Nghĩa cử hòa hiếu

Thứ Hai, 25/07/2011, 15:15
Nghĩa cử này đâu có mới mà đã một ngàn bảy trăm năm rồi! Cứ dịp xuân về, làng Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành xứ Bắc Ninh lại tự tin đĩnh đạc ầm vang gióng lên những hồi trống tế...

Âm thanh chiêng trống cùng những điệu múa lân ấy là để tôn vinh công trạng của một người được các sử thần Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên từng tâm phục khẩu phục! Họ đã nhắc lại và viết hẳn thành một kỷ riêng trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.

Người ấy cách đây hơn 1.700 năm đã được dân Đại Việt kính cẩn tôn làm vua của nước Việt: Sĩ Vương, tức Sĩ Nhiếp! Thử trích ngang lý lịch của vị thái thú gốc Hoa từng trị nhậm đất Giao Chỉ.

Sinh năm 137, mất năm 226. Là hậu duệ của một viên quan người nước Lỗ (cùng quê với Khổng Tử) đuợc sai sang cai trị đất Giao Chỉ đến Sĩ Nhiếp là đời thứ 7. Chức thái thú như dạng toàn quyền sau này. Sĩ Nhiếp là một vị quan có tài nội trị lẫn ngoại giao.

Thời Tam quốc, nước Tàu như một nồi canh sùng sục những Ngô, Thục, Ngụy tranh giành giằng xé lãnh thổ lẫn quyền lực, nhưng đất Giao Chỉ dưới quyền Sĩ Nhiếp vẫn bình an phồn thịnh với kinh đô Luy Lâu (sau này có tên là Liên Lâu, Danh Lâu, Long Uyên và Long Biên. Gần 500 năm sau,  Thái thú Cao Biền mới di dời Luy Lâu ra thành Đại La, tức Thăng Long) vững như bàn thạch.

Cổng đền Sĩ Nhiếp- Nam giao học tổ.

 Vừa là quan chức trị nhậm với chức thái thú, Sĩ Nhiếp hiếm hoi thay, không có đầu óc thực dân! Sĩ Nhiếp còn là một ông Đốc học. Ông là người mở mang việc học và dạy chữ Hán đầu tiên ở đất Giao Chỉ. Cái công tiên khởi ấy, sau này sử nước Nam đã lưu lại trong 33 đạo sắc phong của các vua chúa nước Việt. Từ rất sớm, Sĩ Nhiếp được tôn vinh là Nam Giao Học Tổ.

Đận ấy về phế đô Luy Lâu, sử gia Trần Quốc Vượng cứ xuýt xoa thán phục mãi cái tài trị nhậm lẫn bang giao của Sĩ Vương Sĩ Nhiếp. Nên nhớ Sĩ Nhiếp chưa hề được chiếu chỉ nào phong vương của triều đình phương Bắc (cũng như Luy Lâu của Giao Chỉ chưa khi nào gọi là kinh đô và từ phế đô mãi sau này mới xuất hiện rồi gọi tạm thế) nhưng như một lẽ tự nhiên dân Đại Việt thời Luy Lâu tất thảy đều gọi Sĩ Nhiếp là vua!

Chính sử sau này của nước Nam đều tự tin biên chữ Sĩ Vương vào kim sách! Cứ như GS Trần, thời ấy xưng vua không khó. Hùng cứ làm vua đất Giao Chỉ trong khi cục diện phương Bắc nát bét những Ngô, Thục, Ngụy chỉ là việc dễ như thò vào túi lấy đồ.

Nhưng Sĩ Nhiếp tri túc tri chỉ không làm thế mà bằng lòng mà lặng lẽ với chức quan thái thú chăm chỉ với những chính sách nông tang mở mang ngành nghề lẫn mở mang sự học cho dân Đại Việt. Ông quan thái thú này biết nếu mình xưng vương thì ngay lập tức sẽ chết chẹt dưới bàn tay bạo quyền phương Bắc.

Chết chẹt cái thân phàm một vài người thì đã đành một nhẽ, nhưng khủng khiếp tang thương hơn, hàng vạn dân Giao Chỉ cũng ngay lập tức mắc nạn binh đao. Hơn thế ông lại hằng năm đều đặn mang những sừng tê, đồi mồi, chim trĩ... khéo léo hối lộ đám vua quan phương Bắc. Chính sách khôn khéo đó đã khiến Giao Chỉ lẫn thành Luy Lâu gần 50 năm thái bình thịnh trị.

