Nhan sắc để dành

Thứ Hai, 21/11/2011, 15:35
Lâu rồi tôi mới gặp mỹ nhân. Mỹ nhân vẫn xinh như ngày nào. Mỹ nhân da trắng như tuyết, môi đỏ như dâu tây, tóc đen như gỗ mun sau khi bén lửa. Mỹ nhân diện xiêm y đen, váy dài quá giày, trong suốt như thủy tinh. Những hở hang làm phàm phu choáng váng, những trinh nguyên khiến quân tử giật mình. Mỹ nhân vẫn tự tin như hôm xưa, khi mà mưa gió qua đời nhau, lúc mà giông bão ngang danh vọng.

1. Mỹ nhân là hoa hậu. Tình thiệt thì tôi lơ ngơ như người trên núi xuống, như dân trong rừng ra, lần đầu biết thế nào là phố thị. Tôi không biết cái vương miện mà mỹ nhân đội trên đầu nặng bao nhiêu ký, danh vọng giúp mỹ nhân được những gì. Chỉ biết, thị phi trút vào mỹ nhân như lá úa đổ chiều thu. Khổng Phu Tử dạy đại ý, hết mùa đông, khi cây trút lá, người ta mới nhận ra cây tùng cây bách. Mỹ nhân đã qua mùa thu rồi, rồi qua mùa đông mà mỹ nhân vẫn đứng vững như lời thánh nhân khắc vào bia đá.

Dẫu không đình đám, nhưng mỹ nhân thi thoảng vẫn khiến người khác nhắc đến mình. Tôi nhớ hôm xưa, cô giai nhân từng mang theo một lúc hàng đống vệ sĩ trắng đen, mập ốm, cao thấp đủ cả, bảo rằng: “Mỹ nhân là người không trình độ, mỹ nhân chỉ đáng là người mẫu hạng C, mỹ nhân không đáng làm hoa hậu”.

Cũng thời khắc ấy, tôi ngậm ngùi thương cho nước mắt của mỹ nhân. Hẳn nhiên, ai mà không thảng thốt trước những lời nói chỉ dành cho kẻ thù ấy. Mừng là ông trời có mắt, sau khi giải tán hết vệ sĩ, giải tán cả tiểu gia mê xe phân khối lớn, thì giờ đây, giai nhân đã im tiếng, chỉ còn mỹ nhân tự tin sải bước trên đường dài.

Dưới triều đại của ông hoàng hoa hậu, người ta có lần đòi tước vương miện của mỹ nhân. Người ta gào lên phẫn nộ như nông dân mất đất, như Hoạn Thư đánh ghen…

Người ta nói, mỹ nhân đã khai gian, rằng mỹ nhân tú tài chưa xong nói gì trí thức. Người ta xộc vào nhà mỹ nhân, hỏi mà như khảo tra. Người ta lao đến trường mỹ nhân, tìm hiểu mà như truy vấn. Người ta săn đón mỹ nhân ở nơi này, người ta rình rập mỹ nhân ở nơi kia. Bất cứ con đường nào mỹ nhân đi qua, người ta đều chìa máy ghi âm, thập thò máy chụp ảnh. Thậm chí, hôm mỹ nhân khăn gói đi thi lại tú tài, người ta cũng không buông tha mỹ nhân.

Ơn trời, ông hoàng hoa hậu đã kiên định bảo vệ mỹ nhân. Có như vậy, thì tôi mới có hoa hậu.

Những cô hoa hậu ngày trước, đã có chồng hoặc suýt có chồng. Hồng nhan bao giờ cũng truân chuyên. Nước mắt vương miện bao giờ cũng mặn đắng. Chỉ còn sót lại một mỹ nhân này và một mỹ nhân khác.

Người ta sầm sì mỹ nhân này cướp bồ của mỹ nhân kia. Tôi nghe bán tín bán nghi, mỹ nhân xinh thế, đại gia thì xe chở đấu đong. Thậm chí, đại của đại gia hoặc đại của đại đại gia bao giờ cũng sẵn sàng đậu xe trước ngõ chờ mỹ nhân, việc gì phải làm cái trò của người không nhan sắc ấy.

Mà tình thiệt, thì người ấy đã được xếp vào hàng ngũ đại gia đâu, mỹ nhân nhỉ?. Thiên hạ đồn cứ đồn, mỹ nhân sống cứ sống. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thị phi như nước chảy qua cầu, chỉ có dung nhan điểm trang là còn thu vén được.

Dài dòng chỉ để hỏi mỹ nhân một câu không cần lời đáp: “Thế cái vương miện ấy, có làm nặng đầu lắm không?”.

