Người Việt đánh nhau

Chủ Nhật, 12/02/2017, 10:53
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy trong mấy ngày Tết vừa qua, tính riêng từ mùng Một đến mùng Ba có đến hơn 2 nghìn ca đánh nhau phải nhập viện điều trị, khiến 14 người tử vong.



Hy hữu hơn, ngay mùng Một Tết đã có hơn 440 trường hợp đánh nhau phải điều trị nội trú và chuyển viện.

Năm ngoái, báo cáo của Bộ Y tế hệt cũng như năm này, cũng đánh nhau mấy nghìn vụ, đánh suốt từ cuối tháng Chạp cho đến hết mùng Ba, đánh thì có người bị thương, có người tử vong.

Không biết sao người Việt lại đánh nhau vào cái thời khắc mà ai cũng muốn mọi thứ nhẹ nhàng, hanh thông.

1. Chưa có thống kê phân loại căn nguyên do đâu mà người Việt lại tẩn nhau trối chết đến vậy vào dịp Tết, thế nhưng Ngô nghĩ một nguyên nhân quan trọng ấy chính là say rượu. Mà không say rượu, say bia cũng được, nghĩa là say thức uống có cồn.

Thôi thì không cần phải rị mọ ngồi thống kê lại xem mỗi năm người Việt uống mấy chục tỷ lít bia, mấy triệu lít rượu, phung phí mấy tỷ USD vào những cơn say. Chỉ cần nhìn quanh bàn Tết nhà nào nhà nấy chất đống hết bia rồi rượu thì cũng đủ hiểu rồi.

Cái tệ hại nhất ngày Tết của người Việt là vào nhà ai cũng phải uống, nhà này uống ly rượu whisky, nhà kia uống ly rượu vang, nhà nọ thôi thì không có gì mừng nhau làm tạm mấy lon bia lạnh vậy. Chúc Tết vài nhà, về nằm vật ra say ngủ giấc đến tối mịt mới dậy, hết ngay ngày Tết. Tiếc dã man.

Ngô về quê, sớm bảnh mắt dậy lì xì ba má, con cái, cháu chắt xong ra thăm mộ ông bà. Quay lại nhà ngồi chơi xíu xong đi chúc Tết cô bác, bạn bè. Nhà cô bác xin chén trà thì cũng đặng, tính Ngô chỉ thích uống trà sớm, cực chẳng đã đi tiếp khách, tiệc tùng mới phải chén chú chén anh.

Đến nhà bạn bè thì đã nghe ngập mùi rượu. Mà mình ở xa, bạn mời không uống bạn lẫy. Nhẹ nhẹ thì bạn nói, mày làm báo mười mấy năm quên hết anh em. Nặng thì bạn hờn, mày quen uống rượu Tây rồi nên giờ chê rượu quê mình. Nặng nữa thì bạn giận, mày thích uống loại bia kia nên nhà tao có loại bia này mày không thèm chứ gì. Ngô ngồi năn nỉ gẫy lưỡi cũng không tin, đến lúc tin lại phán, mày nói hay lắm, nhà báo ai nói lại mày. Mày uống thì mới chứng tỏ chúng ta vẫn là bằng hữu. Vậy là, nhắm mắt nín thở há miệng làm cái ực.

Minh họa: Lê Phương.

Rời nhà thằng bạn thứ nhất, mặt đỏ như vang. Rời nhà thằng bạn thứ hai đã thấy lòng phơi phới hệt thanh niên, là lo lo rồi. Rời nhà thằng bạn thứ ba, vừa đi đã vừa hát ư ử. Rời nhà thằng bạn thứ tư thấy con đường quê lạng bên ngày lạng bên kia, Ngô ngày Tết ngày nhất, bặm môi bặm miệng giữ dáng đi cho thăng bằng chứ không xiêu vẹo thì lối xóm lại đánh giá là bê tha, mới đầu năm đã say rồi xỉn. Khổ tận khổ.

Đi ngang nhà anh hàng xóm thân, ảnh ngồi ngay hàng hiên, gọi phát. Giả đò làm lơ thì không dám, mà cất tiếng thì dính ngay. Phải ngoác miệng cười, "Dạ, em có việc về xíu xong ghé anh liền". Vậy là ảnh bắt lỗi, "Tết mà việc gì, Ngô làm cả năm ở Sài Gòn rồi. Giờ không vào nhà anh đúng không?". 