Chứng minh cho nền thái bình thịnh trị ấy, GS Trần đã đưa chúng tôi thăm lại, tất nhiên là hầu hết đã phế tích quanh thành Luy Lâu những làng đúc đồng, canh cửi, làng chuyên chế ra thứ mực viết, làng tranh Đông Hồ, làng hát cô đầu, những chùa Bình (Sĩ Nhiếp dựng để bình văn) chùa Định (dựng để định giá cao thấp) những gò Nghiên gò Bút, v.v...  GS Trần ngước lên mái tam quan vòi vọi của đền Sĩ Nhiếp ( dựng sau này dưới thời nhà Mạc) cảm thán rằng, dân mình là công bằng lắm.

Gần 2.000 năm như thế nào dám đơn sai xô lệch mà rất khách quan lấy sự hòa hiếu làm trọng trong việc nhận xét đánh giá. Bất kể ông quan thành phần xuất thân ra sao, quốc tịch như thế nào, không quan trọng, nhưng tiêu chí đầu tiên là phải chăm dân, lo cho dân. Tôi nhớ bữa ấy, vị GS uyên bác rất hào sảng đọc câu ca dao mà ông cứ tấm tắc rằng chẳng bao giờ cũ là quy luật muôn đời của dân Đại Việt: “Thương dân dân lập đền thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương”.

Lần ấy về lại làng Tam Á đúng dịp tế và rước nhân ngày chính kị Thánh Sĩ Vương (Mồng 7 tháng Giêng âm lịch) cụ thủ từ Nguyễn Quốc Trình mở cửa hậu cung (mới được dựng xây sửa sang) cho chúng tôi vào hương khói. Lại chỉ cho con cừu đá nằm trấn giữ trước lăng Sĩ Vương mà lần trước tới đền không kịp để ý...

Chao ôi, con cừu đá được tạc cách đây hơn 1.700 năm! Tạc vào cái thời thịnh trị thái bình của Luy Lâu dưới thời Sĩ nhiếp. Tôi bệt xuống một bậc đá để ngẫm thêm về thời tít xa ấy của Đại Việt. Thứ thụ mộc tre pheo cây cáo cổ thụ (giống gạo, có nơi người Việt còn gọi là cáo, trong chữ bố cáo. Chữ Bình Ngô đại cáo cũng hàm nghĩa ấy? Làng Việt thuở nào đa phần đều có một cây gạo.

Như một tiêu chí một thông điệp rằng làng mình đã kia! Người làng vắng quê lâu trở về, từ tít xa nhác ngó chấm son cây gạo đầu thôn đã thấy bổi hổi bồi hồi)  trước đền kia thuở tít tắp chắc cũng rườm rà tre, cũng bùng bùng những vệt lửa hoa gạo muôn thuở ấy? Dưới những bóng thân thương ấy, khi thấp thoáng, khi quần tụ là đời sống hòa bình hữu nghị của dân Đại Việt với trăm nhân sĩ từ Ngô, Thục, Ngụy về Giao Chỉ lánh nạn.

Lại thêm nhiều vị cao tăng tít từ Ấn Độ đến xứ Giao Chỉ, đến Luy Lâu để thuyết pháp lẫn xây chùa. Có lẽ cái giống cừu thời ấy đâu đã di cư di thực về đất nóng ẩm Đại Việt phương Nam? Nhưng những năm thuyết pháp dằng dặc ở xứ Giao Chỉ, các vị cao tăng xứ sông Hằng ấy có thể do chạnh nhớ cố quận, có thể cũng muốn bành trướng thứ linh vật xứ Tây phương bên cạnh những tứ linh long, ly, quy, phượng phương Đông, cũng có thể để ghi nhớ công ơn che chở tạo điều kiện cho họ hành nghề của Sĩ Vương bèn cho tạc đôi cừu này.

Cho mãi đến bây giờ người ta vẫn không rõ tại sao đôi  cừu ấy, một chầu ở lăng Sĩ Nhiếp một lại chầu ở Chùa Dâu cách đó khá xa? Mà chùa Dâu dân lập để thờ con trai Sĩ Nhiếp (thương thay do không tiếp tục được chính sách ngoại giao mềm dẻo của cha mà ông con đã bị phương Bắc chém bay đầu mang thủ cấp về Kinh Châu.

Chùa Dâu lâu nay vẫn thờ vị quan cụt đầu là thế!). Một ngàn mấy trăm năm cứ sừng sững trong dân Luy Lâu, trong dân Thuận Thành xứ Bắc Ninh một ngôi đền thiêng như thế! Hư đâu sửa đó, hương khói tứ mùa. Nghe nói năm 1943 ngại máy bay đồng minh nên bặt đi sự rước tế cho mãi cho đến nay dưới thời dân chủ đổi mới mới nối lại được?

