Muối của đất

Thứ Hai, 05/11/2012, 15:48
1.Trong nền thi ca Nga thế kỷ XX, Sergei Esenin (1890-1925), nói theo lời của văn hào Maxim Gorky, được coi như một cây đàn nối trời với đất để ngân lên những giai điệu chân tình và tài hoa nhất của miền đất bạch dương.

Là thi sĩ đích thực, Esenin cũng là người dễ bị tổn thương và trong cuộc sống ngắn ngủi của mình đã phải trải qua vô số những trắc trở đau lòng. Và mỗi khi tuyệt vọng nhất, anh đều nghĩ tới mẹ anh. Và anh đã có không chỉ một bài thơ về mẹ mà đọc lại, chúng ta không sao giấu được nỗi buồn đến day dứt. Thư gửi mẹ là một bài thơ như thế (bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

Mẹ có được khỏe không, mẹ hiền yêu quý
Con vẫn khỏe, kính chào mẹ, mẹ ơi!
Mong sao cho ánh sáng ban chiều êm dịu ấy
Rọi chiếu nóc nhà ta vĩnh viễn muôn đời.

Nghe họ nói: mẹ giấu niềm lo lắng
Luôn âu sầu buồn nghĩ về con
Và khoác tấm áo bông xơ xác
Mẹ thường ra đường cái ngóng chờ trông. 

Và mẹ trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng
Thường hay mơ thấy cảnh, ngỡ như ai
Nơi quán rượu, giữa cơn say lú lẫn
Đâm thẳng vào tim con nhọn hoắt lưỡi dao dài.

Chẳng phải thế đâu! Mẹ ơi! Đừng sợ!
Đó chỉ là ác mộng mà thôi,
Con đâu phải kẻ quá chừng bạc số
Để chưa gặp lại mẹ ở quê đã vội lìa đời.

Con vẫn dịu dàng như trước, như xưa
Và chỉ nghĩ làm sao mau chóng
Thoát khỏi những nỗi buồn náo động
Quay về cùng thấp nhỏ mái nhà ta.

Con sẽ về khi lá cành xanh mởn
Khoác lên vườn trắng xóa áo mùa xuân.
Chỉ xin mẹ đừng thức con dậy sớm
Như thuở nào, như trước đây tám năm.

Đừng nhắc lại giấc mộng vàng đã vỡ
Đừng khơi lên mơ ước đã không thành
Trong đời mình con đã đành phải biết
Mất mát và nỗi mệt giữa ngày xanh.

Và chớ dạy con nguyện cầu, chớ dạy!
Đường về xưa đã mất hẳn rồi.
Con chỉ có mẹ là niềm vui, niềm an ủi,
Chỉ có mẹ là ánh sáng dịu hiền thôi.

Nên mẹ hãy quên đi niềm lo lắng
Đừng âu sầu buồn nghĩ về con,
Đừng khoác tấm áo bông xác xơ cũ kỹ
Ra ngoài đường cái ngóng chờ trông!”

2.Cũng theo mạch cảm xúc tương tự nhưng nhà thơ Ba Lan Tadeusz Rozewicz lại viết về mẹ mình thông qua hình tượng đã được tập trung hóa: các bà cụ già. Bản ballade về các bà cụ già của ông  như một tráng ca mà càng đọc kỹ, ta càng thấm thía hơn ý nghĩa cao cả đến lớn lao của những người mẹ chúng ta, những bà cụ già “muối của đất” (bản dịch từ tiếng Nga của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

