Người từ làng ra phố

Thứ Năm, 07/03/2013, 14:45
1. Đã sang tháng chạp mà trời vẫn ong ong nóng, nhưng những ngày cuối tháng thì lại chuyển “rét đậm”. Năm nay mưa ít hơn và cũng thưa thớt, chứ không ào ạt kéo dài hàng giờ đồng hồ như năm trước, làm ngập lụt nhiều con đường trong thành phố. Sông Hồng vào mùa cạn.

Dòng sông như hẹp hơn bởi bãi giữa xanh mướt đang mùa ngô trổ bắp. Mấy cái xà lan chở đầy cát, mấp mé ngấn nước, ì ạch ngược dòng phù sa đỏ ngầu. Hiếm hoi lắm mới thấy một cánh buồm nâu bạc phếch chậm rãi trôi xuôi…

Trời lạnh. Mặc cho gió từ sông Hồng thổi ràn rạt, từng dòng người gồng gánh và xe máy, xe đạp vẫn cần mẫn hối hả như đàn kiến, từ mờ sáng đến đêm khuya vào ra thành phố trên cây cầu Long Biên già nua, cũ kỹ có đến hơn trăm tuổi.

Cách đấy vài trăm mét là cầu Chương Dương, cũng đang oằn mình, chẳng đỡ hơn, bởi hàng trăm, hàng ngàn lượt xe ô tô các loại chạy rầm rập suốt ngày đêm, cho dù đã có thêm hai cây cầu mới hiện đại được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hai năm, nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy. Một người bạn nghiên cứu về xã hội học thường trăn trở nói với tôi, tốc độ đô thị hóa của nước mình nhanh quá, đất nông thôn ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch giải trí, resort, sân golf…trong khi đó dân số nông thôn vẫn tăng thêm.

Cầm một đống tiền đền bù, nhưng mất đất, mất công cụ sản xuất thì chẳng mấy mà hết. Xây được cái nhà 3-4 tầng, cũng ti vi, tủ lạnh mơ ước cả đời, nhưng niềm vui chỉ được dăm ba tháng. Ngồi ngắm mãi ngôi nhà mình có lối kiến trúc “tân cổ giao duyên” bắt chước mấy kiểu nhà trên phố huyện cũng thấy chán, chẳng no được.

Trong khi túi tiền cứ cạn dần, bởi lũ con tiêu tiền như uống nước nên đành phải tính. Nhà nào chí thú và may mắn thì cho con vào làm công nhân trong khu công nghiệp, đi học cao đẳng, đại học. Còn đại đa số là vô công rồi nghề. “Nhàn cư vi bất thiện!”, tệ nạn từ đấy mà ra.

Con gái mới nứt mắt cũng tập tọe đua đòi mắt xanh mỏ đỏ, váy áo ngắn cũn cỡn như trong mấy cái đĩa phim rẻ tiền. Con trai thì phóng xe máy mới mua chạy như điên trên đường làng ngõ xóm. Rồi nghiện hút, cờ bạc, đánh lộn. Làng quê vốn thanh bình đến độ buồn tẻ một thời, giờ ồn ào nhộn nhạo.

Cũng quán nhậu, gội đầu thư giãn, karaoke xập xình như trên phố. Không còn đất, nhiều người phải bỏ làng ra thành phố kiếm ăn. Làm đủ thứ nghề. Đàn bà con gái thì làm osin cho nhà người ta, bán hàng rong, chai chè đồng nát…, thậm chí cả những nghề hay gọi là nghề nhạy cảm! Con trai thì đánh giày, chạy xe ôm, hay nhập vào đội quân vốn đã đông, giờ lại càng thêm đông đảo ở các chợ lao động tự phát, mọc nhan nhản khắp thành phố, như khu vực Giảng Võ, Lạc Trung, Mai Động, Kim Ngưu v.v.

Ảnh: Minh Trí.

Rồi hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chẳng chịu về quê, tất cả cứ kiên trì bám lấy thành phố để mong tìm kiếm tương lai cho mình. Cứ như thế, anh phàn nàn, làm gì mà thành phố chả đông, chả tắc đường, kẹt xe, chả tai nạn giao thông, chả nhà ổ chuột, chả bẩn, chả láo nháo, chả khác gì cái chợ…, rồi thườn thượt thở dài!

2. Tôi lớn lên và sống quá nửa cuộc đời ở đây. Được chứng kiến bao đổi thay của thành phố này. Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thành phố mới chỉ ngót nghét 2,5 triệu dân, diện tích gần ngàn km2. Nội thành cũng chỉ có 4 quận, đó là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa. Còn lại là các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn…

Khi ấy, từ nội đô đến mấy trường đại học ở mạn Thanh Xuân vào Hà Đông như Trường Tổng hợp, Ngoại ngữ, Kiến trúc, An ninh… mà thấy xa, phải qua mấy chặng đỗ và tránh tàu điện. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt, còn toàn là ruộng lúa, ao rau muống. Cứ mỗi trận mưa là ếch nhái kêu ộp oạp váng đồng. Người ở quê ra và người hàng phố chỉ nhìn thoáng là biết liền.

