Người Hà Nội gốc “Hàng” và người Hà Nội gốc “Lội”

Thứ Tư, 24/03/2004, 14:41

Hà Nội bây giờ chật cứng những người và rất lộn xộn. Chỗ nào cũng người là người, chỗ nào cũng rác là rác, như một làng quê lớn với đủ mọi cái hay, cái dở. Người phất lên cũng nhiều, người đổ xuống còn nhiều hơn nhưng không thấy ai có ý định rời bỏ mảnh đất này.

Cách đây chục năm, tôi ngồi nói chuyện với ông Ngọc, Giám đốc Công ty Thiết kế điện ở Hà Tây. Ông Ngọc là một trí thức gốc Hà Nội. Nói chuyện với ông thật thoải mái, dễ chịu không chỉ vì ông có kiến thức sâu rộng, mà còn vì ông mang sẵn trong máu một tính cách đặc biệt của người Hà Nội - dí dỏm, hài hước nhẹ nhàng mà thâm thúy.

Ông bảo: "Nhà mình ở Hàng Đào. Cơ quan mình có một cậu phó phòng, người Thanh Hoá. Tốt nghiệp đại học, cậu vào cơ quan, ở tập thể, hộ độc thân. Bẵng mấy năm không gặp, hôm rồi trông thấy nhau ở hội nghị, cậu ta khoe bây giờ ở Hàng Trống, cả vợ con cũng đưa ra đây rồi, đã nhập khẩu đàng hoàng. Còn mình bây giờ làm việc ở Hà Tây, gia đình cũng chuyển đến một khu tập thể xa trung tâm. Thời thế xoay vần cũng hay." Nói xong ông cười thật nhẹ nhõm.

Trong một lần làm việc với một số nhà báo về chuyện đất đai, nhà cửa, ông Lê Ất Hợi, cũng một người Hà Nội gốc, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố, kể rằng, theo ông biết, sau giải phóng thủ đô tháng 10/1954, toàn thành phố có khoảng 20 vạn người có hộ khẩu Hà Nội. Bây giờ con số đó là bao nhiêu tôi không rõ, còn dân Hà Nội đã lên trên 3 triệu... Trong số hơn 3 triệu người ấy, bao nhiêu phần trăm là Hà Nội gốc, mà chúng tôi gọi vui là dân Hà gốc “Hàng” và bao nhiêu phần trăm là dân tứ xứ đổ về thủ đô. Thành phần này gọi vui là dân Hà gốc “Lội”. Gọi thế thôi chứ không phải vì họ ngọng, không phải vì họ ít học.

Rất nhiều người từ các nơi đến thủ đô đã trở thành danh nhân của đất nước. Cũng xin nói, bên cạnh những lớp người như vậy cũng có không ít người về đất kinh thành chẳng học được mấy sự thanh lịch, văn hoá ở đây mà chỉ mang theo những thói dở, những hủ tục làm nhơ mất sự thanh khiết của hương hoa nhài. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Tôi có một ông bạn đồng nghiệp đầy tài hoa và tài năng người Hàng Đào, nghĩa là đúng chuẩn dân Hà gốc “Hàng”.  Ông nhiều lần mong sẽ viết được một cuốn sách kể về những đổi thay của thủ đô trong những năm vừa qua dựa trên những biến đổi của phố ông. Thực tình, Hàng Đào là nơi ông sinh ra, lớn lên, chứ bây giờ ông sống cách đó khá xa, trong một ngõ hẻm chật chội. Ông mong mỏi mà chưa làm được. Làm được như vậy thật hay nhưng khó lắm. Dân Hàng Đào gốc giờ còn bao nhiêu người sống ở đó. Dạo sốt đất ở phố trung tâm này, giá lên mấy chục cây một mét vuông mà người ta vẫn tranh nhau mua. Té ra người mua nhà ở Hàng Đào lại không phải dân “Hàng”, lại càng không phải Hàng Đào, mà chủ yếu là dân các tỉnh, trước hết là dân Lạng Sơn. Tiền đâu mà họ sẵn thế...

Thủ đô là nơi tụ hội tinh hoa của cả nước,  các cơ quan đầu não cũng đóng ở đây nên nhân tài, hào kiệt các nơi dồn tụ về đây cũng là chuyện thường. Còn người Hà Nội lại toả đi bốn phuơng để xây dựng đất nước. Từ khi thành lập đến nay, Báo Hà Nội mới, cơ quan của Đảng bộ thành phố, tiếng nói của chính quyền và nhân dân thủ đô, có 5 đời Tổng biên tập thì chỉ có một ông là người “Hàng”.

Hà Nội là một vùng đất lạ. Kể từ khi Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt, trải gần một nghìn năm không có ông vua nào quê ở Thăng Long. Người Thăng Long làm đến chức to nhất trong thời phong kiến có lẽ là ông Lý Thường Kiệt.  Từ khi nước ta có Đảng cho đến nay chỉ có một Tổng bí thư là người Hà Nội, đó là Tổng bí thư Đỗ Mười, quê ở Thanh Trì, Hà Nội, nhưng ở ngoại thành. Ông Lý Thường Kiệt cũng nguyên ở ngoại thành.. Chả biết phong thuỷ thế nào mà thủ đô thường là nơi vua ở chứ không phải là nơi vua phát tích.

Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI vừa qua, thủ đô có 34 ứng cử viên. Tất cả họ đều sống và làm việc tại Hà Nội nhưng chỉ có 5 người là dân gốc “Hàng”, còn lại đều quê từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

Chẳng cứ gì vua chúa, danh nhân, nhiều nghề nổi tiếng ở thủ đô cũng do những người gốc gác không kinh kỳ lập nên. Phở Hà Nội nổi tiếng do người Hà Nam sáng chế. Giò chả lừng danh là của người Ước Lễ - Hà Tây. Bánh cốm do người Hải Dương làm ra. Mứt sen, các loại chè cũng vậy. Không phải sản sinh ra từ kinh đô nhưng phải qua sự thẩm định, chấp nhận của người Hà Nội, phải tồn tại được ở Hà Nội mới trở nên nổi tiếng, mới lan truyền đi cả nước được.

