Nhâm nhi kỷ niệm bia Hà Nội

Thứ Bảy, 20/02/2010, 09:21
Có thể phải sau cả ngàn năm, thành Thăng Long mới sinh ra được đặc sản Cốm Vòng. Có thể phải sau cả trăm năm, đất Hà Nội mới sinh ra đặc sản Chả Cá Lã Vọng. Nhưng, chỉ dăm chục năm sau Giải phóng Thủ đô Tháng Mười 1954, người Hà Nội, hay nói cặn kẽ ra là những người thợ của Nhà máy Bia Hà Nội, họ đã làm nên một đặc sản lẫy lừng quốc nội và nổi danh quốc tế . Đó là Bia hơi Hà Nội.

Những ai trên dưới 50 tuổi và hơn thế nữa mà là dân Hà Nội hay từng sống Hà Nội đều không thể không công nhận điều nhận xét trên là một sự thật. Có lúc, cổng nhà máy bia trên phố Hoàng Hoa Thám giống như một "điểm hẹn tình yêu" của các gã đàn ông Hà thành. Đến đấy vào những tháng ngày bát cơm bưng lên bo bo ngô sắn độn nhiều hơn gạo, thịt phiếu mỗi tháng 3 lạng một nhân khẩu, các gã bợm nhậu chỉ nghĩ đến gói lạc rang và cốc bia vàng óng mà đã nước bọt tứa đầy mồm miệng. Sao không thể gọi là "điểm hẹn tình yêu", khi mà các chàng trai cho chí ông lão Hà Nội, bước đến quán bia là mang theo nỗi khát thèm, mang theo nỗi hồi hộp, sợ xếp hàng chậm chân hết bia chẳng khác gì sợ người yêu đi mất, mang theo nỗi khắc khoải nhìn những bom bia cạn đáy như lo giai nhân … cạn tình?! 

Bây giờ, bao nhiêu là rượu Scotland, bia Đức, bia Tiệp, bao nhiêu là nhà hàng siêu VIP ngồn ngộn đặc sản biển rừng, có ai quên được những trưa hè không điều hoà quạt máy, không khăn lạnh tiếp viên, dưới bóng cây cổ thụ Bách Thảo, bên Vườn hoa Hàng Đậu, Cổ Tân, mát rượi cốc bia hơi 3 hào 1 lít? Mà phải là "bia nhà máy" cơ, "bia Hoàng Hoa Thám" ấy. Trên những cốc bia vàng là xanh ngắt những vòm cây. Trên những vòm cây là xanh ngắt bầu trời trưa hè Hà Nội. Bây giờ, bao nhiêu là ba ba Hải Dương cầy hương Sơn La, bao nhiêu là cá hồi Nga và xúc xích Pháp, nào có ai không nhớ những sợi thơm nồng xé nhỏ ra từ con mực Quảng Xương gầy khô đen đét và hạt lạc Hà Bắc nóng ròn đượm hương húng lìu bạn bia trao nhau bên vại bia hơi 3 hào 1 lít ?

Bên những vại bia là bạn bè, chiến hữu. Đứa mặt trận B2 ra, đứa nông trường Tây Bắc xuống, đứa công trường Đông Bắc về, những chàng trai Hà Nội thời loạn lạc gian khó, chẳng hợp đồng kí kết, không dự án đất đai, không mánh mung quyền chức. Không cardvisit, chẳng mastercard. Chỉ những hào xu, chỉ những đồng bạc lẻ, nhầu nhĩ như trang phục của họ, thấm đẫm mồ hôi như khuôn mặt họ. Chỉ uống và uống. "Dô…!Dô…!", 100% vại bia, 100% thành thật, 100% chia sẻ, 100% tấm lòng. Mà cùng với bia hơi, hoà với bia hơi, dường như là thư giãn, dường như là thanh thản, dường như là an bình Hà Nội.

Lóc cóc chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng lốp chằng xích rão, loẹt quẹt chiếc dép cao su mòn vẹt luôn tụt quai, áo bảo hộ xanh chấm trắng muối mồ hôi vừa ráo, áo "bay'' Liên Xô cỏ úa thời thượng, quân phục bạc màu phảng mùi khói súng, những gã đàn ông thời loạn tìm đến những quán bia hơi bình dân, ngồi bệt trên nóc hầm trú ẩn hay vạt cỏ vườn hoa, người trịnh trọng, kẻ hào sảng, nâng vại bia ngang mày như 108 anh hùng Lương Sơn Bạc nâng chung rượu thề, ngả cổ tu, khà khà nuốt. Để mà uống, để mà trước hết là giải khát, rồi sau có thể là giải sầu, giải hạn.