Người nhà quê mang cái nét thật thà chất phác, phải cái nói to, trò chuyện hai người với nhau cứ như lệnh vỡ. Vậy mà đi đứng chỗ đông người lại hay ngượng, lúng túng mỗi khi phải hỏi đường đến nơi nào đó cần tìm. Dẫu có ăn mặc tươm tất, chân đi dép lê xanh đỏ đúc bằng nhựa tái sinh, nhưng vẫn không giấu được cái gót chân đen sì, nứt nẻ bởi quanh năm suốt tháng ngâm nước, lội bùn ngoài ruộng.

Nhỡ bữa, ghé vào một quán cơm bình dân, gọi suất cơm đạm bạc với dăm miếng đậu rim cà chua, bát canh rau lõng bõng nước và vài quả cà muối. Vậy mà cũng mất toi cả mấy đồng bạc. Bằng dăm cân thóc! Khiếp quá. Chả bù cho ở quê, đi làm đồng về, nhặt loăng quăng cũng được một hai chục con cua đồng.

Về nhà, chỉ loáng cái đã có mâm cơm tươm tất với canh cua gạch vàng ngậy nấu rau mồng tơi mọc quanh bờ rào, thêm bát cà hay đĩa dưa nhà muối chấm tương… chả tốn đồng cắc nào. Người phố thì điệu đà, lịch sự. Ăn phở thì phải phở Thìn Bờ Hồ, Lò Đúc, phở Bát Đàn, Lý Quốc Sư.

Vào quán gọi bát phở tái chín đầy tú hụ, nhưng vẫn kêu chủ quán đập thêm hai quả trứng gà không lấy lòng trắng để… bổ dưỡng! Uống cà phê phải là những quán có tên tuổi kiểu như cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân, cà phê Lân ở Hàng Hành, cà phê Hói trên phố Bà Triệu… ngồi uống vỉa hè thì phải ở phố Nguyễn Du bên hồ Thiền Quang, hay Triệu Việt Vương mới là người sành điệu!

Khoảng hai chục năm trở lại đây, thành phố bùng nổ sự phát triển và mở rộng với tốc độ phi mã. Đô thị hóa đã biến vùng ngoại ô với những cánh đồng trồng lúa, trồng rau, trồng hoa- vành đai xanh- thành các dự án khu đô thị mới, các khu công nghiệp. Trong nội thành, ao hồ bị lấp nhường chỗ cho các khách sạn 4-5 sao, trung tâm thương mại, cao ốc…

Cả thành phố trở thành một công trường xây dựng khổng lồ đầy bụi bẩn, phế thải, tiếng ồn… chẳng biết khi nào kết thúc. Đường sá được mở mang và xây dựng mới. Các đại lộ rộng thênh thang kéo theo các dự án bất động sản với những công trình to lớn hoành tráng. Đường Nguyễn Trãi nối Hà Nội với Hà Đông giờ đã trở thành tuyến phố tấp nập và chật chội bởi quá đông người xe giao thông qua lại.

Dẫu đã mở rộng lên đến 3.324,92 km2 sau khi sáp nhập cả tỉnh Hà Tây quê lụa, “cửa ngõ Thủ đô” như lời một bài hát nổi tiếng một thời, cùng huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) mà sao Hà Nội cũng vẫn cứ chật. Người vẫn ngày một đông.

Sáng sớm, từng dòng người xe chen chúc nối đuôi nhau đổ vào làm việc ở trung tâm thành phố, để rồi chiều muộn lại những dòng người xe ấy hối hả, tất bật tỏa về các khu nhà chung cư nhiều tầng hiện đại mà buồn tẻ, đang mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị mới nằm trên các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3…, hay các khu phố mới mà hôm qua còn là làng, là xóm.

Bây giờ, thành phố không còn là của riêng người hàng phố nữa. Người nhà quê hôm qua giờ đã trở thành cư dân đô thị chỉ sau một đêm đô thị hóa. Làng đã thành phố. Cái cổng làng xây cách đây có đến trăm năm giờ trở nên chật hẹp, phải phá đi để rộng đường cho xe ôtô đời mới của mấy thằng cha mặt lúc nào cũng đỏ rực vì men bia rượu, cổ lủng lẳng cái vòng bằng vàng nặng trĩu như cái xích chó, học thì ít, lông bông thì nhiều, giầu phất lên bằng nghề buôn nước bọt, chỉ chỏ mua bán đất đai, nhưng cạc vidít lại gắn cái mác rất sang, rất kinh tế học- nhà kinh doanh bất động sản?! Rặng tre xanh ngàn đời bị chặt trụi để lấy đất làm đường.

Những ngôi nhà ba gian hai chái truyền thống bị dỡ ra để lấy chỗ xây nhà ống. Vĩnh biệt lối sống nhà quê cổ hủ với bao nỗi vất vả một nắng, hai sương để làm quen với lối sống đô thị! Vĩnh biệt nền văn minh lúa nước để bước sang nền văn minh nhà ống, xe gắn máy, ô tô và Internet! Ai đấy than, thế là nông thôn truyền thống không còn nữa, văn hóa làng không còn nữa?! Nghe vậy, có người bảo, có mất thì mới tiếc!