Vậy là phải vào, vào thì làm gì? Vào thì ngay lập tức, em ơi có nhà báo đến chơi. Anh không biết mày quan mày quyền ở đâu, mày nổi tiếng vang danh ở đâu chứ đến nhà anh là phải say một bữa.

Dạ, anh ơi, tình thiệt là em say lắm rồi. Nãy em vào nhà thằng bạn này, thằng bạn kia, nó mời cái này, nó mới cái kia đến giờ người em đã say lắm, say thiệt say.

Yên tâm, yên tâm. Nhà anh có cái rượu này hay lắm, càng say uống càng êm, về ngủ nhất định không nhức đầu đâu. Cứ uống với anh một ly.

Dạ, uống với anh một ly thì em cố được. Xong một ly cố đến một ly khác, xong một ly khác rồi đến một ly khác nữa, xong một ly khác nữa là đến ly không uống chắc chắn coi thường nhau.

Ngô khổ quá lận, muốn khóc không dám khóc, muốn chối không dám chối. Mà đầu năm đầu tháng, mắt ríu lại rồi không lẽ lăn đùng ra nhà ảnh ngủ, đành cố. Thời gian dài lê tha lê thê, nhìn hoài mà kim giờ với kim giây cứ như đứng yên tại chỗ.

Đến lúc được ảnh đồng ý cho về, mò đến nhà ngã vật ra ngủ luôn. Biết gì nữa đâu, điện thoại báo mấy mươi cuộc gọi nhỡ, toàn bạn bè cả.

Bạn bè gọi mà không gọi lại thì không phải phép, mà không gọi lại nó giận chắc luôn. Cái cảnh ở phố về quê bình thường xuề xòa cũng không sao, chứ Tết phải giữ lễ, sợ nhất là bị trách quên mùi bụi đỏ, quên cơn mưa phùn. Quên trái chuối xanh chấm muối ớt rang, quên con cào cào quên con châu chấu.

Vừa "Ngô đây", thì ngay lập tức, "Mày đang ở đâu". Còn ở đâu nữa, mới vừa ngủ dậy đang ở nhà. Ở nhà thì xuống đây, anh em đủ cả rồi còn thiếu mình mày nữa thôi. Cho tao hẹn mai cà phê được không chứ giờ đuối quá. Tết mà nói từ gì xui xẻo vậy mà, đuối là đuối cái gì, xuống đây không thì bạn bè coi như xa mặt cách lòng vậy.

Nghĩ tới nghĩ lui, rồi cũng lần hồi tìm đến. Đến để làm gì, còn gì nữa ngoài uống đâu.

Người Ngô chưa hết say, thở ra còn mùi rượu. Vậy mà vẫn phải uống, mà uống phải vui, phải cười phải nói. Nhiều lúc nhủ thầm, không biết Ngô có lỗi gì mà bạn bè lại “kỷ luật” Ngô nặng đến vậy.

Sau tăng này về nhà, nhìn vào gương thấy mình còn không là mình nữa. Nhớ ra, mới dứt Mùng Một Tết.

Trời ơi!

2. Thật ra thì câu chuyện cũng không như Ngô kể đâu, Ngô sử dụng biện pháp trào phúng thôi. Nhưng cũng từa tựa vậy, không chỉ có Ngô lâm vào cảnh này mà rất nhiều đàn ông ở nước mình cũng chung tình huống ấy.

Vợ anh bạn của Ngô vui chuyện kể, hôm anh bạn của Ngô nói với vợ con đi chúc Tết. Ảnh chúc làm sao mà thay vì chạy về nhà, ảnh chạy một phát xuống tận Long An. Đến Long An thấy cảnh lạ người lạ, hoảng quá gọi điện thoại cho vợ, giọng lè nhè hỏi, em ơi nhà mình ở đâu.

Vợ nghe hỏi là sợ lắm rồi, vội vàng, anh gặp ai hỏi người ta là anh đang ở đâu. Hỏi xong báo lại vợ, họ nói anh đang ở Long An. Vợ dặn, anh kiếm chỗ nào ngủ chút cho tỉnh rồi về. Khuya lắc khuya lơ ảnh mới mò về đến nhà, người mềm oặt như cọng bún bán ế. May mà không sao, chứ quắc cần câu đến mức đó còn chạy lạc đường hơn trăm cây số lại bình an tức là còn may mắn lắm rồi.