Bia hơi, ấy là dân dã và vui vẻ, ồn ã và đậm tình, bụi đời và phong trần. Bia hơi, ấy là để mà ngà ngà "5 xu bia một hào lạc", để mà chân nam đá chân chiêu vẫn lẩy hẳn Kiều "trăm năm bia đá thì mòn, trăm năm bia… lạc vẫn còn trơ trơ", để mà xoa rốn nghêu ngao hát nhại chị Xuân Quỳnh và bác Phan Huỳnh Điểu, rằng "chỉ có bụng mới hiểu, bia đi đâu về đâu. Chỉ có bia mới biết, bụng mênh mông nhường nào" !!! 

Tôi nhớ như in quán bia Nguyễn Biểu bên hồ Trúc Bạch những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Có một ông lão râu tóc bạc phơ, mảnh mai  thân hạc, chỉ có đôi mắt là sáng rực anh minh, cứ chiều đến lại lủi thủi lóc cóc từ phố Châu Long gần đó ra quán bia Nguyễn Biểu để nhặt nhạnh thu dọn các cốc bia khách đã uống xong giúp các cô nhân viên quầy bia, rồi cả dọn bàn, rửa cốc, rồi đôi khi là quét tước. Ông lão làm thế, trong ánh mắt có khi là lạ lẫm của kẻ tò mò, có khi là thương hại của kẻ hãnh tiến. Ông lão làm thế vì nghèo. Ông lão làm thế để mỗi chiều tà sau giờ cao điểm, được các cô nhân viên "ưu tiên" cho mua vài vại bia không bắt kèm đồ nhắm, có hôm được "biếu" hẳn vại bia. Tiền bia thì đã đành, nhưng đồ nhắm có khi chỉ là chú ếch xào măng, con cá rô hồ Trúc Bạch rán ròn, nhưng thế đã là "cao lương mỹ vị", thế đã là quá xa xỉ với ông lão nghèo khó ấy.

Trời ơi! Mãi mãi sau này, hàng chục hàng trăm năm sau, ai trong số những khách bia Nguyễn Biểu, ai trong số các nữ mậu dịch viên quầy bia ngày ấy, ai trong số những người làm ra bia hơi Hà Nội, ai có thể biết rằng, ông lão ấy chính là nhà văn kỳ tài đất Việt Đoàn Phú Tứ, nhà dịch giả uyên thâm đã mang đến cho bạn đọc cả nước một thời những tác phẩm dịch "đẹp như nàng công chúa" từ nguyên gốc của nền văn học cổ điển Pháp với bút danh Tuấn Đô!   

Tôi cũng không thể nào quên một đêm Thu cách đây đã gần chục năm. Lấn ấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra Hà Nội để viết kịch bản phim tài liệu về chiến công của Công an Hà Nội giải cứu em bé người Nhật bị bắt cóc  tại phố Thụy Khuê. Khuya lắm rồi, viết lách chắc đã mỏi, ông kêu tôi tới cùng dạo đêm Hà Nội. Trong hương hoa sữa cuối mùa ngào ngạt, ông bảo tôi đưa ông về phố Cổ Tân bên hông Nhà Hát Lớn. Giữa vườn hoa Cổ Tân đêm thu ấy, ông bồi hồi kể cho tôi về thời trai trẻ sống ở Hà Nội. Ông nhớ tiếng dương cầm tối tối cô con gái nhà chủ nơi các ông - những cán bộ học sinh miền Nam tập kết - ở trọ nơi gần phố Lý Đạo Thành thường dạo những bản Sê-rê-nát của Su-be hay Xô-nát của Sô-Panh. Ông nhớ người con gái Hà Nội mê văn mà mê luôn chàng trai Nam Bộ xa nhà. Và đặc biệt ông nhớ quán bia hơi Cổ Tân những ngày xếp hàng rồng rắn lên mây giữa hai hàng rào sắt, nhích từng bước như rùa cùng tấm tích kê cũng bằng sắt để mua được một vại bia thuở ấy.

