Nâu nóng, ít sữa

Thứ Bảy, 19/11/2016, 10:54
Một mình nhấm nháp hương vị cà phê, tận hưởng cái thanh tĩnh vô cùng dễ chịu của buổi sáng Hà Nội trong phố nhỏ quán nhỏ. Lẳng lặng đến, lặng lặng về...

Một nhà văn chuyên viết về những điều hết sức bình thường diễn ra hàng ngày xung quanh ông, trong tâm trí ông. Các nhà phê bình bảo tác phẩm của ông thuộc loại truyện không có cốt truyện, hiểu theo nghĩa là không sự kiện không biến cố, không cài cắm những tình tiết lắt léo gay cấn ly kỳ… 

Nhân vật của ông cũng vậy, rặt một hạng bình dân có thể gặp ở bất cứ đâu: ngoài chợ, trong quán cà phê, giữa đám du khách nhởn nhơ tắm biển, hay cố thủ trong một cái văn phòng chật hẹp của một cơ quan chẳng mấy ai biết đến. Người có việc làm, kẻ vô nghề nghiệp. Người có tên, kẻ không tên, không tên nhiều hơn, toàn những hắn, những y, những gã… 

Khi được hỏi sao ông không chọn viết những đề tài lớn, những quan tâm bức xúc của số đông, những chuyện động đất động trời, những số phận nổi đình nổi đám, nhà văn nọ hơn một lần trả lời: tôi chỉ viết những gì vừa tầm mình, quen thuộc với đời sống của mình, mà cuộc đời của tôi thì bình lặng lắm, tẻ nhạt lắm.

Ông nhà văn bảo đời mình tẻ nhạt, có lẽ cũng chỉ là một cách nói. Bởi nghĩ cho cùng thì chẳng có đời ai nhạt cả. Bản thân sự sống của mỗi người đã là một cái gì phi thường rồi. Tiếc thay, thường chỉ đến khi già yếu, đau ốm, bệnh tật, người ta mới kịp nhận ra điều đó. Khỏe mạnh thì vô tư để châu báu phí phạm trôi qua kẽ tay. 

Trong một cuốn sách dạy thiền, thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc ta biết trân trọng những điều tưởng như hết sức nhỏ bé bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Sáng thức dậy trên giường, biết mình được sống thêm ngày nữa. Vào toilet mở vòi nước, thấy nguồn nước mát lành hôm nay vẫn đầy tràn. 

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Đưa bàn chải đánh răng lên miệng, nhận ra hàm răng khỏe mạnh của mình còn vẹn nguyên… Những bậc thiền sư chân chính bao giờ cũng kiệm lời. Bài học về hạnh phúc, về thụ hưởng hạnh phúc thật giản dị, nhưng nếu không dày công tự nghiệm thì khó có cơ may vỡ vạc ra phần nào chân lý nhà Phật.

***

Nói đến Phật, nhớ lần đầu tiên mình đi thăm Yên Tử. Lúc ấy đường lên chùa Đồng (đỉnh núi) mới chỉ có một chặng cáp treo từ chân núi lên chùa Hoa Yên. Từ Hoa Yên ngược lên vẫn phải leo bộ. Đường càng lúc càng gian nan hiểm trở. Nhiều con dốc với những bậc đá chỉ đặt vừa bàn chân, đã khấp khểnh lại trơn trượt, có đoạn gần như dựng đứng, mũi người đi sau chạm gót chân người đi trước. 

Dọc đường có hẳn một "đội quân" làm dịch vụ sẵn sàng trợ giúp khách leo dốc, nếu khách mệt quá cần cõng lên cũng cõng luôn! Những người này gồm cả đàn ông cả đàn bà, hầu hết ở độ tuổi sồn sồn, trông bề ngoài chả khác gì người thường mà hóa ra sức khỏe lại vô địch. Có lẽ do họ hành nghề chuyên nghiệp lâu năm.

Mình không còn trẻ, nhưng cậy có những năm đi bộ leo núi thường xuyên ở Vũng Tàu, nên cứ một mình một gậy, bặm môi nín thở nhích dần từng bước. Mồ hôi mồ kê ướt đẫm áo trong áo ngoài. 

Không lên tới đỉnh phen này thì chẳng biết bao giờ mới lại có cơ hội. Thế mà nhìn ra xung quanh, thấy khối người bỏ cuộc. Bọn trai trẻ bỏ nhiều mới lạ. Một cặp, áng chừng là đôi tình nhân, bất ngờ dừng lại ngay trước mặt mình. Chàng trai đứng hổn hển. Cô gái ngồi phệt xuống mô đá ven đường, mặt cắt không còn hột máu.