Xóm Ngô có chuyện say rượu ngày Tết còn buồn cười hơn nữa. Hai ông ngồi uống rượu với nhau, uống đến độ ngây ngây ngô ngô, mắt chữ O mồm chữ U thì bỗng dưng ông kia nói với ông này.

Ông nhìn tay tui có giống tay cha nội tổng thống mới của Mỹ là Donald Trump không? Ông kia điên lên gắt, ông nói tào lao vậy mà nói được, tay ông giống tay tổng thống Mỹ mắc mớ gì giờ này ông còn chạy xe ba gác thồ hàng.

Ông này ra vẻ cao siêu, là thời vận chưa tới thôi. Chứ tử vi chấm tui sau này giàu sang ghê lắm, mà dạo này có cái xổ số mấy chục tỷ, tui mua suốt ngày. Trước sau gì tui cũng trúng.

Trúng gió thì có, ông kia chế nhạo. Ông này giận, ông nhớ nói vậy đi nha, đến lúc tui trúng số thiệt thì đừng có vác mặt đến xin.

Cái gì, tui mà phải vác mặt đến xin ông hả? Có ông vác cái mặt đến ăn chực nhà tui thì có, ngay bữa nhậu này cũng là của tui chứ của ông chút nào không?

Vậy đó, cãi qua cãi lại xong lao vào tẩn nhau trối chết luôn.

Ngô nghe xong câu chuyện này, không biết nên buồn hay vui nữa. Nghịch tay, hý hoáy viết chuyện uống rượu, đúc kết quanh mình, lấy cột mốc là mười ly, như sau:

"Đàn ông uống rượu khí khái như tráng sĩ sắp đi hành thích, một giã gia đình một dửng dưng, tiêu sái hào hoa.

Ly đầu tiên lúc nào cũng bặt thiệp, giữ mình nghiêm cẩn, kính trên nhường dưới.

Ly thứ hai, đi không đổi họ đứng không đổi tên, dáng ngồi vững chãi, đường đường chính chính.

Ly thứ ba, hệt như thanh niên, máu huyết lưu thông mạnh mẽ. Tinh thần đắm đuối như được cầm tay thiếu nữ lần đầu.

Ly thứ tư, miệng ngứa lưỡi linh hoạt, không nói không xong, không bàn luận từ thế giới đến quốc gia cảm thấy thật không công bằng lắm.

Ly thứ năm, thấy thằng ngồi bên cạnh nói gì cũng sai, đã nói sai lại nói nhiều đến khó chịu. Nhưng không sao, vẫn kiềm chế được.

Ly thứ sáu, đã cảm giác thiên hạ phản mình hết rồi. Thằng nào cũng không chịu lặng im nghe mình nói, không còn tôn ti trật tự, tình thân thương mến gì nữa.

Ly thứ bảy, thì thằng bên trái bên phải, thằng đằng trước đằng sau gì cũng sai cả. Chỉ có mỗi mình là đúng. Đau cái, thằng sai lại cứ cãi lời thằng đúng. Cãi sùi bọt mép.

Ly thứ tám, sự kiên nhẫn là có giới hạn chứ. Làm người nhục gì cũng chịu được, riêng cái nhục nói không có thằng nghe là nhục tận cùng rồi.

Ly thứ chín, sống thì làm hảo hán, tù thì làm đại bàng, quéo thành ma phong lưu chứ nhất định không bị chèn ép nữa.

Ly thứ mười, "Thằng kia, bố không đánh chết mày thì bố làm con súc sinh"... Có gì dùng nấy, tay còn vung lên được thì dùng tay, chân còn nhấc lên được thì dùng chân, miệng còn há ra nổi, răng còn chắc cắn được thì dùng miệng.

Cứ vậy mà tiến lên...".

3. Từ cái chuyện uống rượu, ép uống rượu, say xỉn cãi vã sang đánh nhau nó gần ghê lắm, Ngô nói thiệt.

Nên không coi nó là hủ tục rồi bỏ dần đi, chứ sống trên đời giúp nhau không hết, thương nhau không hết, nỡ nào ép nhau uống cái thức uống có cồn rồi để nó điều khiển tâm trí mình, gây nên bao cảnh buồn rồi.

Không nghiệt oan thì cũng chướng tai gai mắt, không chướng tai gai mắt thì cũng đổ vỡ nghĩa tình huyết thống, bằng hữu, láng giềng với nhau.

Ngô mạn phép đề xuất vậy, quý độc giả có thấy hợp lý không ạ?

Ngô Nguyệt Hữu
.
.