Ít lâu trước, tôi đọc thấy, suýt hoa hậu kéo nhau hàng chục người rồng rắn tiến vào nơi khốn khó. Khốn khó còn trẻ con, đôi khi, khốn khó chưa phân biệt được đẹp xấu. Khốn khó chỉ muốn một bữa cơm đủ ăn, một bát canh đủ nóng. Khốn khó chẳng có gì ngoài ước mơ là có thể tiêu hoang.

Vậy mà, suýt hoa hậu vào nơi ấy, suýt hoa hậu đến nơi này. Suýt hoa hậu xồng xộc vào bếp, suýt hoa hậu xăng xái ra vườn, suýt hoa hậu cười tươi tạo dáng, để rồi suýt hoa hậu quẳng vào nơi ấy chính xác 1,5 triệu đồng vào khốn khó.

Bữa ăn mặn đắng, bữa ăn buồn xo. Khốn khó vẫn mỉm cười trông vào nhan sắc. Dẫu rằng, nhan sắc không quy đổi được niềm vui. Đơn giản, khốn khó chưa đến tuổi thụ hưởng niềm vui đó.

Lẽ ra, tôi sẽ viết dài hơn về điều này. Lý ra, tôi sẽ bàn sâu hơn về điều này. Nhưng có gì đó bất nhẫn cứ hiện ra. Nên thôi, chỉ muốn nói với suýt hoa hậu và cả những người đang bận rộn chăn dắt suýt hoa hậu. Cái gì cũng vừa vừa phải phải thôi.

Biết là nhan sắc phải đi đôi với lòng nhân ái. Biết rằng dung nhan phải đi đôi với tình thương. Biết cả chuyện danh xưng phải cần khoan dung như người đẹp cần đồ trang sức.

Nhưng dầu gì thì dầu, đừng mang khốn khó ra để điểm trang. Tội nghiệp khốn khó. Khốn khó như vậy, không phải là quá đủ đầy cho một thân phận sao.

Với lại, vào thăm khốn khó, hãy kiệm phấn son. Đừng như hoa hậu từ thiện đi thăm người bị nạn ở Tây Đô, vận đồ bà ba vải soa, mỏng đến tình tang, mặt mày lòe loẹt.

Nhìn cảnh đó, thấy không đặng. Không lẽ, bắt người ta thốt lên một câu trước khi ngã gục: “Biên cương lá rơi hoa hậu em ơi, đường dài mịt mù em đừng ghé chơi… Mây nước buồn cơn lửa binh, trách chi chuyện chúng mình… tính tinh tinh tinh tình tình…”.

2. Nhan sắc để làm gì? Đoan chắc nhan sắc nào không để thụ hưởng. Ai nói với ai, nhan sắc là tài sản quốc gia, nhan sắc để đi thi quốc tế, nhan sắc để ngắm nhìn, nhan sắc phải làm đại sứ, chỉ có người không đàng hoàng mới nhìn nhan sắc đòi bướm hoa én lượn. Kẻ tiểu nhân luôn tỏ ra quân tử để che đậy bản chất của mình.

Vấn đề là, phải tìm cách để đủ khả năng  thụ hưởng những điều ấy.

Cái anh chàng gì xấu xấu lắm tiền ấy, không phải hết lần này thụ hưởng đến lần khác khoái lạc với nhan sắc hay sao? Xét đến cùng, thì anh có gì ngoài ngoại tệ đâu. Chỉ cho tôi xem, có nhan sắc nào yêu một hàn vi đi. Lúc ấy, tôi hứa là sẽ thôi viết phiếm. Để tôi minh chứng lời tôi nói, nhé.

Nhan sắc nổi danh trong bộ phim truyền hình dài tập dành cho tuổi mới lớn. Kịch bản phim chuyển thể từ truyện dài nổi danh của một nhà văn nổi tiếng. Sau bộ phim ấy, nhan sắc vụt trở thành một tên tuổi.

Nhan sắc bảo, nhan sắc không đóng phim nữa. Nhan sắc sẽ sang Tân Gia Ba du học. Nhan sắc tin rằng, chuyện ngoài biên giới ít người biết. Nhưng nhan sắc lại quên mất, lời đồn nhanh hơn gió thoảng.

Người đàn ông ấy nói với mẹ nhan sắc rằng, ông ấy là doanh nhân, tiền nhiều như cát trên sa mạc, như nước dưới đại dương. Nhan sắc chỉ cần đáp máy bay sang bên kia, muốn gì có nấy.