Ông già  Nam Bộ quái kiệt, ông lão nhà văn sành đời và sành điệu vào hàng nhất phương Nam ấy đêm nay run rẩy nhớ cốc bia hơi Hà Nội thời trai trẻ. Ông đã viết về bia hơi Hà Nội một dòng nào chưa, trong trăm ngàn áng văn ông từng viết, thưa nhà văn? Chỉ biết, nơi khoé mắt đã nhăn chân chim trên khuôn mặt vô vàn từng trải của ông đêm ấy, tôi chợt thấy ngân ngấn những giọt nước mắt. Với ông, và với cả triệu người từng sống ở Hà Nội những năm tháng ấy, bia không chỉ là một thứ nước giải khát "thơm, ngon, mát, bổ" như từng được viết ở cổng nhà máy bia hay ở những dòng quảng cáo viết bằng phấn trắng trên bảng đen. Bia là kỉ niệm một thời trai trẻ không chỉ của Nguyễn Quang Sáng. Bia là dấu ấn "một thời đạn bom, một thời hoà bình" của một thế hệ Thủ đô. Bia mang cả vị cay nước mắt vị đắng mồ hôi một thời gian khó mà vô tư, đói khổ mà hào hùng của cả triệu người dân Hà Nội …--PageBreak--     

Tôi còn nhớ có lần, theo chân anh bạn khi ấy đang làm Trưởng Công an quận Ba Đình, tôi cùng nghệ sĩ Trần Bình dắt theo cậu con trai (con chung của anh với ca sĩ Ái Vân) từ Mỹ về được chui vào hầm nhà máy bia để uống bia. Có lẽ không có một cuộc uống bia hơi nào đặc biệt đến thế trong đời tôi. Không phải vì được uống bên cặp nghệ sĩ trai tài gái sắc, không phải vì được uống nơi chỉ có các chuyên gia nếm thử bia được uống, không phải vì những vại bia được rót thẳng từ những lò bia vừa nấu xong chưa ủ, thơm ngon hơn tất cả những cốc bia từng được uống trong đời (mà chắc chắn 1000%o không bị pha bị "đấu" nữa chứ !!!), mà đặc biệt nhất là ngồi uống bia nhưng tất cả mọi người cả khách lẫn chủ giữa mùa hè oi bức đều phải… mặc áo bông. Đấy là loại áo chuyên dụng của công nhân nấu bia và thử bia, chỉ có duy nhất ở Nhà máy bia Hà Nội, vì nhiệt độ ở trong hầm ủ bia thấp tới dưới 0 độ C.

Những người thợ OTK bia chỉ cần ngửi vài hơi nhấp vài ngụm là đã có thể ra lệnh điều chỉnh liều lượng của các mẻ bia. Còn những vị khách chúng tôi hôm ấy, chỉ biết ngon và ngon, và rét run cầm cập. Sau này, Trần Bình kể, cậu con trai chát về, bảo mỗi khi ngồi tiệc tùng ở Mỹ hay bất cứ đâu tại các quốc gia mà cháu được đi qua, cháu lại chỉ nhớ nhất cuộc uống bia ở hầm bia Nhà máy bia Hà Nội hôm ấy. Bia hơi Hà Nội đã đi vào cả nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ ?  

Cái món bia hơi Hà Nội đến lạ. Bây giờ dân Hà Nội đã giàu có sang trọng lên nhiều, nhưng mọi quán bia hơi trông vẫn cứ nhếch nhác, úi xùi. Giàu nghèo, sang hèn, trí thức, vô học buổi giờ đã phân chia giai tầng rất rõ, nhưng thật kì quặc, dù ở quán Lan Chín hay Hải Xồm, dù ở quán Cường Bô hay Mùi Tơ, dù ở quán Đường Béo hay Trung Mốc, cứ ra đến quán bia là ai cũng như nhau. (Không khéo quán bia là chốn bình đẳng nhất Hà Nội bây giờ cũng nên?!) Bàn này mấy chàng thi sĩ lâng lâng đắm chìm trong những "áng thơ" mới trình làng, bàn bên mấy gã buôn lậu thẽ thọt mánh mung. Sát ngay bên bàn mấy thầy cô trường chuyên lớp chọn liên hoan bế giảng rộn rã hát hò, là bàn mấy ả ca ve mắt xanh mỏ đỏ ngồi lặng thinh ngáp vặt chờ đến giờ "đi khách".