Thương thay hồi toàn quốc kháng chiến, chấp hành triệt để lệnh tiêu thổ, tự vệ làng Tam Á dùng hàng chục đống rơm quấn quanh ngôi đền thiêng đốt ròng rã cả tuần mà Đền không sụp đành phá dỡ. Viên quan hai người Pháp chỉ huy bốt Đậu gần chùa Dâu cho chặt hạ hàng trăm cây gạo cổ thụ quanh đền đề phòng Việt Minh ẩn núp.

Lại cho quân dọn về đóng đồn trên nền đền. Không hiểu sao mấy đêm quân Pháp lẫn ngụy binh tự dưng phát chứng bệnh thượng thổ hạ tả. Đêm ngủ cứ thấy ngựa xe rầm rập quanh đền. Chưa chạm súng với Việt Minh mà đã tan. Quan quân hoảng quá lại rút về bốt Đậu. Chuyện cụ thủ từ làm tôi nhớ đến chuyện GS Trần năm nào...

Quân nước Lâm Ấp (tên cũ của Chiêm Thành) kéo ra cướp phá Luy Lâu. Quật cả mồ Sĩ Vương lên thấy ngài khí sắc gần 200 năm dưới đất mà vẫn như đang ngủ, hoảng quá đành lấp lại mà lui binh! Dân Kinh Bắc dựng đền, coi đền và lưu truyền lên những truyền thuyết như thế cũng là một cách tôn vinh Sĩ Vương vậy? Một chuyện nữa có lẽ cũng do dân bầu để tôn vinh sự học.

Di chúc của ngài là khi chết phải chôn sấp. Nhưng học trò cung kính cứ liệm theo lẽ thường. Vậy là hằng đêm từ ngôi mộ, tiếng giảng sách của thầy Sĩ Nhiếp vẫn cứ vang vang. Người Tàu thấy vậy hoảng bèn chôn thầy sấp lại.  Tam Á sau này cũng là đất học, tiến sĩ thời nào cũng có. Việc khuyến học cũng được các ban ngành đoàn thể hưởng ứng tham gia bằng những quỹ này quỹ khác...

Cuối buổi viếng đền, tôi theo cụ thủ từ đáo qua nhà hữu vu. Tại đó có lớp học Hán Nôm mở cho thanh niên trong vùng. Lớp học bữa nay nghỉ.  Mé trên chiếc bảng đen là hai vế Hán tự viết trên giấy điều “Đoàn kết Đoàn kết đại đoàn kết”...

Trên nền bảng còn lưu lại bài giảng mới với 2 câu trong Luận Ngữ “Đồng” (có bản chép là dữ) quân nhất dạ thoại/ Thắng độc thập niên thư (cùng anh trò chuyện một đêm còn hơn mười năm đọc sách) để răn việc đèn sách lý thuyết suông không có thực tế chứng tỏ chương trình học ở lớp Hán Nôm này cũng khá cao?

Lại một gian khác chắc dành cho trật vỡ lòng với hàng chữ phấn trắng còn rờ rỡ trên bảng đen Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (phàm những gì mình không muốn thì đừng áp đặt đổ riệt cho người khác).

Thư thả sải bước trong đền, ngó lên con chữ của hậu sinh nhắc lại những ngữ nghĩa về đạo làm người của tiền nhân - những giá trị nhân văn bất biến của nhân loại mà tưởng như mạch nguồn lẫn linh khí của ông Tổ Sư học nước Nam (Nam giao học Tổ) gần 2.000 năm trước vẫn  đang hiển hiện? Dằng dặc ngần ấy thời gian tồn tại bên ông láng giềng khổng lồ phương Bắc, các thế hệ Đại Việt đã có trăm phương ngàn cách để bảo vệ giữ gìn cương vực lãnh thổ độc lập tự chủ cũng như chưa khi nào dám mờ nhòe lẫn đơn sai những nghĩa cử hòa hiếu như hương khói trong ngôi đền thiêng này?

Nghĩ đến câu Cầu tất ứng cảm tất thông lại chợt nhớ đến nỗi đau đáu của bao lương dân nước Việt trước nạn xâm lấn chủ quyền biển đảo Đại Việt cùng với những lần cắt cáp này khác bèn xá những vái dài lên linh sàng vị quan thái thú từng được Đại Việt tôn vinh là tổ việc học của nước Nam. Khấn rằng ngài ôi, hậu sinh của ngài dường như đang làm mờ nhòe cái đức của người quân tử của một nước lớn mà ngài từng đại diện, từng ứng xử gần 2.000 năm trước?

Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân!”. Ô hô ai tai! Ngài ôi, cúi xin thượng hưởng!

Xuân Ba
.
.