để tránh chúng lấn hết đất sống của con người. Khắp các di tích ở châu Âu, thấy người ta đều giăng lưới chặn chim bồ câu phóng uế thành "núi" làm hỏng các hạng mục vài trăm đến cả nghìn năm tuổi. Đúng là hiếm nơi nào trên thế giới mà lại có mật độ sinh sống của chim bồ câu dày đặc như ở châu Âu. Nhiều nơi, rẽ bồ câu ra, chúng tôi mới đặt được bước chân mình xuống.

Và cánh người da đen mới nhập cư bèn "chống móm" bằng cách đem bỏng ngô ra xúi du khách… chăm sóc bồ câu. Bạn tôi là một thi sỹ. Thi sỹ nào cũng hơi ngẩn tò te một tí, nhất là lúc gặp bồ câu nhiều vô thiên lủng, chúng đập cánh mát rượi cả không gian.

Vị “đạo sĩ” có vẻ tiên phong đạo cốt nhưng khá côn đồ này tôi đã gặp bên bờ sông Hằng, Ấn Độ.

Đang ngồi ghế đá, mơ màng thai nghén một bài thơ về sự sum vầy giữa con người và thiên nhiên ở nơi đô hội thứ thiệt trên địa cầu thì anh thấy bồ câu bay tá hỏa, có một đôi giày thể thao rách nát bước đến trước mặt anh.

Với một thứ tiếng Anh chuẩn và thái độ kính cẩn, anh ta bảo thi sỹ hãy cho bồ câu ăn đi. Đó là miếng ăn của lòng nhân ái, ai cũng chăm sóc bồ câu như anh và như thế thì các nhà thơ như anh lúc này mới có cái mà làm thơ. Nó nói đúng quá, chợt thấy trọng trách của mình trong chuyến "Tây du" là phải vỗ béo cho lũ bồ câu, thi sỹ cảm kích ngẩng mặt lên. Mắt anh ở ngang tầm một nắm bỏng ngô.

Trong bàn tay đen đúa với từng phần thịt đỏ au của gã da đen, là gần chục miếng bỏng ngô trắng toát, thơm nức mũi. Mấy góc bỏng ngô vàng khé mới hấp dẫn làm sao, cái mùi ký ức ấy làm thi sỹ người Việt thấy nhớ cả chợ quê và "xu bánh đa vừng" trong câu hát của Nguyễn Trọng Tạo bạn anh. 

Gã da đen thân thiện làm thi sỹ xúc động mạnh. Anh ném từng hạt bỏng ngô cho bồ câu ăn. Ai ngờ anh ta ngồi âm thầm đếm như ma xó. 8 cái bỏng ngô, mỗi cái anh ta tính 5 ơ-rô, vị chi là 150 nghìn đồng/hạt. Hơn triệu bạc vài cái bỏng ngô ném vù ra không gian kiểu "thóc đâu mà đãi gà rừng".

Dịu dàng mà kiên quyết, anh ta đòi tiền, nói là trấn lột cướp bóc thì cũng đúng tính chất, nhưng tòa nào xử được cái tội ấy. Anh ta đang cười, hàm răng trắng lấp lóa, đút tiền vào túi quần thể thao rách, vểnh cái mũ như mỏ chim chào mào và thủng thẳng bỏ đi. Gã móc trong túi áo thụng ra một nắm bỏng ngô, trơ tráo đi gạ du khách khác bằng một bộ mặt đầy nỗi niềm. Đàn chim bồ câu cả tin cứ bu lấy hắn, rất thân thiện. Đúng là bồ câu chả có lòng dạ nào bao giờ.

Buồn nhất là những dịch vụ du lịch làm tổn thương đến lữ khách. Có lần ở Trung Quốc, cách đây gần chục năm rồi mà chưa bao giờ tôi thôi ám ảnh. Trên đỉnh Nga My ở Tứ Xuyên, một kỳ quan của gầm trời này, đẹp lẫy lừng vậy, nhưng ở các khách sạn trên núi rừng mù sương kia, họ quản lý kẹt xỉ đến từng quả trứng luộc bé xíu. 

Khách bản địa họ ăn rào rào, ăn sấp mặt vào không để ý đến ai. Họ tranh cướp nhau mà ăn. Họ nói to và hành xử thô lỗ đến mức bộ ngoại giao nước này phải ra một văn bản, đại ý là: công dân đi ra nước ngoài thì nhớ lịch sự giữ hình ảnh cho đất nước. 

Vòng xoáy của nhịp sống châu Âu có thể gây ra nhiều hiểm họa cho du khách.

Tôi chứng kiến họ tranh nhau ăn trứng luộc trong một bữa tiệc buffet kỳ dị. Các cô phục vụ chưa xếp trứng vào khay xong, ngoái ra đã... trống trơn. Thấy chúng tôi e thẹn đứng nhìn và lảng đi trong cái đói, mấy cô nhân viên mới lúc lắc hai bím tóc thơ ngây, tay cầm các giỏ tre xinh xẻo cứ tần ngần.

Tôi cũng nhẩn nha ngắm họ, trông quen lắm các ái nữ ơi, em vừa như tiên nữ thung thăng đi hái đào để mở tiệc bàn đào cho Vương Mẫu trong Tây Du Ký, lại vừa như yêu quái lắc mình biến thành gái quê cất tiếng hát lí lơi đi rừng hái nấm để lừa thầy trò Đường Tăng vậy.

Hết thuốc cứu vãn tình thế thậm nguy, các cô bồi bàn của đỉnh Nga My bèn thả trứng vào giỏ và bắt khách xếp hàng đi qua hết lượt. Mỗi người được ban cho hai quả, chia đều khỏi tranh cướp. Cứ như là đang phát chẩn hồi Ất Dậu 1945 ở miền Bắc Việt Nam.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.