Tướng thường phục, tá uý quân phục cả cây ồn ã dô dô, ngồi giáp bàn mấy anh thợ xây lao động tự do khoa chân múa tay cởi trần trùng trục. Nước hoa Chanel xen lẫn mùi mắm tôm Quảng Bọ.Thịt chó Hà Đông xếp cạnh patê ngỗng Hà Lan . Đối chọi mà đan xen, vô vi và vô độ , tồn tại xoắn xuýt quanh những vại bia. Mà chớ có tưởng nghèo mới bia hơi nhá. Chủ ga ra ô tô hàng chục xe đời mới, chủ trang trại hàng ngàn mét vuông, anh tiệm vàng đang thời sốt giá, chị chứng khoán sàn đang "xanh rờn", tiền dư sức đi nhà hàng đặc sản mỗi bữa cả ngàn đô, vậy mà vẫn thích chen chúc nơi vỉa hè miệng cống 5 xu bia hơi một hào lạc luộc. Hình như càng nhếch nhác úi xùi lại càng đông khách thì phải? Hình như càng chật chội ồn ã thì càng thấy tự do thanh thản thì phải?

Mấy mươi năm nay, so với mọi nghề phục vụ khác ở đất Hà thành này, nào đã ai phất lên vừa nhanh vừa chắc như các chủ quán bia? Không biết anh chị em cán bộ công nhân nhà máy bia lương tháng thế nào, chứ chủ các đại lý, chủ các quán bán sản phẩm bia của nhà máy thì chưa thấy ai nghèo. Có ông thương binh đánh xong Mỹ về, trèo trẹo đạp cái xích lô chở các "bom" bia từ nhà máy đi các quán quầy khắp hang cùng ngõ hẻm, rồi dần dà tự mở quán bia, rồi vươn thành đại lý bia, rồi vươn lên ông chủ một cơ sở sản xuất bia hơi. Bây giờ, thay cho chiếc xích lô, ông cưỡi "con" Lexus đẹp nhất nhì Hà Nội, cả kiểu dáng màu sơn lẫn biển số tứ quí. Bây giờ, thay cho túp lều rách dưới chân đê Bưởi hơn 30 năm trước, ông là chủ của toà cao ốc 15 tầng hoành tráng nhất phố Hoàng Quốc Việt, có văn phòng cao cấp cho chính con cháu các kẻ thù cũ của ông nơi chiến trường xưa giờ là đối tác trên thương trường tìm đến thuê mỗi năm cả triệu đô la Mỹ.

Rồi có bà lão mưa cũng như nắng tháng 30 ngày không lúc nào rời cổng nhà máy bia đã gần bốn chục năm nay. Quán độ chục mét vuông bên vỉa hè Hoàng Hoa Thám đối diện nhà máy, bia mát ngon như rót thẳng từ hầm nhà máy sang, nuôi cả chục đứa con gái trai lẫn cháu chắt nội ngoại nên người. Đứa thành giám đốc công ty xăng dầu, đứa vừa tốt nghiệp cử nhân luật, mỗi đứa con một biệt thự ven đường dạo Hồ Tây, giá không dưới mười cây một mét. Tất cả nhờ bia, tất cả từ bia! 

Cha tôi là một người thợ vàng bạc, một nghệ nhân kim hoàn của Hà Nội xưa. Những ngày già yếu cuối đời, thi thoảng được các con mua cho vại bia hơi về nhắm với bìa đậu phụ làng Mai mẹ tôi rán nóng ròn mang lên tận mâm, ông thường ngồi nghiêm cẩn và thanh thản, tựa như khi vừa chuốt xong cái vòng kiềng vàng, dây xà tích bạc hay đánh xong đôi hoa tai gắn đá quí cho các mệnh phụ Hàng Ngang Hàng Đào thuở trước, tựa như khi vừa uống tách trà Thái ướp sen hái từ Hồ Tây chỗ ven chùa Trấn Quốc vừa ngắm hải đường Văn Giang thẫm đỏ ngoài ngõ Xuân của một thời quá khứ xa xôi, ông khẽ nhấp vài ngụm bia hơi Hà Nội mà trầm giọng mà thong thả rằng: "Bia Hà Nội ngon không chỉ nhờ men, nhờ cách nấu ủ đâu. Bia Hà Nội ngon chính là nhờ nguồn nước ngầm làng Ngọc Hà. Nguồn nước ấy tưới tươi thắm cả một làng hoa đẹp nhất Hà Nội, Nguồn nước ấy làm nên một thứ bia thơm ngon nhất nước Nam mình…"

Hoá ra, không chỉ "uống nước", mà ngay cả uống bia, người ta vẫn có thể (và cần phải ?) mãi "nhớ nguồn". Cha tôi muốn dặn lũ con cháu đang ngày càng sung túc, ngày càng đầy đủ, thậm chí sẽ có đôi lúc dư thừa phè phỡn, một điều giản dị ấy chăng?  

Trúc Bạch, ngày cuối năm Kỷ Sửu

Vũ Hùng
.
.