Thủ đô có khả năng hấp thụ tinh hoa văn hoá của tất cả các vùng và từ đây những tinh hoa đó được truyền bá đi cả nước. Người xưa nói rằng núi không cao thú không lớn, nước không sâu cá không to. Ai muốn trở thành khổng lồ không thể không đến thủ đô.

Không phải ai đến thủ đô cũng mong trở thành khổng lồ. Tuyệt đại đa số đến đây chỉ mong có được một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Đó là những người lao động thuê, những người bán hàng rong, đánh giày, bán báo rong... Có những nhà tất cả đều ra Hà Nội, có những làng ai còn sức đều ra thủ đô kiếm sống.

Một lần nói chuyện với một người có trách nhiệm tôi được nghe một thông tin  - hơn 70% số căn hộ ở khu đô thị mới Linh Đàm là do người các tỉnh về mua. Những người có tiền ở các tỉnh, từ miền núi tới đồng bằng, chẳng một ai yên tâm khi chưa có một cơ ngơi ở Hà Nội. Nhiều người khi đưa con về học đại học ở thủ đô, để khỏi phải thuê nhà, đã bỏ tiền mua hẳn một ngôi nhà riêng cho con ở mà yên tâm đèn sách.

Trong một chuyến đi công tác về một nhà máy lớn ở một tỉnh miền núi tôi được một ông trưởng phòng mời về nhà chơi. Nhà ông được lắm.. Lúc đã trà dư tửu hậu ông kể chuyện gia đình. Ông có ba đứa con. Đứa đầu đã đi làm ở Hà Nội. Đứa thứ hai đang học đại học ở đó. Đứa thứ ba đang học phổ thông ở huyện. Hai đưa đầu ông đã lo xong nhà cho chúng. Đứa thứ ba cũng đang chuẩn bị mua. Tất cả đều ở Hà Nội. Về hưu ông bà cũng chuyển hẳn về dưới đó. Tiền nong không thành vấn đề. Thấy tôi tròn mắt ông cao giọng:

- Chú ngạc nhiên lắm hả? Trời đất, ở cái tỉnh này, quan chức nào mà chả như thế!

Tôi không còn ngạc nhiên nữa khi đi các tỉnh khác, hỏi chuyện đó người ta cũng đều khẳng định như vậy. Và một quan chức ở Hà Nội cũng nói với tôi điều đó không sai sự thật lắm đâu. Quê đâu thì quê nhưng muốn cho con cái có tương lai phải có nhà ở Hà Nội. Không sau này chúng nó oán, mà hiện tại người ta bảo mình ngu. Vả lại không có nhà ở Hà Nội còn gì là oai nữa...

Nói về tâm hồn người Hà Nội, một bài hát nổi tiếng cho rằng nó “mộc mạc thôi”. Tôi không tin như vậy... Tôi từ bé học với nhiều người Hà Nội, lớn lên quen biết nhiều người Hà gốc “Hàng” tôi chẳng thấy tâm hồn của họ, cũng như tâm hồn của con người nói chung, mộc mạc bao giờ. Người Hà Nội không lấy tiền làm trọng, cả danh cũng vậy. Họ cần một con người, một nếp sống, một văn hoá. Có lẽ đó là sức mạnh, là sự hấp dẫn của người Hà Nội chăng?

Người thành Nam có câu “Tự nhiên như người Hà Nội”. Chẳng biết khen hay chê. Nhưng sự tự nhiên ấy, theo tôi hiểu, chính là thái độ tự tin, hoà đồng do văn hoá, do hiểu biết. Và chính sự tự tin ấy mà bất kỳ ai, hễ đã sống ở Hà Nội, dù đến từ xứ sở ông đồ gàn hay văn minh Kinh Bắc cũng đều phải chấp nhận văn hoá Hà Nội và phần nào bị Hà Nội hoá.

Cái văn hoá đặc biệt ấy bắt nguồn từ đâu? Người Hán đô hộ Việt Nam hơn một nghìn năm nhưng không đồng hoá nổi dân tộc Việt Nam. Bản sắc đặc biệt ấy dồn tụ lại, tinh kết lại và định hình, phát triển khi Thăng Long được chọn là kinh đô của nước Việt. Văn hoá Hà Nội bắt nguồn từ đó chăng?

Những năm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất tôi cứ bàng hoàng khi giữa Sài Gòn được  nghe một giọng nói Hà Nội. Bây giờ tôi lại cứ là lạ thế nào khi giữa thành phố Hồ Chí Minh sôi động bỗng nghe thấy một giọng Sài Gòn. Thành phố năng động, vĩ đại ấy như một ngon lửa lôi cuốn người ta tìm đến. Những ngày Festival Huế gặp bất kỳ ai sống ở đây tôi cũng chỉ nghe thấy một giọng nói dịu dàng, dễ thương - giọng Huế. Huế còn nghèo, lại không năng động. Huế chuyển mình chậm quá nên chưa mấy ai muốn đến. Chỉ có người sở tại ở đây mà thôi.

Hà Nội chưa được như T.P Hồ Chí Minh, nhưng cũng không như Huế. Hà Nội sáng tự tâm hồn, dù chưa giàu. Không phải có tiền mà trở thành người Hà gốc “Hàng” được.

Cho nên mới có chuyện người Hà gốc “Hàng” và người Hà gốc “Lội”

Nguyễn Triều
.
.