Hái sao trên trời, bắt trăng dưới bể, chuyện đấy ông ấy không làm được. Nhưng nhà ở Phú Mỹ Hưng, biệt thự ở Tân Gia Ba, xe hạng sang, trường hạng nhất, lụa là gấm vóc, hạt xoàn lấp lánh tay… thì ông ấy lo được. Mẹ của nhan sắc nghe nói bùi tai, ngây như người uống nhầm thuốc lú, thúc giục nhan sắc thu vén lên đường.

Sang đến bên ấy, mới biết đàn ông cũng thường thôi. Đàn ông không có biệt thự, đàn ông chỉ có nhà. Đàn ông cũng là doanh nhân, nhưng buôn bán vặt vãnh. Cái nói thật duy nhất của đàn ông, chính là số tuổi đàn ông đang sở hữu.

Tên rời khỏi dây cung, đạn bay khỏi nòng súng, biết quay về sao đây(?!).

Mẹ nhan sắc chờ hoài không thấy nhà Phú Mỹ Hưng, đành bằng lòng với căn chung cư nhỏ xíu. Không tìm thấy xe siêu sang, nên vui vẻ ngồi xe gắn máy. Mẹ nhan sắc đi buôn chuyến này, lỗ toàn phần. Cũng may là nhan sắc còn có ngày về.

Mẹ nhan sắc trần tình với tôi rằng: Mẹ nhan sắc đau đớn vì điều đó, mẹ nhan sắc có cần tiền đâu. Mẹ nhan sắc buôn bán nhà đất, tiền đầy ứ trong két, tiêu cả đời không hết, mẹ nhan sắc thèm vào giàu sang.

Nhan sắc cần gì mẹ nhan sắc cho nấy. Nhan sắc muốn điện thoại di động, mẹ nhan sắc cho nhan sắc Vertu giá trên trăm triệu. Nhan sắc muốn học trường Tây, mẹ nhan sắc cho nhan sắc học trường có học phí vài nghìn đô mỗi tháng. Chẳng qua, mẹ nhan sắc lo cho nhan sắc mới để thằng vô lại ấy lừa.

Ngày ở Việt Nam, thiếu gia đeo đuổi nhan sắc nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Có thiếu gia là con của một chủ tập đoàn giàu có. Có thiếu gia là quý tử con của một quan chức hạng sang, có thiếu gia là chủ một doanh nghiệp tầm cỡ. Ai cũng thương nhan sắc thật lòng, ai cũng yêu nhan sắc thắm thiết.

Nhưng, mẹ nhan sắc không chịu các thiếu gia. Vì thiếu gia không có cái quốc tịch nước ngoài. Quốc tịch nước ngoài mới sang, chứ tiền thì đâu chẳng vậy, đáng gì đâu.

Có thiếu gia nói với mẹ nhan sắc, thiếu gia sẽ tặng nhan sắc chiếc SH. Mẹ nhan sắc bĩu môi nói, mày tưởng SH của mày là Audi, mày nghĩ SH của mày là BMW sao. Có 8 nghìn đô một chiếc, tính đem nhiêu đấy ra để dụ dỗ con gái của tao à. Nếu mày thích, tao mua mười chiếc đến đập thẳng vào mặt mày cho mày tỉnh người ra.

Tôi nghe mẹ nhan sắc kể, mắt tròn xoe lắng nghe. Mãi lâu sau mới dám nói một câu vô cùng thê lương: “Bác ơi, hôm nào con rửa mặt sạch sẽ, bác mang SH, một chiếc thôi, duy nhất một chiếc thôi, bác đập thẳng vào mặt con, nhé. Đập xong bác cho con, rồi nếu chưa hết giận, con gọi thêm bạn bè con ngồi xếp hàng chờ bác đập tiếp, nha”.

Mẹ nhan sắc nghe xong phì cười. Quỷ à, nói gì mà nói kỳ vậy, người đàng hoàng như con ai lại hành xử như vậy.

“Dạ, đàng hoàng mà không nhan sắc đôi lúc cũng buồn, hén bác”, tôi cố gắng vớt vát.

“Ở đời, công là công, quạ là quạ. Phượng hoàng là phượng hoàng, gà là gà. Rồng là rồng, rắn là rắn, à con” mẹ nhan sắc đáp tỉnh bơ.

Sau khi xác tín lại danh phận của chính tôi giúp tôi, mẹ nhan sắc lại nở nụ cười thỏa mãn.

Thế thôi, có thể trả lời giúp tôi, nhan sắc để làm gì không (?!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.