Tôi yêu các bà cụ già
các bà cụ già xấu xí
các bà cụ già trông thật là ghê

họ là muối của đất

họ không kinh tởm
những cặn bã của loài người

họ biết rõ mặt sau
huân chương
tình yêu
và niềm tin tưởng

lũ độc tài làm trò người ngợm
lũ độc tài leo lên rồi đổ xuống
tay lũ độc tài
đẫm máu

các bà cụ già luôn dậy từ sáng tinh mơ
đi mua bánh mì mua rau mua thịt
quét sân nấu bếp
đứng trước cửa nhà
im lặng
hai tay bắt chéo vào nhau 

các bà cụ già
bất tử

Hamlet quay cuồng trong lưới kiếp nhân sinh
Faust thủ vai đáng thương kệch cỡm
Raskolnikov  vung lưỡi rìu lên
các bà cụ già
luôn luôn bất diệt
các bà cụ già nhếch mép cười rộng lượng 

chúa chết
các bà cụ già vẫn thường trở dậy
đi mua bánh mì rượu cá

nền văn minh chết
các bà cụ già vẫn dậy từ sáng sớm tinh mơ
vẫn làm các việc thường ngày
mở cửa sổ ra
đi đổ rác

người chết
các bà cụ già
rửa ráy cho người mới khuất
chôn cất kẻ phải chầu giời
và trồng hoa
trên mộ

tôi yêu các bà cụ già
các bà cụ già xấu xí
các bà cụ già trông thật là ghê

họ tin vào cuộc đời vĩnh cửu
họ là muối của đất
gốc gác của cỏ cây
đôi mắt hiền từ của bầy gia súc 

họ nhìn rõ tựa ban ngày
tính hèn nhát và lòng dũng cảm
cái vĩ đại và sự nhỏ nhen kém cỏi

đúng theo các nhu cầu
đời sống
con trai họ phát hiện ra châu Mỹ
chinh phục vũ trụ|
chịu bị đóng đinh câu rút

các bà cụ già tự sáng sớm tinh mơ
vào thành phố mua bánh mì mua rượu
mua thịt nấu cơm canh
mở toang cửa sổ

chỉ có thằng ngu mới cười giễu cợt
các bà cụ già
các bà cụ già xấu xí
các bà cụ già trông thật là ghê

bởi đó là những phụ nữ vô cùng xinh đẹp
những người phụ nữ nhân hậu tuyệt vời
những người phụ nữ đã già
là mầm mống bào thai

là bí mật chẳng hề bí ẩn
là quả cầu mãi mãi đều quay 

các bà cụ già
là xác ướp
của những con mèo thần thánh thiêng liêng

đó là trái cây con suối
nhỏ bé nhăn nheo
đã khô héo cả rồi
đó là hình hài
Phật Bà, Đức Mẹ

khi họ chết
tự mắt chòi ra|
giọt lệ
và hòa quyện với nụ cười
nở trên môi
thiếu nữ…”

3. Làm con ai chẳng yêu kính mẹ mình. Thế nhưng, có lẽ chỉ khi sa cơ lỡ vận, chỉ những lúc không may vấp ngã trên đường đời, ta mới lại càng thấu hiểu hơn kích cỡ vĩ đại của người mẹ. Và khi ấy trong lòng ta trào dâng những nỗi xót xa đắng đót nhất và những ân hận vô biên vì những đau khổ mà ta bắt mẹ phải chịu vì ta, ngay cả khi ta không hề cố ý để chuyện đó xảy ra. Một sĩ quan công an, Đại tá Dương Tự Trọng, trong một cảnh huống của đời mình đã viết về mẹ như sau:

“Chỉ có mẹ thôi!
Chỉ có mẹ thôi!

Này là ốm đau,
Này là lạc lối.

Chẳng giận con,
Kiên trì nhẫn nại.

Lo lắng yêu thương,
Ngọt dịu lòng…

Chỉ có mẹ thôi!
Không bỏ con, dù thế nào đi nữa
Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.
Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời…

Chỉ có mẹ thôi!

Con vào đời vất vả.
Gần gũi mẹ ơi
Cao cả sáng ngời…

Chỉ có mẹ thôi!..”

Những dòng thơ này, khi tôi đọc, tôi có cảm giác không phải viết bằng mực mà bằng nước mắt, thứ nước mắt tinh khiết nhất chảy từ trái tim người đàn ông can trường nhưng long đong…

Lẽ nào ta không đồng cảm cùng anh?

Linh Vân
.
.