Cách đây ít lâu, giới báo chí cảnh báo việc xuống cấp của các chung cư cao tầng tại các khu tái định cư, khu đô thị mới. Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra. Sống trong chung cư hiện đại mà người ta biến nơi đây thành cái chợ! Cũng bán cháo lòng tiết canh, cũng quán bán phở, bán thực phẩm tươi sống trên các tầng cao.

Rồi dịch vụ gội đầu cắt tóc… mở ra, tầng nọ phục vụ tầng kia. Các dãy hành lang chung được tận dụng tối đa làm nơi đun bếp than tổ ong, hay chứa đồ. Văn minh đô thị chẳng thấy đâu, chỉ thấy cái sự nhếch nhác, tùy tiện của lối sống nông thôn đang lấn lướt và diễn ra sau cái vẻ hào nhoáng của các chung cư thời hiện đại. Đô thị hóa nông thôn hay nông thôn hóa đô thị?

Sự nhộn nhạo của thành phố hôm nay, như anh bạn xã hội học của tôi thường than vãn, phải chăng là do người nhập cư gây ra?! Tôi nghi ngờ điều đó. Bởi lẽ, nghĩ cho cùng cư dân đô thị cũng chính từ nông thôn mà ra. Nền văn minh lúa nước của dân tộc này có từ cách đây hàng bốn ngàn năm, còn văn minh đô thị mới du nhập vào nước ta chừng hơn 100 năm, cùng với sự xuất hiện của người Pháp vào cuối thế kỷ XVIII.

Vì thế, lối sống ở làng, thói quen ở làng nó sâu đậm lắm, không dễ gì thay đổi ngay được. Nếu coi nông thôn là âm, đô thị là dương, thì cái phần âm kia dễ lấn lướt cái phần dương yếu ớt, mỏng manh. Hiểu như vậy để thấy cái sự nhốn nháo, mất trật tự đang diễn ra hàng ngày ở thành phố kia không có gì là lạ. Bây giờ ra phố, thấy lắm điều chướng tai gai mắt. Người đi đường vứt rác bừa bãi.

Con trai con gái áo quần ngắn cũn cỡn, khoác vai nhau cười nói hô hố, luôn miệng văng tục rồi ngả ngốn hôn nhau giữa chốn đông người. Hàng quán mọc lên nhan nhản. Người thành phố giờ hay ăn. Ăn trong quán, ăn ngoài vỉa hè, ăn đứng, ăn ngồi. Sáng ăn. Trưa ăn. Chiều ăn. Tối ăn. Và đêm khuya khoắt cũng vẫn ăn. Đã có ăn là có uống, là có xả rác, là có say, là có cãi vã, có đánh chửi nhau. Cái sự thanh lịch cũng nhạt dần.

Văn hào Pháp Víchto Huygô, đã từng nhận xét: “Đô thị là tấm gương trung thực nhất phản ánh thời đại”. Bây giờ, đã vào những năm đầu của thế kỷ XXI, nhưng nhận xét của ông vẫn còn nguyên giá trị. Thành phố của tôi đang chuyển mình trong cơn vật vã giữa cái mới và cái cũ, giữa tốt và xấu, giữa truyền thống và hiện đại. Kinh tế thị trường không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Cái yếu sẽ bị cái mạnh hơn lấn lướt. Chân lý nhiều khi không tồn tại với kẻ có quyền lực, có nhiều tiền. Thế nhưng lối sống đô thị, văn minh đô thị thì không mua được bằng tiền, cho dù rất nhiều tiền, bởi đó là văn hóa! Cũng vì thế, mà trong thành phố ngàn năm tuổi này vẫn mãi cứ còn một khu phố cổ  “mái ngói thâm nâu” ẩn chứa một lối sống thanh tao, trọng lễ nghĩa.

Một Văn Miếu - Quốc Tử Giám trọng cái sự học, trọng đạo làm người. Vẫn còn đó một Hoàng thành đầy bí ẩn, minh chứng của một thời lập đô, dựng nước. Vẫn còn đó những không gian văn hóa lịch sử với bao truyền thuyết đầy tính nhân văn của một dân tộc chuộng hòa bình như hồ Gươm, hồ Tây…

3. Đêm cuối năm. Những dòng người xe vẫn nườm nượp từ bên kia sông qua cầu đổ vào thành phố. Gió từ sông Hồng vẫn thổi ràn rạt đem theo cái rét từ phương Bắc cắt da cắt thịt. Trong dòng người xe ấy, có biết bao mảnh đời lam lũ từ các vùng quê nghèo háo hức tìm về thành phố, nơi có ánh đèn rực rỡ như sao sa, đầy hấp dẫn mời gọi.

Hà Nội, một ngày cuối năm cũ

KTS Phạm Thanh Tùng
.
.