- Thôi. Xuống. Không đi nữa - Cô gái quăng gậy, thở hắt ra.

- Cố lên tí nữa. Sắp đến rồi - Chàng trai động viên.

- Sắp cũng thôi! - Cô nàng bất đồ gắt lên - Có gì đâu mà đi?

Ừ, có lẽ chả có gì thật. Chỉ có núi đá và những bụi cây dại. Nắng oi. Dốc ngược. Mồ hôi tuôn chảy. Một nhà sư từ trên núi đi xuống, vẻ thong dong, nhìn đôi tình nhân mỉm cười. Đúng vào lúc mình hơi chững lại, một bà cụ nhanh nhảu vượt qua. Bà cụ dáng người nhỏ thó mà bước đi thoăn thoắt. 

Vừa đi, bà vừa lâm râm đọc những câu nghe như hát, mình lắng nghe mà chả lọt tai câu gì với câu gì. Đoán là những câu kinh Phật. Nét mặt bà lúc bấy giờ, chỉ có thể nói là tươi roi rói.

Sực nhớ cũng gặp cảnh tương tự khi đi chùa Hương từ năm nảo năm nào. Mưa xuân lép nhép. Đường cũng dốc và trơn. Những cụ già bốn phương đi lễ gặp nhau cùng tươi cười "A di đà Phật". 

Các cụ chào nhau như chào người bà con láng giềng thân thiết. Những cụ bà lưng còng gập, tưởng như không có cây gậy để tựa vào thì các cụ phải chống cả hai tay xuống đất mà bò lên. Nhưng nhìn nét mặt các cụ lúc ấy, mình tin chắc sau mỗi lần hành hương như thế này, các cụ lại khỏe ra và sống lâu đến trăm tuổi.

Quay lại chuyện Yên Tử. Hóa ra cặp tình nhân thất bại, bỏ cuộc giữa chừng vì chỉ chăm chăm nghĩ đến đích. Cảm thấy đích "không có gì", không thỏa mãn được kỳ vọng của mình thì tinh thần sụp đổ. 

Bà cụ đang dẻo chân bước nhanh không coi chùa Đồng là đích. Coi đấy là đích thì lại có nhiều đích khác nữa. Người ta sẽ kiệt sức vì nhằm đến đích… Với bà, chùa Đồng như một gốc cây, một mô đá bất kỳ nào đó bên đường - con đường thăm thẳm hướng về niềm tin, về chân lý vĩnh cửu.

Không có đích trên con đường ấy. Chỉ có niềm hạnh phúc trong từng bước chân của người biết mình đang đi.

***

Cách nhau ngót hai nghìn cây số, chị B bỗng gọi điện cho mình, báo tin anh B bị tai biến, phải vào bệnh viện cấp cứu. Miệng méo, lưỡi cứng, nửa người bị liệt. Kể nhanh tình trạng của chồng, rồi chị hỏi mình về… kinh nghiệm sau tai biến.

Kinh nghiệm ư? Mình chỉ có kinh nghiệm duy nhất là bực mình. Cú lão Trời già chơi khăm, định bất ngờ giáng cho mình đòn nôc-ao. Còn nhớ lúc ấy đang lững thững từ nhà xuống bếp, tự nhiên thấy hai mắt nóng lên, cay cay như vô tình bị ớt quệt vào. 

Ngay sau đó là cảm giác mất trọng lượng, bước hụt vào khoảng không. Tìm vội chỗ nằm, thấy nửa người bên trái (từ chân lên đầu) toát mồ hôi, không nhúc nhắc được. Người bên phải vẫn bình thường. Đầu  tỉnh táo, nhưng gọi con rót cho cốc nước thì ngọng.

Từng đọc qua sách báo nên biết ngay mình đã rơi vào tình huống hiểm nghèo. Có hai ý nghĩ vụt đến: một, sợ mất khả năng làm việc (còn nhiều việc làm dở, muốn làm); hai, không sợ chết, chỉ sợ méo mồm, nói ngọng, đi cà nhắc.

Bực mình, nên quyết tâm gượng dậy. Thuốc thang, kiêng khem đã đành. Nhưng tập tành thế nào để phục hồi sức khỏe mới quan trọng. Lục tìm, nghiền ngẫm các tài liệu và quyết định chọn ngay cho mình một bài tập có vẻ sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cả. Ở nhà, tập. Có việc phải đi đâu đó, ở chỗ lạ cũng tập. 

Kiên trì theo đuổi, không bỏ ngày nào, không ăn bớt một động tác nhỏ. Và kết quả là từ chỗ xuống bậc thềm thằng con trai phải dìu, hai tháng sau chạy được xe máy, năm tháng sau đi khám lại, bác sĩ kết luận hồi phục sức khỏe 95%.

Mình nói với chị B chuyện tập tành như thế, như thế.

- Nhưng mà… chú ơi. Anh chú đứng còn không vững. Chú bảo tập là tập làm sao? - Chị B mếu máo trong máy.

- Đứng không vững thì ngồi tập. Chị phải chịu khó giúp anh ấy.

Chị B không nói gì, chỉ sụt sịt khóc.

Bẵng đi ba, bốn tháng sau.

Một buổi chiều chuông điện thoại lại reo. Vừa nghe máy mình đã kêu lên:

- Anh khỏe rồi phải không?

- Khỏe! "Chiến đấu" tốt.

Tròn vành, rõ chữ. Âm sắc của người có nội lực. Dứt câu đùa, anh B cất tiếng cười vang.

Lại khoe mỗi chiều đã nhẩn nha cuốc bộ được ba bốn cây số ra ngoại thành. Thuốc uống đều, tập luyện đều, huyết áp ổn định. Sinh nhật hôm rồi bạn còn rủ đi hát karaoke. Vẫn "Ngẫu hứng lý qua cầu", "Em ơi Hà Nội phố"… ngon lành cành đào. Giờ dành sức tập trung cho những trang cuối cùng của cuốn sách mới.

- May quá. Nhờ có chú mách cho cái bài thể dục mà anh mới được như vậy đấy.

Nghe xong cú điện thoại, suốt cả chiều cái giọng tươi vui của anh B cứ reo mãi trong lòng mình.

Đôi khi, cũng phải trải qua những đận lên bờ xuống ruộng như anh B với mình thì mới thấy hết được giá trị của một niềm hạnh phúc bình dị.

***

Những năm còn làm việc cho hội X., năm nào mình cũng có dịp ra Hà Nội vài ba lần, mỗi lần vài ba ngày. Ra dự hội nghị, hội thảo, tham gia các sự kiện lớn nhỏ này khác… Nói chung công việc của hội không đến nỗi quá bận rộn (thời buổi này thích bận được bận, thích nhàn được nhàn, bận hay nhàn là do mình thôi). Buổi sáng, mình hay thả bộ từ cái khách sạn tồi tàn đã quá quen thuộc với mình, ra ngồi quán cà phê cách đó vài chục số nhà.

Quán nhỏ, vài bộ bàn ghế sơ sài kê ngoài hè. Bên trong, vài bộ nữa trong căn phòng cỡ mười mét vuông. Quầy pha chế, tính tiền ở sát chân cầu thang lên tầng trên. Cô chủ quán kiêm người phục vụ đi nhẹ nói khẽ, xong việc lại vào ngồi sau quầy lặng lẽ đọc sách.

Một dáng người đẹp. Một gương mặt đẹp. Một đôi mắt dịu dàng nói nhiều trong im lặng.

Lần nào đến quán mình cũng chọn cái ghế sát trong cùng, nhìn ra cửa. Cô chủ lẳng lặng đem cho mình phin cà phê vừa nhỏ xuống ly giọt đầu tiên. Mình quen uống nâu nóng, ít sữa.

Một mình nhấm nháp hương vị cà phê, tận hưởng cái thanh tĩnh vô cùng dễ chịu của buổi sáng Hà Nội trong phố nhỏ quán nhỏ. Lẳng lặng đến, lặng lặng về. 

Cũng có lần tình cờ gặp mấy bác nhà thơ ghé quán. Quen biết nhau nên ngồi chung bàn. Người kêu cà phê, người kêu trà lipton. Hỏi thăm mấy câu, chuyện tào lao mấy câu, cuối cùng thể nào cũng chuyển sang chuyện thơ. Mình dốt thơ, lại sợ khói thuốc, biết thân biết phận ngồi ngậm miệng. Đến khi thơ ào ào tuôn chảy như thủy điện xả lũ thì bắt gặp, từ sau quầy, một nụ cười thoáng qua rất nhanh trên môi cô chủ.

Có dạo bẵng đi mấy năm không ra Hà Nội. Khi ra, đến quán, ngỡ như cái chỗ ngồi quen thuộc của mình trong suốt mấy năm vẫn không ai ngồi vào! Hi hi, sến sẩm nghĩ chơi thế thôi, chứ làm gì có chuyện…

Nhưng món quà dành cho mình thì có thật. Món quà nho nhỏ ấm áp.

Ấy là lúc mình lặng lẽ ngồi vào bàn, cô chủ xinh đẹp lặng lẽ mang tới cho mình phin cà phê vừa pha.

Nâu nóng, ít sữa.

31-10-2016

Trần Đức Tiến
.
.